Phiếm vụn: Tàu đời

Không kể những bậc vĩ nhân xuất chúng, con người phàm nhân thất tình lục dục như chúng ta hầu như ai cũng thích được giải trí ăn chơi hưởng thụ hơn là học tập làm việc và cống hiến. Nói đến giải trí vui chơi, du hí ai chẳng háo hức tươi tỉnh, còn bảo đi học, đi cày thì nhăn nhăn nhó nhó, mặt nặng như đeo bị. Nhưng suốt trong cuộc đời kể từ lúc mới một, hai tuổi cho đến khi xuống lỗ, coi bộ chuyện ăn chơi hưởng thụ không phải là điều dễ dàng. Nếu chia thời gian đời người làm 6 giai đoạn thì chúng ta có thể ví chuyện ăn chơi trong các giai đoạn đó như những con tàu với tên gọi khác nhau như sau:


 1. Con tàu giấy (1-19 tuổi)

Là con tàu của lứa tuổi thơ ấu và niên thiếu. Con tàu này chưa dùng vào việc gì hữu ích thiết thực được, đương nhiên cả chuyện chở đi rong chơi đây đó. Tàu giấy chỉ để thả ở trong chậu hay ngoài rãnh nước những hôm trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ ngủ trong phòng bé nghịch ngoài sân, rồi mơ ước và tưởng tượng. Bé nào nóng ruột hăm hở leo lên tàu giấy đòi tàu chở đi ăn kem mua đồ chơi thì ...bẹp tàu và ướt cả quần! Thực thế, cô cậu nào bỏ học, lêu lổng rong chơi bụi đời thì tương lai đen như lọ mực Tàu là cái chắc. Câu nói truyền miệng trong giới học trò... dốt: “Ngọc bất trác bất thành khí; Nhỏ không học lớn làm đại uý (thuyền trưởng)” chỉ là cách nói giễu cho vui. Nhưng “Nhỏ không học lớn làm thi sĩ” thì có thể có lắm!


 2. Con tàu buông neo (20-39 tuổi)

Ở tuổi 20, 30 là con tàu buông neo và cột dây, nghĩa là lại chỉ có lo học, học, học và học rồi bắt đầu lo đi làm, làm và làm để trả nợ tiền học, tiền ăn tiền ở, tiền để dành mua xe mua nhà, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Tuổi này còn sung sức và ham vui chơi hưởng thụ cho sung sướng cuộc đời, nhưng vì trách nhiệm và bổn phận luôn đeo đẳng nên bị "cột tay cột chân". Ở vào thời chiến, bạn phái nam còn phải chu toàn nghĩa vụ đi quân dịch là thương nòi giống của người trai thời loạn thì lại càng bị hạn chế việc vui chơi du hí hơn nữa. Bạn nào cả gan lén rút neo tháo dây “dong buồm ra khơi” sớm để vui thú sông hồ, thoả mộng lãng tử là tương lai dễ u ám. Bạn ta có triển vọng ngâm câu Tôi nghèo em cũng chẳng cao sang... hoặc ca cẩm Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn...


Nói vậy cũng có ngoại lệ nhưng hiếm. Đó là trường hợp những bạn không vướng vô vòng tình ái thề thốt Anh hứa yêu em trọn một đời, hay Em hứa yêu anh chẳng chịu rời. Bạn không lập gia đình sinh con đẻ cái. Hoặc bạn chủ trương Một mai một cuốc một cần câu... Cái gì cũng một hết, nhất là chỉ có duy nhất một quả tim bạc trong một túp lều vàng thì sau khi học thành tài là có thể thực hiện mộng ước du lịch đó đây hoặc hưởng nhàn dài hạn. Về sinh kế thì chỉ cần đi làm lai rai xuân thu nhị kỳ miễn đủ sống là được.


 3. Con tàu vận tải (40-59 tuổi)

Ở tuổi 40, 50 lại là con tàu vận tải, nghĩa là cày cuốc tối đa, làm việc mệt nghỉ để trả đủ thứ “biu”. "Biu" credit cards, nhà, xe, thuế, bảo hiểm, điện, nước, rác, phone, cable, internet, membership này nọ... ngập đầu và còn lo dành dụm bao nhiêu cũng không đủ cho tuổi già, chứ không có lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện vui chơi giải trí. Cao lắm thì thỉnh thoảng vợ chồng con cái nhắm mắt làm đại một chuyến du lịch xa vài ngày hay một tuần gọi là để xả hơi sau những năm tháng mệt nhọc kéo cày bá thở. Vừa đi du lịch vừa lo “con tàu vận tải” bị hao hụt năng xuất! 


 4. Con tàu hoàng hôn (60-79 tuổi)

Đến tuổi 60, 70 mới được làm con tàu hoàng hôn. Lúc này ai may mắn nhẹ nợ áo cơm nhà xe các thứ và chưa vướng nợ cháu chắt thì mau mau leo lên tàu hoàng hôn mà hưởng những chuyến du lịch ngắn dài đây đó cho bõ những tháng ngày còng lưng đổ mồ hôi sôi con mắt trên con tàu vận tải. Còn ai mà vẫn chưa dứt được nợ cơm áo lại thêm nợ nhà, nợ xe, nợ tiệm, nợ con, nợ cháu, nợ mẹ chồng, nợ bố vợ, nợ phòng nhì, nợ phòng ba v.v... thì con tàu hoàng hôn trở thành con tàu hụt hơi, ì à ì ạch kéo tiếp cái nợ đời. Khi đó đúng là cảnh:


Chân chồn gối mỏi lưng còng oẳn 

Còn cái thân tàn, nợ nợ ơi!


 5. Con tàu vét (80-99 tuổi)

Sau con tàu hoàng hôn thì đến con tàu vét của tuổi hạc 80, 90. Các cụ trong hạn tuổi này thì dù còn nợ hay không nợ, bất cứ loại nợ nào, cũng nên tụng sẵn một câu: “Ai đông ke” (I don’t care). Rồi nếu còn sức thì ráng leo lên con tàu vét của mình để hưởng vớt, hưởng nốt những chuyến du lịch vào lúc cuối đời. Thế mới gọi là tàu vét. Cụ nào đã chịu thiệt thòi không ăn chơi hưởng thụ gì trong suốt thời gian trước đây mà đến tuổi này cũng “chê” tàu vét “mắc quá” không đi thì đành chịu thua! Số các cụ đúng là số con trâu, sinh ra để kéo cày trả nợ.


 6. Con tàu suốt (100 tuổi và hơn nữa)

Đây là con tàu cuối cùng của cuộc đời. Cụ nào may mắn sống thọ qua tuổi bách tuế thì dù muốn hay không, cũng có con tàu đặc biệt gọi là tàu suốt chờ sẵn để chở đi viễn du miền tiên cảnh miễn phí. Mà không chỉ dành riêng cho các cụ từ 100 tuổi trở lên, tàu suốt có thể rước bất cứ hành khách nào trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Chẳng ai biết tàu suốt chở đi ngao du thăm viếng những nơi nào và cuộc hành trình có được êm ả xuôi chèo mát mái không vì ai được tàu suốt rước đi thì cũng... một đi không trở lại! Chẳng có ai đi rồi trở về kể chuyện cho con cháu thân quyến nghe cảnh cầu Nại sông Vong hay điện  ngọc suối vàng nó ra làm sao. Thế mới gọi là “đi tàu suốt”.


Kết


Kẻ viết bài này đang ở giai đoạn 4, tức con tàu hoàng hôn. Hoàng hôn nhưng chưa nhẹ nợ, mà cả đời từ bé đến giờ nợ to nợ nhỏ cứ chồng chất hai vai, nên vẫn phải cày bừa mệt nghỉ. Vừa cày vừa cảm khái Kiều, “Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”. Nhưng hôn hoàng lâu quá lại hoảng hồn vì nợ trần ai chưa xong mà bóng con tàu vét dường như đang thấp thoáng đâu đó. Có khi tàu vét chưa cập bến tàu suốt đã kéo còi "Bin! Bin!" lù lù xuất hiện trước rồi.


Dù sao thì cũng mong đến lúc:


Một hôm mây trời bảng lảng

Tâm hồn lãng đãng theo mây

Vứt cày leo lên tàu vét

Hôn hoàng giã biệt từ đây


7/2022

Quang Dương

No comments:

Post a Comment