Sunday, September 22, 2019

Biệt xứ phùng cố nhân









Biệt xứ mà phùng cố nhân
Hỏi mừng hay giận, muốn gần hay xa?
Gặp nhau thì cũng cười xoà
Hỏi thăm con cháu nay đà bao nhiêu
Ngày xưa mong đợi thật nhiều
Ngày nay mong chỉ sáng chiều... yên thân
Cây si dạo đó bao lần
Hoa không kết trái tủi phần cho ai
Hoài công nắng sớm mưa mai
Người đi xây mộng riêng ai lạnh lùng
Già giờ thì cũng già chung
Khổ đau, hạnh phúc gần xong một đời
Đói no an phận lộc trời
Chỉ loan chưa buộc hẹn thời lai sinh
Trần gian đâu một sự tình
Thế nhân đâu chỉ riêng mình lao đao
Gặp đây gửi một lời chào
Chúc người an lạc vượng hào gia cang
Đường về nhẹ bước thênh thang
Tình riêng riêng bặt cung đàn từ lâu
Trăng lên vừa xế mái lầu
Thơ văn nhạc hoạ góp màu thảnh thơi

9/2019
Quang Dương

Monday, September 16, 2019

Cảm xúc một đêm Trăng











Trăng ơi Trăng đẹp vô ngần
Nép sau đỉnh núi Trăng dần hiện ra
Thế gian chỉ một Hằng Nga
Mà sao ai cũng nhận là của riêng?


Trăng đang lấp ló sau sườn đồi
Ghé mắt nhìn ra Trăng mỉm cười
Thế gian người sao đông quá vậy?
Trăng thì chỉ có một mình thôi

Mà sao ai cũng ngẩn ngơ kia
Mắc cỡ gì đâu, thôi Trăng về
Lỡ cái dung nhan kiều mị khẳm
Mòn thêm lớp phấn phải trau tria

Tôi cười tôi níu Trăng ở lại
Tôi không ngắm nữa, tôi chỉ... nhìn
Bóng Trăng đáy nước lung linh ảo
Mơ mộng những điều riêng rất riêng

Có phải Trăng là nụ thiên hoa
Hay Trăng ngọc nữ tự Ngân hà
Là cung thiềm quế trời trao tặng
Nhân thế bao đời mãi xuýt xoa?

Có phải Trăng là ngọn thiên đăng
Kỳ quan diễm lệ nguyệt đêm rằm
Trải khắp ánh vàng tơ óng ả
Suối nguồn lan toả tận xa xăm?

Trăng ngóng chờ ai đón đợi ai
Cô đơn một bóng ngẫm u hoài
Trăng có muốn tôi làm bầu bạn
Tâm tình chia sẻ chuyện hôm, mai?

Chuyện trên thiên giới cũng buồn vui?
Ngưu Lang Chức Nữ biệt phương trời
Ngọc Hoàng bận bịu xem sổ sách
Nam Tào, Bắc Đẩu ngạo Thiên Lôi?

Chuyện của Chú Cuội, chuyện Thỏ Ngọc
Bao nhiêu năm rồi cười hay khóc
Ngó xuống trần gian sầu hay tươi
Có mong trở lại thế giới người?

Hoặc Trăng muốn nghe chuyện Địa cầu
Chuyện người chuyện vật chuyện năm châu?
Hay Trăng biết rồi nên Trăng chỉ
Lửng lơ thơ thẩn mãi trên đầu?

Phải rồi chuyện người chán lắm Trăng
Đua chen, kèn cựa, giựt, tranh, giành
Đau thương, đói khổ và bất hạnh
Được một đòi mười hám hão danh

Hay thôi, để kể chuyện tình yêu
Con tim thổn thức nhớ thương nhiều
Thiên tiên cũng khóc tình tan vỡ
Ôm mối sầu mong lánh địa cầu?

Riêng người trần thế lại trông Trăng
Than với Hằng Nga thấu nỗi lòng
Thề non hẹn biển ngày xưa đó
Ai đã quên lời ai nhẫn tâm

Gom hết tình tự rót vào Trăng
Yêu, ghét, hoan, bi, oán, hận, lầm
Từ thuở khai thiên và lập địa
Ôi bao dung quá! Tấm lòng Trăng!

Nhưng Trăng vừa khuất ở đâu rồi?
Mới vằng vặc đây bỗng xẫm trời
Thôi tôi chẳng dám lan man nữa
Mời Trăng ra nhé, lại tinh khôi

Chung quanh bặt hết giọng ngâm êm
Bao nhiêu thi sĩ đổ đi tìm
Ai cũng van Trăng đừng trốn nữa
Cho đêm huyền ảo trữ tình thêm

Mủi lòng Trăng nhẹ vén mây ra
Lồ lộ dung quang sáng mọi nhà
Ai cũng ồ lên mà chiêm ngưỡng
Thơ vần nhạc điệu lại ngân nga

Nhờ thế giờ tôi được mời Trăng
Trên sân cùng bóng đi dung dăng
Thảnh thơi ngắm cảnh hồ thu bạc
Lâng lâng sảng khoái thích chi bằng

Trung Thu 2019
Quang Dương

Friday, September 6, 2019

Tản mạn tháng Chín


 Đầu tháng Chín dương lịch, tại quê hương thứ hai của người viễn xứ tiết trời bắt đầu dịu lại. Không gian đang dần dần có thêm những vạt gió hây hẩy man mát xua đi cái ngột ngạt của bầu không khí nóng bức. Trên cao đã bồng bềnh vài đám mây nhẹ trôi. Vào buổi tối, trời không còn oi hầm nữa mà có hôm lại se se lạnh. Đây là thời gian mong đợi của con người và mọi vật sau những tháng ngày phải chịu đựng cơn nắng hạn cháy da nung người, cây cối khô cằn, đất đai nứt nẻ. Vạn vật như được hồi sinh dẫu biết rằng sau những nhẹ nhõm dễ chịu rồi sẽ đến chu kỳ tạm ngưng sinh sôi phát triển của đa số thảo mộc. Lá bắt đầu chuyển từ màu xanh lục mát mắt sang màu vàng, quả bắt đầu ửng chín để đón chào mùa thu.

Cuối tháng Tám và đầu tháng Chín cũng là thời điểm học sinh tựu trường sau hai tháng rưỡi nghỉ hè. Nhìn các em học sinh tiểu học ăn mặc tươm tất, tóc tai gọn gàng, cặp sách đẹp đẽ tươi màu, rộn ràng theo cha mẹ, ông bà hay anh chị đến trường lòng tôi lại nao nao dấy lên những hoài niệm của chuỗi ngày thơ ấu rất xa xưa.
... 

Ngày ấy, vào tháng Chín trời Sài Gòn vẫn nắng chang chang. Tiếng dế mèn và ve sầu rền rĩ của tháng Sáu tháng Bảy hãy còn âm vang trong tâm tưởng. Những trò chơi trốn tìm, lò cò, nhẩy dây, đánh khăng đánh đáo, nghịch đất nghịch cát, trèo me trộm ổi hãy còn được đứa trẻ vô tư xem là chưa thoả thích đến độ làm rát bàn tay phỏng bàn chân bé nhỏ và đen đủi để biết thế đã là đủ. 

Dù gì, đứa bé bị cha mẹ lôi về thực tại với bộ quần soọc áo sơ-mi sạch hơn ngày thường và đôi guốc mộc với cái cặp nhựa và lọ mực tím không nhớ được mua cho lúc nào. Nó phải đi học như bao nhiêu đứa trẻ cùng trang lứa, không thể khác. Chỉ khác là đối với nó, chuyện phải ngồi yên một chỗ trong lớp, bàn tay lóng ngóng cầm bút nguệch ngoạc từng nét chữ trên trang giấy trắng và miệng ê a đọc theo lời cô giáo vất vả hơn chơi đùa nhiều và tất nhiên không thấy hứng thú chút nào. Ai dắt nó đến trường vào ngày đầu đi học? Mẹ, cha hay ông bà, anh chị? Cảm tưởng của nó thế nào? Nó không nhớ mà cũng không cần nhớ vì chuyện đó không quan trọng đối với nó.
...

Chẳng biết cảm nghĩ vào ngày đầu tiên đi học, ngày khai trường rồi tựu trường của đứa học trò 6, 7 tuổi ở thập niên 50 với em nhỏ học sinh lớp 1 lớp 2 hiện nay có khác nhau không? Cũng chẳng biết cái đoạn văn quen thuộc của nhà văn Thanh Tịnh: “... Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học...” mà các học trò tiểu học thời ấy đều được học có làm xao xuyến chút nào tâm hồn ngây thơ vốn ham chơi nhiều hơn ham học, thích nghịch phá nhiều hơn ngoan ngoãn và bị la rầy nhiều hơn khen ngợi của các em bé học sinh ở cả thời xưa lẫn thời nay?

Dòng đời lặng lẽ trôi qua, đứa nhỏ ngày xưa nay đã là một ông già lẩm cẩm. Buổi sáng tháng Chín ở một khu yên tĩnh của một thành phố nhỏ, ông khoác thêm chiếc áo ngoài mỏng, dắt tay đứa cháu 6 tuổi, đi bộ đưa cháu đến trường. Đợi cháu vào lớp xong mới quay về. Vừa bước đi chầm chậm trong màn sương sớm ông vừa lãng đãng hoá thân trở về quá khứ, cố tìm lại cho chính mình cái cảm xúc đã không thèm biết đến hơn sáu mươi năm về trước: Hôm nay tôi đi học...

9/2019
Quang Dương