Vạt Áo Cánh Lam (truyện ngắn)

                                                             
Để nhớ về cô giáo Thảo dạy lớp Nhất trường tiểu học Nguyễn Tri Phương SG


Tiếng trống ra chơi vừa đổ hồi, thằng Tuấn, phó trưởng lớp, ngồi bàn đầu bên dãy con trai, nhanh tay cất quyển vở Toán vào ngăn bàn rồi đứng lên, giục thằng Thành ngồi cùng bàn, chạy ra ngoài. Thằng Dũng thằng Hùng ở dãy dưới cũng đã nhanh chân phóng ra từ lúc nào. Bên phía con gái, đám con Loan, Ngọc và Thước còn đang loay hoay với cóc, me, ổi, ô-mai dấu trong cặp hoặc trong ngăn bàn. Sân trường tiểu học Nguyễn Tri Phương đã bắt đầu ồn ào, náo nhiệt như cái chợ vỡ. Tuấn nhảy một bước xuống khỏi thềm xi măng ngăn hiên lớp với sân cỏ, và phóng đến chỗ mấy đứa bạn đang đứng.

- Ê! Có đứa nào mang theo sợi dây không? - Tuấn hỏi.

- Tao không đem. Ê! Dũng, sợi dây hôm qua mày có đem theo không? - Thằng Hùng trả lời rồi quay hỏi lại thằng Dũng.

- Anh tao lấy rồi. - Dũng đáp.

- Không có dây mình chơi nắm tay kéo cũng được. Rủ thêm đám thằng Nhân, thằng Hiệp nữa. - ThằngThành bàn vào.

- Ừ, thôi nhanh lên. - Tuấn nói rồi nó chạy trước đến chỗ thằng Nhân, thằng Hiệp và hai đứa nữa. - Ê! Hiệp, Nhân, chơi kéo co không?

- Mày có dây hả? - Thằng Hiệp hỏi lại.

- Không có, nhưng mình nắm tay cũng được.

- Ừ, nhưng chia phe làm sao? - Thằng Hiệp lại hỏi.

- Tao với thằng Thành, thằng Dũng, thằng Hùng một phe. Mày với thằng Nhân, thằng Quang, thằng Trí một phe.

- Không được, bên tụi mày khỏe hơn bên tụi tao. Cho thằng Thành thằng Dũng qua bên tao, thằng Quang thằng Trí qua bên mày mới đồng đều. - Hiệp kỳ kèo mặc cả.

- Được rồi. Tụi bây ôm bụng cho chắc nghe, đừng để tuột tay đó. Khi nào tao đếm một hai ba thì bắt đầu kéo. - Tuấn nói lớn.

Tám đứa học trò chia làm hai phe theo như thỏa thuận. Tuấn quay lại dặn dò thêm vài câu cần thiết cho ba đứa cùng phe nó là Hùng, Quang và Trí, đang lần lượt đứa sau vòng tay ôm bụng đứa trước. Bên Tuấn vừa chuẩn bị xong thì phe thằng Hiệp, Thành, Dũng, Nhân cũng đã sẵn sàng. Tuấn và Hiệp, đứng đầu mỗi phe, dùng hai bàn tay cùng nắm lấy cổ tay phải của nhau, hai chân chùn xuống lấy thế. Tuấn hít một hơi thật sâu, hô to: “Sẵn sàng nghe! Một, hai, ba!”. Vừa dứt tiếng “ba”, Tuấn cố lấy sức kéo tay thằng Hiệp về phía mình, đồng thời gồng người, chịu đựng vòng tay của thằng Hùng đang xiết chặt vào bụng nó kéo ra đằng sau. Thằng Hiệp cũng không vừa, nó chùn xuống thấp hơn và ghì người lại. Bốn cánh tay của Tuấn và Hiệp căng ra, nổi lên những vồng bắp thịt nho nhỏ nhưng cứng chắc. Hai sợi dây xích người, làm bằng thân thể và vòng tay của những đứa học trò cùng căng dãn ra về hai phía đối nghịch, quyết không để bên mình bị kéo về bên đối thủ.

Tiếng reo hò cổ võ của mấy đứa bạn đứng ngoài làm khán giả, cộng với tiếng gào, tiếng gầm gừ, tiếng thở của tám đứa trong cuộc, vang động át cả tiếng cười nói của những nhóm học trò khác. Phe Tuấn vừa kéo được phe thằng Hiệp nhích lên một bước chân, thì Tuấn phải ngưng lại lấy đà để kéo tiếp. Vừa lúc, phe thằng Hiệp ở thế thuận lợi, nó kéo Tuấn về phía nó hai bước chân rồi Tuấn mới ghìm lại được. Khi thấy cả ba thằng Thành, Dũng, Nhân bên phe thằng Hiệp đang ở tư thế tạm ngưng để thở và lấy đà, Tuấn vội hơi hô to cho ba thằng đằng sau nó nghe: “Kéo!”. Nhưng rủi cho nó, chỉ có thằng Hùng ngay sau lưng nó là đang ở vừa đúng thế, có thể kéo mạnh, còn Quang và Trí thì không. Vì thế phe Tuấn chỉ có thể kéo được phe Hiệp về ngược lại phía chúng nó một bước chân. Cả hai phe trở lại tình trạng giằng co, bất phân thắng bại. Sau một lúc, sức kéo của những đứa đứng sau đã làm hai cánh tay của Tuấn và Hiệp gần dãn thẳng ra và hai bàn tay nắm cổ tay của chúng nó sắp rời nhau. Tuấn cố chồm lên để nắm lấy cổ tay thằng Hiệp sâu hơn. Nhưng bất ngờ, đúng lúc đó, cả ba thằng Thành, Dũng và Nhân đằng sau thằng Hiệp đã vô tình ở vào một thế hiệp lực, tạo sức kéo mạnh nhất, kéo giật Hiệp ra đằng sau. Tay Tuấn và tay Hiệp vuột sút ra, và cả hai đều mất thăng bằng, ngã bật ngửa ra đằng sau, đè lên ba thằng bạn ở mỗi bên. Bên Tuấn còn đỡ, nó chỉ loạng quạng vài bước rồi ngã ngồi. Hùng, Quang và Trí chỉ ngã ngửa một vòng. Bên thằng Hiệp thì khốn hơn, cả bốn đứa đều lăn chiêng ra, lộn mấy vòng. Đám bạn đứng xem vỗ tay, cười lên ha hả. Tuấn đứng dậy phủi bụi quần áo, vừa thở vừa nói với Hùng, Quang và Trí:

- Lúc nãy tụi bây cùng kéo một lượt thì bọn mình đã có thể thắng tụi nó rồi.

- Tại thằng Quang thằng Trí không chịu kéo. - Thằng Hùng xốc lại quần áo, không nhận lỗi phần nó.

- Tụi tao cứ nhắm mắt kéo, lúc mệt thì phải ngưng lại lấy hơi, đâu có đợi nghe mày nói. - Thằng Quang chống chế. Thằng Trí thì không nói năng gì, tính nó vẫn ít nói.

- Ê, Tuấn, phe tụi mày thua rồi nghe. - Thằng Hiệp lớn tiếng tuyên bố.

- Không có bên nào thua, chỉ huề thôi. - Tuấn xua tay phản đối.

- Phe tao kéo tụi mày hai bước mà. Phe mày kéo lại có một bước.

- Mày quên rồi, phe tao kéo mày một bước ngay từ đầu, về sau lại kéo thêm một bước nữa. Mày kéo tao lại hai bước là huề. Đáng lẽ phe mày làm sút tay là phe mày thua mới phải đó.

- Đâu phải tại tao. Thôi tụi mình huề nghe.

- Ừ thì huề. Thôi, tao phải đi uống nước, khát nước quá. - Tuấn vừa nói vừa chạy lại phía cuối sân.

Tuấn giữ ý chạy trên chỗ có cỏ mọc, tuy làm đường đi hơi xa, nhưng không gây bụi. Mấy thằng bạn chạy theo chẳng được ý tứ như thế, chúng nó cứ đường gần nhất mà phóng. Khi chúng chạy ngang qua chỗ sân không có cỏ, bụi trong sân bay lên dạt vào gần chỗ hai bạn gái đang chơi banh đũa dưới gốc cây phượng, nơi có nền đất tương đối cứng và sạch. Con Phụng đang sắp sửa khởi sự tung banh thì đám bụi ập tới, làm nó phải đứng lên, quay mặt đi. Con Hường đứng bên cạnh, nhăn mặt hướng về đám con trai, vừa la vừa đưa cánh tay áo che mũi:

- Đồ mấy thằng quỉ! Chạy gì mà chạy dữ dzậy không biết!

Hai đứa chờ cho bớt bụi rồi kéo ống quần, ngồi xuống.

- Mày đi lẹ lên Phụng, đã giữa giờ ra chơi rồi đó. - Con Hường lên tiếng hối.

Phụng đưa bàn tay phải gom hết mười cây đũa đang nằm ở dưới sân vào lòng bàn tay, dọng một đầu xuống đất cho đều, rồi xòe mấy ngón tay ra, rải cả mười cây xuống mặt đất. Nó cầm trái banh lông tung lên trên không, ngang mặt, xoay ngược ngay bàn tay xuống dưới đất nhặt lên hai cây đũa, đồng thời vừa kịp chụp trái banh đang rơi xuống, sau khi đã tưng xuống dưới đất một lần. Cũng vẫn bàn tay còn đang cầm hai cây đũa và trái banh, nó lại tung trái banh lên, xoay tay nhặt thêm hai cây đũa nữa rồi bắt banh. Phụng tiếp tục tung banh, nhặt đũa cho đến khi cả mười cây đũa và trái banh đã nằm gọn trong lòng bàn tay là xong đợt nhất. Đến đợt thứ nhì, Phụng phải rải đũa, tung banh và nhặt mỗi lần bốn cây đũa. Sau đó là sáu, tám và mười cây. Càng về sau cuộc chơi càng khó, đòi hỏi sự nhanh nhẹn và chính xác nhiều. Nếu nhặt sai số cây đũa, làm rớt đũa, rớt banh, hoặc không kịp hứng bắt trái banh, đều bị lỗi và phải ngồi nhìn bạn mình chơi.

Phụng và Hường là hai bạn học cùng lớp với đám Tuấn, Thành, Hiệp. Hai đứa ngồi cạnh nhau và cùng chơi banh đũa giỏi như nhau. Giờ ra chơi, chúng nó thường rủ nhau ra gốc cây phượng có bóng mát chơi banh đũa và những trò chơi con gái khác. Có khi kéo cả con Thuý con Vân nữa. Nhưng hai đứa kia chơi không giỏi nên chúng nó ít tham gia. Chơi banh đũa mà không giỏi thì chỉ có nước ngồi nhìn bạn mình chơi thôi. Có khi suốt giờ ra chơi mà chỉ được đụng tay vào trái banh và bó đũa có một lần. Những lúc như vậy, Phụng và Hường phải giả bộ chơi dở để cho bạn có cơ hội cầm đũa, cầm banh nhiều lần hơn.

Khi Phụng thực hành xong đợt tung banh và nhặt mười cây đũa, nó tung trái banh lên cao hơn bình thường để lấy nhiều thời gian, rồi dùng hai bàn tay luân phiên nhau nắm cả bó đũa mười chiếc quay tròn hai lần, miệng nói “một, hai” rồi bắt banh. Sau đó là quay bốn, sáu, tám và mười lần. Mỗi lần miệng nó phải nói cho đúng số lần cần quay bó đũa, trong lúc hai tay quay bó đũa đúng nhiêu đó lần. Những tiếng kêu “chạch, chạch” phát ra do động tác của hai bàn tay thoăn thoắt chạm bắt vào bó đũa nghe thật vui tai. Nếu qua được đợt đòi hỏi này, thì Phụng sẽ phải thực hành phần thử thách khó hơn. Đó là thay vì được cầm đũa ở tay, nó phải nhặt đũa từ dưới đất lên, nhét vào nách kẹp giữ lại, trong lúc cánh tay và bàn tay vẫn phải tung banh và nhặt đũa. Tuy nhiên, nó chưa đi hết đợt quay bó đũa thì một trái banh nhựa ở đâu lăn tới, làm nó hơi luống cuống để rớt một chiếc đũa xuống đất. Một đứa học trò nhỏ chạy tới, nhặt trái banh, nhìn Phụng, rồi cười nhe răng sún, phóng đi mất. Tuy không hẳn là lỗi ở Phụng, nhưng nó cũng chịu ngưng, giao banh và đũa cho Hường. Tài nghệ của con Hường cũng đâu thua kém gì Phụng. Nhìn cánh tay và bàn tay dẻo hoạt, nhịp nhàng lên xuống, gọn gàng và chính xác của nó là đủ biết Phụng còn phải chờ lâu trước khi lại đến phiên mình tung banh.

Một lúc sau, áng chừng sắp hết giờ ra chơi, Phụng rủ Hường đi rửa tay chân, rồi hai đứa chạy tới hàng rào thưa ngăn sân trường và bên ngoài, mua đồ ăn. Những món quà ăn uống của đám học trò thật giản dị. Có khi chỉ là vài viên kẹo bột, một trái mận, một chùm me keo, cóc, ổi, xoài dầm để trong lá chuối, đười ươi hột é hay sang hơn thì đậu đỏ bánh lọt, bánh bột chiên trứng.  Chúng nó mua xong, vừa ăn được vài miếng thì trống vào học đổ hồi. Những nhóm học trò trong sân ngưng nô đùa, nhưng cũng có đứa còn nấn ná cho hết cuộc chơi. Thường sau khi trống nổi lên, phải từ hai đến ba phút sau thầy cô mới có mặt tại lớp.


Phụng và Hường vừa ngồi xuống ghế thì cô giáo Thảo cũng bước vào lớp. Con Loan trưởng lớp, ngồi đầu bàn dãy con gái, đứng dậy hô to: “Học sinh, đứng!”. Cả lớp nhỏm đứng lên, có đứa còn đang nhai ổi hay cóc. Mấy đứa ở cuối lớp chỉ nhướn người cho có lệ vì đã là giữa buổi học. Cô giáo Thảo nói, rồi ngồi xuống ghế của giáo viên:

- Các em ngồi xuống.

Đám học trò lục tục ngồi. Cô Thảo vừa mới giở quyển sách “Toán lớp Nhất”, dự định tìm bài để viết lên bảng thì chợt có tiếng thét hãi hùng vang lên ở dãy bàn giữa lớp. Tất cả mọi con mắt hướng về phía đó. Ba đứa con gái ở trong bàn đang dạt người sang một bên. Con Phụng ngồi đầu bàn bên trái, so với hướng nhìn từ ngoài vào, mặt tái mét, nép sát người vào con Hường ngồi giữa, lúc đó cũng đã bị đẩy ngã vào con Thuý, ngồi đầu bàn bên kia. Phụng đang cuống quít phủi lia, phủi lịa bàn tay phải vào ống quần, mắt hớt hải nhìn ra xung quanh. Cuối lớp, bên dãy con trai, có mấy khuôn mặt đang cố dấu đi vẻ khoái chí. Cô giáo Thảo đập thước kẻ xuống bàn, đứng dậy nói to:

- Các em làm gì vậy?

- Thưa cô… không biết ai để cái… đuôi con chuột ở ngăn bàn em. - Con Phụng vừa ấp úng, vừa run rẩy trả lời, người vẫn nép vào con Hường.

Nghe nói đến mấy tiếng “đuôi con chuột”, cả lớp nhốn nháo. Đám con gái trong lớp ré lên, rồi rúm lại với nhau mắt dáo dác ngó xuống dưới đất đề phòng. Có đứa sợ quá co hết hai chân lên ghế, tưởng như có con chuột cụt đuôi đang sục sạo đâu đây dưới gầm bàn. Có tiếng cười rúc rích nho nhỏ phát ra từ đám con trai cuối lớp.

- Em nào phá quá vậy? - Cô Thảo nén giận, nghiêm giọng.

Không có tiếng trả lời. Cô nói tiếp:

- Sanh và Kiệt phải không?

Sanh, Kiệt, Tự và Sái  là bốn đứa ngồi cuối dãy con trai bên phải. Sanh và Kiệt ngồi bàn cuối cùng, Tự và Sái ngồi bàn kế trên. Chúng nó  học không bằng ai nhưng lại nổi tiếng nghịch ngợm, phá phách trong lớp không ai bằng, nhất là hai thằng Sanh và Kiệt. Tự và Sái thì không bày đầu, nhưng a dua theo hai đứa kia để được vui. Thật ra, không phải bất cứ trò nghịch phá nào cũng do Sanh và Kiệt làm, nhưng cứ nhìn nét mặt câng câng và những thành tích bất hảo của tụi nó từ trước đến giờ, thì bất cứ khi nào có chuyện lộn xộn trong lớp, mọi người đều quy trách nhiệm vào hai thằng đó. Thằng Sanh chối:

- Không phải em đâu, cô.

- Cũng không phải em, cô. - Thằng Kiệt chối theo.

- Còn Tự, Sái có phải các em làm không? - Cô Thảo nghiêm nghị hỏi.

- Thưa cô, em đâu có làm. - Tự không nhận tội.

- Êm hong nàm, co. - Sái cũng chối. Thằng này ba má nó là người Hoa nhưng ở Việt Nam đã lâu.

- Các em không làm thì ai làm? - Cô Thảo hỏi vặn.

- Em không biết, cô. - Cả bốn đứa cùng lên tiếng.

- Vậy trong lớp em nào làm? - Cô bực mình hỏi tiếp.

Cả lớp im lặng, không ai trả lời. Trong lúc cô Thảo tra vấn bốn thằng học trò rắn mặt thì đám con trai ồn ào bàn tán. Đứa nào cũng đoán là chỉ có tụi thằng Sanh, Kiệt, Tự, Sái là thủ phạm vụ này. Từ trước đến giờ chưa có đứa nào nghĩ ra được, hay dám nghĩ đến việc chặt cái đuôi con chuột đem vào lớp để hù dọa đám con gái. Cao lắm thì tụi nó chỉ lén dấu cặp, dấu vở khi ra chơi, hay bắn bì, ném giấy, ném chùm giuộc vào những đứa con gái nào cũng có tính hay nghịch ngợm như tụi nó. Biết chưa thể tìm ra ngay đứa nào đã bày trò tinh quái này, cô Thảo bực mình nói:

- Em nào cầm cái đuôi con chuột đem vứt đi cho cô. Phụng, cái đuôi chuột đâu?

- Thưa cô, em sợ quá quăng nó đi rồi. Không biết nó đang ở đâu. - Phụng đáp giọng hãy còn run.

- Hiệp, Quang, Thế, mấy em nhìn xem cái đuôi chuột ở đâu. - Cô Thảo hướng về phía dãy bàn con trai bên trái ra lệnh.

Hiệp, Quang và Thế là ba đứa ngồi ở ba đầu bàn kế ngang bàn con Phụng. Hiệp ngồi đầu bàn trên, Quang bàn giữa chỉ cách bàn Phụng có hơn một sải tay là chỗ lối đi, còn Thế bàn sau Quang. Cô Thảo bảo ba đứa đó tìm cái đuôi chuột là vì cô nghĩ chúng nó ngồi gần con Phụng nhất, có thể lúc hoảng hốt, con Phụng đã quăng cái đuôi về phía chúng nó. Thật ra con Phụng trong lúc bất ngờ kinh khiếp, không tự chủ được, đã rụng rời tay chân,  hét to lên, ngoắc mạnh bàn tay, như không muốn nhận những ngón tay vừa cầm cái đuôi chuột là của mình. Cái đuôi chuột đã rời khỏi tay nó như thế nào nó không nhìn rõ.

Cô Thảo không bảo đám con gái tìm vì biết có bảo chúng nó cũng chẳng dám. Nghe nói đến chuột chúng nó đã hoảng vía rồi, nói chi tới chuyện bảo chúng nó cầm cái đuôi.

Hiệp, Quang và Thế lúc nghe tiếng con Phụng hét, chúng nó mới quay qua nhìn Phụng, nên không rõ con Phụng đã ném cái đuôi đi đâu. Cả ba đứa nghiêng người ngó xuống dưới đất, chỗ chúng nó ngồi và ở chung quanh. Mấy đứa ở xa hơn cũng ngọ nguậy tìm kiếm, nhưng không thấy cái đuôi chuột đâu. Thằng Hiệp lên tiếng:

- Em không thấy đuôi con chuột đâu hết, cô.

- Em cũng không tìm thấy, cô. - Quang và Thế đồng thanh.

- Có em nào thấy cái đuôi chuột không? - Cô Thảo hỏi cả lớp.

Không có đứa nào trả lời. Đám học trò con trai lại nhốn nháo ngó nghiêng. Có lẽ chỉ có thằng Sanh hoặc thằng Kiệt biết cái đuôi chuột đang ở đâu, nếu chúng nó là thủ phạm đã dấu cái đuôi này vào ngăn bàn con Phụng, vì chúng phải theo dõi con Phụng, để xem phản ứng của nó ra sao khi bàn tay chạm vào đuôi chuột. Nhưng chúng nó dại gì nói ra để tự thú nhận “lạy ông con ở bụi này” à.

- Phụng, em có biết thật là đuôi chuột không? - Cô Thảo hướng về con Phụng hỏi.

- Thưa cô chắc thật ạ. Nó còn hơi ướt nữa. - Phụng mếu máo trả lời.

- Nó dài hay ngắn, to nhỏ cỡ nào, màu gì? - Cô Thảo hỏi tiếp.

- Thưa cô nó ngắn ơ.. cỡ một gang tay em, nó to…ơ..em không nhớ rõ, hình như nó nhỏ như cái que kem và màu xám thì phải.

Trong lúc cô Thảo hỏi Phụng thêm chi tiết về cái đuôi chuột thì đám con gái chỉ mới bớt sợ phần nào. Chúng nó lấm lét nhìn ngó trên bàn, trên ghế, dưới đất. Lo lắng sờ cả vào tóc, tai, đầu, cổ xem cái của nợ đã làm con Phụng muốn chết đứng có đang lẩn quất trong người không. Biết đâu con Phụng đã quăng cái đuôi về phía chúng nó, mà cả Phụng và chúng nó đều không biết. Như con Phụng vừa tả thì cái đuôi này là của một con chuột nhỏ. Nhưng nhỏ thì nhỏ, bất cứ cái gì thuộc về thân thể con chuột cũng là đáng ghê sợ hết. Lác đác đã có tiếng mấy đứa tức giận nói:

- Đứa nào phá cô cho nó quỳ nguyên ngày đi cô.

- Đuổi nó một tuần không cho đi học, cô.

- Bắt nó lên văn phòng thày hiệu trưởng cho nó ăn đòn, cho nó biết sợ.

Chúng nó biết cô Thảo, đúng với tên của cô, rất hiền và có đạo đức. Cô lại hãy còn rất trẻ nên ít khi nào cô phạt học trò. Mỗi khi có đứa con trai nào phạm tội trong lớp, nhất là tội chọc ghẹo con gái, chúng nó thường đề nghị cô những hình phạt nặng nề. Tuy nhiên, chúng nó nói cho đã miệng thôi, chứ cô Thảo có khi nào nghe lời mà phạt học trò như vậy. Có lẽ đó là lý do mấy đứa hay nghịch phá không sợ cô.  

Bên con gái còn đang lo lắng thì bên con trai ngược lại. Đa số chúng nó đều không ngán hoặc chỉ không ưa chuột. Đã có đứa bắt đầu muốn giở trò chọc ghẹo nhau. Thỉnh thoảng lại có tiếng kêu á lên và đứa này xô đẩy vào đứa kia. Tiếng thằng Dũng la lên:

- Ê mày Hưng, đừng có ném vào người tao.

- Cho mày cái đuôi chuột nè, mày đem về nhà mà chơi. -Thằng Hưng lém lỉnh vừa nói vừa cầm cái đuôi chuột mà nó mới làm xong bằng nửa tờ giấy vở học trò, xoắn lại, nhúng một đầu vào bình mực không đổ, dọa thảy vào người thằng Dũng.

Cô Thảo lại phải đập thước kẻ lên bàn:

- Các em yên lặng.

Tại bàn con Phụng, Hường và Thuý đã tạm hoàn hồn vì nghĩ chắc cái đuôi chuột chỉ văng về phía đám con trai, nhưng Phụng thì mặt vẫn còn tái. Nó vẫn còn lo vì chưa có ai tìm ra cái vật gớm ghiếc đó.

Phụng vẫn còn cảm giác rùng rợn hãi hùng, khi nhìn thấy mấy ngón tay phải của nó đang cầm cái đuôi chuột xám mốc, ươn ướt, lừng nhừng mà trước đó khi sờ thấy trong ngăn bàn cạnh cái cặp, nó tưởng là một cây kẹo dẻo của của đứa bạn nào đó, muốn tạo cho nó một sự bất ngờ vui thú. Phụng là đứa chúa sợ chuột. Nó không bao giờ dám đến gần hay nhìn lâu một con chuột. Có lần ở nhà, ba nó ban đêm đặt bẫy lồng bẫy được một con chuột cống. Con chuột khỏe quá, vùng vẫy mang cái lồng từ sàn rửa chén ra đến tận lối đi cửa sau nhà. Cái lồng mắc kẹt vào đống củi tạ, đang xếp dở dang cạnh lối đi từ tối hôm trước. Sáng sớm đi học, Phụng thường đi cửa sau vì nhà nó gần trường, chỉ cần đi bộ. Hôm đó, nó ngủ dậy hơi trễ, nên vội rửa mặt thay quần áo, rồi mắt nhắm mắt mở, ôm cặp đi ra cửa sau, định mở cửa để ra ngoài đường. Bất ngờ, nó cảm thấy như chân guốc nó vừa đạp lên một cái gì dài dài, tròn tròn như cái đũa, cứng không ra cứng, mềm không ra mềm, mà hình như cái đó đang ngọ nguậy, giựt quậy lung tung, quệt chạm cả lên ngón chân. Đồng thời ngay dưới chân nó phát ra những tiếng kêu dồn dập, nhức tai “éééc, éééc, éééc…”. Đống củi tạ cạnh chân nó văng ra, để lộ nguyên hình cái bẫy lồng có con chuột cống đen đủi, mốc thếch, to bằng cổ chân ở trong đó, đang đau đớn lồng lộn vẫy vùng, mong giải thoát được cái đuôi ra khỏi bàn chân người đạp lên. Con Phụng hét thất thanh, buông rơi cái cặp, đá quăng cả đôi guốc, chạy vào nhà trong, không dám quay đầu nhìn lại. Hôm đó ba nó phải chở nó đến trường. Ngồi sau xe ba mà nó vẫn còn run. Chỉ mới việc đi guốc đạp nhằm cái đuôi chuột mà con Phụng đã thất kinh hồn vía đến như thế, thì chắc nó có thể ngất xỉu ngay được, nếu chẳng may có con chuột nhắt nào vô tình chui vào ống quần, hay tự nhiên nằm trong túi áo cho nó sờ phải.

Thúy và Hường đã ngồi ngay ngắn trở lại. Vì Phụng hãy còn sợ nên nó không dám ngồi xuống chỗ của nó nữa. Nó cứ loay hoay ngồi sát cạnh con Hường làm Hường phải nhích thêm về phía Thúy. Cô Thảo đang đứng từ bục giảng nhìn xuống chỗ chúng nó. Có lẽ cô cũng sợ cái đuôi chuột nên không muốn đến gần bàn con Phụng. Cô nghĩ  phải thu xếp cho con Phụng ngồi tạm ở một bàn khác, cho tới khi nào tìm ra cái đuôi chuột. Nhưng nhìn khắp lớp thấy không còn chỗ nào trống, cô nói:

- Phụng, em đem tập vở lên ngồi ở bàn cô.

Con Phụng nghe nói phải lên bàn cô giáo ngồi thì chẳng ham chút nào, nhưng nếu ngồi lại thì vừa chật, vừa bị ám ảnh bởi hình ảnh cái đuôi chuột nằm trong ngăn bàn mới đây. Nó quay đầu nhìn về phía mấy bàn con gái để xem may ra tìm được một chỗ trống, do có đứa nào nghỉ học bữa nay không. Nhưng xui quá, hôm nay cả lớp đi học đầy đủ, không còn chỗ nào trống cả. Nó nghĩ hay là xin cô cho nó ngồi vào chung bàn với đám con Hạnh, con Mỹ, con Vân ở trên nó một bàn. Ngồi chung tuy chật nhưng dù sao cũng là bạn, hay chơi chung với nhau. Nhưng khi thấy Vân, đứa ngồi ngay trước mặt nó, đang ngồi sát vào con Mỹ ở giữa dãy ghế, thì nó hiểu không thể nhét thêm nó vào cái bàn này được. Con Vân chắc vì cũng ớn cái đuôi chuột, có thể còn lẩn quất đằng sau lưng, nên không dám ngồi ở vị trí bình thường nữa. Phụng lại quay đầu nhìn ra dãy ghế đằng sau, nhưng cũng chẳng khá gì hơn. Ba đứa Hoa, Hồng, Nhung đang tự động chịu đựng nạn nhân mãn trong khi chỗ ngồi còn thừa mứa. Chắc con Hoa cũng sợ cái đuôi chuột không văng ra đằng trước mà lại hất ra đằng sau, và còn kẹt ở chỗ nào đó.

Phụng không muốn lên những bàn xa hơn ở trên hoặc xuống những bàn dưới nữa, vì nó không quen thân với ai ở đó. Vả lại, phía dưới nữa thì lại còn gần cái đám thằng Sanh, thằng Kiệt hơn. Hai đứa này nó biết chắc là thủ phạm. Những trò nghịch phá lén đám con gái thì chỉ có hai thằng này chứ ai vào đây. Nó không hiểu tại sao Sanh và Kiệt cứ nhè nó mà chọn làm nạn nhân. Có lẽ tại nó nhát gan quá, gặp con gì cũng sợ. Có lần thằng Sanh đã lén vờ làm rớt cái gì đó ngang chỗ bàn nó trước giờ vào học, rồi ngồi xuống, toan nhét một con sâu róm để trong cái hộp diêm vào ngăn bàn của nó, lúc nó và hầu hết các bạn chưa vào lớp. Nhưng may mắn là hôm đó con Loan đi học sớm hơn thường lệ. Nó vừa vào lớp thì nhìn thấy thằng Sanh đang lúi húi cạnh bàn con Phụng, còn thằng Kiệt thì đứng gần đó, tay đang cầm mấy cái hộp gì. Nhìn nét mặt và điệu bộ của hai thằng, Loan đã thấy khả nghi. Nó lên tiếng hạch hỏi thì hai thằng này chối quanh. Thằng Kiệt dấu bàn tay cầm mấy hộp sâu róm ra đằng sau, trong lúc thằng Sanh kéo Kiệt đi ra ngoài lớp. Thiên bất dung gian, chắc vì vội vã, thằng Kiệt làm rơi một cái hộp diêm xuống dưới đất ngay trước mặt con Loan. Loan nhặt lên mở ra xem, nhưng nó phải vội vàng buông tay ra ngay, vì vừa nhìn thấy trong cái ngăn hộp là một con sâu đen ngòm, to bằng ngón tay trỏ, lông lá đầy mình, cái đầu nhúc nhích, đang ún ẩy trườn bò. Loan không đến nỗi sợ sâu như đa số các bạn, nhưng với những con sâu gớm ghiếc như con sâu róm vừa rồi, thì nó cũng phải giật mình lùi xa. Nó đang loay hoay không biết phải giữ con sâu làm sao để làm bằng chứng trình cô, cho hai thằng Sanh, Kiệt một trận đòn, hay ít nhất phải quỳ thì may có Hiệp đi vào. Loan kể cho Hiệp nghe tự sự, rồi nhờ Hiệp cầm que khều con sâu vào trong hộp và giữ lấy. Nó đi khắp ngăn bàn con gái, dùng một cái que dài thọc quậy vào trong, để xem hai thằng ôn dịch đã để được cái hộp sâu nào vào trong đó chưa. Một số bạn vừa vào lớp. Loan kể lại rồi bảo các bạn cùng làm như mình. Tội nghiệp, chúng nó vừa thọc cây vừa run, vì đứa nào cũng khiếp sâu. Chỉ sợ đang thọc mà lỡ có con nào xổng chuồng, bò lổm ngổm, ngo ngoe râu trong ngăn bàn hay trên ghế chào mừng thì chúng nó dám té xỉu lắm. Hôm đó, cả lớp sớn xác đến sau trống vào học cả mười lăm phút mới yên. Hai thằng Sanh và Kiệt đã bị cô Thảo bắt quỳ quay mặt vào tường nửa giờ đồng hồ. Hỏi đến mấy hộp sâu thì chúng nó nói là đã liệng vào thùng rác nhà trường. Vậy mà giờ ra chơi, có mấy đứa con trai còn tò mò tới lục tìm xem sâu róm nó ra làm sao.

Phụng còn đang phân vân tìm chỗ thì thằng Tuấn bỗng đứng lên nói:

- Thưa cô, xin cô cho Phụng lên ngồi tạm bàn em và Thành, để em và Thành xuống ngồi chung với các bạn khác cũng được ạ.

Nghe Tuấn nói, cả lớp ngạc nhiên dồn hết ánh mắt về phía nó. Thường thì trong lớp hai nhóm con trai và con gái tuy học chung, nhưng không bao giờ ngồi chung bàn. Thầy cô thường không xếp chỗ ngồi cho học trò. Vào ngày khai trường, tự đứa nào đã tìm lấy chỗ ngồi cho đứa nấy. Đứa nào vào sớm thì được ưu tiên chọn chỗ trước. Con trai ngồi bàn nào thì con gái tự động ngồi bàn khác. Theo thông lệ, nếu trong lớp có ba dãy ghế thì con gái ngồi dãy giữa mỗi bàn ba đứa, còn con trai ngồi hai dãy hai bên, mỗi bàn hai đứa. Chỉ khi nào một trong hai nhóm không đủ chỗ ngồi, thì mới phải ngồi lấn sang nhóm bên kia, nhưng cũng không bao giờ cùng bàn. Điều này chắc một phần vì nhà trường không muốn cho trai gái ngồi chung, sợ con trai sẽ chọc ghẹo hay ăn hiếp con gái dễ dàng hơn nếu bắt ngồi riêng bàn. Thật ra, phần lớn là tại tự đám con trai và con gái không muốn ngồi gần nhau. Chúng nó cho đó là một sự xấu hổ cho đứa con trai nào phải ngồi cạnh một đứa con gái, và ngược lại.

Tuấn muốn giúp Phụng giải quyết vấn đề chỗ ngồi nên đã hỏi qua ý kiến của Thành, là đứa bạn ngồi cạnh nó rồi mới lên tiếng. Tuy Tuấn đã nói rõ là cả thằng Thành và nó sẽ xuống ngồi chung với các bạn ở những bàn dưới, như vậy sẽ chỉ còn một mình con Phụng ngồi ở bàn trên cùng. Nhưng lời đề nghị của nó vẫn là một điều gì rất mới lạ, không phải là lối xử sự thường ngày của những đứa học trò ở vào lứa tuổi chúng nó.

Cô Thảo còn đang do dự, không biết có nên cho phép thực hiện điều Tuấn đề nghị hay không. Cô cũng không biết liệu con Phụng có đồng ý hay từ chối. Cô chưa kịp hỏi ý Phụng thì thì thằng Tuấn nói tiếp:

- Thưa cô, cô cho phép em đến chỗ của Phụng xem cái đuôi chuột có còn ở đó không ạ.

Nghe Tuấn nói cô Thảo mới chợt nhớ ra là đã quên không bảo con Phụng xem lại chỗ của nó ngồi, xem cái đuôi chuột có vô tình rơi rớt ở quanh đó không. Nhưng rồi cô lại tự hiểu là dù có bảo, nó cũng chẳng dám. Vừa rồi, thằng Tuấn đề nghị nhường chỗ cho con Phụng chắc do lòng trắc ẩn tự nhiên, không nỡ để bạn học phải suy nghĩ tìm chỗ thêm. Nhưng nó cũng biết con Phụng tính tình hay e lệ, nhút nhát, sẽ không chắc chịu lên ngồi bàn con trai dù chỉ một mình. Tuấn mới nghĩ là chỉ có cách xin cô cho nó đến chỗ con Phụng, tìm cho ra cái đuôi chuột, mà nó đoán chắc chỉ ở quanh đó thôi. Khi đã tìm được cái đuôi chuột và vất đi rồi thì Phụng sẽ không sợ ngồi chỗ thường ngày của nó nữa.

Cô Thảo tuy là người rất hiền nhưng lại nghiêm minh về đạo đức, lễ nghĩa. Cô ý tứ hiểu rằng dẫu đám học trò của cô chỉ là trẻ con lên mười, mười một tuổi nhưng cô rất tôn trọng sự riêng biệt phân chia ranh giới nam và nữ của chúng nó. Cô không bao giờ vi phạm quy tắc đó, và cũng thường xuyên nhắc nhở học trò phải biết tôn trọng lẫn nhau, không được tự tiện xâm phạm chỗ ngồi của nhau nếu chưa được phép. Vì thế, vừa qua, cả  ba Hiệp, Quang, Thế khi nghe lệnh cô tìm đuôi chuột, đều không ngó ngàng gì đến chỗ ngồi của Phụng, mà chỉ chú ý tới những chỗ chung quanh chúng nó và lối đi. Đến thằng Tuấn là phó trưởng lớp cũng phải xin phép cô trước khi nó muốn đến chỗ con Phụng.

- Được, em đến tìm xem có thấy không. - Cô Thảo nói và cô cũng biết không cần phải nhắc con Phụng ngồi xích vào trong, vì từ nãy giờ có lúc nào nó dám ngồi gần lại chỗ cũ của nó đâu.

Tuấn rời chỗ đi nhanh đến bàn của Phụng. Khi nó đến gần, đám con gái ở bàn đó vẫn đang ngồi sát với nhau nép sang phía đầu bàn bên kia. Tuấn trấn an:

- Phụng đừng sợ. Để tôi tìm cái đuôi chuột cho.

Tuấn là học trò học khá trong lớp, tính tình đàng hoàng, không trêu ghẹo ai và hay giúp đỡ bạn khi cần. Đối với bạn trai, Tuấn vẫn gọi nhau là mày, tao nhưng với bạn gái cùng lớp thì Tuấn luôn luôn gọi bằng tên và thường xưng mình là tôi. Tuấn không thích chuột, nhưng nó cũng không sợ đến độ không dám cầm một con chuột chết có lót giấy ở tay. Đối với nó, một cái đuôi chuột thì đâu có gì đáng sợ mà sao con gái mới nghe thấy đã rúm hết cả người lại như vậy.

Tuấn quỳ một chân ngoài lối đi, nghiêng người cúi nhìn kỹ xuống dưới đất chung quanh chỗ Phụng ngồi, cả sang bàn trước và bàn sau. Sàn xi măng cũ kỹ xỉn màu, cáu đen dưới chân, loang lổ, lỗ chỗ. Trong lớp, tuy là buổi sáng có nắng nhưng vì ít cửa sổ nên vẫn chỉ đủ sáng phần mặt bàn còn ở dưới đất thì phải nhìn kỹ nếu muốn tìm một vật gì không lớn lắm. Hơn nữa, cái đuôi chuột thì thường lại là màu xám đen rất dễ tiệp màu với sàn lớp. Tìm không thấy, Tuấn nhỏm đứng lên rồi cúi xuống mặt ghế chỗ Phụng ngồi. Đây là loại ghế dài đóng liền vào bàn. Gỗ làm ghế và bàn cũng đã cũ lắm. Nó ngả màu đen xỉn, và bụi thì đóng đầy ở những mặt gỗ không có tay chân hay đũng quần học trò đụng tới. Tuấn cẩn thận nhìn cả vào những khe gỗ trên mặt ghế và sau lưng ghế, nhưng cũng không thấy cái đuôi con chuột đâu. Trong lúc nó lo tìm kiếm, những đứa khác trong lớp cũng láo nháo nhìn trên ngó dưới khắp chung quanh.

Quái lạ nhỉ? Sao không thấy cái đuôi đâu vậy? Chẳng lẽ con Phụng đóng kịch, nói dối? - Tuấn tự hỏi. - Mà nó nói dối để làm gì? Nó đâu phải là đứa học trò hay nghịch phá trong lớp. Nó cũng không thể nào đóng kịch thần tình đến như thế. Chỉ cần nhìn cái mặt nó tái nhợt, cắt không một giọt máu thì cũng biết là nó không đóng kịch, và nó nói thật. Thấy hơi lâu, cô Thảo lên tiếng hỏi:

- Tuấn, em tìm được chưa?

- Thưa cô chưa ạ. -Tuấn vừa trả lời, vừa ngẩng đầu đứng lên.

- Ê Tuấn, mày thử tìm trong ngăn bàn xem. - Tiếng thằng Hiệp vọng tới.

Tuấn chưa tìm trong ngăn bàn vì nó nghĩ rằng con Phụng đã cầm cái đuôi chuột ra khỏi ngăn bàn rồi thì đâu còn cái đuôi ở đó nữa. Chỗ nó chú ý tìm là chung quanh nơi con Phụng ngồi thôi. Tuy vậy, để chắc ăn như lời thằng Hiệp nhắc, Tuấn cũng nghiêng đầu nhìn vào trong ngăn bàn. Trong đó tối om, chỉ thấy cái cặp đang nằm bên trái, quay đầu ra ngoài chừa một khoảng trống chừng một gang tay bên phải. Chắc chỗ trống bên phải là nơi con Phụng đã chạm tay vào cái đuôi chuột đây, Tuấn ngước mặt hỏi Phụng:

- Có phải Phụng sờ thấy cái đuôi chuột ở chỗ này không? - Vừa nói tay Tuấn vừa chỉ vào phía phải của ngăn bàn.

- Phải. - Phụng gật đầu.

Tuấn quyết định cho tay trái vào chỗ trống trong ngăn bàn, tìm xem cái đuôi chuột có văng lại vào trong đó không. Bàn tay nó áp sát mặt gỗ, vừa xoa qua lại, vừa từ từ tiến sâu vào bên trong. Đến giữa bàn mà vẫn chưa thấy gì, Tuấn áp người gần hơn vào bàn, đưa tay vào sâu hơn gần cuối ngăn. Chợt nó giật thót người, mấy ngón tay nó vừa chạm phải một vật gì mềm mềm, lành lạnh, ươn ướt. Nó giật mình rụt ngón tay lại rồi rút nhanh tay ra khỏi ngăn bàn. Tuấn đưa tay lên nhìn, mấy đầu ngón tay của nó ươn ướt một thứ chất lỏng vàng vàng. Nó vê mấy đầu ngón tay lại thấy hơi dinh dính.

Trong lúc Tuấn lo tìm tòi trong ngăn bàn, nó không để ý sắc mặt con Phụng đang chuyển từ tai tái sang ửng đỏ. Tuấn ngước lên định hỏi con Phụng xem có để cái gì trong ngăn bàn ngoài cái cặp không. Nhưng cũng vừa lúc đó, hình như nó thoáng ngửi thấy một cái mùi quen thuộc. Cái mùi rất đặc biệt không thể nào lầm lẫn được. Nó khẽ ngước mắt nhìn nhanh con Phụng. Con Phụng má đã ửng đỏ hơn và đang nhìn thẳng về phía bảng đen, môi hơi mím lại. Rất nhanh, Tuấn đã đoán được cái vật mà nó vừa chạm phải sâu trong ngăn bàn con Phụng là cái gì rồi. Nó không nhìn con Phụng, và cũng không nói gì nữa. Như vậy, cái đuôi chuột không có trong ngăn bàn chỗ khoảng trống bên phải. Chắc là nó cũng không thể nằm trên cặp con Phụng vì bề dày của cái cặp gần bằng bề dày của ngăn bàn. Tuy vậy để chắc chắn, nó ngước nhìn con Phụng hỏi:

- Tôi kéo cặp của Phụng ra xem bên trên có được không?

Mặt Phụng giờ đã đỡ đỏ, nó ấp úng nói:

- Được.., Tuấn cứ lấy ra đi.

Tuấn kéo cái cặp ngang ra, nhìn nhanh trên bề mặt nhưng không thấy gì. Tuấn lại đưa bàn tay vào rà hết cả ngăn bàn bên chỗ cái cặp vừa kéo ra, cũng không thấy cái đuôi con chuột nào cả. Nó trả lại cái cặp về chỗ cũ. Thế này thì găng thật. Cái đuôi chuột ở đâu? Chẳng lẽ nó tự nhiên biến mất. Tuấn suy nghĩ rồi hỏi Phụng:

- Thế lúc quăng cái đuôi chuột, Phụng có nhớ là quăng nó đi hướng nào không?

- Phụng không nhớ, lúc đó hoảng quá đâu có biết gì nữa, nó văng đi đâu Phụng cũng không biết. - Con Phụng trả lời, nó đã lấy lại được bình tĩnh.

Trong lúc đứng hỏi chuyện, Tuấn mới có thì giờ quan sát Phụng. Từ lúc Tuấn đến cho tới lúc nói chuyện, Phụng đã bớt sợ nhiều và vô tình đã không còn ngồi xích ra xa, ép vào người con Hường nữa. Nó đã ngồi gần về phía chỗ cũ của nó hơn, tức là cũng gần chỗ Tuấn đứng hơn lúc ban đầu. Tuấn thấy Phụng mặc một cái áo cánh vải phin, hơi rộng, màu lam và một cái quần trắng vải sa-teng. Chắc bữa nay kẹt không có áo nên Phụng mượn áo của chị đi học. Thường học trò tiểu học thành phố con gái mặc áo cánh trắng, quần đen hoặc trắng đi học, nhưng cũng không quá bắt buộc như con trai, phải là áo sơ mi trắng bỏ trong quần soọc xanh. Màu áo của con gái có thể khác màu trắng miễn là không sặc sỡ, lố lăng. Hôm nay Phụng không mặc áo trắng cũng là chuyện bình thường. Phụng ngồi hơi nghiêng người về bên trái, mắt nhìn thẳng, hai bàn tay vẫn để trên cạnh bàn, hai đùi và ống chân khép lại, ngả nhẹ qua trái, bàn chân hơi kiễng lên, gót chân phải nhỏm nghiêng khỏi mặt guốc. Một làn gió từ ngoài sân chợt thổi vào lớp làm mái tóc thề nhẹ bay vài sợi vương qua sống mũi dọc dừa trên gương mặt trái soan. Phụng đưa tay phải lên vén những sợi tóc mây làm vạt áo nhích lên. Vừa lúc đó, chợt mắt Tuấn bắt gặp một hình thù rất đặc biệt. Một hình ảnh rất giống, giống lắm. Một tia sáng chợt loé lên trong óc Tuấn. Đúng rồi…, chắc là…. Tuấn suy nghĩ thật nhanh. Chỉ trong vài giây, nó đi đến một quyết định dứt khoát phải thi hành ngay, không thể để chậm trễ được, mà cũng không thể nói cho ai ngay bây giờ được. Có thể nó lầm và bị hiểu lầm nhưng thà như vậy còn hơn để xảy ra hậu quả tai hại cho Phụng. Tuấn nói nhanh với con Hường:

- Hường cho Tuấn mượn tờ giấy với cây viết chì.

Hường vẫn đang ngồi ngay bên cạnh Phụng, nãy giờ chú ý theo dõi mọi hành động của Tuấn, không hiểu tại sao thằng Tuấn lại mượn giấy bút để làm gì. Tuy nhiên, thấy Tuấn đã tỏ vẻ thân thiện hơn, không còn dùng chữ “tôi” trong lúc xưng hô, như vừa nói chuyện với con Phụng, và nét mặt vẫn có vẻ nghiêm trọng, nó vội lấy giấy bút với tay sang đưa cho Tuấn ngay. Tuấn bước hẳn vào trong chỗ của con Phụng, đẩy tờ giấy trắng với cây bút trên bàn, ngay trước mặt Phụng nói nhanh:

- Phụng vẽ lại cái đuôi chuột cho Tuấn coi đi.

Hành động của Tuấn từ lúc hỏi mượn giấy bút cho đến lúc bảo Phụng vẽ lại đuôi chuột xảy ra nhanh lẹ. Con Phụng như bị thôi miên không có phản ứng nào. Đến khi nghe Tuấn nói, nó mới giật mình chợt nhận ra thằng Tuấn đang đứng rất gần nó. Mặt nó chợt đỏ bừng lên vì mắc cở. Con Thúy đầu bàn bên kia đang đứng lên, ý chừng nó thấy Tuấn đã bước hẳn vào dãy bàn của tụi nó thì cả bàn sẽ chật lắm, nên nó định sẽ bước ra ngoài bàn. Con Hường cũng dợm đứng dậy. Cô Thảo cùng cả lớp từ nãy giờ vẫn theo dõi mọi hành động của Tuấn. Khi cô thấy nó bước hẳn vào bên trong bàn của Phụng, Hường và Thuý thì đã muốn lên tiếng nhắc nhở. Nhưng Tuấn chợt hơi lớn tiếng, nhìn thẳng con Phụng nhắc lại yêu cầu:

- Phụng, cái này quan trọng lắm. Phụng vẽ lại cái đuôi chuột đi.

Con Phụng chợt tỉnh, nó đưa tay phải lên cầm lấy cây bút đang đặt trên bàn, khuỷu tay tựa vào cạnh bàn, ngọn bút chạm trên giấy nhưng chưa vẽ vì còn phải nhớ lại xem cái đuôi chuột nó ra làm sao. Nhanh như cắt, Tuấn ngồi ngay xuống cạnh Phụng, tay trái của Tuấn nhón nhanh hai ngón trỏ và ngón cái vào mép túi áo cánh ở vạt áo bên phải của Phụng, lôi ra được một vật gì đó dài dài. Tuấn bước nhanh ra khỏi bàn, dấu bàn tay đang cầm vật đó vào bụng không cho Phụng thấy, đi nhanh lên chỗ bảng đen đứng, rồi khum bàn tay đưa ra nhìn.

Tất cả hành động của Tuấn xảy ra rất nhanh, trước sự ngạc nhiên chứng kiến của mọi người. Nhưng người ngạc nhiên và bất ngờ nhất là con Phụng. Nó ngạc nhiên không biết tại sao thằng Tuấn lại đến thật gần, rồi bất ngờ ngồi xuống, đưa tay vào lấy cái gì trong túi áo nó? Nó nhớ nó có để cái gì trong túi áo đâu. Người ngạc nhiên thứ nhì là cô Thảo. Cô đứng xa, không thấy rõ chi tiết mọi hành động của Tuấn, nhưng trước đó, cô đã biết là Tuấn không tìm thấy cái đuôi chuột. Rồi thoắt một cái, Tuấn đã như đang cầm cái gì quan trọng lắm, bước nhanh lên phía trên. Cô loáng thoáng đoán là Tuấn đã tìm được cái đuôi chuột rồi, nhưng vì một lẽ nào đó, chưa cho mọi người biết.

Tuấn dùng bàn tay vân vê cái đuôi chuột xong nắm tay lại - Vâng, cái vật Tuấn vừa lấy ra từ túi áo con Phụng chính là cái đuôi chuột mà cả lớp đã cố tìm nhưng không thấy -  Nó đi lại gần chỗ cô Thảo đang đứng và nói to cho cả lớp nghe:

- Thưa cô em tìm được cái đuôi chuột rồi nhưng cái đuôi này là đuôi chuột giả, chứ không phải đuôi chuột thật. Các bạn đừng sợ nữa. Xin cô để em đưa cho trưởng lớp xem nếu Loan không ngại.

Cả lớp ồ lên ngạc nhiên rồi có nhiều tiếng ồn ào bàn tán lẫn tiếng thở ra nhẹ nhõm.

Tuấn hướng mắt về phía Loan, chờ đợi. Tuấn không đưa cái đuôi chuột ra ngay trước mọi người vì nghĩ rằng dù là đuôi giả, các bạn gái có thể vẫn sợ như nó thường thấy ở nhà, chị và em gái nó vẫn la toáng lên, mỗi lần anh nó cầm con chuột nhựa đồ chơi, đưa cái đuôi ra ngoài nhứ nhứ để dọa. Nó biết con Loan trưởng lớp tương đối bạo dạn nhất so với các bạn gái khác, nên đề nghị với cô để Loan đại diện xem cho biết cái đuôi chuột là thứ giả, rồi từ đó nói lại cho các bạn gái khác để không sợ nữa. Cô Thảo hỏi Loan:

- Loan, em có muốn coi cái đuôi chuột như Tuấn nói không?

Thấy Loan còn do dự, Tuấn nói nhanh:

- Thưa cô, thôi để em trình cho cô và các bạn xem và chứng minh nó là đuôi chuột giả.

Nói xong, Tuấn mở bàn tay ra, tay kia cầm ở đầu nhỏ giơ lên, lắc lắc mấy cái rồi hai tay cầm hai đầu kéo cái đuôi giãn ra giãn vào nhiều lần. Cái đuôi giả bị kéo mạnh nên chiều dài của nó khi bị kéo căng nhất, dài gấp đôi chiều dài lúc chưa kéo. Với cái đuôi thật thì không thể kéo giãn như thế được. Lúc này, con Loan mới đến gần để nhìn. Thì ra cái đuôi chuột này chỉ là đuôi chuột giả, làm bằng nhựa dẻo màu xám, rất nhẹ, được cắt ra từ một con chuột giả nào đó. Tuy là giả nhưng nhìn và cầm trên tay giống như thật, chứng tỏ con chuột giả được làm bằng kỹ thuật tinh xảo. Những ai không đụng chạm nhiều với chuột rất dễ nhận lầm đó là đuôi chuột thật. Không biết đứa nào trong lớp đã chơi cái trò quái quỷ này. Tuấn đưa cái đuôi giả hướng về phía cô Thảo cho cô nhìn và nói:

- Thưa cô, cái đuôi giả đây. Nếu cô muốn, em sẽ tạm giữ nó.

Tuấn có ý không đưa lại gần, vì nó không biết cô Thảo có vẫn sợ cái đuôi chuột không, dù là đuôi giả.

- Được, em cứ giữ nó cho cô. Nhưng em tìm thấy nó ở đâu vậy? - Cô Thảo hỏi.

- Thưa cô, em tìm thấy ở trong túi áo Phụng ạ. Cái đuôi nằm trong túi áo mà Phụng không biết. -Tuấn trả lời, mắt thoáng nhìn về phía bàn Phụng. 

Nghe Tuấn nói, tất cả lớp lại ồ lên ngạc nhiên. Lúc nãy, khi đã biết cái đuôi chuột chỉ là đuôi giả, chúng nó không còn sợ gì nữa, và đang xôn xao bàn tán, nhất là đám con gái. Bây giờ Tuấn lại bảo tìm thấy cái đuôi trong túi áo con Phụng thì chúng nó lại nhốn nháo lên, đưa hết mọi cặp mắt nhìn về phía Phụng. Không ngờ cái đuôi chuột kinh khủng, làm con Phụng sợ đến chết điếng cả người, lại không văng đi đâu, mà quay về nằm gọn trong túi áo nó mà nó không hay biết gì. May phước cho nó đã không cho tay vào túi suốt thời gian đó, chứ nếu nó mà chạm tay vào cái đuôi chuột này một lần nữa, chắc nó dám té lăn thẳng cẳng. Hoặc chỉ nội có đứa nào vô tâm, nhìn thấy rồi hô hoán lên là cái đuôi chuột đang còn ở trong túi áo nó, thì không biết lúc đó nó có hét tướng lên mà xé toạc cái vạt áo ra không?

Có đứa bán tín bán nghi, không biết thằng Tuấn có nói thật không. Biết đâu thằng này đã tìm thấy cái đuôi chuột ở đâu đó rồi làm bộ đóng kịch để lợi dụng chuyện gì đây? Đa phần, tụi nó tin là con Phụng thật sự bị cái đuôi làm cho bất ngờ hết hồn, và không phải Phụng cố tình dấu lại cái đuôi đó vào trong túi áo - Con Phụng nhát như cáy, cả lớp đều biết, có các vàng nó cũng chẳng dám đụng tay vào cái lông con chuột chứ đừng nói tới cái đuôi, dù là đuôi giả. Nhưng bảo là cái đuôi này tình cờ rớt vào trong túi áo nó mà nó không biết, trong suốt cả nửa giờ đồng hồ, thì thật khó tin. 

Riêng con Phụng thì đi hết từ bất ngờ này sang ngạc nhiên khác. Lúc nãy, khi thấy Tuấn đưa tay vào túi áo nó lấy ra cái gì rồi đi nhanh ra ngoài, nó giật mình kinh ngạc. Thằng Tuấn vừa bảo nó vẽ cái đuôi con chuột thì sao không chờ xem hình vẽ cái đuôi ra làm sao mà lại hành động lạ lùng như vậy? Trong một phút chốc, nó có cảm giác như bị xúc phạm. Tuấn là con trai mà dám tự tiện đứng, rồi ngồi gần ngay nó, dù rằng đã có phép của cô giáo. Cô cho phép là để Tuấn đến chỗ nó tìm đuôi chuột, chứ đâu có cho phép Tuấn sàm sỡ với Phụng như vậy. Tuấn lại còn cả gan đưa tay vào túi áo nó trước mặt mọi người nữa. Mà nó có để cái gì trong túi đâu để Tuấn lấy. Tuy nhiên, nó lại không dám nghĩ xấu về Tuấn lâu, vì Tuấn có tiếng là đàng hoàng với bạn trai và đứng đắn với bạn gái. Ai cũng đều nể phục Tuấn, kể cả cô giáo. Chắc là Tuấn đã thấy có cái gì quan trọng lắm trong túi áo nó, Tuấn mới làm như thế. Nó chợt giật mình nghĩ ra: “Thôi chết rồi! Không biết có phải Tuấn đã tìm thấy cái đuôi chuột trong túi áo nó không?” Phụng vừa nghĩ đến đó, gai ốc khắp người nó đã nổi lên, nhưng chưa kịp biểu lộ một phản ứng hốt hoảng, kinh sợ nào ra ngoài, thì vừa may có tiếng thằng Tuấn báo tin cái đuôi chuột không phải là của chuột thật, mà là chuột giả. Phụng đưa tay lên ôm lấy miệng, mắt mở to. Trống ngực nó hãy còn đánh thình thịch, mặt nó đã tái đi, tay chân còn run rẩy, cả thân thể nó như hãy còn cảm giác ghê sợ cái vạt áo, nơi có cái túi đựng đuôi chuột, mà nó đang mang trên người. Nhưng nó vẫn còn ngồi yên được, không la lên một tiếng nào. Nó không thể nào tưởng tượng được là cái đuôi chuột, thay vì đã được quăng ra ngoài, lại chui vào trong túi áo nó nằm suốt từ đầu đến giờ.

Thực sự, cái đuôi đúng là đã rơi vào túi áo cánh của Phụng, mà cả nó lẫn Hường và Thuý không biết. Khi Phụng đang cầm cái đuôi chuột, là lúc nó đang ngồi, ngón tay phải cầm cái đuôi, mà tưởng là cây kẹo dẻo, trong ngăn bàn đưa gần vào người. Cái đuôi và túi áo cánh của nó nằm trên một đường thẳng đứng chỉ cách nhau chừng một gang tay. Vì kinh hãi quá độ và có lẽ cũng vì khoảng không gian nhỏ hẹp nơi cái túi không đủ ánh sáng, Phụng đã rủn cả tay chân để rơi cái đuôi xuống miệng túi áo đang mở mà không biết. Sau đó nó mới ngoắc vung bàn tay rồi chùi lấy chùi để vào ống quần. Cái áo của Phụng rộng thì túi cũng rộng, cái đuôi lại làm bằng nhựa dẻo nhẹ, cho nên khi lọt gần hết vào trong túi, Phụng không cảm thấy có cái đuôi chuột trong đó, trừ khi vì vô tình hay cần lấy cái gì, nó nhét tay vào túi áo thì không kể. Hường và Thuý ngồi ở phía bên trái Phụng, nên khó có thể nhìn thấy túi bên phải của áo Phụng. Chỉ có Tuấn khi đứng gần bên phải của Phụng, lúc Phụng đưa cánh tay phải lên vén tóc, mới nhận ra nếp vải phin túi áo hằn lên hình cái đuôi chuột mà một phần nhỏ phía chót đuôi đang lòi ra khỏi miệng túi. Tuấn đã đoán đúng, đó là cái đuôi chuột mà nó đang muốn tìm.

Khi nghe Tuấn xác nhận với cô Thảo là cái đuôi giả nằm trong túi áo nó, Phụng không cảm thấy bất ngờ nữa, nhưng vẫn còn ngạc nhiên sao lại có chuyện tình cờ hy hữu đến như vậy. Thân tâm nó cũng đã từ từ trở lại yên ổn, không còn sợ hãi. Dù sao cái đuôi cũng là thứ giả không đáng sợ bằng đuôi thật. Vì thần hồn nát thần tính, cầm cái đuôi giả mà ngỡ là đuôi thật, nên nó mới bị một mẻ kinh hồn táng đởm đến như thế.

Phụng ngồi ngay ngắn lại chỗ ngồi của nó. Thằng Tuấn biết cả lớp và cô Thảo đều thắc mắc, không hiểu tại sao nó biết cái đuôi chuột nằm trong túi áo con Phụng. Nó lần lượt kể lại đầu đuôi, từ lúc khởi sự tìm ở dưới nền nhà, cho đến lúc nhìn thấy túi áo Phụng, về những suy nghĩ và quyết đoán của nó để làm sao lấy cái vật trong túi ra thật nhanh, trước khi Phụng kịp hay biết đó là cái đuôi chuột. Nhưng tuyệt nhiên, Tuấn không đả động gì đến chuyện ngón tay nó chạm phải một vật nằm sâu trong ngăn bàn. Cô Thảo khen Tuấn:

- Em thông minh lắm. Nếu không nhờ em nhanh trí đến tìm kiếm ở chỗ Phụng, và khéo hành động, thì biết đâu Phụng đã vô tình nhìn thấy, hay chạm tay vào cái đuôi chuột trong túi, mà sẽ xảy ra cớ sự không hay cho nó.

- Thưa cô, cũng là may cho em thôi. Nếu cái vật trong túi áo Phụng không phải là cái đuôi chuột cần tìm, thì chắc giờ này em không dám đứng đây thưa chuyện với cô và cả lớp đâu. Nhân đây, Tuấn xin lỗi Phụng, vì không muốn gây cho Phụng sự sợ hãi nên mới phải làm như vậy - Tuấn khiêm tốn trả lời cô và hướng về Phụng.

Cô Thảo và các bạn cùng cười xoà. Cô bảo Tuấn về chỗ ngồi, nhìn đồng hồ rồi nghiêm nghị hướng về đám học trò, cô nói:

- Các em xem đấy, trò đùa vô ý thức của em nào đó đã gây tác hại thần kinh không nhỏ cho Phụng, và mất thì giờ học hành cho cả lớp. Nếu không có Tuấn kịp thời tìm được cái đuôi chuột thì hậu quả không biết thế nào. Cô mong em nào đó chủ mưu trong việc này hãy suy nghĩ lại. Các em có thể vui đùa với nhau, nhưng hãy hạn chế ở những trò đùa vui lành mạnh, vô hại. Cô sẽ tạm không truy tìm xem em nào là thủ phạm trong vụ này, nhưng không phải vì vậy mà cô dễ dãi với các em. Nếu cần, cô sẽ nói chuyện với thày hiệu trưởng. Thôi các em lấy vở ra chép bài làm toán.

Có vài khuôn mặt từ nãy giờ vẫn đang cúi xuống, không dám ngẩng lên, ở dãy bàn con trai cuối lớp.
   

Trống tan học vừa điểm, tất cả học trò ùa khỏi lớp, tản ra sân trường rồi đi về phía cổng. Tuấn, Thành và Hiệp cùng cắp cặp sóng bước giữa sân trường trong tiếng nói chuyện ồn ào vui vẻ về cái đuôi chuột giả. Thành vẫn còn thắc mắc hỏi Tuấn: “Thế nếu lỡ vật mày lấy trong túi áo con Phụng không phải là cái đuôi chuột thì mày tính làm sao?” Tuấn ngay thẳng trả lời: “Thì làm sao nữa, tao phải nói thật là tao lầm, rồi xin lỗi nó chứ sao”. Thằng Hiệp lại hỏi: “Thế nếu cái đuôi không phải thứ giả, mà là thứ thiệt thì mày có sợ không?” Tuấn đáp ngay không do dự: “Sợ gì cái đuôi chuột nhắt đó, cả con chuột tao còn không sợ nữa là cái đuôi. Tao chỉ sợ đám con gái nhìn thấy cái đuôi lại khiếp hãi thôi, nhất là con Phụng”. Thành trầm ngâm một chút rồi hỏi thêm: “Tao phục mày nhanh trí và dám làm cái mày cho là đúng. Nhưng việc mày lấy cái đuôi chuột ra từ túi áo con Phụng chỉ một mình mày biết. Mày không sợ có đứa nghi ngờ sao? Mày không sợ Phụng hiểu lầm sao?” Tuấn mỉm cười trả lời: “Vào lúc ấy, tao chỉ nghĩ làm sao lấy được cái đuôi chuột ra khỏi túi của Phụng càng nhanh càng tốt mà không để nó nhìn thấy thôi. Làm gì có thì giờ đắn đo đến chuyện nghi ngờ với hiểu lầm.”

Chúng nó đã ra đến cổng. Tiếng mời chào của những bà bán trái cây, bán bánh chen lẫn tiếng rao của mấy cô bán chè đậu, chè khoai, hòa chung tiếng gọi ơi ới của ông bà, cha mẹ, anh chị đi đón con em ngoài cổng trường, tạo thành một âm thanh huyên náo, vui vẻ. Thằng Thành và thằng Hiệp ra khỏi cổng thì Thành tách ra, chạy đến gặp anh nó đang ngồi trên yên xe đạp, để một chân xuống đất, tay cầm ghi-đông chờ sẵn. Thằng Hiệp thì được ba nó chở về bằng xe Mô-bi-lét. Còn lại mình Tuấn, nhà nó ở gần trường nên nó đi bộ. Chợt Tuấn mỉm cười khi vừa đi ngang qua chỗ mấy đứa con gái đang xúm quanh một xe bán trái cây dầm. Nó thoáng nhìn thấy những lát xoài tượng ngà ngà, rôn rốt, bằng hai ngón tay, ngâm trong cái hũ thủy tinh. Trong hũ có đựng môt loại nước màu vàng óng, không biết được pha chế bằng hương vật liệu gì mà tạo cho miếng xoài khi đã ngấu có mùi vị thật quyến rũ: vừa mềm mềm, ròn ròn, vừa ngọt ngọt, chua chua, thơm thơm. Một mùi vị đặc biệt, nếm hoặc ngửi thử một lần thì không thể nào quên.

Tuấn đã đến chỗ phải qua đường. Nó nhìn xe rồi rảo bước nhanh, trên môi huýt sáo vang bản nhạc “Học Sinh Hành Khúc”. Tuấn không để ý ở một góc khác bên kia đường, lẫn trong đám học trò đang đi bộ, thấp thoáng một vạt áo lam đang trở gót, những lọn tóc  huyền xõa nghiêng trên gò má như che dấu giùm một ánh mắt vừa e ấp trông theo.

Quang Dương
9/2011       

No comments:

Post a Comment