Những Ngày Tháng Êm Ả Không Quên

Tôi học lớp đệ Thất trường Võ Trường Toản vào niên khoá 1963-1964. Thấm thoát đã gần 50 năm trôi qua kể từ ngày cậu bé con chập chững, bỡ ngỡ bước chân vào ngưỡng cửa trung học. Trí nhớ chập chờn mờ nhạt của tôi đã không còn giữ lại được rõ ràng đầy đủ những hình ảnh, âm thanh, sự việc của cái buổi khai trường trọng đại và của những ngày tháng êm đềm đầy kỷ niệm dấu yêu tiếp theo sau đó. Những gì ghi chép lại dưới đây chắc chắn không được chính xác, thiếu sót nhiều và còn quá sơ sài. Thế nào cũng có những lệch lạc, chắp vá, chuyện nọ nhớ xọ sang chuyện kia. Chữ nghĩa, lời văn chắc chắn còn vụng về, lẩm cẩm. Xin quý thầy cô và các bạn cựu học sinh niệm tình tha lỗi. Nếu có gì không đúng, không phải cũng xin cầm tay chỉ bảo sửa chữa cho những điều sai sót.  

Không biết có bạn nào còn nhớ cái ngày đầu vào học lớp đệ Thất nó ra làm sao không nhỉ?  Với tôi thì tôi chẳng thể hình dung rõ ràng cái ngày ấy như thế nào. Tôi thử mường tượng nhớ lại thôi nhé. Có phải thời gian đầu của cuộc đời học sinh trung học bao gồm nhiều nỗi e dè, bỡ ngỡ cùng những khám phá mới lạ không? Có phải khởi đầu là cảm giác choáng ngợp trước ngôi trường VTT cao lớn, ba tầng, quét vôi vàng nhạt, trong ngày nhập học? Tôi đã có dịp nhìn thấy ngôi trường này vào những ngày đi thi đệ Thất trước đó. Nhưng những lúc ấy đầu óc tôi còn vướng bận lo lắng việc làm bài, nên chẳng có tâm trí đâu để ý đến cảnh vật xung quanh. Đoạn dốc ngắn từ con lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm vào đến cổng trường khá cao và chỉ thoai thoải sau khi qua khỏi cổng. Từ cổng đi thêm một đoạn chừng mười mét là bắt đầu vào đến bên trong sân. Sân trường rộng rãi với hàng cây phượng vĩ cao to, tỏa nhiều bóng mát. So với trường tiểu học mà tôi đã theo học trước đó thì trường trung học VTT khang trang đồ sộ hơn nhiều. Trường tuy chỉ có một dãy lớp nhưng dài, rộng và cao đến ba tầng. Đứng trong sân phải ngước hẳn cổ lên mới nhìn thấy hàng hiên của tầng thứ ba. Học sinh các lớp buổi chiều, trung học đệ nhất cấp, trong đồng phục quần xanh áo trắng, phù hiệu mới tinh đã tụ tập đông đảo ngoài sân, trên hành lang và cả trong các lớp học. Các anh lớp đệ Lục, đệ Ngũ, đệ Tứ là những học sinh kỳ cựu, đã quen trường quen lớp, quen thầy giáo, cô giáo, cùng những sinh hoạt trong trường nên vui vẻ đùa giỡn, nói cười vang động khắp nơi. Dường như các anh chẳng bận tâm gì lắm đến đám học sinh đàn em, năm đầu đệ Thất, đang rụt rè bỡ ngỡ như nai tơ lạc giữa rừng già.

Tôi loay hoay một lúc mới tìm ra lớp học. Đó là lớp đệ Thất 7A nằm trong một phòng trên lầu nhì. Kiểm tra lại tên mình và số báo danh nhập học thấy phù hợp với tờ danh sách đánh máy dán ngoài cửa lớp, tôi bước vào phòng lúc có nhiều học sinh khác đã ngồi trong đó. Lướt qua một lượt mà chẳng nhận ra khuôn mặt nào quen, vốn bản tính nhút nhát lại học không giỏi, tôi chọn đại một chỗ ở dãy bàn giữa phòng, nơi đã có một người ngồi bên phải. Đút cái cặp mà trong đó chỉ có vài quyển vở mới tinh và hai cây bút vào ngăn bàn, tôi tò mò đưa mắt nhìn chung quanh. Các bạn khác cũng đều đang rụt rè nhìn nhau hoặc nhìn bâng quơ ra ngoài cửa lớp. Tâm trạng các bạn chắc cũng như tôi, hồi hộp và cảm thấy mình nhỏ bé, yếu đuối trước cảnh vật choáng ngợp, nhân sự đông đúc, không khí trang trọng. Dần dần số học sinh vào lớp đông thêm và lao xao đã có tiếng nói chuyện, hỏi nhau tên tuổi, trường tiểu học từng theo học, địa chỉ nhà ở…Chúng tôi tạm bớt dần sự bồn chồn, hiểu rằng theo lời chỉ dẫn của nhà trường, sẽ có thầy, cô giáo hay nhân viên của trường đến lớp kiểm tra lại và hướng dẫn những công việc cần thiết cho học sinh từng lớp. 

Đệ Thất là năm đầu tiên khởi đầu giai đoạn bảy năm trung học, quy tụ học sinh từ khắp nơi trong cả nước, không phân biệt nguồn gốc, địa phương, chủng tộc, tôn giáo nên chuyện gặp được bạn quen từ các lớp tiểu học gần nhà hầu như là vô cùng hiếm hoi. Vì vậy những ngày tháng đầu của năm đệ Thất là thời gian để các học sinh ngoài việc tập tành làm quen với trường lớp, với cung cách dạy học của thầy cô, với sách vở, học cụ mới lạ, còn là giai đoạn tìm hiểu các bạn đồng môn để kết thân, lập nhóm, đổi chỗ ngồi, chia sẻ vui buồn, đỡ đần hay nghịch phá, đùa giỡn lẫn nhau. Như vậy, tôi cũng đã có bạn học mới từ năm đó. Đáng trách là tôi không còn nhớ những người bạn đầu tiên của năm học này tên gì và hình dáng, khuôn mặt, điệu bộ, tính tình ra làm sao. Chỉ biết rằng vì bản tính tôi vừa rát lại vừa dốt như đã nói nên có lẽ bạn tôi chắc cũng phải là người rụt rè, e lệ như tôi. Vì nếu gặp anh nào khôn lanh, ngổ ngáo hay học giỏi quá, thì hẳn rằng tôi đã lẳng lặng rút lui đi tìm người khác vì không hạp tính hoặc vì mắc cỡ. Xin thưa với những bạn mà tôi có duyên may được quen biết và kết thân trong thời gian năm đầu của cuộc đời học sinh trung học. Nếu bạn nào còn nhớ có quen với tôi thì cho tôi được biết, để giúp tôi cùng ôn lại những kỷ niệm thời niên thiếu thật ngây thơ và đáng yêu đáng nhớ. Nói chung, học sinh năm đệ Thất có lẽ là nhóm học sinh ngoan ngoãn, dễ bảo, ít nghịch phá nhất trong tất cả các các học sinh trung học. Sang đến năm đệ Lục trở đi, các vị thầy giáo cô giáo đã phải bắt đầu vất vả đối phó, chịu đựng với những học sinh tuổi tuy còn nhỏ như con hay em út trong nhà nhưng tài nghịch ngầm, phá lén, lì lợm, nói chuyện trong lớp, học ít chơi nhiều chỉ thua có quỷ và ma.          

Chuông vào học reo vang. Tất cả học sinh quy tụ về lớp của mình. Tôi không nhớ vị giáo sư nào đã là người đầu tiên bước vào lớp. Chỉ nhớ mang máng hình như là một cô giáo, dáng người mảnh dẻ, có lẽ là cô Lê Ngọc Hương dạy môn Quốc văn. Cô chắc cũng là giáo sư hướng dẫn thì phải. Sau những thủ tục điểm danh, kiểm tra lại giấy nhập học, cô đã ân cần chào mừng học sinh và sau đó dặn dò về nội quy và an toàn trường lớp. Cô nhắc học sinh phải siêng năng đi học đúng giờ, đồng phục phù hiệu đúng quy cách, nghỉ học phải có phụ huynh xin phép, không nói chuyện, đùa giỡn, ăn uống trong giờ học. Khi có khách quan trọng vào lớp thì phải đứng lên theo hiệu lệnh của trưởng lớp hoặc phó trưởng lớp… Nói chung là gần giống những điều lệ của năm lớp Nhất tiểu học. Học sinh phải ghi vào sổ tay những quy định này, và sau đó là chép thời khóa biểu gồm những môn học, giờ học và tên vị giáo sư phụ trách giảng dạy. Sau đó cô hướng dẫn học sinh để bầu ra trưởng lớp, phó trưởng lớp và các trưởng ban khác, nhưng hình như việc này phải kéo dài trong cả tuần lễ mới xong, vì tất cả học sinh đều không quen biết nhau, ai cũng đùn đẩy cho nhau, không ai chịu nhận chức vụ ngay. Tôi không thể nhớ bạn nào đã là trưởng lớp và phó trưởng lớp. Riêng tôi, trong suốt những năm học, tôi chẳng bao giờ được, hay bị làm trưởng lớp hoặc trưởng ban nào cả.

Vào những giờ học sau đó, học sinh bắt đầu làm quen với các môn học mới và được diện kiến, biết mặt các thầy, cô giáo khác. Nhờ may mắn còn giữ được quyển sổ Học Bạ nên tôi vẫn nhớ họ tên của tất cả thầy cô cùng các môn học thầy cô giảng dạy mà tôi xin ghi lại đây. Lớp đệ Thất 7A niên khóa 63-64 ngoài cô Lê Ngọc Hương dạy Quốc văn, còn có cô Nguyễn Thị Thàn dạy Công dân giáo dục, cô Nguyễn Thị Sen dạy Anh văn, thầy Lê Tài Trung dạy Sử Địa, cô Nguyễn Thị Mai Lộc dạy Toán, cô Nguyễn Thị Diệp dạy Lý Hóa, cô Vũ Thị Vượng dạy Vạn vật, thầy Nguyễn Tấn Thiết dạy Vẽ, và cô Nguyễn Thị Ninh dạy Âm nhạc. Vì thời gian qua đi đã lâu, tôi không còn nhớ được nét mặt, giọng nói của tất cả quý thầy cô của năm đệ Thất đó. Tuy nhiên tôi nhớ mang máng là hình như ai cũng gầy gầy, hiền hòa vui vẻ, nhẹ nhàng ân cần với học sinh chứ không đáng sợ như lời đe dọa, báo trước của các anh chị lớn ngày tôi còn học ở bậc tiểu học. Phải thú thật là tôi đã quên những lời giảng dạy của quý thầy cô và không nhớ rõ là đã học được những gì. Điều này thật đáng đánh đòn. Chẳng trách tôi là đứa học trò học dốt, dốt mãi cho đến bây giờ. À, chỉ nhớ hình như cô Hương giảng về ca dao, tục ngữ, cách làm luận tả cảnh, tả tình, những bài thơ khẩu khí của vua Lê Thánh Tôn có nhân vật “Mõ” và có “Cái Chổi” thì phải? Hay đó là chương trình học của những lớp trên mà thật ra là cô giảng về “Nhị thập tứ hiếu” và bài “Thế thái nhân tình” của cụ Trạng Trình? Rồi cô Thàn dạy Công dân giáo dục. Tôi quên hết không nhớ cô đã dạy điều gì, nguy quá. Không biết có phải cô dặn là phải sống đạo đức, nhớ bổn phận đi bầu và bảo vệ tổ quốc khi nguy biến không? Nếu đúng thì cũng may, tôi đã sốt sắng chu toàn cả hai điều sau, chỉ có điều đầu tiên thì chỉ sợ cô mà hỏi đến chắc bị điểm dưới trung bình. Đến cô Sen dạy Anh văn. Tôi nhớ rồi, cô Sen chắc chắn là người gầy và cao cao rồi. Cô là vị giáo sư dạy những câu chữ tiếng Anh đầu tiên cho tôi đây. Nếu bây giờ tôi biết đọc và hiểu một câu Anh ngữ thì vị thầy đầu tiên tôi phải nhớ ơn là cô. Quyển sách học ngày ấy tên là “Let’s Learn English I” phải không? Học sinh trong lớp cứ nghe giọng cô phát âm một chữ tiếng Anh làm chuẩn thì cùng lặp lại theo như hồi còn học mẫu giáo. Nhiều lúc cả lớp bật cười nắc nẻ vì nghe âm tiếng Anh mà gán vào một âm tiếng Việt vui vui nào đó. Về thầy Lê Tài Trung dạy Sử Địa thì tôi nhớ là thầy đã có tuổi và người cũng gầy gầy. Thầy dễ tính và không khó chịu gì lắm khi đám học sinh đã không có vẻ hào hứng học thuộc lòng bài học của thầy cho. Sử thì còn đỡ, Địa có học sinh còn ngủ gục khi thầy đang giảng bài và đến khi hỏi nước Việt Nam hình gì thì không biết, hoặc trả lời đại là hình tam giác. Với cô Lộc dạy Toán thì tôi lại hơi sợ cô, không phải vì cô dữ tính, bắt bẻ gì nhưng là vì tôi rất dốt về Toán. Thật ra thì chương trình Toán lớp đệ Thất đâu có gì khó khăn, chỉ là những điều lập lại từ lớp Nhất và một ít khái niệm về đại số cơ bản như số thập phân, phân số, số âm, phương trình đơn giản một ẩn số, và hình học về đường thẳng, đường song song, góc nhọn, góc tù, góc bẹt, các hình căn bản…Tuy vậy, với tôi thì những điều đó không dễ mà hiểu được. Giờ Toán đến là tôi thấy lo, chỉ mong mau hết giờ. Và cả với cô Diệp dạy Lý Hóa nữa, tôi cũng mong giờ của cô mau hết chỉ vì tôi kém luôn môn Lý Hóa. Toán với Lý Hóa hình như hay đi đôi với nhau mà. Cô Diệp dạy những gì? Môn Lý Hóa năm đệ Thất học những gì tôi xin chịu thua và chịu nhận điểm không vậy. Rồi đến môn Vạn vật do cô Vượng dạy. Cô là phu nhân của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Văn, nhưng đó là một thời gian sau học sinh chúng tôi mới biết. Mà biết thì biết, chẳng có gì thay đổi cả. Cô Vượng không hiền cũng không dữ, cô chịu khó giảng bài đều đặn, dễ hiểu, hình cô vẽ trên bảng cũng rất đẹp. Môn Vạn vật là môn tôi thích học nên tôi không sợ. Tôi chỉ không nhớ năm đó học về cái gì, thân thể người ta, cây, quả, hoa, lá hay đất đá, động vật muông thú? Điều này tôi cũng xin chịu. Cuối cùng là hai môn học mà bọn học sinh chúng tôi rất thích, Vẽ và Âm nhạc. Chắc các bạn cựu HS đồng ý điều này. Lý do dễ hiểu là vì cả hai đều là những môn học vui, dễ được điểm cao. Thầy Thiết dạy Vẽ và cô Ninh dạy Nhạc đều vui vẻ, dễ tính, cho điểm rộng tay. Học sinh đến giờ học vẽ hay học nhạc là ồn ào như chợ vỡ và vui như Tết. Vì lẽ đó, hai môn này luôn luôn được xếp vào cuối buổi học.

Năm đệ Thất trôi qua nhẹ nhàng và êm ả. Đó là năm học được cho là “khỏe” nhất, ít bị áp lực nhất về bài vở, về sự đòi hỏi của các giáo sư cũng như nhà trường. Nội dung các môn học không nặng nề, khó khăn và phần nhiều là sự chuyển tiếp dần dần từ học trình của năm lớp Nhất. Tất cả học sinh đều đủ điểm lên lớp, trong đó may mắn có tôi, dẫu phải ì ạch kéo cày mướt mồ hôi mới theo nổi các bạn!

Suốt bao nhiêu năm đi học, năm đệ Thất vẫn là năm tôi yêu mến nhất. Đó là năm tôi còn được làm đứa trẻ ngây thơ, tuy đã bước chân vào ngưỡng cửa trung học, nhưng vẫn được sống trong sự dạy dỗ, bảo ban, trong tình cảm yêu thương, đối xử nhẹ nhàng của thầy cô, và tình thân ái vô tư của bạn hữu. Đó cũng là năm cánh chim non chập chững những lần tập bay đầu tiên để đủ sức lướt vào khoảng không gian cao rộng bên ngoài. Những kiến thức sơ khởi ban đầu mà quý thầy cô đã hết lòng giảng dạy có thể đã phai mờ, đã ẩn khuất, đã chìm lắng đâu đó trong tiềm thức của tôi, nhưng chính nhờ những chất liệu căn bản đầu tiên đó làm viên gạch lót đường, tôi mới dễ dàng bước chân tiếp theo lên những nấc thang học vấn cao hơn sau này. Công ơn của quý thầy cô thật to lớn và tôi luôn khắc tâm ghi nhớ. Giờ đây ngồi giở lại những trang sổ Học Bạ đã ố vàng, hoen mực, đọc lại những điểm số, bút tích, lời phê của từng vị thầy cô, lòng tôi lại bồi hồi xúc động. Tưởng như hình ảnh ngôi trường trung học VTT uy nghi quen thuộc, bóng dáng thân kính của thầy cô, tiếng giảng bài ấm cúng, tiếng đọc bài, trả bài, tiếng chuông báo giờ ra chơi, giờ tan học, tiếng cười nói rộn rã của bạn bè như vẫn còn hiển hiện rõ ràng sống động trước mắt, vang vọng mãi bên tai…

QD

No comments:

Post a Comment