Chiếc Đèn Kéo Quân (truyện ngắn)

Để tưởng nhớ anh tôi, Bùi Quang Minh, sĩ quan Tiểu đoàn 5
            Quân y, Sư đoàn 5 BB QLVNCH


Anh Minh hơn tôi sáu tuổi và là con trai trưởng trong nhà, sau chị Vân, là chị cả. Dưới anh là chị Mai, thua anh bốn tuổi, rồi đến tôi. Trong nhà chỉ có chị Vân và anh là được bố mẹ tôi xem như người lớn, còn chị Mai và tôi thì bị coi như hàng trẻ con, ăn chưa no, lo chưa tới, chỉ biết chơi đùa nghịch ngợm. Anh tôi thông minh và lanh lẹ hơn tôi nhiều.  Khi tôi hãy còn là đứa bé lên bảy, lên tám, chỉ biết lê la chạy nhảy với các bạn cùng xóm thì anh đã tỏ ra chững chạc lắm rồi. Sau khi anh thi đậu vào lớp đệ Thất trường Chu Văn An, bố mẹ tôi mua thưởng cho anh chiếc xe đạp “Pơ Giô” để đi học.


Trước đó, mỗi khi cần đi đâu, anh cứ phải dùng cái xe đạp cũ, chạy kêu lách ca lách cách và hay bị tuột xích. Hoặc thì anh chờ chị Vân đi học về để mượn xe. Chị tôi giữ gìn xe của chị rất kỹ. Mỗi lần anh hỏi mượn, chị không cho thì anh nói: “Chị để em chạy xe cho mau cũ đi, rồi mai mốt bố mẹ mua cho chị xe khác đẹp hơn và cho em cái này chứ”. Chị tôi biết cái tính láu lỉnh của anh tôi đã tính không cho mượn, nhưng rồi cũng phải chịu, vì trước sau gì anh cũng sẽ tìm cách lấy xe. Được cái anh cũng hay chở tôi ngồi đằng sau chạy chơi đây đó, và khi về thì bảo tôi lấy giẻ lau xe qua loa, nên chị cũng không phàn nàn gì nhiều. Từ ngày có xe mới, anh không phải mượn xe của chị nữa, nhưng phần tôi thì cũng không khác gì hơn. Tôi vẫn phải làm cái chân lau xe, chỉ khác là được lau và ngồi đằng sau xe mới.  Hai anh em tôi chở nhau trên chiếc xe bóng nhẫy, chạy khắp khu phố, trước những cặp mắt thèm thuồng của đám bạn.


Năm đó, gần tết Trung Thu. Một hôm, anh Minh chở tôi chạy sang tận Chợ Lớn, khu đường Đồng Khánh, để xem những hàng quán bày biện bánh trái, lồng đèn xanh đỏ rất đẹp mắt. Anh tấp xe vào lề đường trước tiệm bánh Trung Thu Đông Hưng Viên. Đây là tiệm bánh nổi tiếng thời bấy giờ, bánh bán rất chạy. Dân thành phố thời đó ưa chuộng hiệu bánh này. Tôi còn nhớ những tên gọi từng loại bánh mà với đầu óc ngây thơ của tôi, tôi chẳng hiểu nghĩa là gì như “Thất Tinh Bôn Nguyệt”, “Trạng Nguyên Dục Nguyệt…”. Ngay khoảng sân trước tiệm là một quầy bán bánh với đủ các loại bánh nướng, bánh dẻo, và có những chú người Hoa đang đứng làm bánh ngay tại chỗ. Với đôi tay thuần thục, các chú nhanh nhẹn bốc từng khoanh nhân bánh đã chuẩn bị sẵn cho từng loại, nhét vào miếng bột đã cán dẹp, bao nhanh lại rồi ấn vào cái khuôn gỗ nhìn như cái chày hình chữ nhật. Sau vài cái nhấn tay cho cục bột chắc chắn đã in vào hết lòng khuôn, chú mới cầm cái khuôn lên lật ngược và đập mạnh xuống. Một cái bánh trắng ngà vuông vức, in hình hai con rồng, rơi ra nằm gọn trên mặt bàn. Chú thợ xếp cái bánh vào khay sắt, trên đó đã có những cái khác nằm chờ, để khi nào bánh đầy khay sẽ được đưa vào lò nướng. Tất cả những động tác trên diễn ra nhanh lắm, chưa đầy một phút đã xong một cái bánh.


Trong lúc tôi đang mải mê xem các chú thợ làm bánh thì anh Minh kéo tay tôi ra, dắt sang tiệm bên cạnh và nói:


-Ra đây xem cái này hay lắm.


Tôi còn đang ngạc nhiên chưa biết chuyện gì, anh đã chỉ tay vào trong tiệm rồi nói:


-Nhìn kìa đèn kéo quân.


Tôi ngước nhìn theo hướng tay anh thì quả thật có một chiếc đèn lồng hình lục giác, khung trắng, vành đỏ, có những dây tua rua kim nhũ ngũ sắc cột rủ mỗi góc, đang treo ở giữa phòng, với những bóng hình chạy vòng quanh in trên lớp lụa trắng mỏng. Đây là một tiệm bán đèn lồng và các đồ vật ưa dùng trong mùa Trung Thu. Bày biện và treo ngổn ngang trong tiệm, ngoài cái đèn kéo quân là những đèn xếp cô tiên, đèn con cá, con phượng, con ngựa, con rồng….lộng giấy bóng kính xanh, đỏ, vàng, rất bắt mắt. Ngoài ra còn có cái đầu lân to tướng đầy màu sắc, với hai con mắt ốc nhồi trợn ra như hai cái bát ăn cơm, và cái mồm ngoác rộng như muốn nuốt chửng người ta.  Thuở đó, đèn kéo quân thường được nhập từ Hồng Kông, và là một món hàng đắt tiền không phải cha mẹ nào cũng có khả năng mua cho con chơi tết Trung Thu. Nó đắt không chỉ vì nó lạ mắt, đẹp dáng, mà còn vì phải tốn nhiều công khó để làm nó nữa. Anh tôi và tôi cùng ngước mặt nhìn chiếc đèn. Những bóng đen hình người và thú in trên lớp vải trắng mờ mờ, bao bọc chung quanh chiếc đèn, đang di chuyển chầm chậm.


-Kìa! Hình con rồng kià, con lân kìa –Anh nói.


-Có hình con cá to kìa. –Tôi xen vào.


-Ừ, cá chép vượt vũ môn đấy. Anh đáp.


- Có hình con công nữa. –Tôi lại nói.


- Không phải, hình con phượng đấy. –Anh sửa sai cho tôi.


-A! Có chị Hằng kìa. –Tôi reo lên.


-Không phải, hình cô tiên đang múa. –Anh đập vào vai tôi.


-Thế có chú Cuội với cây đa và thỏ ngọc không?


-Không, làm gì có chú Cuội ở đây.


-Kià! Ông vua kìa.


-Ông Quan Đế đấy.


-Ông Quan Đế là ông gì?


-À… là ông tướng, ở bên Tàu.


Cứ thế, hai anh em chúng tôi nhìn chiếc đèn không chớp mắt, và trao đổi qua lại những gì chúng tôi thấy. Chợt anh kéo tôi bước tới dưới chiếc đèn và nhìn ngước lên. Tôi nhìn theo thì thấy trong chiếc đèn kéo quân có cái bóng đèn điện đang tỏa sáng, và một cái lồng đang quay. Anh đang lẩm bẩm điều gì, thì vừa lúc một người làm trong tiệm, ý chừng thấy chúng tôi có vẻ chỉ thích nhìn ngắm mà không mua bán gì, nên xấn tới nói:


-Hày, hông mua thì da ngoày choi li.


Anh đắt tay tôi bước ngay ra khỏi cửa hàng, mở khoá, lấy xe bảo tôi leo lên “boọc-ba-ga” chở về. Trên đường về  nhà, hình ảnh chiếc đèn kéo quân cứ hiện ra trong đầu óc tôi. Tôi nói:


-Đèn kéo quân đẹp quá anh nhỉ?


Anh vừa đạp xe vừa đáp nhát gừng:


-Ừ!


Tôi lại nói:


-Cái đèn đó đắt không vậy anh?


-Đắt!


Hỏi thì hỏi vậy, và dẫu còn nhỏ tôi cũng biết là đèn kéo quân đắt lắm. Không đắt sao cái đèn lại được cửa tiệm trịnh trọng treo giữa phòng, và chỉ mới đứng nhìn một lúc thôi, người nhà đã muốn đuổi tụi tôi ra, ý chừng sợ anh em chúng tôi làm hỏng rồi không có tiền đền. Một lúc sau tôi lại tò mò:


-Mà sao mấy cái hình nó chạy được vậy anh?


Lần này giọng anh dịu hơn:


-Nó chạy được là vì…à có chong chóng bên trong.


Tôi hãy còn thắc mắc định hỏi tiếp chợt anh reo lên:


-Mình sẽ làm một cái đèn kéo quân.


Tôi ngạc nhiên, tưởng tai nghe lầm. Tôi chưa kịp hỏi thì anh lại nói:


-Mình sẽ xin tiền bố mẹ mua tre, mua giấy về làm.


Tôi chưa hết ngạc nhiên hỏi:


-Anh biết làm đèn kéo quân à?


Anh đáp nhanh:


-Chưa biết nhưng rồi sẽ biết.


Vừa lúc đó xe đạp về đến nhà. Anh Minh cất xe rồi chạy nhanh vào phòng khách, tôi lẽo đẽo theo sau. Anh mở ngăn kéo tủ sách lấy ra một xấp báo rồi lật tìm. Tôi thắc mắc hỏi:


-Anh tìm gì vậy?


Anh không trả lời cứ tiếp tục tìm. Một thoáng sau anh thốt lên:


-A! đây rồi.


Tôi ghé mắt nhìn thì ra tờ “Tuổi Xanh”, tạp chí dành cho thiếu nhi. Tờ báo bố tôi thường đem về nhà cho anh chị em tôi đọc. Bố tôi là một nhà giáo. Ông rất khó trong việc học của anh chị em tôi. Ông thường để mắt tới những sách truyện anh chị em chúng tôi đọc ngoài sách học. Riêng tờ “Tuổi Xanh” thì đặc biệt bố tôi là một trong những người sáng lập ra tờ báo, nên không những không ngăn cản, mà còn khuyến khích xem, miễn là đừng bê trễ việc học. Ông nói:” Đây là tờ báo giáo dục và giải trí cho thiếu nhi, do một nhóm nhà văn và nhà giáo chủ trương, nên các con có thể đọc được”. Anh tôi rất thích tờ báo này và luôn giữ lại sau khi đọc xong.Tôi và chị Mai cũng được xem nhưng tôi chỉ thích xem những truyện bằng tranh thôi. Tôi còn nhớ hai nhân vật Vui và Nhè rất buồn cười trong những truyện tranh đó. Anh lật nhanh từng trang rồi lại reo lên:


-Đây rồi!


Tôi thấy trên trang giấy là hàng chữ lớn: “Cách Làm Đèn Kéo Quân”. Dưới đó là những hàng chữ nhỏ hơn và hình ảnh với nhiều chi tiết. Anh ngồi xệp xuống đất đọc chăm chú. À bây giờ thì tôi hiểu. Anh Minh đã đọc tờ báo những ngày trước đây và đã biết trong đó có bài viết chỉ cách làm đèn kéo quân. Có lẽ anh cũng không có ý định làm một chiếc đèn như vậy, cho đến khi anh tình cờ nhìn thấy chiếc đèn kéo quân ở tiệm bán lồng đèn, và vì anh em tôi đã bị xua đuổi bởi nhân viên cửa tiệm do ngắm nhìn đèn hơi lâu.


Khi anh thưa chuyện với bố tôi về ý định làm đèn, bố tôi xem qua bài báo rồi gật gù nói:


-Ừ, con cứ làm đi, bố cho tiền mua vật liệu, nhưng nhớ phải lo học bài làm bài trước đã. Vật liệu cần để làm đèn không khó tìm, chỉ là những thứ thường thấy trong nhà, vì mục đích của bài viết là muốn khuyến khích thanh thiếu nhi tự làm lấy đèn kéo quân mà không phải tốn kém gì nhiều.


Anh tôi mừng lắm. Có bố đồng ý lại cho tiền mua vật liệu thì còn gì bằng. Có gì khó hỏi bố, bố còn chỉ cho nữa. Anh bảo tôi:


-Chiều mai mình đi mua vật liệu về làm đèn.


Tôi thắc mắc:


-Mình mua gì vậy anh?


-Thì mua tre, giấy bóng mờ, dây thép nhỡ, dây thép nhỏ, hồ dán. Mấy thứ đó thôi, còn vài cái lặt vặt thì chắc trong nhà có rồi.


Trong tâm trí non nớt của tôi hồi đó tôi không thể nào hình dung ra được là chỉ cần những thứ đơn giản như thế mà làm thành cái đèn kéo quân sao?


 Ngày hôm sau, khi đi học về, anh chở tôi đi mua những vật liệu nói trên. Giấy bóng mờ, hồ dán, dây thép thì dễ rồi, mua ở tiệm tạp hoá nào mà chả có. Chỉ có tre, tôi không biết anh sẽ mua ở đâu. Tôi hỏi:


-Mình mua tre ở đâu hả anh?


Anh nói ngay:


-Mua ở Chợ Thiếc.


Tôi hỏi để mà hỏi thôi chứ anh tôi chở đi đâu thì tôi đi đó. Ngày đó tôi có biết Chợ Lớn với Chợ Thiếc là chợ gì. Chỉ biết Chợ Thiếc thì gần nhà hơn Chợ Lớn. Anh lại nói tiếp:


-Bây giờ mình sẽ đi Chợ Thiếc mua tre trước, xong mới về tiệm tạp hóa Hồng Phát gần nhà mua giấy bóng mờ, hồ dán và dây thép.


Thế là anh Minh chở tôi sang Chợ Thiếc. Không biết anh dò hỏi ai từ bao giờ mà anh đạp xe đến ngay nhà của một gia đình người Hoa trong con hẻm nhỏ. Căn nhà này đã nhỏ lại tối. Trong nhà, ngoài sân bày la liệt những giỏ cần xé to nhỏ đã và đang đan. Ở một góc nhà bên trong, và dọc theo tường nhà bên phải, là những cây tre to nhỏ dài ngắn đủ cỡ xếp vừa đứng vừa nằm. Một người đàn ông gầy gò, ra dáng chủ nhà, đang xếp những giỏ cần xé đã đan xong vào từng chồng, thấy chúng tôi đến nhưng không ra tiếp, mắt chỉ liếc chừng. Anh tôi bảo tôi giữ xe rồi tiến lại:


-Tôi muốn mua tre.


Người chủ nhà gấm gẳng:


-Ỏ lây hông pán che.


Anh tôi lại nói:


-Tôi chỉ mua một cây ngắn thôi. Ông có cây nào cưa dở dang tôi mua giá cao.


Ý chừng ham lợi, người chủ nhà tươi nét mặt, chỉ đống tre đã cắt đôi hoặc xẻ nửa, dài ngắn đủ cỡ:


-Ló, nị tói ló lựa li.


Anh tôi chọn một ống tre ngắn, cao chừng bằng đến vai tôi, to bằng gần hai vòng bàn tay của tôi rồi trả tiền. Khi ra xe, anh bảo tôi cầm ống tre nằm kẹp xuôi theo mạn sườn cả hai anh em, hướng ra đằng trước, để một đầu tựa trên “ghi-đông”. Trên đường về tôi hỏi:


-Sao người chủ nhà lúc đầu không chịu bán vậy anh?


Anh đáp:


-Người Tàu họ không tin mình. Với lại mấy cây tre đó là nguyên liệu để họ đan cần xé. Họ không bán nguyên liệu vì sợ xui.


Tôi lại hỏi tiếp:


-Tại sao lại xui?


-Ờ… thì cũng như tự mình đập vỡ nồi cơm của mình ấy mà.


Tôi không hiểu tại sao lại xui như đập vỡ nồi cơm nhưng chắc là xui lắm. Không biết anh tôi học những điều đó ở đâu. Hình như cái gì anh cũng biết. Nhưng rồi tôi lại vẫn thắc mắc:


-Vậy sao anh không đến mua ở những tiệm bán tre thôi?


-Mấy tiệm bán tre ở xa lắm. Với lại họ không bán lặt vặt. –Anh đáp.


 Về đến gần nhà chúng tôi rẽ vào tiệm Hồng Phát mua giấy bóng mờ, hồ dán và dây thép xong về nhà.


Hôm sau, vừa đi học về anh bảo tôi:


-Thứ Bảy này là tết Trung Thu rồi. Phải bắt đầu ngay đi là vừa.


Anh lấy tờ báo “Tuổi Xanh” ra, lật đến trang có bài dạy làm đèn kéo quân, xem lại rồi nói:


-Mình phải chẻ cây tre ra thành những nan tre to bằng ngón tay út để làm khung đèn.


Nói rồi anh giục tôi chạy đi lấy ống tre vẫn để ở chái nhà từ hôm qua, đem ra sân sau nhà cạnh cái bàn mộc, là nơi bố tôi và anh vẫn thường sửa chữa đồ đạc hư hỏng. Khi tôi quay về, anh đã đứng ở đó tay cầm sẵn con dao phay dày bản của mẹ tôi vẫn dùng để chặt những thức ăn có xương cứng khi làm bếp, và cái chày giã cua đồng. Anh bảo tôi cầm ống tre thẳng đứng, tựa một đầu trên cái thớt đã để sẵn dưới nền gạch, xong kê lưỡi dao vào đầu trên và dùng chày đập một nhát trên sống dao. Lưỡi dao cắm phập xuống đầu ống tre. Anh đập thêm vài nhát nữa, thớ tre phát ra những tiếng kêu tanh tách theo đường dao đi xuống, tẽ ống tre ra làm đôi một cách dễ dàng. Anh giải thích:


-Bây giờ mình chẻ nửa này ra thành chín cái nan, sáu cái làm khung đứng của đèn và ba nan nữa làm khung hai đầu.


Nói rồi anh làm ngay. Chỉ một thoáng sau chín nan tre đã nằm trên mặt đất. Anh lại nói:


-Em đi lấy con dao nhỏ phụ anh tước cạnh sắc.


Tôi chạy vào bếp tìm con dao nhưng không thấy. Tôi nói vọng ra:


-Em không tìm thấy con dao.


Anh tôi gọi vọng vào:


-Nó ở cạnh cái “gác-măng-giê”, chỗ gá dao ấy.


Dáo dác nhìn quanh, tôi vẫn không thấy con dao nhỏ đâu. Quái thật, cái con dao chuôi màu vàng, mà mẹ tôi vẫn thường dùng để gọt khoai, cắt chanh đâu rồi? Đang loay hoay không biết tính sao thì chợt nghe tiếng anh tôi nói to:


-Không cần tìm nữa. Nó đây rồi.


Tôi chạy trở ra, thấy trên tay anh đã cầm con dao nhỏ đưa cho tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi:


-Con dao ở đâu vậy anh?


Anh trả lời giọng có vẻ hơi bực:


-Thì nó ở trong buồng chị Vân chứ đâu. Còn nguyên một đống vỏ xoài trên bàn nữa. Biết ngay mà.


Trong lúc anh dùng dao phay rọc đứt những mấu tre ở đốt, tôi dùng dao nhỏ tước những cạnh của nan tre. Anh bảo tôi lấy giẻ bọc một đầu để cầm cho khỏi đứt tay. Những cạnh nan tre cả bốn phía, nhất là phía ngoài cật, thật sắc, sơ sẩy là có thể đứt tay chảy máu như chơi. Vừa làm tôi vừa phục những người đan giỏ tre và những đồ dùng bằng tre. Họ phải đụng chạm bàn tay, quanh năm suốt tháng, với những thanh tre, nan tre sắc như dao cạo thế kia mà vẫn không sao.


Cặm cụi một lúc rồi cũng xong. Anh tôi chuẩn bị chặt sáu nan tre cho dài bằng nhau, cỡ đến đầu gối. Anh kê con dao phay vào chỗ đã đánh dấu, xong dùng chày đập nhè nhẹ vòng quanh nan tre rồi mới đập một nhát mạnh. Anh nói:


-Phải cắt từ từ như vậy nó mới không bị dập.


Sáu nan tre làm khung đứng đã cắt xong. Bây giờ đến ba khung cho hai đầu. Anh lấy ba nan tre còn lại, cắt ngắn cho vừa chiều daì chỉ dẫn trong tờ Tuổi Xanh, và dùng thước kẻ đo và đánh dấu phiá bên trong thành sáu đoạn ngắn cỡ một gang tay của anh. Anh bảo:


-Bây giờ mình phải dùng dao khứa vào chỗ đánh dấu lấy bớt gỗ tre ra, chỉ để chừa lớp vỏ cứng bên ngoài.


Tôi thấy anh cầm con dao nhỏ kê nan tre vào chiếc ghế đẩu và ấn lưỡi dao vào một chỗ đánh dấu trên nan tre. Nhưng chợt anh ngưng lại nói:


-Dao cùn rồi. Em đi lấy hòn đá mài ra đây.


Tôi chạy ngay ra sàn nước lấy hòn đá mài, mà mẹ tôi vẫn thường sai anh mài dao cho bà, đem vào cho anh. Anh lại nói:


-Em ra lấy một gáo nước nữa.


Khi tôi mang gáo nước vào, anh cầm con dao nhúng vào nước rồi liếc lưỡi dao xuống hòn đá mài. Liếc mặt này rồi sang mặt kia, Thỉnh thoảng lại nhúng lưỡi dao xuống gáo nước. Biết tôi đang chăm chú nhìn, anh nói:


-Em để ý nhé, mài dao là phải mài một chiều thôi. Mài hai chiều là “mất lưỡi” đấy.


 Áng chừng khi dao đã đủ sắc, anh tiếp tục công việc dở dang lúc nãy. Nhờ dao sắc, anh không cần dùng sức nhiều. Anh nghiêng lưỡi dao khứa mạnh xuống hai bên chỗ đánh dấu, lấy ra một miếng gỗ tre nhỏ hình tam giác. Riêng ở hai đầu nan, anh cũng dùng dao gọt vạt chéo đi bên trong và khoét sâu chung quanh một rãnh nhỏ. Nhìn anh chăm chú làm, tôi không dám hỏi những điều thắc mắc, vì sợ anh bị sao lãng, sẽ đứt tay hay làm hỏng nan tre. Sau khi làm xong cả ba nan tre, anh bẻ từng nan theo vết cắt để thành ba cái khung hình lục giác. Anh bảo tôi:


-Em đi lấy cuộn dây thép nhỡ với cái kìm ra đây.


Tôi vội chạy vào nhà lấy cuộn dây thép mua hôm qua và cái kìm đưa cho anh. Lòng háo hức chờ xem anh làm sao để mấy nan tre trở thành cái khung đèn. Khi đem ra thì thấy anh đang xem lại lời chỉ dẫn trong báo. Anh cầm kìm cắt một đoạn dây thép daì khoảng một gang tay của tôi rồi dùng nó buộc nối hai đầu khung lục giác. Anh dùng kìm xoắn dây cho chặt mà vẫn để chừa hai đầu dây thép một đoạn. Lúc thấy anh khoét rãnh ở hai đầu nan tre, tôi không hiểu để làm gì. Bây giờ thì tôi biết tại sao rồi, nhưng lại thắc mắc chuyện khác:


-Anh để chừa hai đầu dây thép làm gì thế?


Anh trả lời:


-Để buộc vào cái nan đứng. Khỏi tốn thêm một sợi dây. Em cắt cho anh một sợi bằng sợi lúc nãy đi.


Tôi cầm kìm cắt một đoạn dây rồi đưa cho anh. Anh buộc cái khung lục giác thứ nhì xong, bảo tôi cầm cả hai khung để đứng trên bàn, hướng chỗ nối có những sợi dây thép về một bên. Anh nhặt một nan tre để vào một chỗ nối, phía cật tre hướng ra ngoài, cách đầu nan một đoạn ngắn, rồi quấn sợi dây thép quanh nan tre này một vòng, xoắn hai đầu dây lại với nhau và quặp đoạn dây đã xoắn xong vào bên trong. Anh làm tiếp như vậy với khung kia ở đầu còn lại. Anh bảo tôi bỏ tay ra. Hai khung tre lục giác đã đứng yên được trên bàn, dù hãy còn rung rinh lắm. Anh thở ra khoan khoái và nói:


-Tạm được rồi. Thôi mình nghỉ một lúc, đi uống nước.


Hai anh em chúng tôi rửa tay xong lấy mỗi người một cốc nước lọc bỏ đá cục vào cho lạnh rồi uống. Vừa uống tôi vừa hỏi:


-Sao chỉ cần hai khung ở hai đầu mà anh làm đến ba khung vậy?


-Ờ… rồi em sẽ biết. –Anh nói.


-Mình làm xong khung đèn thì dán giấy bóng hả anh? –Tôi lại hỏi


Anh tôi nuốt hết ngụm nưóc rồi nói:


- Chưa, còn phải làm nhiều việc. Báo chỉ nhiều thứ lắm, Để tối nay anh hỏi bố. Thôi ra buộc dây cho xong cái khung rồi còn học bài.


Nói rồi anh đi ngay ra sân tiến lại cái bàn mộc. Anh bảo tôi cắt dây thép thành từng đoạn, ngắn hơn hai đoạn đầu tiên lúc nãy, và dùng chúng để buộc năm nan tre còn lại vào hai cái khung lục giác. Cái khung đèn bây giờ đã thành hình nhìn giống như cái trống sáu cạnh chưa có vỏ bọc. Sau đó anh buộc dây thép cho cái khung lục giác thứ ba, và để sang một bên. Anh tôi bảo tôi:


-Thôi dọn dẹp đi rồi còn học bài, bố sắp về rồi. Mai làm tiếp.


Tối hôm đó, trong lúc đợi ăn cơm, anh Minh đem cái khung đèn và tờ “Tuổi Xanh” đến cho bố xem rồi hỏi:


-Bố, tụi con làm xong cái khung rồi. Bố xem có đúng với báo chỉ không?


Bố tôi, vừa nhìn cái khung, vừa lướt qua bài báo rồi bảo:


-Các con làm đúng đó, nhưng nhớ dùng thước “ê-ke” đo lại xem cái khung có ngay ngắn thẳng góc không. Còn phải gắn thêm giá để giữ khung đèn cho vững, và làm chỗ tựa cho cái tán nữa. Làm cái tán phải cẩn thận, không có kim đâm vào tay.


Tôi không hiểu tán là cái gì, tại sao lại có kim trong đó?. Bố tôi chỉ dẫn cho anh tôi thêm một lúc rồi nói:


-Thôi, con cứ làm xong cái tán đi đã. Có gì hỏi bố sau.


Sau khi cơm nước xong, anh tôi hỏi mẹ tôi:


-Mẹ, nhà mình có mấy cái nút bấc không?


Mẹ tôi đang xếp bát đĩa vào chạn hỏi lại:


-Con hỏi làm gì?


-Con làm đèn kéo quân. Mẹ để đâu vậy?


-Ờ…hình như ở ngăn kéo chỗ cái “xích-đông” ấy.


Anh tôi chạy ngay đến “xích-đông”. Tôi cũng lót tót theo sau. Anh mở ngăn kéo tìm và lôi ra được bốn cái nút bấc còn mới. Tôi hỏi:


-Nút bấc để làm gì vậy anh?


- Ờ…để đỡ cái tán cho nó quay.


Càng lúc tôi càng thắc mắc không biết cái tán là cái gì, mà cả bố tôi và anh tôi có vẻ chú tâm đế nó lắm. À mà anh vừa nói cái tán nó quay. Vậy chắc là nó là cái chong chóng, làm cho mấy cái hình người và thú vật quay đây. Đêm hôm đó tôi đi ngủ mà hình ảnh chiếc đèn kéo quân cứ lẩn quẩn mãi trong đầu. Tôi không biết khi làm xong nó có giống như chiếc đèn ở tiệm người ta hay không?


Hôm sau, đi học về, cơm nước xong anh Minh bảo tôi:


-Mình phải chẻ thêm nan tre nhỏ để làm giá đỡ và làm tán.


Hai anh em lại đến chỗ cái bàn mộc. Anh không quên cầm theo tờ Tuổi Xanh và cái thước “ê-ke”. Vẫn với vật liệu chính là tre, dây thép, anh Minh khéo léo gắn thêm dàn giá đỡ cho cái khung và một cây trục có cái vòng tròn bằng nẹp tre to bằng cái vành giá vo gạo. Anh vừa dùng tay xoay xoay cây trục, vừa thở phào ra khoan khoái nói:


-Ha! giống như cái lọng che, có điều chưa có mái.


Thấy anh vui, tôi hỏi:


-Mình phải làm mái cho nó nữa hả anh?


Anh tôi cười:


-Ừ, làm mái. Nhưng là… mái dột.


-Sao lại mái dột?


Anh tôi lại cười, chắc vì đã trêu được cái ngây thơ khờ dại của tôi:


-Thì phải dột nó mới quay đưọc chứ. Không dột làm sao nó quay.


Tôi vẫn đực mặt ra không hiểu anh tôi nói gì. Thấy vậy, anh tội nghiệp xoa đầu tôi và không cười nữa:


-Để làm xong anh giải thích cho. À mà có khi chưa xong em cũng đã hiểu. Thôi, em đi lấy lọ hồ và cái kéo cho anh, cái kéo nhỡ nhỡ ấy.


Khi tôi quay lại với lọ hồ và cái kéo, đã thấy anh trải một tờ giấy trắng khổ to trên bàn. Anh dùng thước và bút kẻ những đường thẳng và những đường hơi cong trên tờ giấy, rồi lấy kéo cắt giấy ra thành những dải dài. Anh khoét một lỗ nhỏ ở tâm điểm một dải giấy, bôi hồ chung quanh, và bảo tôi giữ cây tán cho thẳng đứng, rồi xỏ nó vào cây trục mặt bôi hồ úp xuống. Anh nhẹ tay ấn dải giấy xuống cho đến khi nó chạm bốn cánh tay nan tre. Anh nói:


-Phải đợi hồ khô rồi mới dán cánh.


Anh bảo tôi khoét lỗ tâm điểm cho các dải giấy, trong lúc anh đi vào nhà. Tôi ngồi tỉ mẩn làm một lúc thì thấy anh ra tay cầm bốn cái nút bấc, một cái nắp nhựa đen, hai cái nắp chai “li-mô-nát”, mấy cái kim gút. Anh đặt chúng lên bàn, rồi cầm lấy cây tán, xem lại dải giấy có dính vào trục chưa, rồi anh xoắn nhẹ một đầu giấy, và dùng hồ dán đuôi giấy vào mép cái nẹp tròn. Anh xoay cái tán cho đầu giấy bên kia hướng về phía anh rồi cũng làm như vậy. dải giấy bây giờ đã nằm dính vào cây tán, hai đầu giấy uốn cong như hai cái cánh chong chóng. Tuần tự, anh làm sáu dải như vậy đến khi xong, cây tán đã có mười hai cánh chong chóng. Anh bảo tôi đặt cái khung đèn trên bàn, Nhẹ nhàng nâng cây tán và đặt theo chiều thẳng đứng hướng từ trên xuống cho cây tán lọt vào trong lòng khung đèn. Anh vừa giữ vừa xoay nhè nhẹ cây tán và nói:


- Chắc được.


Nói rồi anh nhấc cây tán ra đặt trên bàn và ngồi duỗi ra thoải mái. Thấy vậy tôi chạy đi lấy cho anh cốc nước đá lạnh rồi đưa nhận xét:


-Mấy cái cánh chong chóng này là mái của cái tán anh nói đấy hả?


-Phải rồi. Nhờ mấy cái cánh này như những cánh chong chóng, mà cái tán mới quay tròn được. Bây giờ thì em hiểu rồi chứ? Nếu cái mái này mà kín hết thì làm sao nó quay. –Anh trả lời sau khi uống xong ngụm nước lạnh.


À, thì ra cái tán quay được là nhờ có cánh chong chóng, như cái chong chóng xếp bằng miếng giấy vuông mà tôi vẫn hay cầm hong ra gió cho nó quay. Mà chắc cái tán quay thì mấy cái hình người và thú quay theo. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu cái gì làm nó quay? Phải có gió thổi thì nó mới quay chứ. Mà đèn kéo quân để trong nhà không có gió sao nó vẫn quay?


-Nhưng đèn để trong nhà không có gió thì làm sao cái tán nó quay được anh? –Tôi lại hỏi tiếp.


-Ờ..thì em đoán đi. – Anh tôi đáp.


Aí chà, anh tôi bảo tôi đoán cái này thì tôi chịu thua thôi. Tôi thuộc loại học dốt lại ham chơi, chưa bị bố mẹ cho ăn đòn hay la mắng nhiều, chắc vì tôi còn nhỏ. Bây giờ bắt tôi đoán xem làm sao không có gió mà cái tán nó quay thì tôi đầu hàng là cái chắc. Nhưng tôi cũng chợt nhớ là ở trong nhà mấy cái quạt máy phải cắm điện thì nó mới quay nên đoán đại:


-Chắc mình phải gắn điện cho cái tán hả anh?


Anh tôi không khỏi phì cười:


-Phải gắn điện thì anh em mình mất công làm cánh chong chóng làm gì.


-Vậy tại sao nó quay được? Em chịu thua rồi.


-Em phải suy nghĩ nữa đi. –Anh tôi chưa chịu tha cho tôi.


Khó thật! Anh tôi sao rắc rối không chịu chỉ cho tôi ngay đi mà còn bắt tôi suy nghĩ nữa. Ừ, hay là người ta bắt một cái giây cót vào cái trục tán, rồi mỗi lần muốn cho nó quay, người ta vặn giây cót cho nó quay. Nhưng chắc cũng không đúng, vì như vậy đâu cần làm cái tán với những cánh chong chóng. Rõ ràng là cần có gió để cái tán nó quay, nhưng lấy gió ở đâu bây giờ? Hay là lấy quạt giấy quạt cho nó? Nhưng cái đèn kéo quân ở tiệm nó có cần ai quạt đâu mà vẫn quay đều. Tức thật! Chắc tại tôi còn nhỏ quá nên tôi chưa biết. Thấy tôi ngồi đực mặt ra anh tôi thương hại:


-Em nghĩ đi, tại sao cái đèn kéo quân nó chỉ quay khi có đốt nến, còn không đốt nến thì nó không quay?


À, có vụ đốt nến nữa mà tôi không để ý. Nhưng đốt nến là để có ánh sáng rọi mấy cái hình người và thú vật lên khung đèn, chứ sao lại làm quay cái tán được? Và rồi nhớ lại, cái đèn kéo quân ở tiệm không đốt nến mà dùng bóng đèn điện nó vẫn quay. Tôi hỏi anh:


-Nhưng sao cái đèn ở tiệm không đốt nến, nó thắp sáng bằng bóng đèn điện mà vẫn quay?


-À, bóng đèn điện cũng được, miễn có hơi nóng tỏa ra là được.


Ồ, hơi nóng tỏa ra. Vậy là hơi nóng tỏa ra từ ngọn nến hay bóng đèn điện đang cháy sáng làm quay cái tán. Tôi reo lên:


-A, em biết rồi, có phải khi đốt nến, hay bật sáng bóng đèn điện trong đèn kéo quân, thì hơi nóng tỏa ra làm quay cái tán không anh?


Anh tôi xoa đầu tôi tỏ ý hài lòng và giải thích thêm:


-Đúng đấy. Em giỏi lắm. Nến cháy hay bóng đèn sáng sưởi nóng bầu không khí chung quanh nó. Không khí nóng đó ở trong đèn thì nhẹ mà lại bị che kín chung quanh, nên chỉ có một lối thoát là bốc thẳng lên, như một làn gió đi xuyên qua những cánh chong chóng, làm quay cái tán. Không khí lạnh ở dưới đèn sẽ tự động được hút vào, thế chỗ, và tiếp tục được suởi nóng rồi bốc lên. Cứ như thế, chừng nào nến còn cháy hay bóng đèn còn sáng thì cái tán còn quay. Bây giờ anh em mình phải làm nốt những việc còn lại cho cái tán rồi còn đi học bài.


Anh Minh lấy hai cái nút bấc khoét lỗ, gắn vào trục cây tán, ở trên và dưới tâm của những cánh chong chóng để giữ những cánh này dính chặt vào trục. Anh cũng gắn hai cây kim gút ở hai đầu trục. Anh cầm thẳng cây tán, đặt đầu dưới có cái kim nhọn xuống mặt bàn, rồi nhẹ tay xoay xoay cây trục cho nó quay vòng tròn, vừa xoay vừa nghiêng đầu nhìn. Anh nói:


-Chắc được. Không lệch lạc gì cho lắm. Em nhớ nhé, cây tán quan trọng lắm. Nếu nó không ngay ngắn, thẳng thắn và đều đặn thì nó sẽ không quay đâu.


Nói xong anh lấy giấy bọc hai đầu kim và cất tán trên kệ cao.


-Thôi mình dọn dẹp rồi đi học bài. Mai làm tiếp -Anh giục tôi.


Qua hôm sau, anh Minh đã hoàn tất các công việc cần làm cho khung đèn và tán. Cái tán đã có thể được đặt vào trong khung đèn bằng cách đưa từ bên trên xuống. Cây kim ở đầu trục tán bên dưới chui qua giữa một cái nút bấc, tựa trên một nắp nhựa đen, gắn ngay tâm của khung lục giác đế đèn . Cây kim ở đầu trên cây trục được giữ bằng cái nút bấc gắn ở tâm khung lục giác rời đậy lên trên. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao phải làm thêm một khung lục giác rời rồi.


Anh tôi dùng tay quay nhẹ. Cái tán nhẹ nhàng xoay đều trong lòng khung đèn. Tôi thắc mắc:


-Thế lỡ quay lâu cái đầu kim bên dưới nó nhọn nó làm thủng cái nắp nhựa thì sao anh?


-Anh đã lót một miếng gỗ bên trong nắp, còn lâu mới thủng nổi. Mình chỉ sợ là đầu kim sẽ cùn, làm tán khó quay. Cây kim này của bố cho, bố bảo nó rất cứng, chắc cũng còn lâu kim mới mòn. Mà có mòn mình thay cái khác không khó. –Anh trả lời tôi.


-Bây giờ mình đốt nến xem nó có quay không đi anh? –Tôi háo hức nói.


-Không. Mình phải phất giấy bóng trước đã. –Anh tôi đáp.


-Ủa, sao anh không thử trước đi. Lỡ nó không quay mình còn sửa trước khi phất giấy? –Tôi lại hỏi.


-Ờ, không được. Mà đố em tại sao đó. –Anh vừa nhìn tôi vừa nói.


Khổ rồi, lại đố nữa. Làm sao tôi biết được tại sao phải phất giấy xong rồi mới thử đèn? Sao không nhân tiện cái khung chưa phất giấy, thử đốt nến lên xem nó có quay không? Nếu có gì trục trặc, cần sửa, thì sửa lúc khung đèn chưa bị bao bọc kín bởi lớp giấy bóng mờ, vẫn dễ hơn chứ? Cái điệu này chắc cũng lại chịu thua luôn thôi. Đã bảo tôi thuộc loại “dốt đặc cán mai” mà. Tức quá! Tại sao phải phất giấy trước khi thử? Tôi đã có ý nghi ngờ, nhưng anh tôi đã nói thì tôi phải tin. Anh nói bao giờ cũng đúng, và anh nổi tiếng thông minh trong nhà, nói gì cũng như đinh đóng cột thì tôi cứ việc nhắm mắt mà tin. Không lôi thôi gì cả. Tôi đành xuống nước:


-Em chịu, không biết. Tại sao vậy anh?


Chắc không muốn mất thì giờ, vì cũng đã trễ hơn bình thường, anh giải tỏa thắc mắc cho tôi:


-Tại em không nhớ. Hôm qua anh đã giải thích rồi. Nhưng thôi, để anh nói rõ thêm cho em biết rồi mình làm nhanh còn tắm rửa học bài nữa. Này nhé, nguyên tắc hoạt động của đèn kéo quân như em đã biết, là hơi nóng từ ngọn nến hoặc bóng đèn đang cháy làm nóng bầu không khí chung quanh nó. Không khí nóng này nhẹ bốc lên cao, làm quay cây tán có những hình nhân treo trên đó. Muốn cho luồng khí này bốc lên mạnh để đủ sức làm quay tán, đèn phải làm theo hình ống tròn, vuông hoặc lục giác, và phải được che kín chung quanh bằng giấy hoặc vải. Nếu không che kín chung quanh, không khí nóng không được tập trung trong đèn, sẽ tỏa ra chung quanh nhiều và sẽ không đủ sức làm quay tán. Mình phải phất giấy bóng trước khi thử đèn là vì lý do đó. Thôi bây giờ phải gắn hai cái nắp chai vào để làm chỗ cắm nến rồi còn phất giấy nữa.


Anh lấy hai cái nắp chai “li-mô-nát” ra, dùng “tô-vít” nhỏ nậy cho sạch lớp “li-e” bên trong, rồi dùng đinh nhỏ và búa đóng cho thủng hai lỗ nhỏ trên mỗi cái. Anh bảo tôi cắt cho anh hai sợi dây thép, lần lượt anh xỏ dây qua mỗi cái nắp,và buộc vào đoạn nan tre nằm ngang ở đế đèn. Xong anh giở cuộn giấy bóng mờ ra bàn, dùng thước đo, đánh dấu rồi cắt thành một tấm hình chữ nhật dài. Anh bảo tôi lấy hộp hồ bôi bên ngoài một cây nan đứng của khung đèn, trong lúc anh dở cái khung lục giác bên trên và nhấc cái tán ra ngoài. Khi tôi bôi hồ đến nan đứng thứ ba, thì anh bắt đầu dán tờ giấy bóng mờ lên một ô chữ nhật của khung đèn. Anh thật khéo tay, các cạnh nan đứng có bôi hồ giữ dính phần đầu tiên của tờ giấy bóng mờ anh đang cầm trên tay một cách thẳng thắn và gọn gàng. Lần lượt khi tôi bôi xong hồ cho cái nan cuối, và đứng xích ra ngoài, thì anh cũng đang phất giấy cho ô chữ nhật cuối cùng. Khi anh ngừng tay, cái đèn đã được bao bọc chung quanh bằng một lớp giấy bóng mờ trắng. Anh nói:


-Thôi dọn dẹp sơ sơ rồi đi tắm rửa học bài. Trễ rồi đấy. Để tối nay ăn cơm xong đưa bố xem trước khi mình thử.


Tối đó, ăn cơm xong, không chờ anh hỏi, bố tôi đã gọi anh và bảo mang đèn cho bố xem. Khi anh mang chiếc đèn vào và lắp cái tán, bố tôi chăm chú xem xét, thử dùng tay quay cái tán rồi bảo anh dùng dây buộc treo cái đèn lên trần nhà, thả xuống ngang tầm mắt. Bố nói:


-Con nhớ buộc dây cho đều. Lấy ba sợi dây gai buộc vào ba góc đèn, đo cho đều, cân cho ngay, rồi hãy thắt nút chúng lại. Cái đèn mà nghiêng là cái tán không quay đâu.


Tôi phụ với anh loay hoay treo được chiếc đèn thì nghe bố gọi to:


-Mẹ nó ơi, có muốn ra xem cái đèn kéo quân của con nó làm không này, cả cái Vân với cái Mai nữa.


Mẹ tôi đang rửa tay, nghe bố tôi gọi vội bước đến. Chắc mẹ cũng muốn thấy cái đèn anh em tôi làm xem nó ra làm sao.


-Gớm, mấy hôm nay chỉ thấy chúng nó chúi đầu vào làm đèn, chẳng sai bảo gì được. Đâu, cái đèn đâu nào? Không biết có nên cơm cháo gì không? -Mẹ tôi vừa lau tay vào khăn vừa nói.


Bố tôi bảo anh tôi lấy một cây nến để đốt đèn. Bố nói:


-Con phải để ý đừng đốt nến cao quá có thể cháy cây tán. Lúc châm lửa cũng phải cẩn thận không cháy đèn


Anh tôi chọn một cây nến, lấy thêm một cây khác đốt lửa lên hơ nóng chân cây nến đang cầm trong tay, rồi nhanh nhẹn một tay giữ đèn, tay kia luồn xuống dưới đế đèn, cúi đầu gắn cây nến vào một trong hai cái nắp chai đã buộc sẵn ở nan tre ngang. Giây phút quan trọng bắt đầu. Tôi hồi hộp nhìn anh, tay cầm hộp diêm đánh một que diêm cháy sáng, mồi lửa sang một que tre dài, rồi hơi run run đưa vào châm cây nến cắm trong đèn. Cây nến bắt lửa, sáng lên từ từ. Anh rút tay lại, thổi tắt que tre  đang cháy dở, mắt không rời chiếc đèn. Ánh sáng của ngọn nến chỉ đủ làm sáng nửa dưới chiếc đèn, hắt ánh màu vàng lên lớp giấy bóng mờ. Cả nhà đều hướng mắt về chiếc đèn, mong đợi một chuyển động của cây tán. Nhưng sao kìa? Sao không thấy cây tán nhúc nhích? Đợi thêm một phút nữa, vẫn không động tĩnh gì, anh bước tới dùng tay khẽ xoay nhẹ cây tán từ bên trên. Cây tán quay được một lúc thì từ từ đứng yên. Thấy anh bắt đầu tỏ vẻ bối rối bố tôi nói:


-Con thử thắp thêm một cây nến nữa xem sao. Đổi nến to hơn và cao hơn một chút. Thường lúc mới đầu, các chỗ tiếp xúc của trục kim cây tán còn bị ma sát, chưa được trơn tru, cần đốt nhiều nến hơn bình thường. Bố đã xem kỹ độ cân bằng của đèn và tán rất tốt. Chắc không có vấn đề gì đâu.


Anh tôi làm theo lời bố. Anh chọn hai cây nến thân to bằng ngón chân cái của tôi. Lần này ánh nến tỏa sáng cả chiếc đèn, và quả nhiên cái tán đã quay nhè nhẹ. Tôi thấy nét mặt anh rạng rỡ hẳn ra. Hai mắt anh long lanh nhìn như muốn thôi miên vào cái tán. Tôi cũng xúc động không kém. Công trình khó nhọc mấy ngày qua của anh em tôi bây giờ đã có kết quả. Không kìm được nỗi vui sướng, tôi vỗ tay và reo to lên:


-A! Cái tán quay rồi, cái tán quay rồi.


Cả bố tôi và mẹ tôi đều mỉm cười, dường như cùng hòa chung nỗi mừng vui với chúng tôi.


-Ừ, thật bõ công nhé. Nhưng sao đèn kéo quân mà chẳng có hình với bóng gì cả vậy? -Mẹ tôi hỏi.


Chưa ai trả lời mẹ thì chị Vân và chị Mai ở trong buồng, chắc nghe ồn ào đã bước ra.


-Tụi nó làm được đèn kéo quân rồi hả mẹ? Cái đèn đâu vậy? -Chị Vân vừa đi tới vừa hỏi.


-Kìa, nó kia kìa. -Mẹ tôi chỉ tay về phía chiếc đèn.


-Ơ, đèn kéo quân đây ấy hả? Sao xấu thế? Sao không có hình? -Chị Mai phán cho một câu thẳng ruột ngựa.


Tôi thấy anh tôi trừng mắt nhìn chị Mai định trả đũa thì chị Vân lên tiếng:


-Cái con Mai này. Cái đèn cũng được đấy chứ. Nhìn giống cái đèn ngủ.


 Bố tôi lên tiếng, chắc để giải toả thắc mắc cho mẹ tôi và hai chị:


- Mấy mẹ con không biết gì hết. Mới thử đèn thôi chứ chưa xong. Nhưng cái tán nó quay được là coi như xong rồi. Mấy cái hình người, hình thú thì chỉ cần cắt ra rồi treo vào thôi. Đèn nhà làm thì làm sao đẹp bằng ở tiệm. Nhưng muốn đẹp cũng dễ, gắn thêm cái vành nhô ra ở trên, lấy giấy màu, giấy hoa trang hoàng nó lên thì nó đẹp chứ gì.


-Thế hai đứa tính cắt hình gì vậy? -Mẹ tôi hỏi.


-Con sẽ cắt hình Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt, Ngô Vương Quyền cầm kiếm đứng trên thuyền, Hưng Đạo Vương cưỡi voi và vua Quang Trung cưỡi ngựa. Có cả quân lính nữa. –Anh tôi trả lời.


-Em cắt cho chị hình Hai Bà Trưng cưỡi voi cầm kiếm nữa đi, cả hình Chùa Một Cột nữa.  Để chị đưa hình cho em “căn-kê”. Trường chị học có nhiều hình Hai Bà Trưng lắm. -Chị Vân xen vào.


-Được rồi, hình Hai Bà Trưng em cũng có rồi. Em tính thử không nói đến xem chị có nhớ không thôi. –Anh vừa nhìn chị vừa cười lém lỉnh.


Thấy anh chị tôi bàn nhau về việc cắt hình, sợ mất phần tôi vội lên tiếng:


-Em muốn có hình mặt trăng, cây đa và chú Cuội nữa.


-Cả chị Hằng với thỏ ngọc nữa chứ. -Chị Mai xen vào. À cho con mèo tam thể nhà mình vào luôn nhe.


Anh tôi lừ mắt nhin chị Mai, nói như gắt:


-Lúc nãy chê đèn xấu sao bây giờ đòi để hình? Cho con mèo vào để nó xé nát cái đèn hả?


-Ơ, em nói hình nó thôi chứ bộ. -Chị chống chế.


Thấy mấy anh chị em chúng tôi bàn tán sôi nổi về việc cắt hình cho cái đèn, bố mẹ tôi đã lẳng lặng bỏ đi lúc nào. Ngay tối hôm đó, tôi đã thấy anh Minh ngồi “căn-kê” mấy cái hình trong quyển truyện Việt Sử bằng tranh ra giấy trắng dày. Tôi cũng đi tìm hình cây đa và chú cuội trong cuốn truyện tranh của thiếu nhi. Ngoài những hình này, tôi còn tìm hình mặt trăng, chị Hằng, thỏ ngọc và con mèo theo lời nhờ vả của chị Mai, vì chị bảo chị rất kém về thủ công. Tôi bắt chước anh Minh lấy giấy trắng “căn-kê” mấy tấm hình này. Thấy tôi để ý đến nhiều chi tiết quá, anh bảo:


-Em không cần phải vẽ cả mắt, mũi, mồm như vậy. chỉ cần cái đường viền bên ngoài và vài nét ở bên trong, để khi cắt ra, nhìn giống như cái bóng vậy. Mà đừng vẽ hình to như thế, vẽ vừa vừa như anh vẽ đây này, vẽ to không đủ chỗ.


Cặm cụi một lúc thì hai anh em tôi cũng cắt xong những hình cần thiết như đã bàn tính. Trước khi dọn dẹp, anh lấy bút chì ghi tên của từng cái hình lên mặt giấy để dễ nhận diện. Ngoài hình các danh nhân như anh đã nói, tôi còn thấy anh cắt cả những hình khác nữa. Đêm hôm đó, tôi đi ngủ mà hình ảnh chiếc đèn kéo quân với những bóng hình người và vật, dù mới là dự kiến, đã chạy vòng quanh theo vào trong giấc mộng.




Sáng hôm sau ngủ dậy đã là ngày thứ Bảy. Hôm nay là rằm tháng tám rồi. Tối hôm nay sẽ vui lắm, vì trẻ con sẽ được chơi rước lồng đèn đi khắp khu phố. Nhà nào cũng không ít thì nhiều, có treo đèn Trung Thu. Anh Minh cẩn thận xem lại chiếc đèn và những hình giấy đã cắt tối hôm qua. Anh dặn tôi ở nhà đừng đi chơi đâu, chờ anh đi mua vài món đồ mẹ tôi dặn rồi sẽ về ngay, tiếp tục công việc gắn hình cho đèn. Mấy hôm nay hai anh em tôi chỉ chăm chú làm đèn. Anh không đạp xe đến nhà bạn, và tôi quên cả chuyện chơi bắn bi, tạt lon với tụi trẻ con trong xóm như mọi khi. Lòng tôi cũng náo nức như anh, chỉ muốn mau hoàn thành chiếc đèn, xem khi có hình rồi, nó hiện cái bóng ra như thế nào. Vì thế anh vừa đi, tôi lấy ngay mấy tấm hình cắt anh để trong ngăn kéo bàn học ra xem lại. Nhìn hình danh nhân anh hùng như Phù Đổng Thiên Vương cuõi ngựa quất roi, hai vó trước của ngựa đang chồm lên; Ngô Vương Quyền đứng trên thuyền chỉ thanh kiếm xuống dòng sông và những hình khác do anh cắt, tôi thấy anh thật khéo tay. Những đường cong, góc cạnh và cả những chỗ phải luồn mũi kéo vào giữa hình để cắt, anh đều làm được và nhìn giống như thật. Tôi còn đang mải mê xem những tấm hình cuối thì anh đã về tới. Anh cất xe và bảo tôi mang hết hình cắt ra bàn mộc, rồi đi lại chỗ chiếc đèn hãy còn treo từ tối hôm qua. Tôi vừa đi vừa nghĩ không biết anh sẽ dán cái hình cắt lên cái tán như thế nào? Khi anh vừa đem cái tán đến. Tôi không nén được thắc mắc:


-Làm sao mình dán mấy cái hình đã cắt lên cái tán được hả anh?


-Mình không dán, mình treo nó thôi. Em đưa anh cuộn dây thép nhỏ và cái kìm. -Anh trả lời.


 Sau đó anh lấy thước đo chiều cao cây tán, dùng kìm cắt ra nhiều cọng dây thép nhỏ như sợi cước theo hai cỡ dài và ngắn khác nhau.


Tôi hỏi anh:


-Anh gắn hình thành hai nhóm hả?


-Ừ, phần trên sẽ là hình các danh nhân nước mình và hình chùa Một Cột, phần dưới là hình chị Hằng chú Cuội, cây đa, thỏ ngọc, con mèo và các hình khác. –Anh trả lời.


Nói rồi anh bắt đầu chăm chú làm không nói câu nào. Khi gắn xong cái hình cuối cùng, anh đứng dậy vươn vai , nét mặt hả hê. Anh đưa hai ngón tay cầm lấy đầu cây tán xoay nhè nhẹ. Cây tán quay chầm chậm kéo theo những hình cắt gắn trên nó. Anh chăm chú nhìn những hình này xem có lệch lạc xiêu vẹo gì không. Sau khi sửa lại vài tấm không được ngay ngắn, anh nhấc cây tán lên ước lượng sức nặng của nó rồi nói:


-Không nặng lắm. Hy vọng vẫn quay được. Bây giờ bỏ vào đèn được rồi.


Anh cùng tôi đem cái tán đến chỗ treo cái khung đèn rồi anh cẩn thận nâng cái tán, từ từ đặt vào trong đèn. Khi anh vừa đậy xong cái khung lục giác rời lên trên thì chợt có tiếng chuông cửa. Anh bảo tôi chạy ra mở cửa, thì ra là anh Bách và anh Hoàng.


Anh Bách là con của bác Quỳnh, chị họ của mẹ tôi. Bác còn ở lại ngoài Bắc sau 54 và anh di cư vào Nam có một mình. Anh Hoàng là con của bác Giao, chị kế mẹ tôi, nhà ở khu Bàn Cờ. Hai anh đều gọi bố mẹ tôi là chú và cô. Anh Bách hơn tôi đến mười lăm tuổi và vào ngày đó, anh đã là giáo sư việt văn rồi. Còn anh Hoàng thì bằng tuổi anh Minh, học cùng trường Chu Văn An. Hai anh rất thân với gia đình tôi và bố mẹ tôi cũng rất quý mến hai anh, nhất là anh Bách, vì không những anh có kiến thức sâu rộng, uyên bác về văn học, lịch sử mà anh còn rất đàng hoàng, tế nhị và lịch thiệp khó ai bằng. Những ngày lễ tết, anh Bách thường đến thăm bố mẹ tôi và hay cho quà anh chị em tôi. Đặc biệt vào dịp tết Trung Thu, chúng tôi hay được anh cho nhiều loại đèn như đèn xếp, đèn quả bưởi, đèn cái quạt, đèn con bướm, đèn con thỏ… để treo trong nhà ngoài hiên. Anh còn chu đáo mua thêm nến to nhỏ đủ loại để thắp đèn và thường là có cả bánh nướng bánh dẻo. Anh Hoàng thì hay cho tôi những món đồ chơi nho nhỏ và nhất là những sách truyện bằng tranh cho thiếu nhi. Vì thân tình như vậy nên chúng tôi rất vui mừng khi có hai anh đến. Tôi reo to lên để cả nhà nghe thấy:


-Mẹ ơi, có anh Bách, anh Hoàng đến thăm. Em chào anh Bách, anh Hoàng. Mời hai anh vào.


Anh Bách xoa đầu tôi và đưa cho tôi một túi đồ cầm nặng tay. Vừa bước vào nhà anh vừa nói:


-Em mang vào để tối nay thắp đèn. Hộp bánh thì đưa cho mẹ. À, anh nghe anh Hoàng nói anh Minh và em đang làm đèn kéo quân phải không? Đã xong chưa?


Tôi chưa kịp trả lời thì đã nghe hai anh lên tiếng chào mẹ tôi vừa từ trong buồng bước ra:


-Chúng cháu chào cô ạ.


-À, chào anh Bách, chào cháu. Mời anh vào chơi. Gớm, anh lại còn cho chúng nó quà gì nữa thế. Cám ơn anh, anh mua làm gì cho phí tiền. -Mẹ tôi đáp lời hai anh rôì gọi to: “Mai ơi, rót nước mời anh Bách với anh Hoàng đi con”.


Mẹ thường gọi anh Bách là anh xưng tôi theo kiểu người Bắc dù anh là vai cháu gọi mẹ tôi bằng cô, có lẽ vì anh đã trưởng thành, không kém tuổi mẹ nhiều và vì mẹ tôi rất quý trọng anh.


-Thưa cô, có gì đâu, chỉ mấy cái đèn Trung Thu thôi. Cho các em chúng nó vui ấy mà. Cháu với Hoàng cũng đến để xem hai em làm đèn kéo quân đến đâu rồi. Thưa chú có nhà không ạ? –Anh nhã nhặn trả lời rồi hỏi về bố tôi.


-À ông nhà tôi lại thăm mấy ông bạn. Chắc lại họp bàn về báo “Tuổi Xanh” gì đây. Mời anh ngồi chơi.


Tôi chỉ nghe đến đó rồi vì sốt ruột với chiếc đèn kéo quân chưa biết anh Minh đã thử đốt nến chưa nên vội đưa cho mẹ tôi hộp bánh nướng, anh Bách giao cho lúc nãy, và cầm cái túi đèn anh cho, chạy ngay vào nhà trong. Vào đến nơi đã thấy anh Hoàng đang cùng anh Minh đang đứng cạnh chiếc đèn nói chuyện về những tấm hình cắt. Tôi xen vào nói với anh Minh:


-Anh Bách cho nhà mình đèn Trung Thu nhiều thứ lắm này anh.


Anh Minh lấy mấy cái đèn xếp mới tinh ra đặt trên bàn. Anh nói:


-Anh Bách đã cho đèn năm ngoái rồi năm nay lại cho nữa. Năm ngoái cháy mất bốn cái nhưng vẫn còn đủ dùng. Bây giờ có thêm là thừa rồi. Nhà anh Hoàng có cần thêm đèn không? Anh cầm về bớt nhé.


Anh Hoàng vội thoái thác:


-Không, bên anh còn nhiều. Anh Bách cũng mua cho nhà anh nhiều đèn lắm. À này Dương, anh cho em mấy cuốn truyện tranh với mấy cái nắp chai của anh Toàn cho em này. –Anh nói xong đưa cho tôi một cái túi nhỏ.


-Ồ, cám ơn anh. Anh Toàn bận không đến chơi hả anh? –Tôi nói.


-Toàn phải ở nhà chuẩn bị lồng đèn để thắp tối nay.  –Anh đáp.


Anh Toàn là em út của anh Hoàng, nhưng anh cũng hơn tôi đến hai tuổi, tuy vậy anh rất thân với chị Mai và tôi. Mỗi khi gặp nhau, chúng tôi bày trò chơi bán hàng, ô quan, nhảy dây rất vui vẻ. Mở vội cái túi ra xem, tôi thấy ngoài ba cuốn truyện tranh còn có mười mấy cái nắp chai nước ngọt đủ loại mà bọn trẻ con chúng tôi hay gọi là nút phéng. Có cả nắp chai bia 33 nữa. Mấy cái nắp chai này tôi thích lắm, vì đó là thứ đồ chơi thịnh hành thời bấy giờ. Mỗi loại nắp có giá trị như tiền vậy. Như nắp “li-mô-nát”, “kem-sô-đa” là một đồng, nắp “bia-lây” là 5 đồng, nắp bia lớn là mười đồng, nắp bia 33 là hai mươi đồng. Sau khi cậy bỏ lớp “li-e” mềm, đập dẹp là có thể dùng để chơi đánh đáo, tạt nút phéng…. Tôi còn đang mải nhìn quà thì anh Bách và mẹ tôi đã vào tới bên cạnh. Anh Minh nói:


-Em chào anh ạ.


 Mẹ tôi nhìn tôi hỏi:


-Lúc nãy anh Bách cho quà con đã cám ơn anh chưa?


Chợt nhớ là chưa cám ơn, tôi vội hướng về anh Bách nói:


-Em cám ơn anh đã cho quà.


Anh Bách vội đáp:


-Thưa cô đừng bắt tội em. Cô cứ xem cháu như người nhà ạ.


-Thôi anh ở đây xem các em chúng nó làm đèn nhé. Tôi xin vào trong có tí việc. -Mẹ tôi nói xong đi vào buồng.


Còn lại mấy anh em với chiếc đèn đã treo xong, anh Bách ngắm nghía chiếc đèn rồi lên tiếng:


-Các em làm được đèn kéo quân là giỏi đấy. Ngày còn nhỏ anh cũng có thử làm rồi. Phải mất cả tuần mới xong. Ngày ấy chưa có sách báo chỉ dẫn như bây giờ.


-Tụi em có bố chỉ cho nữa chứ đọc báo không cũng chưa chắc đã xong đâu anh ạ. –Anh Minh tiếp lời.


-Ở nhà anh làm đèn kéo quân không đẹp bằng cái này. Minh với Dương khéo tay thật. -Anh Hoàng thêm vào.


-Ơ, anh Minh làm hết đấy, em chỉ đứng phụ thôi. –Tôi vội cải chính.


-Cám ơn các anh. Bây giờ để em đốt nến lên xem cái tán nó có quay không. Chiếc đèn sẵn sàng rồi. –Anh Minh nôn nóng.


Nói rồi anh lấy hộp diêm, quẹt một que cho nhá lửa, mồi sang một cọng tre, rồi châm hai ngọn nến đã gắn sẵn từ hôm qua. Ánh sáng nến rọi bóng của những tấm hình cắt lên màn giấy bóng mờ không rõ lắm, vì là ban ngày. Lần thử đèn này anh em tôi cũng hồi hộp không kém lần thử tối hôm qua, vì không biết khi đã gắn thêm những tấm hình cắt cùng những cọng dây thép nhỏ vào thì cái tán có hề hấn gì không. Chỉ sợ nặng quá nó không quay được. Cả bốn anh em im lặng chờ đợi, mắt không rời chiếc đèn. Nhưng may quá, cái tán bắt đầu quay rồi kìa tuy hơi chậm. Tôi lại là người reo lên trước tiên:


-A! Hoan hô, cái tán quay rồi.


Nét mặt anh Minh dãn ra, môi nở nụ cười sung sướng nhìn những bóng hình in trên mặt giấy quay từ từ. Như vậy là thành công rồi. Mẹ tôi cùng hai chị Vân và Mai chắc nghe tiếng tôi reo đã đi tới. Hai chị chào anh Bách, anh Hoàng rồi cùng đứng xem đèn. Anh Bách đến gần đèn nhìn qua và nói với anh Minh:


-Tối nay em thử thay hai cây nến to hơn và cao hơn một chút. Khoảng cách từ ngọn nến đến đầu tán hãy còn xa. Để nến cao hơn sẽ rọi bóng ra đều hơn. Với lại đèn để trong nhà bí hơi không có sức quay nhanh bằng để ngoài sân thoáng khí hơn. À mà những hình em chọn rất có ý nghĩa. Đó là biểu tượng của tinh thần quật khởi, bất khuất chống quân xâm lược từ phương Bắc của toàn dân nước ta. Hình ảnh danh lam cũng tiêu biểu cho truyền thống văn hóa Việt.


-Cám ơn anh, em đọc trong báo “Tuổi Xanh”. Báo gợi ý thôi. –Anh Minh khiêm tốn trả lời.


-Ban ngày nhìn bóng không rõ lắm anh nhỉ. -Chị Vân cho nhận xét.


-Đến tối tắt đèn điện đi nhìn mới đẹp. Mấy cái hình hiện bóng lên rõ lắm. Anh Bách giải thích.


Trong lúc các anh chị lớn trao đổi ý kiến về chiếc đèn, tôi và chị Mai chỉ lẳng lặng đứng nhìn những bóng đen quay tròn quanh màn giấy bóng mờ. Tôi chú ý nhìn kỹ bóng chú Cuội và cây đa còn chị Mai chắc chị cũng đang để mắt tới bóng chị Hằng, thỏ ngọc và con mèo tam thể của chị. Chị không nói gì có lẽ vì đang có anh Bách và anh Hoàng bên cạnh. Chị vốn thẳng tính lại bộc tòa, bộc toạc, hay nói to. Chắc chị ngại lỡ nói ra điều gì không đúng hai anh cười. Đã nhiều lần mẹ mắng chị: “Con gái mà vô ý vô tứ. Nói năng chẳng có đầu có đũa gì cả”.Mẹ mắng thì mắng và thỉnh thoảng có dùng roi đe nẹt thì chị vẫn tính nào tật nấy, không thay đổi. Được cái chị cũng hay quên, không để tâm điều gì lâu. Bỗng chị khều tôi nói nhỏ, tay chỉ vào chiếc đèn:


-Phải chị Hằng với thỏ ngọc kia không?


-Đúng rồi. Có cả mặt trăng lớn làm cái nhà cho chị Hằng với thỏ ngọc ở bên trong đó. –Tôi trả lời.


-Cái hình cạnh đó là hình cây đa với chú Cuội ngồi bên dưới phải không?


-Phải rồi chú Cuội ngồi gốc cây đa mà. Mấy cái tiếp theo là hình trẻ em đang nối đuôi nhau rước đèn đó, rồi đến hình em bé chăn trâu.


-Sao không có hình con mèo?


-À, có hình con mèo chứ, mà em đố chị con mèo ở đâu?


Chị bắt đầu to giọng:


-Đâu có hình con mèo đâu. Chắc anh Minh ghét chị chê đèn xấu, không cho con mèo vào rồi.


-Có chứ. Tại chị không chịu nhìn kỹ thôi.


-Cái hình nó cứ chạy làm sao nhìn kỹ được. Đâu nó đâu?


Sợ chị sốt ruột lại tương ra mấy câu khó nghe, tôi nói:


-Chị để ý nhìn dưới chân chị Hằng. Con mèo nằm đó chứ đâu.


Chị tôi chờ cho cái bóng chị Hằng thỏ ngọc quay đến vừa tầm rồi nhìn chăm chú. Xem lại đến lần thứ hai chị mới nói:


-Có phải nó nằm cạnh con thỏ và chân chị Hằng không? Nó nằm gì giống như bị chị Hằng đạp lên người vậy. Tưởng nó là cái vạt áo chị Hằng chứ.


Có lẽ mấy câu cuối cùng chị nói hơi lớn tiếng nên cả nhà cười ồ lên. Anh Minh trêu chị thêm:


-Thì phải để chị Hằng dùng chân giữ con mèo chứ. Để nó chạy rông nó cắn chết con thỏ sao.


Cả nhà lại được dịp cười to hơn. Anh Hoàng, ý chừng thấy chị lộ ý vừa tức vừa xấu hổ, vội lên tiếng:


-Không phải đâu, tại cái bóng nó làm em khó nhìn ra thôi. Con mèo nằm cạnh chân chị Hằng đó. Anh Minh bảo anh là vì không đủ chỗ, nên anh ấy cho con mèo vào chung chỗ của chị Hằng với thỏ ngọc. Mèo và thỏ cùng giống không ăn thịt nhau đâu.


Chị Mai bấm tay tôi rồi bỏ chạy vào buồng chị Vân, không ra nữa.


Các anh chị nói chuyện thêm một lúc thì mẹ tôi từ dưới bếp đi lên tay cầm hai đĩa xoài một to một nhỏ đã gọt vỏ, cắt ra từng miếng nhỏ cùng mấy cái nĩa cắm trên đó và một xấp giấy lau tay. Mẹ đặt cái đĩa to và xấp giấy lên bàn rồi cầm đĩa nhỏ đưa cho anh Bách nói:


-Mời anh Bách dùng xoài nhé. Hoàng ăn xoài với các em cháu nhé.


-Cám ơn cô, cô cứ để mặc tụi cháu. –Anh Bách vội đáp.


-Trưa nay anh ở lại dùng cơm nhé, cả Hoàng nữa. Đã lâu rồi anh mới đến chơi. Nhà chỉ có cơm canh rau đậu thôi, anh đừng ngại. -Mẹ lại nói.


-Cháu cám ơn cô, cơm cô làm thì nhất rồi nhưng tiếc quá, xin cô cho cháu khất lại bữa khác. Hôm nay cháu đã có hẹn. –Anh Bách trả lời rồi anh quay qua anh Hoàng nói: “Hoàng có muốn ở lại ăn cơm với các em không?”


-Cám ơn cô, cháu cũng phải về còn chuẩn bị đèn nến tối nay thắp Trung Thu. Cháu phải chỉnh lại cái đèn kéo quân ở nhà nữa. Anh Hoàng trả lời.


Mẹ tôi và chúng tôi cố níu kéo hai anh nhưng không được. Mẹ bảo chị Vân xếp sẵn hai túi trái cây, những trái cây này mẹ vẫn thường mua để ăn dần trong nhà. Khi hai anh từ giã đi về, mẹ đưa cho mỗi anh một túi và nói:


-Hoàng cầm hộ cô về nói cô biếu mẹ. Tôi gửi anh Bách anh mang về dùng, xoài cát trong Nam ngọt lắm. Anh đừng có từ chối đấy.


Biết khó mà chối từ, anh Bách đành phải nhận túi trái cây. Anh lên xe Mô-bi-lét chở anh Hoàng ra về. Anh chị em tôi lưu luyến nhìn theo. Không biết khi đưa anh Hoàng về đến nhà, anh có bắt anh Hoàng phải nhận hết hai túi trái cây hoặc anh chỉ lấy vài quả tượng trưng không. Tính anh vẫn vậy, Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu.


Tối hôm đó, cả nhà tôi ăn cơm sớm để có thì giờ hưởng tết Trung Thu. Lúc chiều anh Minh, chị Mai và tôi đã gắn nến và treo những cái đèn xếp, đèn quả bưởi, đèn con bướm…của anh Bách cho lên hai sợi dây thép to giăng ngoài sân trước. Còn chiếc đèn kéo quân, anh Minh đã chuẩn bị một chỗ giữa sân để treo nó lên cái cành cây trứng cá. Anh buộc sẵn một sợi dây gai to vào cành cây. Đầu dây thòng xuống anh buộc một cái móc sắt hình chữ “S”. Khi nào đem chiếc đèn ra, anh chỉ việc máng đèn vào cái móc là xong. Trời chưa tối, đám trẻ con hàng xóm đã nhốn nháo, tay đèn tay nến, huyên thuyên cười nói, chỉ trỏ ồn ào cả một khu phố. Tôi cũng đứng ngồi không yên. Nếu không có chiếc đèn kéo quân mà anh Minh đang chuẩn bị đem ra treo ngoài sân thì có lẽ tôi đã rủ chị Mai đem đèn nến của mình ra chung vui cùng lũ bạn. Mấy đứa quen nhìn thấy tôi đứng trong sân gọi to:


-Ê Dương, đem đèn ra đây chơi đi. Vui quá nè.


-Tao còn chờ anh tao treo đèn xong đã. –Tôi trả lời.


-Nhà mày treo đèn xong rồi còn gì? -Thằng Tâm ngạc nhiên hỏi.


Tụi bạn hàng xóm không biết nhà tôi năm nay có đèn kéo quân, vì trong thời gian làm đèn, anh Minh dặn tôi đừng nói vội, sợ rằng không biết cái đèn có thành hay không. Tôi nghĩ bây giờ là lúc có thể cho tụi nó biết rồi nên trả lời thằng Tâm mà cũng là cho mấy đứa khác:


-À, còn cái đèn đặc biệt. Năm nay nhà tao có đèn kéo quân.


Nghe đến cái tên đèn kéo quân, cả đám ngạc nhiên ngưng chơi, chạy cả lại phía sân nhà tôi. Thằng Tí nhanh mồm:


-Nhà mày có đèn kéo quân à. Đâu đèn đâu, treo ở đâu?


-Đèn nhà mày mua hả? –Con Phụng láu táu xen vào.


-Tao đâu thấy đèn đâu? -Thằng Tí lại la lên.


-Chắc nó để trong nhà. –Con Thúy đoán.


Mỗi đứa nhao nhao nói một câu. Tôi đang lúng túng, định chạy vào giục anh tôi đem đèn ra, thì vừa lúc anh cũng đang xách cái đèn từ trong nhà ra sân. Lũ bạn tôi ùa vào vây lấy anh, mắt không rời chiếc đèn. Anh phải bảo chúng dãn bớt ra rồi anh bước lên ghế đẩu treo đèn lên cái móc. Anh dặn tôi để ý chiếc đèn và anh bắt đầu đi châm nến những cái đèn khác trước. Ánh nến lập lòe tỏa sáng làm hiện rõ hai dãy đèn với đủ hình thù, màu sắc, ẩn hiện qua những cành lá trông rất đẹp mắt. Mấy đứa bạn tôi lại nhao nhao nói với nhau.


-Nhà nó có đèn kéo quân thật kìa. Thằng Tí bô loa trước.


-Ừ, chắc anh Minh nó làm. Trông không đẹp bằng đèn ở tiệm nhưng làm được là hay quá rồi –Con Phụng nghiêng đầu nhìn, cho nhận xét.


-Không biết anh nó để những hình gì trong đó? –Con Thúy đặt câu hỏi.


-Khu phố mình chưa có nhà nào có đèn kéo quân. Bây giờ tao mới thấy. -Thằng Tâm xen ngang vào.


Trời đã bắt đầu xâm xẩm. Thời tiết mùa Thu vào buổi tối thật mát dịu. Trăng rằm tháng tám sáng như gương, tròn vành vạnh, treo chênh chếch trên nền trời trong vắt không một áng mây, tỏa ánh sáng mông lung huyền ảo xuyên qua kẽ lá . Bố tôi đã bắc ghế ra sân ngồi ngắm trăng Trung Thu nói chuyện với bác Huy và chú Truyền hàng xóm. Mẹ tôi và chị Vân đang pha trà và chuẩn bị cắt bánh. Chị Mai đứng bên tôi đang trò chuyện với các bạn. Nghe trẻ con đồn, mọi người tụ tập chung quanh chiếc đèn mỗi lúc một đông. Tôi thấy có bạn anh Minh, bạn chị Mai và cả vài anh chị lớn đứng ở xa nhìn vào nữa. Riêng mấy đứa bạn tôi đứng gần, đứa cũng háo hức muốn anh tôi đốt nến cho chiếc đèn kéo quân ngay đi. Mỗi đứa hỏi một câu về cái đèn và tôi đã phải mỏi miệng xác định là cái đèn này anh em tôi tự làm lấy, không phải ai làm cho hay mua ở đâu cả. Cuối cùng thì anh Minh cũng châm nến cho đèn. Anh bảo tôi vào nhà tắt điện trong phòng khách để nhìn bóng hình đèn kéo quân cho rõ. Những nhà bên cạnh cũng đều tắt hết điện trước nhà để sự thưởng lãm trăng và đèn Trung Thu ở mỗi nhà thêm phần thú vị. Trời đã tối hẳn, hai ánh nến lung linh bên trong đèn, tỏa sáng toàn thể thân đèn, gồm sáu mặt chữ nhật phất giấy bóng trắng mờ, ghép thành hình lục giác đều. Những bóng đen in rõ nét trên nền giấy bắt đầu quay đều, đồng thời với những tiếng reo trầm trồ ngạc nhiên thích thú của mọi người.


-Kìa! Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân kìa trông oai chưa. –Anh Trung con bác Huy reo to.


-Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận đánh Tô Định kìa, có quân lính đi theo nữa -Chị Loan em anh Trung nối theo.


-Ngô Vương Quyền diệt quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng nữa kìa. –Anh Tuấn con chú Truyền không chịu kém.


-Hưng Đạo Vương kìa, vua Quang Trung kìa phải không? –Anh Thành bạn anh Minh đặt câu hỏi.


-Đúng rồi. Hưng Đạo Vương cưỡi voi đi dẹp giặc Nguyên đó. Còn Vua Quang Trung cưỡi ngựa đại phá quân Thanh. –Anh Minh trả lời.


-A, có chùa Một Cột kìa, kiến trúc độc đáo của Việt Nam mình. Trông giống quá. -Một người bạn khác của anh Minh lên tiếng.


-Có Chị Hằng và thỏ ngọc kìa. Hình như có con gì nữa. –Con Thúy reo lên.


-Cả chú Cuội và cây đa nữa kìa. -Thằng Tí khoái chí kêu to.


-Có hình trẻ con rước đèn Trung Thu kìa, hay quá ta. Con Phụng cũng không chịu thua bạn.


-A! Hình mẹ dắt tay em bé đeo cặp đi học kìa. –Con Loan kêu lên thích thú.


-Ê, có cả em bé chăn trâu thổi sáo kìa. -Thằng Tâm chỉ tay vừa nói vừa cười.


-A! Hình cô lái đò đội nón đứng chèo đò kìa. –Con Phụng lại reo lên.


-Hình như có hình con mèo ở chân chị Hằng phải không? –Con Thúy hỏi bâng quơ.


-Ừ, con mèo nhà tao đấy. Cho con mèo vào ở với con thỏ cho nó có bạn. –Tôi trả lời.


-Ha ha, vui ghê, có con mèo trên cung trăng nữa tụi mày ơi, ha ha. –Con Thúy cười ngặt nghẽo.


-Ê Dương, mai mốt mày nói anh Minh cho con Mực nhà tao lên cung trăng nữa nghe. -Thằng Tí nửa đùa nửa thật.


Tiếng reo hò cười nói vui vẻ của các bạn cùng những tiếng bàn tán bình phẩm sôi nổi khen nhiều hơn chê của những anh chị lớn trong lúc nhìn đèn làm không khí sân nhà tôi náo động hẳn lên. Tôi thoáng thấy bố mẹ tôi và các bác, các cô chú hàng xóm đang nhìn chúng tôi mỉm cười, trao đổi với nhau những câu gì không rõ. Một lúc sau, mẹ tôi và bác Huy gái đem ra hai hộp bánh nướng bánh dẻo đã cắt sẵn, mời từng người đang đứng xem. Đám bạn tôi nhao nhao lên cầm bánh. Các anh chị lớn cũng nhận mỗi người một miếng và nói lời cám ơn. Lúc sau, một số tản ra để tham gia vào những cuộc vui khác. Trẻ con thì nhập bọn với nhau rước đèn quanh phố, các anh chị lớn thì tụ họp với nhau nói chuyện kháo. Tuy vậy vẫn có những người khác nghe đồn ghé qua xem đèn cho biết.


Cuộc thưởng lãm đèn kéo quân kéo dài cho đến gần khuya mới chấm dứt. Tôi đã không đi rước đèn hoặc chạy chơi với các bạn như những lần tết Trung Thu trước. Anh Minh cũng không sang nhà bạn chơi nói chuyện. Chúng tôi chỉ ở trong sân nhà suốt tối hôm đó để chào đón các bạn đến xem đèn, và cũng là để chúng tôi được tự chiêm ngưỡng thành quả cuả chính mình: Chiếc đèn kéo quân đầu tiên trong đời, được làm bằng mồ hôi và công sức của hai anh em với những vật liệu thô sơ, rẻ tiền. Chiếc đèn dĩ nhiên là không đẹp và không bền như những đèn ở tiệm nhưng nó gói ghém tất cả tình cảm yêu thương, gắn bó của bố mẹ anh chị em chúng tôi và nhất là tấm lòng tha thiết với quê hương, lịch sử nước nhà của anh tôi.


Thời gian trôi qua, anh em chúng tôi khôn lớn dần. Bố mẹ tôi sinh thêm hai em trai là Dũng và Khang. Những năm sau đó, chúng tôi đã làm thêm vài chiếc đèn kéo quân khác đẹp hơn và bền hơn, nhưng vẫn giữ lại cái đèn đầu tiên làm kỷ niệm. Và rồi đất nước lâm cảnh chiến tranh máu lửa. Cảnh thanh bình êm ấm chỉ kéo dài vỏn vẹn khoảng năm, sáu năm. Miền Bắc xua quân xâm chiếm miền Nam gây bao cảnh đau thương chết chóc, nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn. Anh em tôi lần lượt giã từ sách vở lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ người trai thời chinh chiến bảo vệ quê hương miền Nam thân yêu. Chúng tôi mỗi người một ngả và chỉ thỉnh thoảng gặp lại nhau trong những lúc tình cờ được về phép. Rồi một ngày tang tóc đã đến cho gia đình chúng tôi. Một vị sĩ quan sư đoàn 5 thuộc đơn vị anh Minh trú đóng đã đến báo tin anh tôi tử trận tại chiến trường Bình Long, An Lộc vào thời gian giữa cuộc chiến khốc liệt đẫm máu của mùa Hè đỏ lửa 1972. Mẹ tôi đã ngất xỉu ngay khi nghe tin. Bố tôi thẫn thờ sững người đứng im, không nói một lời. Hai chị Vân, chị Mai và chị Trâm, người yêu của anh khóc không còn một giọt nước mắt. Tôi cũng bàng hoàng chết lặng khi được biết tin. Anh tôi đã anh dũng đền nợ nước. Anh ra đi khi còn quá trẻ, tuổi đời mới hai mươi bảy. Anh mất đi để lại bao tiếc thương cho gia đình, cho người yêu, cho bạn bè. Riêng với tôi, dù thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ với bao vật đổi sao rời, tang thương dâu bể, hình ảnh anh Minh vẫn mãi mãi in hằn trong trí nhớ, với bao kỷ niệm từ thời thơ ấu. Mỗi lần đến rằm tháng tám, nhìn lại những em bé áo quần tươm tất, gương mặt hớn hở, chân bước tung tăng, tay cầm lồng đèn sặc sỡ với ánh nến bập bùng sáng trong khóe mắt, nối bước cùng anh chị và các bạn, rước đèn đi khắp khu tụ điểm vui tết Trung Thu, tôi lại chạnh nhớ đến anh Minh và chiếc đèn kéo quân vào những ngày xa xưa đó.

Quang Dương
Trung Thu 2011