Tản mạn tháng Chín


Đầu tháng Chín dương lịch, tại quê hương thứ hai của người viễn xứ tiết trời bắt đầu dịu lại. Không gian đang dần dần có thêm những vạt gió hây hẩy man mát xua đi cái ngột ngạt của bầu không khí nóng bức. Trên cao đã bồng bềnh vài đám mây nhẹ trôi. Vào buổi tối, trời không còn oi hầm nữa mà có hôm lại se se lạnh. Đây là thời gian mong đợi của con người và mọi vật sau những tháng ngày phải chịu đựng cơn nắng hạn cháy da nung người, cây cối khô cằn, đất đai nứt nẻ. Vạn vật như được hồi sinh dẫu biết rằng sau những nhẹ nhõm dễ chịu rồi sẽ đến chu kỳ tạm ngưng sinh sôi phát triển của đa số thảo mộc. Lá bắt đầu chuyển từ màu xanh lục mát mắt sang màu vàng, quả bắt đầu ửng chín để đón chào mùa thu.

Cuối tháng Tám và đầu tháng Chín cũng là thời điểm học sinh tựu trường sau hai tháng rưỡi nghỉ hè. Nhìn các em học sinh tiểu học ăn mặc tươm tất, tóc tai gọn gàng, cặp sách đẹp đẽ tươi màu, rộn ràng theo cha mẹ, ông bà hay anh chị đến trường lòng tôi lại nao nao dấy lên những hoài niệm của chuỗi ngày thơ ấu rất xa xưa.
... 

Ngày ấy, vào tháng Chín trời Sài Gòn vẫn nắng chang chang. Tiếng dế mèn và ve sầu rền rĩ của tháng Sáu tháng Bảy hãy còn âm vang trong tâm tưởng. Những trò chơi trốn tìm, lò cò, nhẩy dây, đánh khăng đánh đáo, nghịch đất nghịch cát, trèo me trộm ổi hãy còn được đứa trẻ vô tư xem là chưa thoả thích đến độ làm rát bàn tay phỏng bàn chân bé nhỏ và đen đủi để biết thế đã là đủ. 

Dù gì, đứa bé bị cha mẹ lôi về thực tại với bộ quần soọc áo sơ-mi sạch hơn ngày thường và đôi guốc mộc với cái cặp nhựa và lọ mực tím không nhớ được mua cho lúc nào. Nó phải đi học như bao nhiêu đứa trẻ cùng trang lứa, không thể khác. Chỉ khác là đối với nó, chuyện phải ngồi yên một chỗ trong lớp, bàn tay lóng ngóng cầm bút nguệch ngoạc từng nét chữ trên trang giấy trắng và miệng ê a đọc theo lời cô giáo vất vả hơn chơi đùa nhiều và tất nhiên không thấy hứng thú chút nào. Ai dắt nó đến trường vào ngày đầu đi học? Mẹ, cha hay ông bà, anh chị? Cảm tưởng của nó thế nào? Nó không nhớ mà cũng không cần nhớ vì chuyện đó không quan trọng đối với nó.
...

Chẳng biết cảm nghĩ vào ngày đầu tiên đi học, ngày khai trường rồi tựu trường của đứa học trò 6, 7 tuổi ở thập niên 50 với em nhỏ học sinh lớp 1 lớp 2 hiện nay có khác nhau không? Cũng chẳng biết cái đoạn văn quen thuộc của nhà văn Thanh Tịnh: “... Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học...” mà các học trò tiểu học thời ấy đều được học có làm xao xuyến chút nào tâm hồn ngây thơ vốn ham chơi nhiều hơn ham học, thích nghịch phá nhiều hơn ngoan ngoãn và bị la rầy nhiều hơn khen ngợi của các em bé học sinh ở cả thời xưa lẫn thời nay?

Dòng đời lặng lẽ trôi qua, đứa nhỏ ngày xưa nay đã là một ông già lẩm cẩm. Buổi sáng tháng Chín ở một khu yên tĩnh của một thành phố nhỏ, ông khoác thêm chiếc áo ngoài mỏng, dắt tay đứa cháu 6 tuổi, đi bộ đưa cháu đến trường. Đợi cháu vào lớp xong mới quay về. Vừa bước đi chầm chậm trong màn sương sớm ông vừa lãng đãng hoá thân trở về quá khứ, cố tìm lại cho chính mình cái cảm xúc đã không thèm biết đến hơn sáu mươi năm về trước: Hôm nay tôi đi học...

9/2019
Quang Dương

No comments:

Post a Comment