Nhịp Gót Chân Hồng (truyện ngắn)

Dưới tàn lá xum xuê xanh mướt của cây phượng vĩ, che rợp ánh nắng một khoảng sân trường, Hường đưa tay cột lại búi tóc, xăn cạp quần, nhấp bàn chân, mắt hướng về phía giữa võng dây chuẩn bị. Ngọc và Thước mỗi đứa cầm một đầu dây vừa quay vừa đếm “một, hai, ba”. Vừa hết tiếng “ba” thì Hường đã bước lọt vào giữa, khi sợi dây đang trên đà đi lên khỏi đầu, và nhún người nhảy khi võng dây đi vòng xuống, quét ngang qua chân. Ngọc và Thước tiếp tục quay dây đều tay, miệng hát bài hát của trẻ con có bốn câu, âm điệu nhại theo bài hát nhảy dây, truyền lại từ thời những anh chị lớn: “Lờ tớ rùa đờ mang sa tí. Oòng sa tì lơ tí mơ ne. Lờ tớ rùa đờ mang sí tê. Sí mơ nè lơ tí đờ mên”. Sau mỗi câu hát là đã có bốn lần dây quét xuống đất. Hường vừa nghe nhịp bài hát, vừa nhún chân nhảy, mắt không rời sợi dây trong tay bạn. Sau khi hát hết bài, Ngọc và Thước giơ cao sợi dây quay một vòng trên không và nói “Oong”. Hường khom người cúi thấp đầu cho sợi dây lướt ngang, chỉ hơi phớt qua tóc nó, rồi lại nhảy lên khi sợi dây vừa đi trở xuống. Ngọc và Thước tiếp tục nói “Đơ”, “Toa”, “Cát”. Mỗi tiếng nói là mỗi lần Hường phải cúi đầu và nhảy lên lại. Sau tiếng “Cát” là hết một chu kỳ, Ngọc và Thước lại quay dây đều và lập lại bài hát ban đầu cho Hường tiếp tục nhảy.
Hường, Ngọc và Thước đang chơi nhảy dây trong giờ ra chơi. Hường nổi tiếng là nhảy dây giỏi nhất lớp. Nó có thể nhảy liên tục ba lần bài hát nhảy dây, mà không bị chạm dây. Trước đó, nếu bị chạm, thường là vì đứa cầm dây quay không đúng cách. Hoặc nếu nhảy đôi thì là do đứa bạn nhảy chung phạm lỗi, chứ không phải là nó. Khi Hường vừa nhảy xong lần hát thứ ba, chợt con Thước ré lên: “Á! “, rồi nó buông sợi dây, đưa tay quệt nhanh sau cổ. Thước quay lại nhìn thì thấy một cái máy bay xếp bằng giấy, đang nằm dưới chân, đồng thời có tiếng cười khoái chí của đám con trai ở gần đó. Biết là có đứa phá, tuy vậy, Thước là con bé hiền lành trong lớp, nó giận mà không nói được gì. Nhưng Hường và Ngọc thì không. Con Ngọc vênh mặt, sừng sộ ngay:
- Ê, mấy tụi bây coi chừng tao à nghe. Tao “mét” cô cho tụi bây phải quỳ bây giờ.
- Mấy đứa bây có giỏi thì ra đây. Đứa nào phóng máy bay nói cho tao biết? - Con Hường chống nạnh, trừng mắt, hướng về phía đám con trai bực tức hỏi.
Đám con trai bớt cười, một đứa trong bọn, mặt trông láu lỉnh lên tiếng:
- Đứa nào phóng. Máy bay nó thấy mày nhảy hay quá, nên nó nhào xuống thăm mày đó chớ.
Nó vừa dứt lời đám con trai lại cười ồ lên. Đứa vừa nói là thằng Tính học cùng lớp, nhà ở chung xóm với Hường.
- Mày không phóng làm sao nó bay trúng con Thước?
Hường tức mình vặn lại nhưng trong lòng đã hơi dịu. Nó biết thằng Tính muốn chọc nó, nhưng nó cũng hiểu là thằng này thích nó, vì cứ mỗi lần ra chơi, hễ nó ở đâu là Tính cũng hay lảng vảng gần đó. Vừa rồi Hường nghe Tính nói nó nhảy dây hay, tuy là nằm trong câu nói chọc ghẹo, nhưng Hường cũng thấy mát dạ. Có lẽ thằng này chỉ muốn phóng cái máy bay giấy vào chỗ nó đang nhảy thôi, nhưng không dè máy bay lại lượn trúng ngay gáy con Thước. Đối với Hường, mấy cái trò phá đám lẻ tẻ để làm nó vướng chân, bận tay, hoặc mất tinh thần, là nó không coi ra gì. Dẫu máy bay có phóng trúng người, cũng không làm nó nhảy sai nhịp. Nó tức là vì cái máy bay mà con Thước phải buông dây, làm nó mất đi niềm hứng khởi, đang sắp sửa nhảy tiếp vào đợt hát thứ tư, điều mà thỉnh thoảng nó mới đạt được.
- Ê, tao không phóng à nghe. - Thằng Tính không nhận tội, nét mặt nó đã trở lại bình thường, không cười nữa.
- Mày không phóng thì ai phóng?
- Tao không phóng. Ờ.. tao mà phóng thì cái máy bay nó không bay trúng con Thước đâu. Nó bay trúng.. ai kìa.
- Đứa nào phóng cũng vậy. Tụi bây mà còn phá thì coi chừng tao.
Con Hường vừa tức vừa mắc cỡ, nhưng nó cũng đưa ra một câu răn đe như thường lệ. Câu nói mà nó và những đứa con gái khác trong lớp, đã từng nói không biết bao nhiêu lần, trước khi chúng nó đành phải chấm dứt những cuộc cãi vã với đám con trai, vì không bắt được quả tang đứa nào là thủ phạm phá đám. Nó biết tức thời chưa thể làm gì được mấy thằng học trò cùng lớp, học thì không hơn ai, nhưng phá thì phải nói thuộc hàng có năng khiếu bẩm sinh, không cần ai dạy.
Thằng Tính định lên tiếng đối đáp lại nữa, ý chừng nó muốn kéo dài câu chuyện để có dịp nghe giọng nói của con Hường, dù là giọng cãi nhau. Nhưng vừa lúc đó, trống vào học đổ hồi, hết giờ ra chơi. Đám con trai tản ra từ từ đi về hướng cửa lớp. Những nhóm học trò trong sân ngưng nô đùa, nhưng cũng có đứa còn nấn ná cho hết cuộc chơi. Hường vội cuộn lại sợi dây thun rồi cùng Ngọc và Thước chạy nhanh đến cuối sân. Chúng nó biết khi trống nổi lên, thì cũng vẫn còn đủ thời gian để đi rửa tay chân, trước khi cô giáo có mặt tại lớp.
Hường, Ngọc và Thước là ba đứa học trò lớp Nhất trường tiểu học Nguyễn Tri Phương. Trong lớp, chúng nó ngồi ngay bàn đầu tiên dãy giữa, mỗi bàn ba đứa, là dãy dành cho con gái. Hai dãy hai bên dành cho con trai, mỗi bàn hai đứa. Cả ba đều học giỏi, sáng sủa, dễ nhìn, và là bạn chơi thân với nhau. Hường làm trưởng lớp, có nhiệm vụ lên văn phòng nhà trường, lấy sổ điểm danh mỗi buổi sáng, khi mới bắt đầu buổi học, đọc tên từng đứa trong lớp để ghi vào sổ những đứa vắng mặt. Nó cũng là người hô to mệnh lệnh cho cả lớp đứng dậy, mỗi khi thày cô giáo, các vị khách, hoặc ông hiệu trưởng vào lớp. Hồi đầu năm học, ngày tựu trường, Cô giáo Thảo đã chọn nó làm trưởng lớp sau khi cô hỏi cả lớp ai là trưởng lớp năm lớp Nhì. Cả lớp đã nhất loạt đưa tay chỉ vào nó. Hường không muốn phải làm lại cái chức vụ đã đeo đẳng nó suốt hai năm qua. Nó đã làm trưởng lớp từ năm lớp Ba đến giờ rồi. Nó không muốn làm trưởng lớp nữa, để được tự do hơn, không phải luôn canh chừng, lo lắng, để ý những người đột xuất đi vào lớp, hoặc phải giữ kè kè cái quyển sổ điểm danh, đồng thời cũng là sổ ghi điểm làm bài, trả bài lúc cô giáo chưa vào lớp. Đám bạn quen, hay cả những đứa không quen, lúc nào cũng muốn xin nó giở quyển sổ này ra để xem điểm của chúng nó, hay cả điểm của những đứa khác. Cho chúng nó xem điểm thì cũng chẳng hại gì, nhưng Hường chỉ sợ vì sơ xuất, lỡ có đứa nào làm rách hay dây mực vào quyển sổ, thì nó là người chịu trách nhiệm trước tiên. Để bù vào sự vất vả đó, đứa làm trưởng lớp như nó được đôi chút ưu đãi trong việc học: Gần gũi với thày cô giáo hơn, điểm cho nới hơn so với những đứa khác, biết trước một số những chỉ thị của nhà trường, hay ý định của thày cô về bài học, bài làm sẽ ra trong lớp. Với bạn học thì có “thớ” hơn, có quyền ra lệnh, mỗi khi thày cô vắng mặt, dù nhiều khi cái quyền này chẳng được tụi bạn coi trọng gì mấy. Hường đã nói khéo với cô Thảo và cả lớp, là nó không muốn độc quyền giữ cái chức vụ trưởng lớp thêm một năm học nữa. Nó phải nhường lại cho các bạn khác có cơ hội được làm, kẻo e có đứa ganh tị, bảo là nó ỷ làm quen rồi cứ muốn ngồi lì mãi. Hường còn nêu ra nhiều lý do khác nữa để từ chối chức vụ đứng đầu lớp này. Nó cũng nêu tên vài đứa có thể thay thế nó. Nhưng hình như nó càng trổ tài ăn nói, bênh vực cho lập trường nhất định rút lui, nhường chỗ của nó, thì đám bạn học, nhất là mấy đứa con trai, càng nói hùn vào để rốt cuộc cả cô Thảo cũng nghĩ rằng ở trong lớp, với khả năng hùng biện như vậy, cộng với tính tình ngay thẳng, thân hình chững chạc hơn đa số các bạn, chỉ có nó là người có đầy đủ khả năng nhất để giữ chức vụ này. Cô Thảo cũng như những thầy cô khác, ai cũng mong có một đứa học trò làm trưởng lớp đã quen việc. Chỉ chẳng đặng đừng mới phải bắt một đứa khác để thay thế. Những lúc đó thường là vì đứa từng làm trưởng lớp tự nhiên không còn học ở lớp đó nữa. Dường như cô Thảo có ý muốn chọn một đứa con gái làm trưởng lớp. Khi biết con Hường đã được tất cả các học trò khác trong lớp tín nhiệm cả hai tay, cô đã lộ vẻ yên tâm trên nét mặt. Cô ôn tồn trấn an và khích lệ nó: “Cô biết em phải vất vả lo lắng trong việc làm trưởng lớp. Tuy nhiên, ngoài em ra, trong lớp chưa em nào đã từng giữ chức vụ này, và tất cả các bạn đều tín nhiệm em. Để tạm thời giải quyết cho xong, không làm mất thì giờ học tập, em giúp cô làm trưởng lớp một thời gian. Cô hứa sẽ thu xếp để công việc của em được giảm nhẹ hơn, và sẽ tìm bạn khác có khả năng thay thế sau”. Cô nói vậy thì Hường đâu thể từ chối gì được. Nó đành phải nhận chân trưởng lớp thêm một năm học nữa. Việc cô hứa sẽ tìm đứa khác sau, chắc chỉ là một cách nói. Hường đoán vậy, vì một khi nó đã chịu làm thì đâu có đứa nào dại gì mà tình nguyện đi “ăn cơm nhà vác ngà voi” như nó nữa. Tụi học trò trong lớp Hường biết quá mà. Thật tình cũng không trách được chúng nó, vì kiểm lại thì ngoài Hường ra, chẳng đứa nào có khả năng lý tưởng để đứng đầu lớp. Có vài đứa tạm được thì chúng nó cứ chối đây đẩy, không nhận lời đề cử. Còn lại đứa học được, tính tình đàng hoàng thì lại hiền, ít nói, như thằng Tuấn phó trưởng lớp từ năm lớp Nhì. Đứa khôn ngoan, lanh lợi thì người ốm yếu. Đứa khỏe mạnh, nhanh nhẹn thì lại học dốt hay chỉ giỏi phá phách, ăn hiếp bạn. Có đứa giọng lúc nào cũng oang oang như sắp cãi nhau, lý sự thì mồm loa mép giải hay lắm, đến khi cần thưa chuyện quan trọng với thầy cô hay người lớn thì ngậm hột thị, hay chỉ ậm ọe, không nói được một câu cho ra hồn. Hường tự an ủi dù sao đây cũng là năm cuối bậc tiểu học. Cố làm thêm năm này rồi sang năm vào đệ Thất bậc trung học, toàn những khuôn mặt lạ, không còn ai biết nó từng làm trưởng lớp, sẽ không ai có lý do ép buộc nó nữa.
Nghĩ vậy nhưng Hường không ngờ là chỉ sau một thời gian rất ngắn, chính nó là người muốn bảo vệ cái chức vụ mà trước đây nó từng khăng khăng từ chối. Nó không ngờ là nó lại quý mến cô Thảo đến độ không những nó chu toàn tất cả những công việc của trưởng lớp, mà còn tự nguyện giúp thêm cho cô những việc khác ngoài trách vụ đó nữa. Thật ra, không phải chỉ có Hường có cảm tình với cô giáo như vậy, những đứa con gái khác, và cả đa số con trai trong lớp đều mến cô và nghe lời cô, học hành tử tế. Chỉ một số ít những đứa còn lại thì lợi dụng sự hiền hoà, dễ dãi của cô để nghịch phá mỗi khi có dịp. Cô Thảo hiền và dễ thì có, nhưng phải nói cô là người đạo đức thì đúng hơn. Cô hãy còn trẻ lắm, hình như cô mới tốt nghiệp Sư Phạm và được chuyển về dạy ở trường Nguyễn Tri Phương năm nay. Có lẽ cô được hấp thụ lề lối giáo dục theo phương pháp mới, lấy sự khuyên răn và những gương sáng ra để giáo huấn học trò, hơn là dùng roi vọt đe nẹt, hoặc lời rầy la mắng chửi. Cô ít khi nào phạt học trò, nhất là cô không đánh chúng nó bao giờ. Hình phạt thường chỉ là chép phạt, nói lời xin lỗi bạn. Chỉ khi có đứa nào làm điều gì quá quắt, thì cô phạt nó đứng cạnh bảng đen, quay mặt vào tường, hoặc quỳ là cùng. Như có lần thằng Sanh và thằng Kiệt đem sâu róm vào lớp, tính dấu vào hộc bàn mấy đứa con gái, bị bắt quả tang, chúng nó chỉ phải quỳ quay mặt vào tường nửa tiếng. Nói là nửa tiếng, nhưng mới mười phút, cô đã tha cho chúng với điều kiện phải xin lỗi cả lớp, vì tội đã làm mất thì giờ của mọi người. Ngoài những lúc giảng bài, cô thường dùng lời lẽ ôn tồn, khuyên bảo học trò phải cư xử với nhau cho tử tế, lịch sự. Phải tôn trọng lẫn nhau, giảm bớt chuyện cãi cọ, không nên gọi nhau bằng mày tao, nhất là giữa con trai với con gái. Nếu không giúp đỡ nhau thì cũng đừng chọc ghẹo nhau một cách quá đáng. Cô còn đưa ra những lời chỉ dẫn riêng cho học trò con gái cần giữ nét đoan trang thùy mị, ăn nói từ tốn nhẹ nhàng. Những điều đó tưởng cũng đã đủ để những đứa có đầu óc suy nghĩ một chút, có thiện cảm với cô giáo của chúng nó. Nhưng điều làm chúng nó, nhất là đám con gái mê cô Thảo như điếu đổ chính là vì cô rất đẹp, một nét đẹp dịu dàng, thanh thoát. Chính con Hường lúc chấp nhận chân trưởng lớp ngày tựu trường một phần cũng do nhìn thấy cô giáo mới trẻ và đẹp quá nên nó không quyết liệt từ chối nữa. Cô Thảo đi dạy học chỉ mặc áo dài trắng và không trang điểm nhưng cũng đã khiến mấy đứa con gái coi cô như thần tượng. Mỗi buổi sáng cô vào lớp, là chúng nó cứ trố mắt ra nhìn, làm như chưa được thấy cô giáo bao giờ. Thời gian đầu bọn chúng đã làm cô phát ngượng, đỏ cả mặt, vì bài chép trên bảng chúng không theo dõi, mà chỉ mê mẩn nhìn chòng chọc vào cô. Tụi con trai thì cũng biết là cô giáo chúng nó đẹp, nhưng chúng không quan tâm đến chuyện đó lắm. Tụi nó chỉ khoái một điều, theo sự suy nghĩ ngây thơ trẻ con của chúng nó, là đẹp và lại trẻ nữa, thì thường đi đôi với hiền, càng đẹp thì càng hiền, hay ít nhất cũng không dữ. Và quả y như thế, chỉ sau ngày đầu tiên, chúng khám phá ra ngay là cô Thảo hiền khô đúng như tên gọi. Không cần có đứa nào loan báo hay họp bàn để đi đến quyết định, chúng nó sung sướng hiểu là sẽ không phải sợ cô giáo, như đã từng đau khổ suốt một thời gian dài trong năm học vừa qua. Chúng đã phải khép nép, e dè, sợ hãi, vào lớp học mà như vào nhà tù, khi còn học lớp Nhì.
Ngày đó, người dạy lớp Nhì là một bà giáo lớn tuổi, đeo kính trắng, tạng gầy nhom, mặt lúc nào cũng khó đăm đăm như đang có một tâm sự u uất hay nỗi niềm đắng cay gì lắm. Cấm khi nào thấy bà nở được một nụ cười, dù chỉ là cười nhếch mép. Tay bà lúc nào cũng lăm lăm cái thước kẻ bằng gỗ to bản, không biết mua ở đâu, sẵn sàng “thưởng” mấy phát vào lưng hay bàn tay của những đứa nào vi phạm nội quy do bà ấn định, dù đó không phải là lỗi do chúng nó trực tiếp gây ra. Có lần, vào thời gian đầu, chưa rõ oai bà, thằng Sanh, ngồi bàn chót bên dãy con trai, quen thói hay chọc phá đám con gái, bắt đầu ngứa chân ngứa tay, giở trò nghịch ngợm. Nhân khi bà giáo đang quay lưng viết đề bài Khoa Học Thường Thức trên bảng, nó ném con dế than đang ngắc ngoải về phía con Thêm ngồi trên nó một bàn, nhưng ở dãy giữa là dãy dành cho con gái. Con dế bay qua bả vai, rơi trúng ngay tay con Thêm đang cầm quản bút đã chấm mực sắp viết, làm văng tung tóe mấy giọt mực tím trên trang giấy trắng. Thêm là con gái, nhưng nó cũng thuộc loại ưa chọc ghẹo bạn cùng phái, chỉ thua những thằng con trai như thằng Sanh thôi. Chúng nó thường là đứa đầu têu của những trò phá phách cả lén lút lẫn công khai. Tuy ngồi trên thằng Sanh một bàn, nhưng là ngồi xéo, nên đuôi mắt Thêm vẫn thấy tay thằng này vung ra về phía nó. Biết ngay là bị thằng Sanh phá, Thêm nào phải tay vừa, nó nổi giận, cầm ngay con dế đau khổ, sắp chết mà không được yên, quay lại tức tối ném trả ngược vào mặt kẻ thủ phạm. Sanh đang khoái chí, vội né người vào thằng Kiệt ngồi bên cạnh để tránh. Xui cho thằng Sanh và con Thêm, chúng nó hôm đó chắc đi học không coi ngày, bị sao quả tạ chiếu, nên bà giáo đang viết trên bảng, cảm nhận có chuyện lộn xộn, bèn quay lại nhìn thấy gần hết sự việc. Không biết có phải trước khi đến lớp, bà đã hậm hực một chuyện gì trong người không mà cơn thịnh nộ bắt đầu. Bà hầm hầm gọi hai đứa lên hỏi tội. Sau khi mắng cho chúng nó một trận xối xả, không kịp vuốt mặt, rồi không cần biết ai phải ai trái, bà đưa ra hình phạt nặng nề: Con Thêm bị hai thước kẻ vào lòng bàn tay, và quỳ quay mặt vào tường trong lớp mười lăm phút. Thằng Sanh nặng hơn, bị ba thước kẻ, hai phát vào lòng bàn tay và một phát vào lưng bàn tay. Nó còn bị quỳ như con Thêm, nhưng quỳ ngay cạnh cửa lớp, quay mặt ra ngoài sân lâu đến nửa tiếng. Chắc bà nghĩ nó là con trai, cái mặt câng câng nhìn phát ghét, cần nặng tay cho nó chừa cái tật. Hai đứa quen lệ như những lần bị quỳ năm lớp Ba, đang xuýt xoa bàn tay đau, định quay về chỗ ngồi để cầm theo quyển vở hay tờ giấy lót đầu gối. Nhưng vừa quay lưng dợm bước đi, bà giáo đã gọi phắt lại, nạt thêm cho vài câu và bắt ra quỳ ngay lập tức. Với thằng Sanh, trước khi quỳ, bà còn chơi ác, lấy phấn vẽ khoanh một ô ngay chỗ nền xi măng bị sần sùi nhất, ra lệnh nó phải quỳ trong đó, không được xê xích đầu gối ra ngoài. Nếu không thi hành án phạt đúng đắn thì sẽ bị tính giờ quỳ lại từ đầu. Học trò trong lớp đứa nào cũng xanh mặt, ngồi im thin thít như thịt nấu đông, không dám cựa quậy nhúc nhích. Bà giáo mặt lạnh như băng, lừ lừ đi đến cuối lớp, chỗ dãy bàn con Thêm và thằng Sanh, tay dứ dứ cây thước, gằn giọng đe: “Còn mấy đứa tụi bay liệu cái thần hồn. Đứa nào không lo học, chỉ ham phá phách thì xem cái gương đấy”. Rồi bà quắc mắt, chiếu cặp nhãn quang sắc như dao vào đám học trò ngồi quanh đó, đang cúi mặt lo sợ, chỉ e tự nhiên tai bay vạ gió, lỗi đứa khác mà mình bị đòn lây. Đối với mấy đứa này, với kinh nghiệm của nhiều năm trong nghề, không cần truy xét nhiều, bà cũng biết chúng thuộc thành phần chơi nhiều hơn học, vì những đứa học giỏi và chịu học có bao giờ ngồi ở những bàn cuối. Khi thấy ra oai đe nẹt đám trẻ con như vậy đã đủ, bà mới hơi dịu giọng mà phán rằng: “Mấy trò thời nay còn may đấy. Thời ngày xưa không được dễ dãi như vậy đâu. Đứa nào chỉ không thuộc bài thôi là bị nọc ra đánh rướm máu, mà còn bị vắt chanh, xát muối rồi quỳ cả buổi ngoài sân nắng chang chang, quỳ trên cái vỏ mít xanh, tươm hết đầu gối ra, chứ thế này đã thấm tháp gì”. Từ đó, suốt năm lớp Nhì, cái nạn nghịch phá, trêu chọc trong lớp gần như mất hẳn, và bà giáo được đám học trò rắn mặt tặng cho cái hỗn danh “Bà Chằng”. Tiếng bà đồn ra khắp trường, lên đến tận văn phòng. Mấy thày cô đồng nghiệp có vui miệng hỏi, thì bà vẫn nghiêm nghị trả lời: “Tiên học lễ, hậu học văn. Học trò thời nào cũng vậy, phải răn đe như thế cho chúng nó đừng có làm giặc. Không để nó ngồi lên đầu lên cổ mình à?”. Vào ngày đầu niên học, học sinh trong trường đứa nào cũng thấp thỏm lo lắng không biết lớp chúng nó có “trúng lô độc đắc”, bị bà làm cô giáo không.
Vì đã phải trải qua nguyên năm lớp Nhì sống dưới sự kiềm chế khắc nghiệt của “Bà Chằng”, nên qua năm lớp Nhất, được cô Thảo vừa trẻ, vừa đẹp, lại vừa hiền làm cô giáo, bọn học trò thơ thới hân hoan như hổ tháo cũi, chim sổ lồng. Những đứa tinh quái lại bắt đầu “bổn cũ soạn lại”, tái diễn những kiểu trêu chọc nghịch ngợm mà hồi năm lớp Nhì đã bị cấm đoán. Tuy nhiên, do đa số chúng nó đã bắt đầu ý thức được sự quan trọng của việc học để chuẩn bị cho kỳ thi đệ Thất, cộng thêm mối thiện cảm và lòng yêu mến tự nhiên dành cho cô Thảo, nên chỉ còn vài đứa có tính ham chơi quá độ, là hay lộn xộn phá phách thôi. Trò nghịch phá của mấy đứa này cũng không nhắm vào cô Thảo, mà chỉ là giữa bọn học trò với nhau. Một số khác, theo bản tính tự nhiên “nhất quỷ nhì ma”, vẫn còn chọc ghẹo nhau nhưng cũng ở mức vừa phải, và chỉ xảy ra vào lúc ra chơi hay những giờ cô giáo không có mặt trong lớp. Thằng Tính là một trong những đứa đó. Nó không phải là đứa học trò học dốt, nó cũng khá thông minh, nhất là về Toán, nhưng điểm sắp hạng của nó chỉ làng nhàng ở mức trung bình, tháng nào khá lắm thì được trên trung bình rồi lại tụt xuống ngay. Lý do là dường như nó không thể tập trung tư tưởng vào một việc gì lâu. Vô lớp, nó ngồi không yên, chân tay, người ngợm lúc nào cũng phải nhúc nhích, cựa quậy, hay trêu chọc bạn bè một cái gì thì mới chịu được. Chỉ có cái là nó không chọc phá như kiểu thằng Sanh, là kiểu phá ngầm, chơi ác, nhiều lúc muốn làm đứng tim hoặc phải khó chịu lâu dài như giấu sâu róm, đuôi chuột giả, hay thằn lằn, nhện vào ngăn bàn con gái, hay phóng máy bay giấy rải truyền đơn là bụi bông mắt mèo, cho đứa nào xui xẻo bị rơi trúng thì… “tha hồ mà gảy đờn”, như lời nó nói. Thằng Tính không vậy. Nó phá trước mặt và công khai, nhưng không ác, thường chỉ làm bạn học bực mình, tức tối trong một thời gian ngắn. Đứa nào phải ngồi chung quanh nó không sớm thì muộn cũng sẽ là nạn nhân của nó, với những trò như tự nhiên đang ngồi viết bài, bị nó bất ngờ giả bộ mượn cớ chấm nhờ lọ mực, rồi chạm vào tay đang cầm bút làm nét viết bị xéo đi. Hoặc lấy chân đạp rung bàn ghế đang ngồi của chính nó, hay của hai đứa đằng trước, để tất cả không chú tâm làm bài hay viết bài gì được. Khi chán trò chọc ghẹo gần, nó chơi ném hột me, cùi cóc, hay bắn bì giấy qua lại với những đứa ở xa, có khi giữa hai dãy bàn con trai, làm mấy đứa con gái ngồi dãy giữa cứ la toáng lên từng cơn, sợ hãi cúi nép người vào với nhau, mắt nhớn nhác canh chừng, chỉ lo đạn lạc. Trong lớp, Tính ngồi ở dãy bên phải, bàn giữa, tức là cách bàn của Hường ba bàn về bên trái. Từ ngày học lớp Tư, hai đứa đều học chung một lớp, và vì ở cùng một xóm, nhà chỉ cách nhau vài căn nên chúng nó biết tỏng hết hoàn cảnh gia đình, tính tình của nhau. Hường là con trưởng trong nhà với hai em nhỏ, một em trai lên bốn và một em gái mới một tuổi. Ba nó là lính Bảo An đóng ở ngay thành phố, có thời gian ông được đi về mỗi ngày như công chức. Má nó là cô giáo như cô Thảo nhưng dạy lớp mẫu giáo ở trường Mầm Non. Trong nhà còn có bà ngoại nó. Bà chưa già lắm, chỉ ngoài sáu mươi nhưng cũng yếu chứ không được khỏe. Nhà thằng Tính thì nó là con thứ và cũng là út. Trên nó chỉ có một chị, lớn hơn nó đến sáu tuổi. Hai chị em nó sống với má nó và ông bà nội. Ba nó là công chức bộ Thông Tin, được đổi xuống tỉnh hồi mấy tháng trước, ngày nghỉ mới về nhà. Ông ở được hai hôm rồi lại đi. Má nó có sạp hàng bán trái cây ở chợ Nguyễn Tri Phương, cái chợ nằm chỉ cách trường nó học một đoạn đường ngắn và mang cùng tên.  Hồi còn là con nít nhỏ, chơi đùa, chạy nhảy với chúng bạn trong xóm, Tính với Hường cứ tự nhiên gọi nhau là mày, tao riết thành quen miệng cho tới bây giờ. Vài năm trước đây, thằng Tính chỉ coi con Hường như một đứa bạn cùng xóm, cùng lứa tuổi, như những đứa con trai, con gái khác. Nhưng từ đầu năm lớp Nhất trở đi, nhất là từ lúc ba của con Hường được lệnh theo đơn vị đổi đi xa, và em út nó mới được mấy tháng, Hường phải ở nhà thường xuyên hơn để phụ với bà và má nó lo cơm nước, trông em nhỏ, Tính bắt đầu đâm ra suy nghĩ vẩn vơ. Nó vẫn chơi đùa với các bạn khác trong xóm và con Hường thỉnh thoảng có bồng em ra sân nhìn chúng nó rồi trao đổi vài câu bâng quơ, nhưng Tính vẫn thấy như hơi thiếu vắng cái gì. Ở cái tuổi mười một, nó không hiểu được những sự thay đổi nho nhỏ trong tâm lý trẻ con. Nó muốn con Hường vẫn cứ tham gia những trò chơi, đùa giỡn với nó và các bạn, vẫn tranh giành, cãi nhau, giận dỗi rồi lại làm hòa như trước đây, kiểu như: “Ê! lêu lêu xịt, lêu lêu xịt. Xí vào thèm chơi với tụi bây, đồ ăn gian”, và: “Leng keng, leng keng, con chó leng keng, con chó thổi kèn, con chó làm quen”. Lúc đầu nó nghĩ rằng tại con Hường phải ở nhà trông em, và làm việc nhà nên ít có thì giờ ra ngoài chơi. Khi nào em nó ngủ và công việc đã xong, con Hường sẽ chạy ra tìm nó và các bạn để bày trò lò cò, nhảy dây, búng thun, ú tim…. Nhưng nó thấy dường như rất ít khi nào Hường được rảnh, là vì nó chẳng thấy Hường đến tham gia trò chơi với những đứa con trai như chúng nó nữa. Dù với tính tình năng động nhưng sau nhiều lần rủ rê, đốc thúc mà Hường vẫn không nhận lời, lúc đầu còn lấy lý do bận trông em, sau chỉ từ chối cộc lốc, Tính cũng tức mình không muốn đá động gì đến con Hường nữa. Nhưng nó chỉ quên Hường được một thời gian ngắn rồi không hiểu sao hình ảnh Hường lại quay về trong đầu óc nó. Chắc tại ở nhà thì nó đã không còn nghĩ đến Hường nhưng khi đến trường thì bóng dáng Hường lại lù lù trước mắt. Có khi chưa cần tới trường, tình cờ lúc ra khỏi nhà, đi học, nó cũng đã gặp Hường đang cắp cặp bước đi đằng trước rồi, vì nhà chúng nó ở gần trường nên cả hai đều đi bộ. Nhưng dẫu gặp thường xuyên vậy, thằng Tính cũng chẳng làm gì được tốt hơn lúc ở nhà. Nó không quen đi bộ chung với con gái đến trường dù đó là con Hường, học cùng lớp và ở cùng xóm từ nhỏ. Điều này tự nó cũng lấy làm lạ. Nó không hiểu tại sao khi ở nhà cùng đùa nghịch chơi giỡn với nhau thì không sao, đến khi đóng bộ áo sơ-mi trắng, quần soọc xanh, đeo phù hiệu trường, cầm cặp đi học thì lại đâm ngượng, không dám đi gần con Hường nữa. Mà hình như cả Hường cũng vậy. Chúng nó ngại bạn bè hay người lớn nhìn thấy mà xấu hổ chăng? Trên đường đi học đã vậy. Vào trường lại còn phải giữ kẽ hơn. Học trò con gái với con trai chả bao giờ đứng gần mà nói chuyện với nhau lâu. Nếu lâu thì chắc là đang cãi nhau vì một chuyện gì rồi. Cũng chẳng khi nào con gái với con trai cùng chơi chung với nhau một trò chơi trong sân trường. Nhóm nào chơi riêng nhóm đó, trai ra trai, gái ra gái. Vào lớp thì sự phân biệt nam nữ càng rõ rệt hơn, dãy bàn con trai một bên, con gái một bên, không có cảnh trai gái ngồi chung bàn. Câu chuyện phải trao đổi giữa hai phái hầu hết cũng là lời qua tiếng lại tố cáo, đe dọa “mét” thày, cô về một cái tội nào đó. Chỉ những lúc có việc quan trọng thì con Hường mới lên tiếng, giọng bình thường, thông báo tin tức cho cả lớp, hay cho đứa nào có liên quan, hoặc trao đổi vài câu với thằng Tuấn, phó trưởng lớp thôi. Tính do đó, tuy với tính tình ngổ ngáo, hay phá phách, đôi lúc muốn nói chuyện riêng với Hường nhưng vẫn e ngại tụi bạn nhìn thấy sẽ đồn lên rồi có lý do để lôi nó ra làm trò cười, dù đa số những đứa này biết nó và con Hường ở chung xóm. Nó đành cứ ngồi học mà thỉnh thoảng hướng mắt về phía Hường, không biết làm gì hơn. Còn đến lúc  ra chơi, trong lúc chơi đùa với bạn, nó tìm cách bày trò gần chỗ con Hường và các bạn gái đang chơi hoặc tìm cơ hội lảng vảng gần đó.
Về phần Hường, đương nhiên nó biết thằng Tính để ý đến nó. Với sự nhậy cảm bẩm sinh của con gái, Hường hiểu thằng này không phải chỉ thích nó tham gia những trò chơi trong xóm như là một thành viên bình thường kiểu như thằng Tí, thằng Quân, con Mén, con Quyên. Sau vài lần nhẹ nhàng từ chối với lý do trông em, bận việc nhà, bận học, rồi với bản tính thẳng thắn bộc trực, Hường đã thẳng thừng bác bỏ lời rủ rê của Tính. Thật sự, Hường không ghét cũng không ưa Tính. Đối với nó, thằng Tính không khác gì những đứa con trai khác. Trước đây, ở trong xóm, nó chơi với các bạn vì trò chơi cần có nhiều đứa chơi mới vui, thế thôi. Thằng Tính được cái hăng hái, hoạt động nhất nên nhờ nó mà không khí được vui vẻ, nhộn nhạo hơn, dù cũngTính là đứa gây sự, chọc ghẹo bạn trong khi đang chơi, làm cho cãi nhau rồi giận dỗi, tan cuộc. Hường cũng không biết tại sao khi chớm nhận ra ánh mắt, cử chỉ hơi quan tâm đến nó của thằng Tính, nó cảm thấy không còn tự nhiên như trước. Một điều gì đó đang thay đổi trong tâm hồn nó. Đầu óc không ai sai bảo, mà tự dưng nó thấy không còn thích tham gia những trò chơi với mấy đứa con trai nữa. Nó bắt đầu nghĩ nhiều đến việc học, và cảm nhận được trách nhiệm của đứa con gái lớn, chị hai trong gia đình như lời bà ngoại, mẹ nó, và cô giáo thường khuyên dạy. Đôi lúc cần hoạt động chơi đùa, nó chỉ rủ con Mén, con Quyên vào sân nhà chơi banh đũa, giải gianh, hay nhảy dây, là môn nó rất rành. Ở trong xóm, không đứa nào nhảy dây giỏi bằng nó. Thằng Tính và mấy đứa con trai đâu có quen các loại trò chơi dành cho con gái, nên chỉ đứng nhìn một lúc, rồi chúng rủ nhau đi bày những trò của con trai.
Vào giờ ra chơi vừa qua, để giãn gân cốt sau gần hai tiếng đồng hồ ngồi bó gối trong lớp, Tính cùng mấy đứa bạn chơi chạy đuổi. Đứa nào bị làm người đi đuổi phải chạy tìm những đứa khác đang lởn vởn chung quanh, và chạm tay được vào người một đứa thì mới bắt tên này làm thay nhiệm vụ của mình. Trò chơi này cần sự nhanh nhẹn, dẻo dai và năng động. Thằng Tính khoái chơi trò này vì ít ai bắt được nó. Ngược lại, nó muốn bắt đứa khác không khó. Khi vừa chán, nó chạy đi uống nước xong quay về thì nhác thấy đám con Hường, Ngọc và Thước đang chơi nhảy dây dưới tàn cây phượng nên tấp vào chỗ mấy đứa bạn cũng thuộc loại hay nghịch ngợm, đang đứng nấp sau thân cây nói chuyện. Trong số này có thằng Quyền là một đứa không đến nỗi phá công khai như Tính, hay ác như Sanh, nhưng thích lén chọc đám con gái bằng những hành động vặt vãnh. Chính nó đã gấp và phóng chiếc máy bay giấy xếp theo hình phản lực cơ liên lục địa vào đám con Hường. Đúng ra, nó có ý phóng về phía con Ngọc, để trả thù Ngọc về chuyện đã thưa cô tội của nó sáng nay, lúc cô giáo có việc vừa ra khỏi lớp. Khi đó, nó đang dùng ngón tay búng trái chùm giuột dầm vào lưng con Thước, thì vừa lúc Ngọc quay lại đằng sau nhìn thấy. Cô Thảo sau đó chỉ lập lại những lời khuyên bảo và bắt nó chép phạt 20 lần câu: “ Em hứa không chọc phá bạn trong lớp”. Hình phạt này quá nhẹ nên thằng Quyền đâu có sợ. Hơn nữa thằng Quang ngồi cạnh nó lại giở giọng thày bàn: “Ê, cô chỉ bắt mày hứa không phá tụi nó trong lớp thôi. Ra khỏi lớp rồi là hết sợ”. Vì thế khi vừa có cơ hội, thằng Quyền ra tay liền. Nhân lúc Ngọc và Thước đang mải quay dây cho Hường nhảy, Quyền từ đằng sau thân cây phượng ló đầu ra phóng chiếc máy bay giấy về hướng con Ngọc. Chiếc máy bay chắc được gấp vội vàng nên bay không chính xác, thay vì bay thẳng vào con Ngọc lại lượn vòng, rồi đâm trúng gáy con Thước. Khi Ngọc và Hường bực tức lên tiếng hạch hỏi thì thằng Quyền với bản tính chỉ thích phá lén, đâu có dại gì ra mặt để nhận trách nhiệm. Mấy đứa đứng quanh cũng không ngu mà nhận tội vì đâu phải chúng nó phóng cái máy bay. Chỉ có thằng Tính có máu xốc nổi, thấy con Hường lên mặt dữ dằn thì tự nhiên muốn nhân cơ hội trêu chọc thêm, cũng là để được nói chuyện với Hường. Tuy trêu chọc mà lời và giọng nói của Tính lại vẫn mang vẻ mến thích con Hường. Tính đã nói thật nó không phải là thủ phạm, nhưng Hường, Ngọc và Thước đều không tin. Điều này cũng dễ hiểu vì trong lúc đang bực bội khó chịu vì bị phá đám, chúng nó tất phải túm ngay lấy đứa con trai nào dám ra mặt trước tiên mà cho đó là đứa đã trêu chọc mình. Ai chứ thằng Tính thì đúng quá rồi. Không nó thì ai vào đây. Tính bị nghi oan nhưng nó không quan tâm lắm. Chuyện nó chọc phá bạn, nhất là bạn trai là chuyện thường như cơm bữa. Ngày nào không có đứa dọa “mét” cô cho nó bị phạt, thì ngày đó nó bị bệnh hay bận việc phải ở nhà. Tính chỉ vẩn vơ suy nghĩ không biết con Hường có còn muốn tiếp xúc, nói chuyện với nó nữa không. Ở trong xóm sao không thấy Hường nói gì mỗi khi nó đến gần. Ở trường lớp, có nói lại chỉ là gây sự, cãi nhau.
Cô giáo Thảo vừa vào lớp xong. Chờ cho bọn học trò lục tục ngồi xuống, sau khi đã đứng lên theo tiếng hô thường lệ: “Học sinh, đứng!” của trưởng lớp, cô lấy bản thông tin nội bộ của nhà trường ra cầm trên tay, rồi cất giọng nghiêm trang: “Các em im lặng chú ý nghe cô nói. Nhà trường vừa thông báo, theo lệnh Nha Tiểu Học Đô Thành, vào thứ Bảy tuần sau sẽ là ngày tổ chức Đại Hội Học Sinh Tiểu Học Toàn Thủ Đô tại sân vận động Cộng Hòa. Trường chúng ta sẽ tham gia cùng các trường khác…”. Cô Thảo vừa nói đến đó, đám học trò đã ồn ào bàn tán quên cả lời cô dặn phải yên lặng. Đây là một bản tin bất ngờ, hấp dẫn đối với chúng nó, nhất là với đám con trai. Trong mấy năm học dài đằng đẵng, có mấy khi nào chúng nó được nghe những loại thông cáo hứa hẹn vui nhiều hơn buồn, sướng nhiều hơn khổ như vậy, trừ những lần thông cáo về nghỉ lễ, Tết hoặc nghỉ Hè, là những lần dù trường chưa báo, chúng nó cũng đã đoán biết trước. Cô Thảo dường như cũng thông cảm cho nỗi xúc động của chúng nó. Cô chờ cho bầu không khí tạm lắng xuống, rồi bảo chúng nó yên lặng nghe cô nói tiếp: “Các em sẽ cùng các bạn trong trường đại diện cho hiệu đoàn Nguyễn Tri Phương có mặt trong ngày đại hội đó. Thày hiệu trưởng đã ra chỉ thị cho lớp chúng ta chọn tám em, gồm sáu em chính thức và hai em dự khuyết, chia đều cho hai bên nam và nữ, để cùng các em của lớp khác thành lập đội diễn hành cho trường. Những em còn lại không nằm trong đội diễn hành sẽ tập trung ngồi trên khán đài theo chỗ được chỉ định, và có sự hướng dẫn, kiểm tra của các thày cô…”. Đám học trò lại bắt đầu to nhỏ bàn tán. Dường như trong bất cứ việc gì, chúng nó chẳng bao giờ giữ yên lặng được lâu. Cái tin sắp được đi dự đại hội ở sân vận động còn nóng hổi thì lại đến chuyện chọn ra tám đứa để đi diễn hành. Không đứa nào bảo đứa nào, chúng xì xào bàn tán xem đứa nào sẽ được chọn. Sợ mất thì giờ, ảnh hưởng đến việc học, cô Thảo đập thước kẻ trên bàn cho bọn học trò chú ý rồi nói vắn tắt trước khi đi đến kết luận: “Việc chuẩn bị đi dự đại hội, cũng như chọn các em vào đội diễn hành, cô sẽ nói chi tiết sau khi học xong bài Địa-Lý theo thời khóa biểu hôm nay. Nếu không đủ giờ, chúng ta sẽ bàn thêm vào buổi học ngày mai. Hôm nay là Thứ Sáu, chúng ta có thì giờ cho tới Thứ Hai tuần sau mới phải nộp danh tính tám em lên văn phòng. Bây giờ các em lấy tập vở ra chép bài. Hôm nay chúng ta sẽ học bài Việt-Nam Thiên-Nhiên, Sông-Ngòi Nam-Phần. Em nào có sách Địa-Lý, mở ra trang 44”. Nói rồi, mặc cho mấy đứa học trò còn tiếc rẻ những phút giây hứng khởi vừa qua, chưa chịu dứt tiếng râm ran bàn tán, cô Thảo cầm quyển sách “Địa-Lý Lớp Nhất” giở ra đúng chỗ đã đánh dấu sẵn, cầm phấn viết tựa bài, dàn bài, và những điểm chính trên bảng.
Giờ Địa-Lý rồi cũng trôi qua mà không đến nỗi buồn chán như mọi lần, nhờ có lời hứa của cô giáo, sau giờ học sẽ bàn tiếp việc đại hội. Trong các môn học, đám học trò ghét nhất môn Địa-Lý. Đây là môn học mà chúng nó không những ghét mà còn sợ nữa, mặc dù thày cô tốn không biết bao nhiêu công sức thuyết giảng cho chúng nó biết là môn Địa- Lý rất hữu ích và quan trọng. Đứa nào học giỏi và siêng lắm, thuộc loại nhất nhì trong lớp, thì mới được điểm khá hoặc trên trung bình, còn thì chỉ lẹt đẹt bốn, năm điểm trở xuống. Lý do, chúng nó nói là bài giảng của môn này có quá nhiều chi tiết, lại khô khan, khó nhớ, gọi chung là “nuốt hổng dzô”. Có đứa như bị mắc bệnh dị ứng với sách Địa Lý, không bao giờ dám giở ra một trang nào, dù vẫn mua và mang theo, nó chỉ chép bài trên bảng vào vở mà học. Lại có đứa vừa cầm quyển sách lên là đã ngủ gật. Mà thật, những bài giảng trong sách Địa Lý, hoặc ngay cả phần toát yếu, tóm gọn những ý chính trong bài, cũng mang nhiều từ ngữ chuyên môn khó hiểu, khó nhớ, đối với đầu óc trẻ con ham chơi hơn ham học của chúng nó. Những địa danh, tên gọi, hình ảnh, bản đồ, và những con số của một bài đã thấy nhức đầu thì làm sao nhớ nổi nhiều bài hoặc cả quyển sách. Mỗi khi đến giờ Địa Lý, bị cô Thảo gọi lên đứng trả bài là chúng nó than thầm, coi như công lao giữ cho điểm trung bình được cao, trở thành công cốc. Vì với số điểm cô cho hôm nay quá thấp, điểm trung bình cả tháng sẽ bị kéo xuống theo, do đó thứ hạng của chúng nó cũng sẽ thấp hơn những đứa khác, không bị trả bài. Cũng may hôm nay chắc không muốn mất thì giờ nên cô đã không gọi trả bài như thường lệ.
Khi cô Thảo chấm dứt lời giảng bài và đưa tay lên nhìn đồng hồ, đám học trò đã ồn ào trở lại. Cả những đứa hàng ngày được tiếng là hiền, ngoan, chăm học cũng xôn xao bàn tán. Đề tài chúng nó thảo luận không cần cô nhắc, là việc chọn tám đứa đi diễn hành. Cô Thảo bảo con Hường đọc lại bản thông cáo có ghi rõ từng chi tiết quan trọng cho cả lớp nghe. Trong đó nhà trường cho biết ngày giờ phải tập trung tại sân trường là bảy giờ rưỡi sáng Thứ Bảy, để sắp hàng, tuần tự đi bộ đến sân vận động gần đó. Học sinh ngồi trên khán đài mỗi đứa phải tự làm lấy một cây cờ Việt Nam, nền vàng ba sọc đỏ, bằng giấy thủ công để cầm tay. Phải mặc quần áo sạch sẽ, thẳng nếp, có phù hiệu trên ngực áo theo đúng quy định từ đầu niên khoá. Tóc tai phải gọn gàng, đi giầy hay săng đan có quai, và nhớ ăn sáng đầy đủ. Những học sinh đi diễn hành phải được chọn từ những em khỏe mạnh, cao ráo, sáng sủa, hạnh kiểm ngoan, học lực khá. Đồng phục cho cả nam lẫn nữ đi diễn hành là quần dài xanh, áo sơ-mi trắng dài tay, giầy ba-ta trắng. Những em này sẽ được tập đi diễn hành trong sân trường dưới sự huấn luyện của thày, cô giáo dạy môn thể dục. Khi Hường đọc xong phần tiêu chuẩn để chọn học sinh đi diễn hành, cả lớp đều bật cười. Cô Thảo tuy cố nén cười, cũng lộ vẻ đồng tình trên nét mặt. Cô biết chúng nó cười là phải. Nếu theo đúng chỉ thị với những tiêu chuẩn lý tưởng như thế để chọn, thì có lẽ cả trường cao lắm được chừng bảy tám đứa, chứ kiếm đâu ra mấy chục đứa mà làm thành nguyên một đội hình đi diễn hành. Cô ôn tồn nói:
- Các em cứ bàn với nhau rồi đề cử bạn nào mà các em cảm thấy xứng đáng đại diện lớp chúng ta đi tham gia diễn hành. Em nào cảm thấy có khả năng cũng có thể tự đề cử mình. Các em cần nhớ là đi diễn hành tức là đi theo nhịp, ngay hàng thẳng lối, qua các khán đài. Các em sẽ đại diện cho trường chúng ta trước rất đông quan khách, thày cô, và học sinh những trường khác. Bởi vậy chúng ta phải chọn người cho cẩn thận”.
Mấy đứa con trai lúc đầu nghe nói đi diễn hành, tưởng như đi diễu chơi, thì khoái lắm, nhăm nhe xung phong để được ghi tên đầu tiên. Cả những đứa hay nghịch ngợm phá phách trong lớp, chuyên đứng đội sổ với áp chót cũng đòi đi. Nhưng khi nghe cô Thảo nêu rõ ý nghĩa và mục đích thì chúng rụt hết người lại, rồi xoay qua đùn đẩy lẫn nhau, không đứa nào chịu ra mặt nữa. Coi bộ đứa nào cũng nghĩ ngồi trên khán đài thì thích hơn đi diễn hành dưới đất. Cô Thảo trong thâm tâm đã có ý chọn sáu đứa mà cô cho là được nhất để đưa vào danh sách học sinh chính thức đi diễn hành. Ngoài sáu đứa này, cô cũng chấm thêm hai đứa nữa để đưa vào danh sách dự khuyết. Hai đứa này để thay thế mấy đứa chính thức nếu chúng bị bệnh bất ngờ không đi được. Thấy mấy đứa ngồi quanh con Hường bên dãy con gái và mấy đứa ngồi quanh thằng Tuấn, là phó trưởng lớp, ngồi bàn đầu bên dãy con trai đang xì xào chỉ trỏ, cô biết chúng nó đã nhắm sẽ đề cử ai rồi. Cô hỏi thêm cho chúng bạo dạn lên tiếng:
- Có em nào tình nguyện vào đội diễn hành hay có ý kiến đề cử bạn nào thì cho cô biết? Cũng đã sắp đến giờ tan học rồi đấy.
- Thưa cô em đề cử Tuấn ạ. - Thằng Dũng ngồi sau lưng Tuấn vừa giơ tay lên vừa nói.
- Em cũng đề cử Tuấn, và cả Thành nữa thưa cô. - Thằng Hưng, ngồi cạnh Dũng cũng giơ tay đề cử. Nó thêm tên thằng Thành vì Thành ngồi cạnh Tuấn, cũng là bạn chơi chung với nhau, mặc cho cả Tuấn và Thành đang có vẻ mắc cỡ, quay lại ra dấu cho nó đừng nói nữa. Bốn thằng Tuấn, Thành, Dũng và Hưng đều là những đứa học khá trong lớp. Riêng thằng Dũng có lúc ganh đua nhất nhì với con Thước bên phe con gái. Chỉ tội nó người nhỏ con nên hay bị thằng Hưng chọc ghẹo.
Cô Thảo lấy phấn ghi tên hai đứa được đề cử lên bảng. Cô lại hướng về cả lớp lặp lại câu hỏi:
- Còn em nào có ý kiến đề cử ai nữa không? Bên các em gái thì sao?
- Thưa cô, em đề cử Hường, trưởng lớp ạ. – Con Lan, ngồi bàn sau Hường, mau lẹ lên tiếng ngay, như sợ mấy đứa khác giành mất phần đề cử một nhân vật quan trọng, mà nó biết chắc chắn cô giáo và tất cả các bạn sẽ đồng ý là xứng đáng đại diện cho lớp, và cho cả trường. Nó vừa dứt lời thì mấy đứa con gái khác cũng nhao nhao lên:
- Em cũng đề cử Hường, cô.
- Em cũng vậy, cô, em đề cử Hường.
- Hường xứng đáng đại diện lớp mình đi diễn hành đó cô. Để Hường đi đầu đi cô.
Con Hường nãy giờ vẫn ngồi im không lên tiếng. Từ lúc nghe cô nói đến việc chọn người đi diễn hành, nó đã biết trước là sẽ không thoát khỏi những lời đề cử của mấy đứa bạn. Vốn quen làm trưởng lớp, việc gì có dính dáng đến cả lớp, nhất là làm đại diện cho lớp thì cũng đến nó trước. Bởi vậy nó chẳng ngạc nhiên, cũng không phản đối, nhưng lên tiếng cho có lệ:
- Thưa cô, em cám ơn các bạn đã đề cử. Em nghĩ trong lớp còn nhiều bạn xứng đáng hơn em. Xin cô và các bạn chọn người khác.
- Em có tính khiêm nhường đáng quý. Nhưng đây là ý kiến đề cử của các bạn. Vậy cô vẫn ghi tên em trên bảng rồi lấy biểu quyết sau. - Cô Thảo nói rồi lấy phấn ghi tên Hường bên phần con gái. Cô lại lên tiếng nhắc:
- Mới có ba em. Các em cần đề cử thêm nhiều em nữa. Các em không cần phải theo đúng hết những tiêu chuẩn trong chỉ thị của nhà trường. Em nào hội đủ một nửa những điều đó cũng được.
- Em đề cử thêm Ngọc với Thước, cô. - Con Lan lại lên tiếng, vừa nói vừa cố giấu nụ cười .
Cô Thảo ghi thêm tên hai đứa vừa được đề cử trong khi con Ngọc quay lại mím môi, đưa tay dứ đánh vào Lan, nhưng Lan đã né người ra đằng sau cười lên hinh hích. Còn Thước thì đỏ mặt ngồi yên, nó là đứa học giỏi và hiền nhất lớp
- Em đề cử Lan, thưa cô. - Con Ngọc đã quay về, đưa tay lên phát biểu lời đề cử ngay đứa đã vừa đề cử mình để trả đũa.
Đám con gái trong lớp ồ lên cười sau câu nói của Ngọc. Con Lan tuy học cũng khá, nhưng người ốm tong như que sậy, cao có “thước mốt” như lời tụi nó nói, tuy thật sự nó cao hơn mức đó, lại hay nghịch phá ngầm. Cho con này vào đội diễn hành để biểu dương lực lượng của trường thì chắc người ta tưởng trường này thiếu người, phải nhét một đứa lớp Tư vào cho đủ quân số. Cô Thảo chưa kịp có ý kiến gì thì đám con trai theo đà vui nhộn, ào ào lên tiếng không cần biết đứa được đề cử có xứng đáng hay không:
- Em đề cử thằng Tính, cô.
- Em đề cử cả thằng Quyền nữa, cô.
- Cho thằng Kiệt, thằng Sanh vào cho đủ bộ, cô.
- Cả thằng Tự, thằng Sái nữa chớ.
Chúng nó còn đang ồn ào, phát biểu mất trật tự thì cũng vừa trống tan học nổi lên. Cả lớp vui vẻ ra về trong khi cô Thảo thu xếp giấy tờ, bài giảng, vật dụng cá nhân vào túi xách, miệng mỉm cười, dễ dãi thông cảm cho bản tính đùa vui vô tư của những đứa trẻ. Có phải cô đang nghĩ lại những kỷ niệm ngày cô còn nhỏ, cũng tràn đầy hình ảnh, tiếng cười và giọng nói, tuy mang ý trêu ghẹo, nghịch ngợm, nhưng ngây thơ trong sáng như đám học trò hiện nay của cô không?
Qua buổi học hôm sau là ngày Thứ Bảy, cô Thảo đã chọn được tám đứa, gồm sáu đứa chính thức và hai đứa dự khuyết để đưa vào đội hình diễn hành. Bên con gái đứng đầu là Hường xong đến Ngọc và Thước, còn con Mai làm dự khuyết. Mai là đứa ngồi cạnh con Lan, học lực trên trung bình, tuy ít nói nhưng trông cũng sạch sẽ, cao ráo. Bên con trai thì có Tuấn, Thành, Hưng là chính thức, còn thằng Tính dự khuyết. Mấy đứa này hầu hết đều do các bạn trong lớp đề cử và biểu quyết tán đồng. Tên chúng nó cũng đúng với ý cô Thảo dự định lúc ban đầu. Duy chỉ có thằng Tính là cô Thảo không định trước, mà cũng không có đứa nào đề cử theo kiểu đàng hoàng. Sở dĩ nó có tên trong danh sách dự khuyết là vì sau khi đưa tên thằng Hiệp là đứa mà cô thấy tạm được nhất cho cả lớp biểu quyết thì Hiệp đã thưa với cô là Thứ Bảy tuần sau, tức là ngày đại hội, ba nó sẽ đưa giấy xin phép cho nó về quê dự đám cưới chị nó. Khi đang nghĩ xem có đứa nào có thể thay thế Hiệp thì thằng Tính giơ tay lên xin cô cho nó nhận cái chân dự khuyết đó. Cô Thảo không nghĩ đến Tính ngay từ đầu vì cô biết tuy nó nhanh nhẹn, mặt mũi chân tay người ngợm nhìn cũng không đến nỗi nào nhưng lại hay chọc ghẹo bạn, nhiều lúc cả trước mặt cô. Cô chỉ sợ cho nó vào đội diễn hành rồi nó phá quấy trong đó, làm xáo trộn đội hình, mất thể diện trường lớp. Song khi thấy thằng Tính một mực năn nỉ, và nó cũng hứa sẽ cố gắng cư xử đàng hoàng từ hôm nay trở đi, cô Thảo đã đồng ý cho nó nhận chân này. Trong thâm tâm cô hy vọng nhân dịp này, biết đâu nhờ sinh hoạt chung với những học sinh gương mẫu của trường, mà Tính học được những điều tốt, bớt tật chọc phá bạn trong lớp chăng.
Đến ngày Thứ Ba tuần sau, theo thời khóa biểu của trường, từ hôm đó, cứ mỗi ngày cho đến Thứ Sáu, mấy đứa có tên trong danh sách đi diễn hành, kể cả dự khuyết, được dành ra bốn mươi phút vào cuối buổi học để tập dượt tại ngay sân trường. Cả trường chọn được bốn mươi tám đứa gồm học sinh các lớp Nhất và lớp Nhì. Sau khi điểm danh, chúng nó được thày Thanh và cô Lý, là hai huấn luyện viên thể dục của trường, nói thêm cho biết về tầm quan trọng của đội diễn hành, và nhắn nhủ chúng nó phải tập cho đàng hoàng. Sau đó hai thày cô chỉ chúng cách sắp hàng, so hàng sao cho thẳng, bằng cách đứa sau nhìn chăm chăm vào gáy đứa trước và mỗi đứa đứng cách nhau một sải tay về cả bề ngang lẫn bề dọc. Lúc đứng trong hàng, phải tập giữ yên thân mình, hai chân khép, hai tay cặp xuôi bên hông, bàn tay nắm lại, ngực ưỡn, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng. Chúng nó là trẻ con quen thói vô tư đùa giỡn, người lúc nào cũng nhúc nhích không yên, nên phải mất cả buổi tập đầu tiên mới biết cách sắp hàng, và đứng sao cho đúng cách. Cũng may, ở sân trường có hai hàng cây phượng, lúc nào cũng vươn những tàn lá xanh rậm rạp, tỏa rợp bóng mát nên dù gần trưa mà không nóng nhiều. Thày Thanh tập cho đám con trai kỹ hơn cho con gái vì thày biết tụi con trai thích hợp với cái trò này hơn, khi đi diễn hành thật sự, người ta cũng chú ý tới hàng ngũ của con trai hơn. Tám đứa con trai cao lớn khỏe mạnh nhất, trong đó có Tuấn và Thành, được thày chọn ra để thay phiên nhau cầm cờ quốc gia, cờ hiệu đoàn và biểu ngữ của trường. Sang buổi tập thứ nhì, chúng nó đã bắt đầu được tập dậm chân tại chỗ và đi đều bước. Về mục này cả hai huấn luyện viên đều mệt nhoài vì nhiều đứa, nhất là con gái, không phân biệt được chân nào là chân phải, chân nào là chân trái. Hoặc lúc đứng yên thì nhận biết đúng chân trái, chân phải, nhưng khi bắt đầu bước thì không nhớ phải bước chân nào trước. Hai thày cô vừa mỏi miệng hô những tiếng: “Bước đều, bước. Một, hai, một, hai, một, hai, ba, bốn, một, hai…”, vừa chạy tới chạy lui chú ý nhìn chân những đứa học trò để chỉnh sửa cho đúng nhịp. Được một lúc, chắc bực mình, thày Thanh cho đứng lại rồi vừa thở vừa nói: “Này, các em phải nhớ hễ thày đếm “một” là bước chân trái, “hai” là bước chân phải nghe chưa. Nếu bước lộn thì phải tự động sửa lại chứ không được cứ bước bừa đi như thế, nhìn không ra thể thống hàng ngũ gì hết. Em nào không nhớ chân nào chân trái thì về nhà lấy dây vải buộc vào bắp chân cho nhớ”. Tưởng thày nói đùa, ai ngờ ngày hôm sau thày đem theo một túi dây vải thật. Mấy đứa bước đi không đều được thày và cô Lý buộc cho một dải dây bằng vải vào bắp đùi chỗ trên đầu gối bên trái. Để giúp chúng nó nhớ thêm, thày dặn: “Các em nhớ là cái dải dây buộc hay cột ở chân là để đánh dấu đó là chân trái nghe chưa. Chữ “buộc” hay “cột” nó gần giống như chữ “một”. Vậy khi nào thày hô “một” thì phải bước chân trái, tức là cái chân có buộc hay cột dây đó nghe chưa”. Nhờ sáng kiến này mà đám học trò đi đều bước hơn, mặc dù không thể cấm chúng vừa bước đi vừa cười ngặt nghẽo, rung cả người. Có đứa ngây thơ hỏi thày: “Thế đến lúc đi diễn hành thật, thày có cho chúng em buộc dây như thế này không thày?”. Thày Thanh đang buồn cười khi nhìn những cái đuôi dây ở đầu gối mấy đứa trẻ, lơ thơ bay theo gió, nhăn mặt trả lời: “Buộc để người ta cười vào mũi cho ấy hả. Các em phải cố gắng mà nhớ lấy chân nào bước trước, chân nào bước sau. Bây giờ thày còn hô một hai, đến lúc thật sự diễn hành đâu có ai hô nữa, các em sẽ bước theo nhịp của những bản hành khúc mà thôi”. Hai ngày chót trước ngày đại hội, thày Thanh và cô Lý tập cho đám học trò hát thuộc bài ca “Học sinh hành khúc”, và bước đi đều theo điệu hát. Thày còn trổ tài thổi “harmonica” theo âm điệu bản nhạc này, để chúng nó tập đi cho đúng nhịp. Trong lúc chúng nó tập, ông hiệu trưởng và các thày cô làm việc ở văn phòng thỉnh thoảng ra nhìn có vẻ hài lòng. Từ hôm đầu tiên, mỗi ngày, văn phòng nhà trường đều nhờ bác tùy phái mang ra một bình nước đá chanh và nhiều ly nhựa cho chúng nó giải khát sau khi tập.
Trong khi đám học trò có nhiệm vụ đi diễn hành tập dượt ngoài sân, thì trong lớp, mấy đứa còn lại đâu có ngồi yên. Chúng nó tò mò ngóng ra sân, hy vọng trông thấy mấy đứa bạn đang tập bước đi. Mỗi lần nghe tiếng hô “một, hai, một, hai” hay giọng hát vang từ ngoài sân vọng vào, biết nhóm diễn hành sắp đi ngang qua cửa lớp, là chúng nó lại nhốn nháo lên, rồi chỉ trỏ:
- Kìa thằng Tuấn kìa, nó cầm cờ trông oai chưa.
- Con Hường kìa, trông ngon lành ha. Nó còn nhìn tụi mình, cười nữa kìa.
- Thằng Thành, thằng Hưng kìa. Cả thằng Tính nữa kìa. Cha! trông tụi nó cứ như lính tập đi ấy.
- Hai con Ngọc, Thước với con Mai nữa kìa. Ủa sao có mấy đứa cột cái dây gì ở chân kìa tụi bây?
- Ừa há. Chúng nó cột chân làm chi vậy ta?
Đoàn diễn hành đi qua rồi tụi nó mới tạm yên để tiếp tục làm bài, chép bài, nhưng cũng không để được tâm trí vào bài vở, vì vào giờ đó, đứa nào cũng đang mong trống báo tan trường và cô Thảo hiểu điều đó. Cô không khe khắt với chúng nó vào những phút cuối buổi học.
Vào ngày Thứ Sáu, cô Thảo dành nguyên một giờ để nhắc nhở đám học trò về những điều phải làm cho ngày đại hội. Cô hỏi lại cho chắc là chúng nó đều có đầy đủ quần áo, đồng phục như quy định. Cô nhắc những đứa ngồi trên khán đài nhớ mang nón và đứa nào hay khát nước thì mang theo bình nước nhỏ để uống khi cần. Cô cũng kiểm tra xem chúng nó đều đã có mỗi đứa ít nhất là một cây cờ quốc gia chưa. Mấy đứa trong đội diễn hành mấy hôm nay tập tành đã quen, bước đi đã đều và ngay hàng thẳng lối. Đó là nhờ công lao của hai thày cô huấn luyện viên thể dục. Cả hai người luôn nhắc nhở chúng nó phải tập cho đàng hoàng, tử tế, không được đùa giỡn trong lúc đang đi vì khi ra đến sân vận động đi diễn hành chính thức, đội của trường nào xếp hàng thẳng lối, đi đều bước sẽ được khen thưởng, đem vinh dự về cho nhà trường. Cả thày hiệu trưởng, dù đã cao tuổi cũng đã đến tận chỗ, xem chúng nó tập, và ban lời khích lệ, động viên tụi nó. Thày nói: “Các con nhớ là các con sẽ đại diện cho trường chúng ta trước rất nhiều quan khách và cử tọa, trong đó có những vị quan trọng như ông Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục và khách ngoại quốc. Các con đều là những học sinh giỏi và gương mẫu của trường, Thày mong các con cố gắng tập dượt đi cho đều, cho đẹp để đem vinh dự về cho trường. Các con hứa là sẽ không phụ lòng dạy dỗ và mong đợi của các thày cô nghe”. Tất cả các học sinh đều cất tiếng “dạ” ran.
Không biết có phải là nhờ vào những lần ra sân tập sắp hàng, đi đứng theo hàng ngũ, và những lời huấn luyện, chỉ bảo, gửi gấm của thày cô không mà từ ngày bắt đầu tập đến nay, thằng Tính thay đổi hẳn. Nó không còn hay nghịch phá bạn nữa. Trong lớp nó chịu khó ngồi yên nghe giảng bài, làm bài. Nếu có ngứa ngáy chân tay thì cũng chỉ ngồi một chỗ vung tay duỗi chân cho đỡ “cuồng” thôi, chứ không động đến bạn ngồi quanh. Cô Thảo để ý thấy điều khác lạ này, và mừng thầm là biết đâu những điều hy vọng của cô đã thành sự thật. Nhờ cho thằng Tính tham gia vào đội diễn hành, mà sửa được cái tính năng động quá đáng của nó. Nhiều đứa trong lớp cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao. Chúng nó, như cô Thảo, hy vọng thằng này đổi tính luôn đi, đừng có “ngựa quen đường cũ”, hết đại hội rồi lại đâu vào đấy. Thật sự từ lúc được ra sân cùng các bạn tập dượt, Tính đã nghĩ ngợi nhiều. Trước đây, lúc được cô Thảo chấp thuận cho làm chân dự khuyết, nó chỉ mừng là sẽ có dịp ở gần con Hường để nói chuyện dẫu biết Hường chẳng ưa gì nó. Nhưng khi cùng gần gũi, sinh hoạt chung với mấy đứa trong nhóm đi diễn hành, Tính đã học được nhiều điều tốt từ những bạn này. Trong những đứa đó, nó nể nhất thằng Tuấn. Dẫu là phó trưởng lớp và học giỏi nhưng Tuấn không làm phách hoặc xa cách các bạn. Tuy không nói nhiều nhưng gặp ai Tuấn cũng cư xử đàng hoàng, lịch sự, tự nhiên, vui vẻ và giúp đỡ khi cần thiết. Chính qua Tuấn mà thằng Tính bắt chước được lối xưng hô tử tế hơn với mấy đứa con gái, gọi chúng bằng tên, xưng tôi chứ không còn mày tao nữa. Điều này cô Thảo khuyên dạy chúng nó hoài nhưng nó đâu có nghe. Lúc đầu nó rất ngượng miệng vì đã mày tao quen rồi, nhưng nhờ có Tuấn và tất cả những đứa khác đều gọi nhau như vậy, nên dần dần cũng nói được. Điều Tính mừng nhất là nó nhận thấy con Hường đã không còn làm vẻ lạnh lùng với nó nữa, tuy Hường chỉ trả lời nhát gừng, và cũng tránh không phải xưng tên, chắc con Hường cũng mắc cở khi phải đổi cách xưng hô giữa chúng nó với nhau.
Lần tập sau cùng trước khi đi diễn hành chính thức, thày Thanh và cô Lý đã cho toàn đội tập đi giống như sẽ thật sự đi trong ngày đại hội. Thày hiệu trưởng và các thày cô khác cùng tất cả học sinh đứng xem trên hiên trường. Những đứa dự khuyết phải tạm đứng riêng ra ngoài, trong đó có thằng Tính và con Mai. Điều này làm Tính buồn lắm. Khi còn đang tập những ngày trước đây, nó đã tạm quên cái vai trò dự khuyết của nó, và vui vẻ hoà nhập vào cùng các bạn. Đến hôm tập sau cùng này, nó mới thấy thấm thía. Nhìn các bạn trong đó có con Hường nhịp nhàng gót chân, bước đi trong sân trường mà cổ họng nó chợt thấy nghèn nghẹn. Nó muốn được làm đứa đi diễn hành chính thức như Tuấn, Thành, Hưng và những bạn khác chứ không muốn chỉ đứng đây nhìn. Nhưng mọi việc đã được sắp xếp đâu vào đó, làm sao có thể thay đổi, trừ phi may ra có đứa nào trong nhóm đi chính thức vì lý do nào đó phải ở nhà, thì nó mới được thế vào. Nghĩ vậy mà Tính cũng không hy vọng gì nhiều, vì tất cả mấy đứa kia đều không tỏ vẻ gì sắp ốm đau bệnh hoạn, hay có việc bận cần phải nghỉ. Thôi thì nó đành chờ đến lúc ra sân vận động, nếu thày Thanh không cần đến nó nữa, nó sẽ leo lên khán đài ngồi với mấy đứa trong lớp xem các bạn đi diễn hành vậy.
Trên đường về nhà sau buổi học, Tính lững thững thả bộ, vẻ mặt tư lự. Trước đó con Hường đã ra trước và đi được một đoạn. Hường  tinh ý biết thằng Tính buồn vì không được tập buổi tổng dợt vừa rồi nên cũng muốn an ủi, nhưng vì là con gái nên ngại ngỏ lời trước, lại không biết nói làm sao, dẫu nó là trưởng lớp. Hường tuy chưa thân thiện hẳn với Tính nhưng đã nhận ra nhiều sự thay đổi tích cực nơi thằng này. Chỉ nội việc Tính đổi cách xưng hô, không gọi nhau bằng mày, tao nữa, cũng khiến Hường nhìn Tính với cặp mắt có thiện cảm hơn. Có điều, việc thay đổi lời xưng hô của Tính làm Hường cảm thấy ngượng ngùng. Thà nó cứ mày, tao có khi Hường lại cảm thấy dễ chịu hơn. Khi đi được nửa đường, thấy vắng bóng người, Tính quyết định đi nhanh lên, ngang với Hường rồi nói nhanh:
- Hường à, ngày mai đại hội rồi ha?
Hường giật mình, nhận ra thằng Tính, nó chợt hơi đỏ mặt đáp:
- Ừ, mai đại hội.
- Nhưng chỉ có Hường với các bạn đi diễn hành thôi.
Ngập ngừng vài giây, Hường mới trả lời:
- Ừ, thày cô chỉ định như vậy mà.
- Chắc tôi lên khán đài với các bạn. Ờ thôi.., Hường ráng đi cho đẹp nghe.
Nói xong, Tính vội lảng ra vì nó nhác thấy có bóng người từ xa đang đi lại.
Sáng hôm sau, Hường dậy sớm. Nó đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ từ chiều hôm qua. Bà ngoại và mẹ nó cũng đã được nó báo cho biết từ tuần trước. Sau khi đánh răng, rửa mặt, chải đầu kẹp tóc, làm vệ sinh, ăn sáng, Hường đóng bộ đồng phục ngày lễ của học sinh lên người, và xỏ chân vào đôi giày ba-ta trắng tinh. Bình thường đi học, nó chỉ mặc quần dài trắng hoặc đen, áo trắng ngắn tay, đi dép hoặc guốc. Hôm nay, khoác lên bộ quần áo mới ít khi nào có dịp mặc, trông nó oai và lớn hẳn ra. Hường ngắm nghía nó trong gương, cảm thấy hài lòng. Chiếc sơ-mi trắng dài tay bỏ vạt trong quần, có phù hiệu trường may trên ngực áo, gọn gàng thẳng nếp. Cái quần tây dài màu xanh dương đậm may vừa vặn, vẫn còn giữ nguyên “pli”. Hường chợt mỉm cười, nghĩ lát nữa đây, trên đường đi đến trường, sẽ có người gặp nó và chắc họ phải ngạc nhiên thích thú, vì vừa nhìn thấy hình ảnh hiếm hoi lạ mắt: Một nữ sinh tiểu học trong bộ đồng phục của ngày lễ. Hường nhìn đồng hồ treo tường, thấy đã đến giờ ra đi. Theo lời dặn của thày Thanh và cô Lý, chúng nó phải có mặt tại trường sớm hơn những đứa khác, vì còn phải xếp hàng cho thày cô kiểm tra lại một lần chót, trước khi đi bộ đến sân vận động. Hường chào bà và mẹ rồi bước nhanh ra ngoài đường. Từ nhà đến trường mất khoảng mười lăm phút. Khi đi ngang nhà thằng Tính, nó khựng lại, định vào hỏi xem Tính đã đi chưa, nhưng lại thôi. Một phần nó ngại ông bà nội, má, với chị thằng Tính nhìn thấy nó trong bộ quần áo mới, phần nữa, nó cũng không muốn Tính nhìn thấy nó, rồi khơi lại nỗi buồn làm người dự khuyết. Khi Hường ra đến đường lớn thì nó thoáng thấy thằng Tính đang đứng nói chuyện với bà Năm bán bánh mì thịt ở góc đường. Chắc bà này thấy Tính ăn mặc sáng sủa lạ mắt, khác ngày thường, nên gọi lại để hỏi han đây. Hường cắm cúi rảo bước, hy vọng bà Năm không nhìn thấy nó. Cũng may, không nghe thấy tiếng bà gọi. Hường tiếp tục theo lối vẫn đi hàng ngày nhưng thay vì đi ra gần lề đường như mọi khi, nó sang bên kia đường, đi nép vào cổng của dãy nhà ven đường. Nó nghĩ đi như vậy đỡ bị người quen bắt gặp vì dãy nhà bên này ít có ai biết nó. Vừa đi Hường vừa nghĩ đến lát nữa đây nó sẽ được chính thức bước vào sân vận động Cộng Hòa, nơi mà nó và các bạn trong xóm đã đến nhiều lần nhưng chưa có lần nào vào một cách đàng hoàng. Sân vận động này đối với nó và mấy đứa nhỏ trong xóm đâu phải là nơi xa lạ. Từ nhà nó đến sân đi bộ mất khoảng nửa tiếng. Đi từ trường đến thì lại càng gần hơn, chỉ khoảng hơn mười phút. Nó nhớ những lần vào chiều tối Thứ Bảy, tại sân vận động Cộng Hoà ở đường Nguyễn Kim thường có đá banh bật đèn pha từ bốn trụ đèn sáng rực, nên bà con hay gọi là đá đèn. Không cứ con nít, cả mấy đứa lớn cũng háo hức, rủ nhau tìm cách vào bên trong. Hường xin phép ba mẹ rồi cùng các bạn đi bộ đến sân. Nó là con gái không thích coi đá banh, nhưng cứ nhìn ánh đèn tỏa hào quang sáng một góc trời, và nỗi nôn nao của các bạn thì cũng không thể ngồi yên được, nhất là những lần có đá banh lại xảy ra vào chiều cuối tuần, ngày hôm sau không phải đi học. Nhưng đến trước cổng sân vận động rồi thì phải tìm cách vào bên trong, vì người ta bán vé vào cửa chứ không cho vào tự do. Hường nghe tụi bạn bày cách, nó xin một bác hoặc chú nào đó trông có vẻ hiền lành dắt vô, vì người lớn vào cửa có quyền dắt theo một em nhỏ mà không phải mua thêm vé. Nhờ là con gái, lại mặc quần áo tử tế, nó dễ dàng được các bác, các chú vui vẻ cho đi theo. Hường bật cười khi nhớ tới những khuôn mặt trẻ con, đầy nét nghịch ngợm, mà phải làm bộ hiền lành, đau khổ để người lớn tội nghiệp. Khi không xin được ai dắt vô, mấy đứa con trai xoay sở lọt vào sân bằng cách leo hàng rào hoặc chui lỗ hổng. Vất vả vậy nhưng vào được bên trong rồi thì quên hết mọi sự, vì chúng nó tha hồ chạy nhảy ở các hành lang, trên khán đài, dưới sân, nhưng là sân phụ chứ không phải sân chính, là chỗ các cầu thủ sắp sửa thi đấu. Chỗ nào trong sân vận động cũng rộng thêng thang và tương đối sạch sẽ. Trong lúc người lớn lo ngồi xem đá banh hay nói chuyện thì bọn trẻ con chúng nó chơi chạy đuổi, ú tim hay tò mò nhìn những hình ảnh đại hội, lực sĩ, cầu thủ rất to lớn, đầy màu sắc, treo ở trên tường trong những phòng bên dưới khán đài chính. Hường thích nhất là những lần được vào sân sớm, lúc trận đá banh chưa bắt đầu. Lúc đó mà lên đứng ở giữa khán đài B, trong thời tiết mát dịu của buổi chiều tối, phóng tầm mắt sang bên khán đài A xa xa trước mặt, thì sẽ thấy những hàng ghế nhỏ, đều đặn, sơn màu xanh, đỏ, vàng, trắng chia thành từng ô thật đẹp mắt. Còn nhìn xuống thì ôi chao! Nguyên cả một sân cỏ rộng bao la bát ngát, xanh mướt mượt mà, được cắt tỉa gọn gàng đều đặn như cái thảm nhung khổng lồ, nhìn hoài không biết chán. Dưới làn tia sáng trắng cực mạnh, chói lòa, của nhiều ngọn đèn pha, tỏa ngập tràn tất cả sân vận động, nó cảm thấy mọi người, mọi vật như đang đắm mình trong một biển ánh sáng rực rỡ, chan hòa.
 Còn đang thả hồn vào bên trong sân vận động thì Hường chợt giật bắn người, khi nghe tiếng chó sủa dữ dội, phát ra từ ngôi nhà nó vừa đi ngang qua. Một con chó to lớn thuộc loại “bẹc-giê”, lông màu vàng nâu, đang phóng từ trong nhà ra sân về phía nó. Hường tái mặt, sợ hãi bước dạt nhanh ra phía lề đường. Con chó phóng đến, chồm hai chân trước lên cánh cổng sắt mắt cáo, sủa thêm một tiếng nữa. Không biết cổng có khóa không mà tự nhiên hai cánh mở bung ra, có lẽ tại người trong nhà đi làm sớm, quên gài cẩn thận. Con vật hung hãn, sải nhanh bốn chân về phía Hường, lôi theo sợi dây xích còn dính ở cổ, lướt trên mặt đường. Đến gần sát Hường, nó hếch mõm lên, nhe hàm răng nhọn hoắt, hai con mắt màu nâu đỏ nhìn Hường trừng trừng như thôi miên, cổ họng phát ra những tiếng “grưừ, grưừ” nghe rợn người. Hường thất kinh hồn vía, hét lên thất thanh, tay chân cứng đơ không còn tự chủ được thân mình. Không biết con chó có định xông vào cắn Hường không, hình như nó hơi giật mình vì tiếng thét của Hường, đồng thời bỗng có một vật trắng nhỏ ở đâu bay vèo tới lướt sát ngang đầu nó. Con thú quay ngoắt về hướng xuất phát cái vật lạ. Hường cũng hoàn hồn quay lại nhìn thì thấy Tính đang chạy nhanh đến, một chân không đi giầy. Con “bẹc-giê” đổi ngay mục tiêu, nó xông thẳng đến Tính. Tính vội đứng lại, cúi người, vừa tháo nốt chiếc giầy ba-ta để làm vũ khí chống cự thì con chó dữ đã chồm đến nơi. Tính chỉ kịp la to: “Hường chạy đi, đến trường ngay đi”, thì hai chân trước của con vật đã đạp lên người làm Tính ngã xuống, đồng thời hai hàm răng chơm chởm của nó đã táp ngay một phát vào chiếc giầy đang nằm trong bàn tay phải của Tính, giựt phăng ra khỏi tay nó. Tính hoảng hốt quơ mạnh tay, chân đạp tứ tung bất định hướng, nhưng cũng trúng con chó một hai cú vào người. Con vật lì lợm, nhả chiếc giầy khỏi mõm, không sủa thêm tiếng nào, hùng hổ xông vào định tấn công tiếp. Vừa may, có tiếng kêu to hốt hoảng từ trong sân nhà vang lên: “Bếch! Bếch! Bếch! vào! vào”, và bóng một người đàn bà chạy ra. Con “bẹc-giê” bỏ ngay Tính quay vào nhà. Bà chủ con chó vội vàng gài cổng lại, rồi chạy đến chỗ Tính đang gượng ngồi dậy. Hường nãy giờ hoảng kinh, đứng chứng kiến cảnh Tính chống cự với con chó mà không biết phải làm gì để giúp nó. Hường hiểu rằng nhờ Tính mau mắn chạy đến kịp thời, ném một chiếc giầy đang đi ở chân vào con chó nên nó mới không bị chó cắn. Nó đã nhặt chiếc giầy của Tính lên cầm tay và đang loay hoay tìm một viên gạch hay bất cứ thứ gì tốt hơn để làm vũ khí, mong có thể hỗ trợ cho Tính, thì bà chủ nhà đã hay biết chuyện chạy ra kêu con chó vào. Hường vội chạy ngay đến bên Tính ngồi xuống đỡ nó dậy, lo lắng hỏi:
- Tính, Tính có sao không. Trời! tay bị chảy máu nè.
Nơi bàn tay phải, gần cườm tay của Tính có một vết trầy đã rướm máu, và nơi  khuỷu tay có vết máu thấm ra ngoài lớp vải trắng tay áo lấm bụi đất. Nét mặt Tính còn tái nhưng nó đã định thần và hơi nhăn nhó vì vết thương đang đau. Nhìn thấy Hường, Tính vội nhịn đau hỏi:
- Ủa, sao Hường còn ở đây, không tới trường đi kẻo trễ giờ.
Bà chủ nhà, một người tầm thước, khoảng ngoài bốn mươi, cánh tay áo đang xắn lên, vạt áo cánh và ống quần còn dính những vệt nước, chứng tỏ chắc bà đang bận giặt đồ hay rửa ráy gì trong nhà, nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng hét của Hường nên chạy ra xem. Khi Hường đang dìu Tính đứng lên thì bà cũng vừa đến nơi. Nét mặt lo lắng, một tay bà đỡ cánh tay bị thương của Tính, tay còn lại phủi bụi đất dính trên áo quần nó, xuýt xoa nói một hơi:
- Tội nghiệp quá. Chết chửa, cháu có đau lắm không. Khổ thân tôi, lại cái thằng Lâm đi học không gài cổng cẩn thận rồi. Làm sao cái con “Bếch” lại tuột xích được nữa không biết. Cháu vào nhà để cô rửa vết thương, bôi thuốc rồi băng lại cho cháu đã.
Nói rồi bà cầm tay dìu Tính về phía cổng nhà bà. Hường cũng đi theo, cầm theo đôi giầy ba-ta của Tính mà một chiếc đã bị hàm răng chó cắn làm rách mấy lỗ. Tính quay lại bảo Hường: “Hường đến trường đi, trễ giờ rồi đó”. Hường không nghe, cứ đi theo. Bà chủ nhà, vừa qua đã nhìn thấy phù hiệu trên ngực áo hai đứa, nghe Tính nói với Hường thì cũng vừa đi vừa quay lại hỏi:
- Các cháu học trường Nguyễn Tri Phương hả. Quần áo giầy ba-ta mới thế này chắc hôm nay ở trường có lễ gì hả. Khổ chưa, thế các cháu là gì với nhau, bạn hay anh em?
Tính và Hường cùng ngượng ngập chưa kịp trả lời thì cả ba đã đến gần cổng, Tính bỗng khựng lại. Bà chủ nhà hiểu ý, bảo Tính đứng chờ để bà vào xích con chó. Nãy giờ con chó “bẹc-giê” vẫn chưa được ai nhốt hay xích lại, chắc không còn ai là người lớn ở trong nhà. Nó đang bước lượn qua lượn lại đằng sau cánh cổng, mắt hướng về phía Tính, như còn tiếc rẻ miếng mồi ngon, hay cuộc hỗn chiến vừa qua. Bà chủ nhà vừa dẫn con  chó vào khuất trong nhà, Tính lập lại câu hối thúc Hường: “Hường đến trường ngay đi. Đừng lo cho tôi. Chỉ trầy da chút xíu thôi. Không sao đâu”.
Hường vẫn không nghe lời Tính. Nó đang xúc động và không thể bỏ đi trong lúc thằng Tính vì cứu nó mà bị thương ở tay, đau như thế này. Tính đã không nghĩ gì đến thân mình mà chỉ nhớ đến việc dự đại hội và đi diễn hành của nó. Nó đặt đôi giầy của Tính xuống đất, cạnh bờ gạch xây nhô lên, làm ranh giới phân chia sân nhà và lề đường rồi nhìn Tính bằng đôi mắt long lanh, nói nhỏ và nhanh: “Tính ngồi tạm xuống đây…, Tính đi giầy vô đi”. Thằng Tính luống cuống đứng xỏ nhanh một chân vào chiếc giầy nhưng không nhét được vào hẳn. Nó đành ngồi xuống dùng tay trái kéo gót giầy cho cả bàn chân lọt vào bên trong. Hường cũng ngồi xuống theo. Tính định đưa thêm tay phải ra để cột giây thì Hường đã nhanh hơn, với lấy sợi dây, kéo hai đầu cho gọn gàng rồi thắt nút. Khi Hường giúp Tính đi xong chiếc giầy còn lại, thì bà chủ nhà cũng đang trở ra. Tính đứng lên, quay sang Hường ngượng ngùng nói nhỏ: “Cám ơn Hường”. Rồi nó lại nói tiếp nhanh, như sợ bà chủ nhà đến gần hơn sẽ nghe thấy: “Thôi Hường đến trường ngay đi. Trễ lắm rồi đó. Có bác đây lo cho tôi rồi”.
Nhưng Hường vẫn không để ý đến lời của Tính. Nó đi theo bà chủ nhà và thằng Tính vào trong nhà. Bà để chúng ngồi trong phòng khách rồi đi lấy thau nước sạch, xà bông, “pommade”, thuốc đỏ, bông, băng đem ra săn sóc vết thương cho Tính. Bà cẩn thận xem xét kỹ hai chỗ bị chảy máu, thì thấy không có vết răng chó cắn, mà đó là vết trầy xát do nền xi măng chà vào da, chắc do Tính bị con chó đẩy ngã, phải dùng tay chống đỡ. Bà hỏi lại Tính và Hường đầu đuôi sự việc trong lúc rửa chỗ đau, sát trùng, bôi thuốc và băng lại kỹ lưỡng. Nghe chúng kể chuyện, bà biết tên hai đứa là Tính và Hường, đang đi đến trường để cùng các bạn đi bộ qua sân vận động Cộng Hoà dự buổi Đại Hội Học Sinh Tiểu Học. Bà còn biết chúng nó là hai bạn học chứ không phải anh em, dù chúng nó không nói thẳng ra, chắc vì ngượng. Sau đó, để kiểm soát xem trong người Tính có còn chỗ nào bị đau nữa không. Bà nói: “Tội nghiệp, cháu vì cứu bạn mà bị đau. Cháu có lòng với bạn thế thật đáng quý. Cô tên Thanh, các cháu cứ gọi cô là cô Thanh. Tính, cháu xem trong người có còn đau ở đâu không, để cô bôi thuốc, băng luôn một thể”. Tính không cần phải coi lại cũng biết ngoài hai chỗ vừa được băng bó, trong người nó không còn chỗ nào bị đau nữa. Nó nhớ lúc con chó “bẹc-giê” xông vào cắn giựt chiếc giầy trong bàn tay phải thì nó cũng cố giữ chiếc giầy lại nhưng không được, đồng thời nó bị ngã ra đằng sau. Cánh tay và bàn tay phải theo đà chạm mạnh xuống mặt đường để đỡ thân người. Chỗ đau nhất chỉ là ở hai vết trầy đó. Tuy vậy, Tính cũng đưa bàn tay phải lên, xoè mấy ngón tay ra quan sát nhưng không thấy có vết răng cắn hay vết trầy gì. Nó nói: “Không, cháu không thấy đau ở đâu nữa”. Lúc này bà chủ nhà mới tạm thở phào ra. Quên mất hai đứa trẻ trước mặt là người lạ, lại là học sinh đang phải đi đến trường, bà tuôn ra một tràng những lời tỏ vẻ ân hận về sự việc đáng tiếc vừa xảy ra, xót xa về nỗi đau Tính phải chịu đựng, và trách móc đứa con trai cùng ông chồng  đoảng vị, dám rước về một con chó dữ dằn nuôi trong nhà, mà chính bà nhìn thấy cũng phải sợ. Tính ngồi nghe thấy mát ruột phần nào, nó không còn nhiều ác cảm với bà này như lúc ban đầu nữa nhưng lại sốt ruột vì sợ bà giữ chúng nó lâu làm trễ thêm giờ đi dự đại hội của Hường. Tính nghĩ giờ này Hường có thể đi thẳng tới sân vận động, gặp bạn đi diễn hành ở đó chứ không cần đến trường, vì dù có đến, tất cả học sinh có lẽ đã lên đường đi đến sân vận động rồi. Về phần nó, Tính định sẽ đi bộ về nhà thay quần áo rồi tính sau. Có thể nó sẽ ở nhà luôn, không đi dự đại hội nữa. Tính toan lên tiếng ngắt lời bà Thanh thì vừa may bà  dứt chuyện, và chắc chợt nhớ đến hoàn cảnh hiện tại của hai đứa trẻ, bà vội nói một hơi:

- Ồ, cô xin lỗi làm mất thì giờ của hai cháu. Thôi để cô gọi xe xích-lô chở Hường đến trường nhé. Còn Tính, nhà cháu ở đâu để cô chở cháu về, cho cô nói lời xin lỗi với ba mẹ cháu đã. Các cháu chờ cô một chút thôi nhé, cô ra liền.
Nói xong bà quày quả bưng thau nước đi nhanh vào nhà trong, không chờ nghe ý kiến của hai đứa nhỏ. Nhân lời bà Thanh, Tính liền trở lại hối thúc Hường đi dự đại hội:
- Lát Hường nói với cô Thanh, bảo xe chở thẳng tới sân vận động đi. Giờ này chắc mọi người đã đi tới đó rồi.
Ngần ngừ một giây, Hường đáp:
- Không, …Hường không đi đến trường hay sân vận động nữa. Để Hường về nhà đã.
- Hường cần có mặt để đi diễn hành. Hường về làm gì?
- Không có Hường cũng có Mai hoặc các bạn lớp khác thế vào rồi. Hường muốn…, ờ Hường muốn về để kể lại chuyện vừa rồi cho mẹ và ông bà nội Tính nghe.
Giọng Hường có chỗ ngập ngừng. Hình như nó còn có ý gì khác hơn là chỉ muốn làm người chứng kể lại chuyện nó với thằng Tính đụng độ con chó dữ. Tính thấy cảm động khi nghe Hường nói thế. Câu nói chan chứa tình cảm của Hường khiến niềm xúc động trong nó dâng lên dạt dào. Đối với nó, việc không tham gia một buổi đại hội hấp dẫn, và mất dịp thưởng thức màn diễn hành độc đáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, không quan trọng bằng sự hiện diện của Hường ở bên cạnh. Nó cố tình xin cho được chân dự khuyết, cũng như tập đi diễn hành là để có dịp gần gũi Hường. Dĩ nhiên nếu được làm đội viên chính thức, cùng Hường đi diễn hành trong ngày đại hội thì là nhất rồi. Nhưng nó biết phận nó, một thằng nổi tiếng phá phách trong lớp, thì ai mà đề cử với bầu cho mà mong. Những giờ phút tập diễn hành chóng vánh là thời gian Tính thấy vui nhất, vì lúc đó nó có dịp nói chuyện với Hường. Dẫu đó chỉ là những câu chào hỏi ngắn ngủi hoặc lời đùa giỡn chung cho cả nhóm  Sáng nay, nó đã mặc đồng phục học sinh dự lễ giống như Hường, nhưng biết chắc là sẽ chẳng có cơ may đứng trong hàng ngũ những đứa đi diễn hành. Trong lúc bị bà Năm giữ lại hỏi chuyện, nó đã thoáng thấy bóng Hường đi ở bên kia đường. Sau khi dứt được bà, nó rảo bước theo Hường nhưng giữ một khoảng cách vừa phải. Chân bước đi mà lòng Tính buồn buồn nghĩ đến sau ngày đại hội, mọi việc sẽ trở lại bình thường. Không biết Hường có còn nói chuyện tự nhiên với nó nữa không. Tính theo Hường được một đoạn khá xa thì chợt nghe tiếng chó sủa ở phía trước. Khi thấy Hường bước dạt về phía ngoài đường, và thoáng bóng một con chó to lớn vừa phóng ra ngoài cổng nhà, gần nơi Hường vừa đi ngang, nó biết ngay là có chuyện nên vội chạy nhanh đến. Một chiếc giầy trong chân Tính chợt lỏng giây cột và muốn sút ra khỏi chân, vừa lúc con chó đang phóng đến gần Hường. Tính nhanh trí đứng lại tháo ngay chiếc giầy ném mạnh về phía con vật rồi chạy tiếp đến. Nó không biết sẽ phải làm gì nữa để ngăn cản con chó, cũng chẳng kịp nghĩ đến sự nguy hiểm cho chính nó. Nhất thời, nó chỉ biết Hường đang bị con chó dữ tấn công, và muốn chạy đến ngay để che chở cho Hường theo bản tính tự nhiên của thằng con trai, nhìn thấy một đứa con gái đang gặp hoạn nạn, nhất là đứa con gái đó lại là Hường.
Tính không nói gì thêm với Hường nữa. Nó biết tính Hường. Hường đã nhất định điều gì thì ít khi nào chịu thay đổi. Còn đang vẩn vơ nghĩ ngợi thì bà Thanh đi trở ra. Bà đã thay quần áo mới và trên tay có cầm một cái cặp nhỏ đựng giấy tờ. Vừa đến gần hai đứa, bà đã vui vẻ cất tiếng:
- Các cháu theo cô ra ngoài đường đón xe. Giờ này chắc mọi người ở trường đi rồi. Hường có muốn đi thẳng tới sân vận động không, cô bảo họ chở cháu tới đó?
- Thưa cô, thôi ạ, để cháu đi bộ về nhà. Nhà cháu gần đây thôi.
- Ơ, thế cháu không đến trường hay sân vận động à?
- Cháu.. ơ..không, cháu muốn về nhà trước đã.
Thấy câu trả lời của Hường có thể vẫn không làm bà chủ nhà có tính sốt sắng quá đáng hết thắc mắc. Tính xen vào để đánh trống lảng, giúp Hường:
- Cô để tụi cháu đi bộ về cũng được. Nhà chúng cháu gần đây thôi. Không cần đi xe đâu.
- Thế nhà các cháu ở đâu?
- Dạ ở trong cư xá Trần Quốc Toản. Chúng cháu đi một chút là tới.
- À , thế hai cháu ở gần nhau hả. Thôi thế cũng tiện. Hường không muốn đến trường nữa thì thôi. Các cháu cứ lên xe ngồi chung với cô. Tính đang đau, cháu không nên đi bộ nhiều.
Bà Thanh nói xong vẫy ngay chiếc xích-lô đang đạp trờ tới, không để hai đứa trẻ kịp phản đối. Không cần trả giá, bà đẩy Hường với Tính lên xe. Hai đứa dùng dằng một lúc mới chịu bước lên. Bà Thanh leo lên ngồi ở giữa, rồi bảo người đạp xe chở tới cư xá Trần Quốc Toản, nơi gần nhà bà, nếu đi xích-lô chỉ vài phút là tới. Xe chuyển bánh về hướng cư xá. Tính sượng sùng ngồi bên cạnh một bà người lạ, chỉ mới biết đây, lòng ngổn ngang suy nghĩ về sự việc xảy ra từ sáng đến giờ, quên cả cánh tay bị đau. Hường ngồi bên kia cũng không khá gì, nó chỉ biết thẹn thùng, mặt cúi xuống, không nói câu nào, mặc cho bà Thanh đang lại thao thao kể chuyện chồng con và con “Bếch”. Cái con nỡm, mà nếu không có nó, thì giờ này Hường và Tính đang sung sướng có mặt ở sân vận động Cộng Hoà, cùng cô giáo và các bạn tham gia ngày Đại Hội Học Sinh Tiểu Học rồi.
Xe rẽ vào cư xá rồi quẹo vô con đường nhỏ đến trước nhà Tính theo lời chỉ dẫn của nó. Trên đường vào nhà, đã có mấy đứa trẻ con học lớp dưới, hôm nay không phải đi học, cũng không đi dự đại hội, đang chơi đùa, nhìn thấy chiếc xe xích-lô trên đó có Tính, Hường và một người đàn bà lạ mặt, thì ngạc nhiên ngừng cuộc chơi, chạy theo. Cả ba xuống xe. Bà Thanh bảo anh lái xe chờ ở ngoài để chút nữa chở bà về, coi như bà thuê bao chiếc xe sáng nay. Trong lúc bà nói chuyện, Tính đã đẩy cổng bước vào, theo sau là Hường. Đám trẻ con thì đứng lố nhố chung quanh xì xào bàn tán, tròn xoe mắt nhìn. Nghe tiếng ồn ào, bà nội Tính đang dọn dẹp đồ đạc trong nhà bước vội ra xem. Mở cửa, bà ngạc nhiên nhìn thấy Tính, Hường và một người đàn bà trung niên không quen thuộc, đang đứng trong sân. Tính thấy bà nội nó ra, liền nói: “Nội, đây là cô Thanh. Cô đưa tụi con về”. Câu nói của Tính càng làm bà nó ngạc nhiên hơn, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sáng nay thằng Tính chào bà để đi đến trường. Nó cũng đã nói từ mấy bữa trước là hôm nay có đại hội học sinh ở sân vận động, nên nó phải đi sớm hơn thường lệ. Vậy mà sao bây giờ lại quay về đây, rồi còn có cả con Hường với cái bà nào lạ hoắc nữa. Nhưng chợt thấy những làn băng vải trắng trên cánh tay phải của Tính, bà hoảng hốt kêu lên: “Ý trời! con làm sao vậy”. Rồi quên mất người khách lạ đang đứng trước mặt, bà cầm tay Tính lên xăm xoi. Khi thấy chung quanh chỗ băng không có vết máu thấm ra ngoài bà mới hơi yên tâm. Tính vội trấn an bà nó: “Con không sao đâu nội, chỉ bị trầy sơ sơ thôi”, rồi nó hối bà nó vào nhà. Khi đó bà mới nhìn lên người đàn bà lạ trước mặt. Biết bà nội Tính còn ngạc nhiên, bà Thanh nhanh nhảu giải thích:
- Thưa bác, cháu là Thanh, nhà ở gần đây thôi. Cháu đến để thưa chuyện với bác về việc em Tính bị con chó nhà cháu làm trầy tay.
Nghe nói đến hai tiếng con chó, bà nội Tính lại lo lắng. Mới vừa qua bà tưởng Tính bị té ngã thôi. Nhưng chợt nhớ nhiệm vụ của người chủ nhà bà vội lên tiếng mời khách vào:
- Ờ, Vậy mời cô vào nhà đã.
Nói xong bà đứng sang một bên. Bà Thanh bước vào nhà rồi bà nội Tính, con Hường và nó cũng vào theo. Đám trẻ con được dịp ngoài sân không có người lớn, nên bu đông lại ở cửa sổ đứng nhìn. Có cả những đứa nhà ở hẻm trong, mới biết chuyện cũng chạy tới nhốn nháo, ồn ào, chỉ trỏ. Bà nội Tính phải quay ra nạt tụi nó mấy câu mới tạm yên. Vừa yên vị chủ khách ở ghế sa-lông, thì chợt đám trẻ con ngoài sân dạt ra, rồi ông nội Tính ở đâu mở cửa bước vô. Chắc ông vừa đi uống cà phê với mấy ông bạn ở quán gần nhà xong trở về, hoặc có đứa trẻ nào mau mắn, thấy nhà ông có khách lạ, nên chạy tới báo cho ông hay. Ông vừa vào thì lại có mẹ của Hường tới. Hôm nay mẹ của Hường không phải đi dạy, vì trường mẫu giáo cũng đóng cửa. Bà đang thay quần áo cho em út của Hường, thì có đứa trẻ con hàng xóm chạy đến, báo tin Hường đang ở nhà ông bà Hai, là ông bà nội của thằng Tính, lại có cả Tính và một người đàn bà lạ nữa. Bà ngạc nhiên, vì cũng như bà nội Tính, bà tưởng giờ này con Hường và thằng Tính đang ở sân vận động dự đại hội rồi chứ. Bà vội nhờ bà ngoại Hường trông hai đứa nhỏ, rồi tất bật chạy sang. Bà nội Tính giới thiệu hai bên xong, ông nội Tính mời tất cả mọi người ngồi xuống để nghe bà Thanh trình bày tự sự. Trước khi kể chuyện, bà Thanh cũng hỏi thăm cho biết ba mẹ Tính đang ở đâu để bà được nói chuyện luôn. Nhưng ba của Tính thì vẫn đang làm việc ở tỉnh, chắc trưa hay chiều nay ông mới về thăm nhà cuối tuần, còn mẹ Tính thì đã ra chợ bán hàng từ ban sáng. Trong lúc bà Thanh nói, Tính và Hường đứng gần bên, mặt ửng đỏ ngượng ngùng vì sự có mặt của người lớn, và nhất là vì có đám trẻ con ngoài kia đang rình nghe trộm. Thỉnh thoảng lại có những ánh mắt tò mò ngấp nghé ngoài cửa sổ nhìn vào. Chúng nó nhìn Tính và Hường như nhìn hai tên tội phạm, bị bắt quả tang vừa phạm một tội gì ghê gớm lắm. Bà Thanh kể hết phần bà được chứng kiến, từ lúc ở trong nhà, nghe tiếng chó sủa và tiếng la của Hường, chạy ra, thấy Tính và con “Bếch” nhà bà đang quần thảo với nhau, cho đến lúc đi xe xích-lô trở về đây. Bà cũng bảo Tính và Hường nhắc lại những gì đã xảy ra cho chúng nó, từ lúc ban đầu. Trong lúc nghe hai đứa kể lại sự việc, ông bà nội Tính và mẹ Hường đã tinh ý nhận ra sự đổi khác trong cách xưng hô của hai đứa, và những cử chỉ, điệu bộ ngượng ngập của chúng, dù Tính và Hường đã cố che dấu. Chúng vừa dứt lời, bà Thanh xoa hai tay kết luận:
- Thưa hai bác với chị đây, cháu thay mặt nhà cháu xin lỗi hai bác và chị. Hai bác cũng cho cháu gửi lời xin lỗi đến ba mẹ của em Tính. Việc em bị con chó nhà cháu làm ngã trầy tay, cũng như hư hỏng quần áo, giầy ba-ta, mọi thứ cháu xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cháu đã xem xét và hỏi em để chắc là trên người em không còn chỗ nào khác bị đau hay bị vết răng chó cắn phải. Nhưng nếu cần, xin hai bác cứ cho em đi khám bác sĩ. Tất cả mọi chi phí cháu xin được gửi trả đầy đủ. Nhân đây cháu cũng có mang theo giấy tờ chứng minh con chó nhà cháu đã được chích ngừa bệnh dại. Để cháu lấy trình hai bác xem.
Bà Thanh nói xong với tay cầm cái cặp nhỏ vẫn để bên cạnh, mở ra, lấy một tờ giấy đưa cho ông nội Tính. Trong lúc đó, bà nội Tính đã đứng lên, bước vào trong nhà. Bà chợt nhớ chưa rót nước mời khách, nên đi vào để lo công việc đó. Mẹ của Hường từ lúc mới vào nhà ông bà Hai, nhìn thấy con gái mình và thằng Tính cùng một người đàn bà lạ thì nghĩ là chắc có chuyện gì liên quan đến bà này rồi. Lại thấy Tính băng bó nơi tay, quần áo lem luốc thì tưởng thằng Tính gây sự, đánh nhau ở đâu, bây giờ bị đem về đây kể tội cho ông bà nó hay. Nhưng khi nghe hết câu chuyện thì rất cảm động, thầm cám ơn Tính đã kịp thời chạy đến, cứu con bà khỏi sự đe dọa của con chó dữ, và cũng vì thế mà nó bị thương nơi tay. Bà nhìn Tính với con mắt nhiều thiện cảm, nghĩ bụng lát nữa phải cám ơn và khen nó một câu. Cái thằng ngày thường nghịch phá vậy mà hôm nay anh hùng thật. Bà cũng phục cách xử sự sốt sắng, chu đáo, có trách nhiệm của người đàn bà đang ngồi trước mặt. Bà Thanh này không giống như những người chủ nhà tắc trách khác. Cũng nuôi chó mà họ rất vô tâm, chó của họ chạy xổng từ trong nhà ra ngoài đường, rõ ràng đã cắn đứa trẻ hàng xóm vô tội vừa đi ngang qua, không những không hỏi han, săn sóc đứa bé, mà họ còn đổ thừa là lỗi tại nó đã ném đá hay trêu chọc gì con chó, nên mới bị cắn như vậy. Phần ông nội Tính cũng nghĩ tương tự như mẹ của Hường. Lúc mới đầu, khi nghe bà vợ ông giới thiệu bà Thanh đến nói về chuyện thằng Tính với con chó của bà này, thì  ông tưởng thằng Tính nhà ông đã phá gì con chó, nên bị nó cắn và bà ta đến mắng vốn. Thằng Tính cháu ông, ông biết quá. Nó nổi tiếng hay chọc ghẹo bạn bè, có lúc còn nghịch phá, trêu chọc cả mấy con chó nhà hàng xóm, cho chúng sủa vang lên rồi chạy trốn. Người ta mách ông hoài, ông đã răn đe nó nhiều lần, nhưng chứng nào tật nấy, nó đâu có chừa. Có điều, nó là cháu trai duy nhất của ông, cháu đích tôn nữa, nên ông cưng nó, chỉ rầy la thôi chứ không đánh mắng. Ông có hơi ngạc nhiên khi thấy có cả con Hường hiện diện trong nhà. Không biết sao con bé này chưa đến trường mà còn ở đây. Khi nghe đến đoạn Tính xông vào con chó để cứu Hường, ông cảm thấy hãnh diện về cháu mình nhưng không tỏ lộ ra ngoài. Ông thầm nghĩ: Thằng này giống tính ông hồi còn nhỏ đây. Vào phần đầu câu chuyện, ông đã có ác cảm với bà Thanh khi nghe kể chồng con bà đã vô ý, không gài khóa cổng nhà kỹ, để con chó sút dây xích, chạy ra ngoài đường, đe dọa con Hường và làm cháu ông bị thương. Nhưng sau khi nhận thấy bà này đã mau mắn biết lỗi, săn sóc cho hai đứa nhỏ cẩn thận, chu đáo, đã đến ngay nhà ông để trình bày sự việc, và nhất là, điều mà ông quan tâm nhất, có giấy chứng nhận đã chích ngừa bệnh dại cho con chó, thì ông không còn thấy khó chịu như trước. Ông biết ở những khu lao động, rất nhiều người nuôi chó nhưng không hề đem chó đi chích ngừa bao giờ. Đã vậy, ban ngày họ cứ thả cho chó chạy rông, chỉ ban đêm mới nhốt trong nhà. Trẻ con, và cả đôi khi người lớn, đang đi ngoài đường bị chó cắn bậy là thường. Cũng chẳng biết chó nhà ai cắn nữa. Bị con chó khỏe mạnh cắn không nói làm gì, coi như một vết đứt tay, đứt chân, một hai tuần sẽ khỏi. Nhưng nếu xui xẻo, bị con chó đang có mầm bệnh dại cắn thì thật là nguy hiểm. Vi khuẩn bệnh dại ở nước dãi con chó sẽ theo vết cắn vào trong máu. Nếu không rửa vết thương thật kỹ và đưa đi chích ngừa ngay thì nạn nhân chỉ có chết sau khi căn bệnh bộc phát.        
 Xem xong tờ giấy chứng nhận đã chích ngừa bệnh dại cho con chó, do bà Thanh đưa cho ông lúc nãy, ông giở gọng kính ra, hướng về bà, chậm rãi lên tiếng:
- Sự việc xảy ra cũng ngoài ý muốn của mọi người, nhưng cô đã lo băng bó cho thằng Tính, và sốt sắng tới đây cho chúng tôi hay biết mọi chuyện, như vậy chúng tôi thấy là cô rất có tinh thần trách nhiệm. Để tôi coi lại xem nó có đau chỗ nào nữa không. Dù sao có giấy chứng nhận này chúng tôi cũng yên tâm. Nếu bị con chó đó cắn cũng không ngại cho lắm. Còn về phần quần áo, giầy dép của thằng Tính thì cô khỏi lo, không đáng gì đâu.
Nói xong ông đưa trả tờ giấy lại cho bà Thanh đang ngồi trước mặt. Ông quay qua thằng Tính nói nó tới gần để ông coi lại vết thương. Ông mở băng ra xem kỹ cả hai chỗ trầy trên cánh tay Tính. Ông yên tâm khi thấy đúng như lời bà Thanh kể, những vết thương này là do cánh tay cà mạnh xuống mặt đường khi bị té, chứ không phải vết răng hay vết cào của con chó. Ông xem hết những phần khác trên cánh tay và bàn tay, xong ông lấy băng mới, bôi thêm thuốc rồi băng lại cẩn thận cho nó. Ngày xưa, ông đã từng là một y sĩ ngoại chẩn trong thời gian còn tùng sự tại bệnh viện Đô Thành, nên việc xem xét, băng bó vết thương, là những điều quá thường đối với ông. Ông còn bắt Tính cúi xuống cho ông bươi tóc nhìn da đầu, xem kỹ mặt, mũi, mang tai, cổ, gáy, vén tay áo bên trái, cởi giầy, kéo hai ống quần lên cao cho ông kiểm soát xem nó có bị vết trầy hay vết chó cắn nào không. Đến khi ông bắt nó cởi áo ra thì Tính vùng vằng, giãy nảy lên:
- Thôi nội, kỳ quá hà. Con đã nói là không còn chỗ nào đau nữa mà. Chỉ có hai chỗ trầy ở tay phải thôi. Mà nó đã hết đau rồi, nội gỡ băng ra làm nó đau lại nè.
Tới lúc này ông nội Tính mới chịu tha cho nó, nhưng ông cũng đe một câu mà Tính đã phải nghe không biết bao nhiêu lần:
- Ờ, mầy đừng có ở đó mà coi thường. Gặp chó nhà đàng hoàng còn đỡ. Gặp mấy con chó đi hoang hay chó dại, chỉ cần một vết sướt nhỏ có dính nước miếng của nó mà không đi chích ngừa là tiêu đời nghe con. Mấy vết trầy ở tay mầy đó, cũng phải giữ sạch sẽ, bôi thuốc cẩn thận. Để đất cát dính vô là coi chừng “sài uốn ván” đó nghe chưa.
Bà nội Tính đã đem nước trà ra mời mọi người. Tuy ở trong nhà nhưng bà nghe rõ hết mọi chuyện. Bà nhẹ nhàng nói với bà Thanh:
- Thôi cô đừng lo chuyện tiền bạc, cũng đừng phiền bận gì. Thằng Tính nó cũng như bị té ngã thôi. Cô lo cho nó vậy là được rồi. Mà nó chạy chơi, bị té trầy tay, trầy chân hoài chứ đâu. Để ba má nó về tôi nói lại cho. Sao, tôi nói vậy có phải không dì Ba?
Vừa dứt lời, bà day mặt qua hướng mẹ của Hường. Bà vẫn thường gọi mẹ Hường là “dì Ba”. Mẹ của Hường nãy giờ ngồi im theo dõi, không lên tiếng vì thấy chưa cần. Nghe bà nội Tính hỏi, vội nhìn bà Thanh, tiếp lời:
- Dạ, bác Hai nói đúng đó chị.
Mẹ Hường là người tế nhị, bà không xen vào chuyện của người khác, và cũng chẳng thích ngồi lê đôi mách, tỉ tê những chuyện không đâu với chị em bạn, hoặc hàng xóm láng giềng. Nhưng khi nào cần giao tiếp, bà vẫn hòa nhã, nói chuyện vui vẻ với những người chung quanh. Đối với ông bà nội của Tính, mẹ của Hường vẫn được hai ông bà quý mến. Vừa rồi, thấy con gái mình chẳng bị hao tổn gì nên bà nghĩ không cần mở lời, cứ để ông bà nội Tính nói chuyện với bà Thanh, còn mình thì ngồi nghe thôi. Bà Thanh gặp được những người đối diện tử tế, biết cách cư xử nên rất mừng. Trong thâm tâm, bà đã lo phải đối phó với những kiểu phụ huynh học sinh chỉ biết khăng khăng bênh vực con mình, bất kể chúng có lỗi hay không, hoặc tệ hơn nữa, là tìm cách ăn vạ, làm lớn chuyện để đòi bồi thường thật nhiều. Bà vội đáp lời:
- Dạ, cháu xin cám ơn hai bác. Em cũng cám ơn chị. Dù sao lỗi cũng ở nơi cháu. Tại con chó nhà cháu tự dưng tuột dây xích mà ra nông nỗi này. Vậy xin hai bác cứ cho cháu được đền bù một chút cho em Tính để lòng cháu bớt áy náy. Nếu như hai bác không nhận hiện kim thì ngày mai cháu sẽ trở lại, đưa em đến tiệm, may lại bộ quần áo mới, và mua đôi giầy “ba-ta” khác. Thưa hai bác được không ạ?
Ông nội Tính, từ đầu nghe bà Thanh nói chuyện, đã chán cái kiểu “Bắc-kỳ” rào đón, mất thì giờ của bà này, tuy ông không ghét bà, vì thấy bà cũng là người biết lẽ phải trái. Ông muốn chấm dứt cuộc gặp gỡ bất ngờ, và cũng nghĩ nên để cho bà ta có cơ hội đóng góp, để bà đỡ áy náy như lời bà vừa trình bày. Ông nhích người khỏi lưng ghế, nói nhanh:
- Thôi được. Vậy ngày mai cô tới đưa nó đi may lại cái áo, với mua đôi giầy thôi. Còn cái quần thì không cần. Nó không có rách mà.
Bà Thanh ngầm hiểu mình đã làm mất thì giờ của chủ nhà, nên vội đồng ý ngay:
- Vâng, cháu cám ơn hai bác. Để sáng mai cháu sẽ đến đưa em Tính đi may áo, với mua giầy. Cháu có người quen mở tiệm may ở gần chợ Nguyễn Tri Phương. Tiệm giầy cũng gần đó thôi. Cháu xin lỗi đã làm mất thì giờ của hai bác và chị đây. Bây giờ cháu xin chào hai bác cháu về.
Bà Thanh nói xong nhỏm người đứng dậy. Mọi người cùng đứng lên theo. Mẹ của Hường bước tới nắm tay Tính ân cần nói:
- Dì cám ơn cháu đã cứu con Hường khỏi bị con chó đó cắn. Cháu thiệt can đảm và có lòng tốt với bạn. Không có cháu thì không biết con Hường nó đã bị làm sao rồi.
- Thưa dì, cháu chỉ hành động theo tự nhiên thôi. Dì khen làm cháu mắc cỡ.
 Bà Thanh đang đứng nghe, thấy mẹ Hường chưa nói thêm câu nào, thì bà xen vào:
- Chị cho em xin lỗi. Vì con chó nhà em mà cháu Hường bị một phen sợ hãi, lại lỡ buổi đại hội học sinh hôm nay, và cả cháu Tính nữa. Đáng lẽ hai cháu đã đang ở sân vận động rồi. À hay là…
Bà nói tới đây thì chợt nghĩ ra điều gì nên ngưng lại một giây, nhìn đồng hồ tay, rồi quay sang ông bà nội Tính, bà tiếp:
- Hay là nếu hai bác và chị đây cho phép thì để cháu hỏi hai em Tính và Hường, xem các em có muốn đi đến sân vận động bây giờ không. Theo cháu nghĩ, đại hội còn đang diễn ra và giờ này mới chín rưỡi. Các em đi thì có sẵn xích-lô đang chờ có thể đi ngay được. Cháu sẽ đi cùng các em đến sân, đưa các em vào cửa rồi cháu mới về.
Nghe bà Thanh nói, mọi người sực nhớ ra là Tính và Hường vẫn có thể đến dự đại hội được dù đã trễ. Chúng nó không cần đi diễn hành, nhưng chỉ cần vào bên trong sân vận động, rồi leo lên khán đài ngồi xem cũng được, nếu tìm thấy vị trí của trường hay lớp mình thì càng tốt. Ông nội Tính thấy lời đề nghị của cái bà “Bắc-kỳ” này cũng có lý. Thằng Tính tuy bị trầy tay nhưng không nặng, và nhìn nét mặt với điệu bộ thì nó đâu có đau đớn gì. Nó không được đi dự đại hội kỳ này thì thật thiệt thòi cho nó. Thôi, đến trễ còn hơn không. Với lại, ông biết ở những lần tổ chức đại hội các ngành, chương trình bao giờ cũng gồm những màn phát biểu của mấy quan chức, mấy ông bà làm lớn trước đã, rồi mới tới những mục hấp dẫn, như diễn hành chẳng hạn. Không chừng khi chúng nó tới nơi, lại được xem diễn hành thôi, khỏi phải ngồi nghe phát biểu. Đối với chúng nó, những lời văn hoa kia có lọt vô tai này, rồi cũng chạy ra tai khác. Ông ngoắc tay kêu Tính tới rồi hỏi:
- Vậy con muốn đi tới sân vận động bây giờ không? Tay con còn đau không?
Thằng Tính nãy giờ đang nôn nóng, mong cho mọi người ra về để nó thoát khỏi cảnh bị làm cái bia cho những con mắt nhìn vào. Nó biết tụi trẻ con đang lố nhố ngoài kia, tuy sợ oai ông nội nó không dám đến gần, nhưng vài đứa cũng thập thò nơi cái cửa sổ nhìn vào, thỉnh thoảng lại cười lên hinh hích. Chuyện nó bị con chó làm té trầy tay, chắc đám ngoài kia nghe biết hết rồi, vì giọng cô Thanh lớn lắm, làm gì tụi nó chẳng nghe. Không mấy chốc, cả xóm trên, hẻm dưới sẽ được chúng nó thông báo đầy đủ. Mà có khi chúng còn thêm thắt những tình tiết ly kỳ, cho giống như phim “xi-nê-ma” nữa. Nhưng điều đó nó không ngại, mà chỉ sợ đám kia thấy nó với con Hường ngồi trên xe xích-lô chung với cô Thanh, rồi thêu dệt lên nhiều chuyện làm nó xấu hổ. Nó tự trách là sao hồi cô Thanh gọi xe, nó không nhất định từ chối leo lên, để rồi bây giờ phải khổ sở thế này. Khi thấy ông nội hỏi, Tính muốn đi ngay, nhưng lại sợ phải ngồi chung với cô Thanh và con Hường nên nó nói:
- Dạ con muốn đi, nội. Tay con hết đau rồi. Nhưng để con đi bộ cũng được.
- Tay con còn băng, vết trầy còn mới, không nên đi bộ nhiều, không tốt. Nếu con muốn đi thì vô thay quần áo khác, rồi đi bằng xe xích-lô như cô Thanh nói đây.
- Thôi nội, để con đi bộ được mà.
- Mầy sao khờ quá. Đã trễ rồi mà còn đòi đi bộ, tay lại đang băng bó thế kia. Có mau vô thay đồ cho nhanh không. Kiếm cái áo dài tay khác mặc vô.
Trong lúc ông nội thằng Tính đốc thúc nó, thì mẹ của Hường cũng kêu Hường tới để hỏi:
-Thế con có muốn tới sân vận động như Tính không?
 Bà cũng nghĩ như ông nội Tính, để con Hường bị mất buổi đại hội thật tội cho nó. Công lao chuẩn bị, chờ đợi cả hơn một tuần lễ mà không được đi dự thì thiệt uổng. Giờ này cũng chưa trễ lắm, lại có sẵn xe đang chờ, không phải đi bộ. Về phần Hường, cũng như thằng Tính, nó đang ngượng với đám trẻ con ngoài kia vì đã ngồi chung xe với Tính, dù ở giữa có cô Thanh. Nó muốn ra khỏi chỗ này càng sớm càng tốt, đi đến sân vận động càng tốt hơn, vì như thế vừa tạm thời đỡ bị người lớn hỏi han lôi thôi, vừa tránh được những cặp mắt tò mò của đám trẻ con. Thật ra lúc nào Hường cũng muốn đến dự đại hội, không hẳn vì nó là một đội viên của đội diễn hành, mà vì Hường muốn được chung vui cùng các bạn. Sau lúc cô Thanh băng bó cho Tính ở nhà cô, nghe thằng Tính giục, nó cũng muốn đi đến trường hay sân vận động, nhưng có cái gì đó cản ngăn nó không nên làm như vậy. Nó không nỡ bỏ Tính một mình. Thằng Tính với nó dù sao cũng là bạn học cùng lớp, nhà ở cùng xóm, đã cùng tập dượt diễn hành gần suốt tuần qua, Tính đã có biểu hiện tốt trong cách cư xử, và hơn hết, Tính đã không sợ hiểm nguy, cứu giúp nó khỏi sự đe dọa, tấn công của con chó dữ. Tất cả những điều đó đã giúp Hường thắng được nỗi e ngại, để cùng với Tính leo lên xe xích-lô, theo cô Thanh về nhà ông bà nội Tính, trình bày sự việc cho ông bà và mẹ nó biết. Hường nghĩ sự có mặt và lời tường thuật của nó sẽ giúp mọi người hiểu và cảm phục hành động can đảm của Tính hơn. Khi nghe mẹ hỏi về chuyện có muốn đi đến sân vận động không, Hường gật đầu ngay, dù biết sẽ lại phải tái diễn màn ba người một xe:
- Dạ có.
Khi thằng Tính từ nhà trong bước ra, nó đã thay cái áo trắng dài tay, bị lem lấm, bằng cái áo khác hơi cũ hơn. Chân đi đôi săng-đan dùng để đi học hàng ngày. Mọi người đang đứng ở cổng chờ sẵn. Cực chẳng đã, bị ông bà nội ép quá, Tính đành phải leo lên xe xích-lô ngồi bên cạnh cô Thanh, mặt sượng sùng. Bà nội nó cầm sẵn cái mũ két bảo nó đội lên đầu. Nó không muốn, nhưng cũng đưa lên cho đỡ mắc cỡ. Phía bên kia, Hường đã ngồi đó từ bao giờ, với cái nón vải rộng vành màu xanh lợt che nửa khuôn mặt, để lộ gò má đang ửng đỏ. Mọi người chào nhau lần cuối rồi xe lăn bánh, trước những ánh mắt hiền từ, thương mến, bao dung của người lớn, và những tiếng reo hò, vỗ tay, tiếng cười trong trẻo,  tiếng chân chạy theo của những đứa trẻ con ra đến tận đường cái. Chiếc xích-lô hòa nhập vào dòng xe về hướng sân vận động Cộng Hòa. Trên cao, nơi những cành cây điệp nở đầy hoa vàng rực rỡ, che mát hai bên đường, có đàn chim sẻ đang chuyền cành, ríu rít gọi nhau trong tia nắng ấm áp của một ngày giữa Xuân.

Quang Dương
10/2011