Trung Thu Trăng Còn Sáng (truyện ngắn)

Thân mến gửi tặng những em bé Việt Nam
 và những ai người lớn, nhưng tâm hồn vẫn trẻ con


Vào một buổi sáng nắng đẹp của miền Nam, thuở quê hương còn thanh bình, người dân còn được vui hưởng những ngày yên bình no ấm, tại ngôi nhà nhỏ nằm trong khu cư xá kiến thiết của thành phố, có ba đứa trẻ đang chơi đùa vui vẻ. Cường, đứa lớn nhất, chợt buông hai tay đang xếp những thanh gỗ đồ chơi làm nhà, vụt reo lên:  

- A! Mẹ về kìa.

Nghe tiếng reo của anh, hai đứa con gái, Lan là chị và Mai là em cùng ngưng trò bán hàng, bật đứng dậy chạy về phía cửa nhà. Thằng Cường đã nhanh chân ra trước. Nó bô bô cái miệng: 

- Mẹ ơi, cho con tiền mua đồ chơi Trung Thu.

- Cho con nữa, mẹ.  – Con Lan vội hùa theo.

- Con nhữa meẹ.., meeẹ.  – Bé Mai cũng léo nhéo lên tiếng theo anh chị như sợ bị bỏ quên. 


Tiếng ồn ào xin tiền của ba đứa trẻ từ trong nhà vọng tới, cùng tiếng bước chân nhộn nhịp của chúng, khiến bà Kiên phải mau chóng chấm dứt câu chuyện đang nói dở dang với bà bạn hàng xóm ở ngoài ngưỡng cửa, trên đường đi chợ về, rồi bước vào nhà. Đặt cái giỏ nặng những món đồ mới mua xuống nền xi măng, bà vừa ngồi xuống ghế vừa kéo khăn lau mồ hôi lấm tấm trên mặt. Trong lúc đó bé Mai, út ít mới năm tuổi, đã chạy xà vào lòng bà. Nó nhõng nhẽo ngay, giọng trẻ con hơi ngọng nhưng thật dễ thương:

- Meeẹ, meẹ có mua quà cho con hông?

 Không đợi em nói dứt, Cường, con trai đầu lòng, mười một tuổi, đã lại lên tiếng nhắc nhở mẹ nó:

- Mẹ, mẹ đi chợ về rồi, mẹ có tiền lẻ chưa, mẹ cho tụi con tiền mua đồ về chơi Trung Thu đi mẹ.

Lan, em kế Cường, thua anh hai tuổi, cũng vội lanh chanh tiếp lời như sợ không nhanh miệng thì mất phần:

- Mẹ, cho con nữa nghe mẹ.

Bà Kiên chưa kịp nói câu nào, hay bà cũng chẳng phải vội vàng trả lời các con. Tính bà vẫn rất điềm đạm dẫu với hàng xóm láng giềng hay với người thân trong nhà. Sáng nay, ngày Chủ Nhật, trước khi đi chợ mua thức ăn về lo cơm nước, bà đã hứa với các con là sẽ cho tiền để tự chúng đi mua những thứ đồ chơi hay quà bánh về chơi tết Trung Thu theo ý thích của mỗi đứa. Chỉ còn ba ngày nữa là Rằm Tháng Tám rồi và như thường lệ mọi năm, con bà, cũng như những đứa trẻ khác trong xóm, đang nóng lòng mong cái ngày trọng đại đó đến để được tha hồ vui đùa đốt nến, tụ tập rước lồng đèn ngoài đường, hoặc chơi bày biện các món bánh trái, đồ chơi đặc trưng của ngày tết Trung Thu trên những chiếc bàn nhỏ hay hộp gỗ, hộp giấy cạc-tông trong sân nhà. Năm nay ông Kiên chồng bà, một quân nhân đóng đồn xa, không về nhà đón tết Trung Thu cùng vợ con được. Ông đã biên thư về nhắc vợ lo việc đèn lồng quà bánh cho các con được vui vẻ.

Tết Trung Thu là ngày tết của nhi đồng, ngày vui của thiếu nhi, trẻ con dẫu còn ngây thơ cũng đã hiểu điều đó. Mỗi năm mới có một lần, dịp này mà bọn trẻ không vòi vĩnh đòi hỏi cha mẹ mua quà thì còn đợi lúc nào. Những món đồ mà trẻ con thích mua không phải là những cái bánh nướng bánh dẻo to, nặng tay và mắc tiền. Những thứ đó là phần việc của người lớn, ít nhiều gì cũng phải có trong ngày tết. Cái mà bọn trẻ thích, thật ra, thì ngoài lồng đèn, loại đèn tương đối giản dị, không cầu kỳ tốn kém, chỉ là những phẩm vật rẻ tiền nhưng hợp với trẻ con như nải chuối ngự nho nhỏ, chũm oản bọc giấy bóng kính xanh xanh đỏ đỏ, con giống nặn bằng bột gạo nếp, bánh nướng bánh dẻo làm kiểu khuôn đặc biệt có hình dáng ngộ nghĩnh của các con thú, và sau cùng, một món không thể thiếu là nến, nhất là nến có nhiều màu.

Bà Kiên với tay lấy mấy quả quít vàng trong giỏ, đưa cho các con mỗi đứa một quả rồi mới lên tiếng:

- Ừ, mẹ có tiền lẻ rồi, nhưng mấy đứa định mua những thứ gì?

Cường liến thoắng đáp ngay, như việc này đã quá quen thuộc với nó:

- Con sẽ mua một cái lồng đèn máy bay, một cái đèn xếp cô tiên, bánh nướng bánh dẻo hình con lân con cá, mấy cái oản, con giống và nến nhiều màu nữa, và…

Con Lan ngắt lời anh khi thấy thằng Cường đang chần chừ suy nghĩ:

- Con sẽ mua một cái lồng đèn con bướm, nến màu, một nải chuối ngự, mấy quả quít, bánh nướng bánh dẻo hình con phượng con công…Ờ, con cũng mua oản và con giống nữa.

- À đúng rồi, mua nải chuối ngự nữa. Bày cỗ bàn mà không có nải chuối là không đẹp. – Cường vội nói xen vào sau khi nghe em nó nhắc đến một món quan trọng trong các thứ mà trẻ con thích bày chơi trong ngày Trung Thu.

Cường vừa dứt lời, bé Mai đang tựa vào lòng mẹ cũng ngừng tay bóc vỏ quít, ngước mặt nói ngay như sợ mất phần:

- Con muốn mua lồng đèn con thỏ, con giống với bánh nướng bánh dẻo nữa.

Bà Kiên mỉm cười vuốt đầu con rồi từ tốn nói:

- Được rồi mẹ sẽ cho tiền các con đi mua, nhưng mà các con nhớ phải cẩn thận, chơi đốt nến là phải coi chừng bị phỏng hay cháy nhà đấy. Nhớ đừng đốt nhiều nến quá và phải để cách xa vách tường nhà đấy. Đây, mẹ cho tiền.

Nói rồi bà kéo ví lấy tiền đưa cho Cường và Lan mỗi đứa mười đồng. Bà lại lấy ra năm đồng đưa cho Cường và dặn chung hai anh em: 

- Cường với Lan hai con đi mua đồ thì mua luôn cho em Mai cái đèn con thỏ và mấy thứ em nó thích. Các con đi nhanh rồi về chơi với em cho mẹ làm cơm.

Thấy mẹ không có ý cho mình đi theo anh chị ra chợ mua đồ, Mai vội đòi:

- Meeẹ, meẹ cho con đi theo anh Cường, chị Lan mua đồ đi meẹ. Con muốn giữ tiền meẹ cho cơ.

- Con còn bé đi làm gì cho vướng chân vướng tay anh chị. Với lại từ nhà mình ra chợ xa lắm đấy, con đi làm sao được.  – Bà Kiên không muốn con bé đi theo anh chị nó vì sợ là Cường và Lan phải mua nhiều thứ lỉnh kỉnh, hai đứa sẽ không thể trông nom em cẩn thận. Năm ngoái bà đã phải đích thân dắt các con đi mua nên đã có kinh nghiệm.

- Con đi được mà. Anh Cường chị Lan dắt con theo mấy lần rồi mà. Con muốn tự mua đồ của con cơ.  – Mai vẫn nằng nặc đòi đi cho bằng được. Nước mắt nó đã đoanh tròng.

Thằng Cường thấy ái ngại cho em. Tuy nó cũng mong Mai đừng vòi đi theo cho đỡ phải trông chừng, nhưng bắt con bé ở nhà, không cho nó được tận mắt tận tay nhìn ngắm, sờ nắm những món đồ đặc biệt của cái ngày tết duy nhất cho trẻ con này trước khi mua thì thật tội nghiệp. Cách đây cả tuần, ba anh em nó vẫn thường dắt nhau ra tiệm tạp hoá Thuận Phát gần nhà, đứng trầm trồ chiêm ngưỡng những dãy lồng đèn trên cao, phất giấy bóng kinh đủ màu đủ kiểu, có những nét vẽ chấm phá uốn lượn thêm ở ngoài cho tăng phần thẩm mỹ. Ngay cạnh cửa vào tiệm. người chủ đã kê sẵn một cái tủ kính thấp, trong bày hầu hết những thứ bánh kẹo và đồ chơi để chiêu dụ nhi đồng, những món mà bất cứ đứa trẻ con nào nhìn thấy cũng phải thèm muốn. Hai chị em Lan và Mai đã say mê đứng nhìn, thích thú chỉ trỏ bình phẩm về mọi thứ trong đó, nhưng chúng để ý nhiều nhất đến những con giống, đó là những con con chim bồ câu, con gà, con vịt, con thỏ, con mèo, con cá, nhỏ cỡ ngón chân cái. Ngoài con giống lại có nguyên một mâm ngũ quả đồ chơi xinh xinh mà chỉ to bằng lọ mực không đổ. Tất cả những thứ đó đều được bàn tay khéo léo của người giỏi thủ công vo nặn bằng bột gạo nếp, phơi khô, tô màu rất bắt mắt và còn điểm thêm mắt, mỏ, vây, cánh, cùng các chi tiết thật dễ thương, giống y như thật. Những thứ này tuy không phải để ăn, nhưng ba anh chị em Cường xem đó là vật không thể thiếu cho việc bày biện cỗ bàn đồ chơi tí hon của riêng từng đứa thêm phần hoa mỹ trong tối Trung Thu.

Cường đã quyết định sẽ can thiệp cho em Mai được đi theo, nhưng cũng muốn nhân dịp này răn đe con bé trước đã:

- Này, Mai đòi đi theo thì phải tự đi bộ đấy nhé, không được đòi bế nghe chưa. Lớn rồi, sắp sáu tuổi rồi còn gì.

Mặt Mai đã hơi phịu xuống nhưng nó nhanh nhảu đáp ngay:

- Em đi bộ được mà, em không đòi bế đâu.

Cường xoay qua mẹ nó rồi nói:

- Mẹ cứ để tụi con dẫn em đi cũng được. Có gì con sẽ mua cho em trước rồi dắt nó về xong mới đi mua đồ cho tụi con sau.

Ý chừng cũng cùng suy nghĩ như anh, con Lan cũng nói:

- Để anh Cường với con dắt Mai ra tiệm tạp hóa mua đồ ở đó trước. Còn mấy thứ cần mua ở chợ thì chúng con sẽ mua sau cũng được, mẹ ạ.

Thấy cả hai đứa con lớn đều chịu cho em đi theo, bà Kiên gật đầu đồng ý và dặn thêm:       


- Các con nhớ trông chừng em cẩn thận. Nhớ mang giỏ để đựng, không thôi mua được cái gì lại rơi hết dọc đường. Mà cầm đèn thì phải coi chừng bị rách đấy nhé.

Cường và Lan cùng “dạ” to một tiếng, niềm vui lộ rõ trên nét mặt, lòng hí hửng mừng thầm vì sắp được đi sắm sửa những món đồ ưa thích, chờ đợi bấy lâu nay. Bé Mai cũng vỗ tay reo lên vui vẻ: “A, bé sắp có đèn con thỏ rồi, bé sắp có con giống rồi”.

Như chợt nhớ ra điều gì, con Lan cúi xuống nhìn Mai rồi vừa đưa tay phải ra, cong ngón trỏ hướng về phía em nó vừa làm giọng nghiêm:

- Này, lần này em phải hứa và có ngoéo tay mới được. Em có hứa là không được đòi bế thì anh Cường với chị mới cho đi theo. Nếu không là không được đi đấy.

Mai nghe chị nói thì hơi chưng hửng nhưng nó vui vẻ lại ngay, trả lời liền:

- Em không đòi bế đâu, chị cho em đi theo đi, mẹ với anh Cường cũng đã cho rồi mà.

- Không nói suông được, mấy lần trước lần nào em cũng bảo không đòi bế mà rồi lúc về cứ nằng nặc đòi bế mỏi cả tay. Nào có chịu hứa không thì bảo?

- Ơ,… thì hứa.

- Hứa phải có ngoéo tay đàng hoàng. Nào đưa tay ra.

Mai bất đắc dĩ phải đưa bàn tay nhỏ bé ra. Lan móc ngón tay trỏ của nó vào ngón trỏ của em rồi giật nhẹ ra. Nó giao hẹn thêm:

- Rồi, đã hứa là phải nhớ lời nghe chưa, có mẹ và anh Cường làm chứng đó.

Bà Kiên cười xòa vui vẻ, an ủi cô con gái út của mình:

- Ừ thôi con cũng đã lớn rồi, đã đi học mẫu giáo rồi còn gì. Phải tập đi bộ nhiều đi chứ, cứ hơi tí lại bắt anh chị bế người ta cười cho đấy.

                                             x
                                         x      x


Hôm nay là đúng ngày tết Trung Thu rồi. Ngay từ hồi trưa, sau khi đi học về, Cường và hai em đã loay hoay bận rộn với việc sửa soạn đèn lồng và bày biện cỗ bàn đồ chơi của từng đứa. Như những năm trước, Cường nhường chiếc bàn nhỏ thường kê ở góc phòng ăn cho Lan và Mai, còn nó thì lấy cái thùng gỗ mỏng lật úp lại làm bàn. Những món cần mua chúng nó đã có đủ. Bây giờ trời còn sáng, cỗ bàn của chúng đã bày xong một phần, để tạm trong phòng khách. Đến gần tối, đợi khi bóng dáng kiều diễm của Hằng Nga bắt đầu lồ lộ trên cao, chúng mới khệ nệ khiêng bàn ra ngoài sân kê gần sát góc tường nhà để vui đón Trung Thu. Cường đã giúp hai em cắm sẵn nến vào chỗ để nến của chiếc đèn con thỏ, đèn con bướm, đèn máy bay và mấy cái đèn xếp. Những chiếc đèn này, Cường đã phải dong hai em đi hai tiệm tạp hóa, trổ hết tài quan sát và óc thẩm mỹ, để chọn cho được chiếc đèn có kiểu mẫu, màu sắc đẹp mắt và chắc chắn nhất. Nó cũng lôi trong tủ đồ cũ ra hai cái đèn lồng từ năm ngoái, để đến tối sẽ đốt nến treo cùng với mấy cái đèn xếp trên cành cây trứng cá trước sân nhà.

Chẳng mấy chốc trời đã chạng vạng, bọn trẻ ngồi ăn bữa chiều mà cứ nhấp nhổm không yên, chúng hối hả và lấy và để những lát cơm vào miệng, nuốt vội quên cả nhai, như cố chạy đua với thời gian. Như thể nếu chậm trễ một phút thì cuộc vui đêm Trung Thu sẽ mau tàn và chị Hằng, chú Cuội cùng Thỏ Ngọc sẽ từ giã, trở về thiên đình mất cả. Bà Kiên dẫu thường ngày hay chiều con cũng phải nhắc: “Này, các con ăn từ từ thôi, coi chừng bị nghẹn thì khổ. Trời đã tối đâu mà vội”. Bà nói thế nhưng chính bà cũng thấy nôn nao vui vui trong bụng, mong trời mau tối để cùng hưởng thú ngắm trăng rằm tháng Tám với các con. Mấy hôm nay thấy các con cứ xì xào bàn tán bình phẩm, khoe nhau từng món đồ chơi, bánh kẹo rồi lại cầm lồng đèn hí hửng dung dăng dung dẻ đi tới đi lui trong nhà một cách thích thú, lòng bà lại bồi hồi nhớ về những chuỗi ngày thơ ấu của mình ngày xưa. Ngày ấy ở làng quê, bà cũng bé như con bà bây giờ, nhưng bố mẹ bà nhà nghèo đông con, làm gì có tiền cho bà và các anh chị em để mua sắm những thứ đồ chơi hay kẹo bánh như bây giờ. Ngay cả chiếc lồng đèn đơn giản cũng không có. Những chiếc đèn đó dường như chỉ để dành cho trẻ con nhà khá giả mà thôi. Thương các con, bố của bà đã lấy giấy bản vẽ lên đó hình chim, thỏ, hoa lá cành rồi xếp thành những chiếc đèn xếp thô sơ mộc mạc, mà cũng không được nhiều đèn, nên anh chị em bà hai người phải chơi chung một cái. Vậy mà bà cũng cảm thấy sung sướng vô cùng, khi trời tối được cùng anh chị em và các bạn hàng xóm, đứa có đèn cầm đèn, đứa không có đèn thì chỉ cầm ngọn nến có quấn miếng giấy loe vòng quanh như cái phễu bên ngoài, đi lũ lượt từng đoàn trong xóm trong làng, qua những lũy tre, trên triền đê, dưới ánh trăng vàng, vừa đi vừa đọc to những câu vè:

“Ông giẳng ông giăng
  Ông giằng búi tóc
  Ông khóc ông cười
  Mười ông một cỗ
  Đánh nhau vỡ đầu”


Hoặc những câu đồng dao:

“Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
  Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
  Cha còn cắt cỏ trên trời
  Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên
  Một ông cầm bút cầm nghiên
  Một ông cầm tiền đi chuộc lá đa”


Đọc xong cả nhóm cùng cười lên nắc nẻ.

Bà Kiên còn đang thả hồn về những kỷ niệm êm đềm ngày xa xưa thì chợt có tiếng trẻ con nói chuyện ồn ào ở ngoài đường rồi tiếng thằng Tuấn, con ông Huy hàng xóm gọi vọng vào:

- Cường ơi, ăn cơm xong chưa, trời tối rồi kìa.

Tuấn là bạn của Cường. Hai đứa bằng tuổi nhau và cùng học chung lớp chung trường. Hôm nay lúc đi học về, chúng nó đã hẹn đến tối sẽ chạy sang nhà nhau để xem cỗ bàn Trung Thu của ai đẹp hơn ai, rồi sau đó sẽ cùng đi rước đèn. Cường và nốt miếng cơm cuối vào miệng rồi buông bát đũa, nhanh chân chạy ra cửa trước để gặp bạn. Con Lan thấy anh đã bỏ đi cũng húp vội cho xong mấy miếng canh bầu, rồi nắm tay bé Mai bước ra theo. Nó biết đám bạn hàng xóm của nó chắc đã ăn cơm xong hết cả rồi, và đang chuẩn bị để chơi đốt nến cho cỗ bàn và sau đó là đi rước đèn đây.

Ngoài sân, trăng rằm tháng Tám to và tròn như cái nia, treo lơ lửng chênh chếch trên nền trời xẩm tối chỉ lãng đãng vài đám mây phớt mỏng lờ lững. Vầng trăng ngà ngọc, của một trong những năm thanh bình hiếm hoi, tỏa sáng dịu dàng mát mẻ, ngập tràn xuống khắp thế gian vạn vật, như để ban phát chia sẻ cùng nhân thế một đêm vui, thắm đượm tình nhân ái khoan hòa. Xuyên qua kẽ lá thỉnh thoảng rung rinh theo từng làn gió nhẹ, ánh trăng len lỏi chập chờn như đang nhảy múa reo vui cùng ánh nến vàng lung linh tỏa ra từ những lồng đèn treo trên cành cây, từ những bàn tay bé bỏng xinh xinh, hoặc tại một góc sân nhà, trên những cái bàn gỗ nho nhỏ.

Một đợt gió chợt thổi qua, Cường đưa cả hai tay ra bụm che cây nến to nhất cắm trên mặt bục gỗ bày quà Trung Thu của nó. Ngọn lửa nến đang ngả nghiêng, tạt hẳn sang một bên. Gió vừa ngừng, nó xuýt xoa:

- May quá chưa bị tắt.

Cường vừa buông tay ra thì con Lan đã ùa đến bên cạnh, tay cầm cây nến, miệng nhanh nhảu:

- Anh Cường cho em mồi lửa đi, nến bên em bị gió thổi tắt hết rồi.

- Ừ, mồi đi, may mà anh còn giữ được một cây này chưa tắt đấy. Nếu không lại phải tốn thêm diêm.  – Cường đáp.

Lan đưa đầu cây nến vào ngọn lửa để mồi. Chợt nó nói to:

- Anh coi chừng giọt nến chảy ra sắp lan vào mấy con con chim bồ câu với con thỏ kìa. Cả cái mâm trái cây nữa. Bàn cỗ của anh bày khéo quá ha, trông đẹp ghê đi. Bên em không đẹp bằng.

- Ờ, em nhớ phải bày cho nó cao lên thành hai ba tầng và gần với nhau thì nhìn mới đẹp. Với lại phải cắm nến cho cân đối nữa. Mà sao năm nay mấy cây nến hay bị chảy giọt thế không biết.

Cường vừa trả lời em vừa đưa tay sắp xếp lại những con giống để tránh bị giọt nến chảy vào. Nó thay và châm lửa lại cho cháy đủ mười ngọn nến với đủ màu sắc soi sáng công trình xếp đặt cỗ bàn của nó. Ngay giữa mặt gỗ hơi xích vào trong là một nải chuối ngự đang ngả màu chín vàng, kê cao lên trên một hộp cạc-tông. Trên nải chuối là ba quả quít màu đỏ cam xếp thành hình tam giác. Trên quít là một cái oản to bọc giấy bóng kính xanh cột xòe tua rua trên đỉnh. Nơi thân và đầu những quả chuối, Cường bày những con giống và một số oản nhỏ. Cạnh nải chuối ở hai bên và đằng trước là một quả bưởi, hai cái bánh nướng bánh dẻo hình con lân và cá chép, một phong bánh in nhân đậu xanh, một tếp bánh cốm và một số kẹo viên bi nhiều màu cùng những đồ chơi bằng nhựa nho nhỏ. Cường còn đang xếp lại những con giống cho cân đối ngay ngắn thì chợt tiếng bé Mai kêu lên có vẻ đau đớn:

- Ái!

Cường vội quay sang chỗ bàn của Lan và Mai ngay gần đó. Bé Mai đang vung vẫy bàn tay phải, nét mặt nhăn nhó. Cạnh nó, ở dưới đất, là cây nến nhỏ nằm lăn lóc. Mùi khen khét của bấc nến vừa tắt ngúm còn phảng phất trong không khí. Không cần tìm hiểu sự tình, Cường biết ngay chuyện gì đã xảy ra. Con Lan cũng vừa xoay sang bên em. Nó hỏi ngay:

- Lại bị giọt nến chảy vào tay rồi phải không?

Rồi không cần đợi câu trả lời, nó cầm lấy bàn tay em lên xem xét. Bé Mai đã tạm đỡ đau, nơi đầu ngón tay trỏ còn lưu lại một ít vẩy nến và làn da chỗ đó hơi ửng hồng hơn so với những ngón tay khác. Lan đưa tay em lên gần miệng mình và thổi mấy cái liên tiếp vào chỗ đau xong lại nói một hơi:

- Đã bảo đừng có sờ vào mà lại. Mới quay đi một tí mà đã táy máy rồi. Khi nào nến tắt phải gọi anh Cường hay chị châm cho nghe không. Đừng có tự châm lấy một mình, có ngày bị phỏng cháy cả tay đấy.

Trong lúc đó Cường đã châm lại năm ngọn nến màu cho cỗ bàn của Mai. Gọi là cỗ bàn cho sang nhưng bàn bày đồ chơi Trung Thu của Mai chỉ giản dị gồm những con giống nho nhỏ dễ thương xếp chung quanh mấy cái oản xanh đỏ, kẹo bi và hai quả quít cùng hai cái bánh nướng bánh dẻo hình con heo. Cỗ của Mai vì bày cạnh của chị nên trông càng nhỏ gọn hơn tuy cỗ bàn của Lan cũng không cầu kỳ hơn gì mấy, chỉ khác là cỗ của Lan thì có thêm nải chuối ngự và cắm nhiều nến hơn. Tuy vậy, như năm ngoái, năm nay Lan và Mai cũng đem hai đứa “bạn” thân thiết của mình bày lên cạnh đó để cùng chung vui. Đó là Miu Miu và Chi Chi, hai con thú nhồi bông, mèo và thỏ, mà hai chị em lúc nào cũng thích thú ôm ấp chơi với trước khi đi ngủ.

- A! “nhà” của bé có đèn lại rồi. Sáng rồi, ha ha.

Mai sung sướng reo lên quên cả đau, rồi bật tiếng cười trong vắt ròn tan khi thấy cả năm ngọn nến màu đều sáng tỏ, soi rõ mâm cỗ bàn đồ chơi của mình. Nó bắt chước anh chị cũng gọi bàn cỗ của nó là “nhà”. Lan và Cường cùng vui lây nỗi vui của em. Cả ba khuôn mặt đều rạng rỡ, chan hòa niềm hân hoan thích thú. Ánh nến chợt bập bùng nhảy múa như thấu hiểu được tâm tư của những đứa trẻ, và như cũng muốn tham gia hòa quyện vào cuộc chơi.

Chợt có tiếng gọi to từ ngoài đường:

- Lan ơi, đi rước đèn không? Mấy đứa nó ra hết rồi kìa.

Đó là giọng con Nga, bạn hàng xóm của Lan. Lan chưa kịp trả lời thì đã có tiếng nhốn nháo nói chuyện ồn ào vọng vào và lố nhố một đám trẻ con xuất hiện trước của nhà, đứa lớn hơn Cường có mà đứa nhỏ hơn cả Mai cũng có. Hầu hết trên tay mỗi đứa đều đang cầm một cái lồng đèn đủ loại lung linh ánh nến. Cường vội giục hai em:

- Mình ra rước đèn với các bạn đi. Chốc nữa về chơi cỗ bàn tiếp.

Vừa nói nó vừa đứng lên với tay lấy ba chiếc đèn mới của ba anh em đang treo trên cành cây trứng cá xuống, thay nến và mồi lửa. Nó đút thêm mấy cây nến dự phòng và bao diêm vào túi quần rồi lại nói:

- À, các em nhớ thổi tắt hết nến trên bàn trước khi đi.

Ba đứa cùng chu miệng thổi tắt những cây nến đang cháy trên cỗ bàn của từng đứa. Cường hướng về phía mẹ lúc đó đang ngồi ngắm trăng nói chuyện với bác Huy gái nơi hàng hiên, nói to:

- Mẹ ơi, con và hai em đi rước đèn cùng các bạn nghe mẹ.

Rồi không cần đợi mẹ cho phép, cả ba anh em dắt díu nhau tay đèn tay nến bước ra nhập bọn cùng đám trẻ trong xóm. Trong lúc tiếng bà Kiên còn vọng theo:

- Nhớ đừng đi xa quá nhé. Cường, Lan nhớ trông em cho cẩn thận đấy.

Cường, Lan và cả bé Mai đã nhập chung vào đám bạn. Chúng vừa đi chầm chậm theo con hẻm vừa ồn ào nói chuyện, trầm trồ chỉ trỏ lồng đèn của nhau. Này là đèn con cá chép ánh vàng rực, kia là đèn con bướm xanh biêng biếc, lại đây nữa là đèn con thỏ màu hồng hồng dễ thương. Có chiếc đèn cầu kỳ sặc sỡ và cũng có cái đơn sơ giản dị. Có đứa trẻ không chơi đèn lồng thì rước bằng đèn xếp hoặc đẩy chiếc xe con làm bằng lon sữa bò phát ra tiếng “lắc cắc” vui tai. Cũng có đứa chơi đánh trống, loại trống nhỏ dành cho trẻ con, đánh lên những tiếng “lùng tùng” nhộn nhịp. Trời đã tối hẳn nhưng vầng trăng rằm trên cao đã giúp quang cảnh ban đêm không âm u mà sáng nhè nhẹ. Một kiểu sáng mát mẻ êm dịu, tạo cảm giác vừa nhẹ nhàng vừa yên tâm thoải mái. Ánh nến tỏa ra từ những lồng đèn rung rinh đu đưa theo từng nhịp bước chân đi của lũ trẻ, chập chờn soi sáng những khuôn mặt tươi vui phấn khích. Đoàn người đi đến đâu kéo theo bầu không khí náo động đến đấy. Hàng xóm hai bên đường nghe tiếng ồn ào đổ ra xem, nói cười bình phẩm khiến khung cảnh rước đèn càng thêm linh động vui mắt. Thỉnh thoảng lại có tiếng một đứa trẻ kêu lên xin mồi lửa vì đèn của nó bị gió thổi tắt. Cũng có cả những tiếng khóc tấm tức của những đứa bé vì cầm đèn nghiêng ngả, ngọn nến bén vào giấy làm cháy xém mất một phần khiến cả bọn phải ngừng lại chờ, và anh chị nó phải dỗ dành an ủi mãi mới nín.

Sau một đoạn đường dài, Lan đã tưởng em mình còn chịu đi bộ một mình lâu hơn nữa, nhờ niềm vui rước đèn làm quên nỗi mỏi chân, nhưng vừa lúc đó Mai đã nhõng nhẽo:

- Chị Lan ơi, em mỏi chân rồi. Chị bế em đi.

Mai nói xong thì đứng lại kéo rịt tay chị nó. Bàn tay còn lại đang cầm chiếc đèn con thỏ cũng chúc xuống khiến đèn bắt đầu nghiêng đi khi chạm đất.

Lan chưa kịp đáp lời em. Nó vội đưa tay nắm ngay lấy cây thanh tre làm cần gắn đèn của em nhấc nhanh lên, trước khi cái đèn bị nghiêng nhiều hơn. Nó trách em:

- Xuýt nữa thì cháy đèn nhá. Mới đi một chút đã mỏi chân rồi. Lần nào cũng vậy.

Mai phụng phịu nhắc lại lời đòi hỏi:

- Chị bế em một chút đi, mỏi chân quá hà, em không đi được nữa đâu.

- Này, đừng quen mui thấy mùi ăn mãi nhé. Hôm nọ đi mua đèn với con giống đã hứa ngoéo tay không đòi bế mà lúc về vẫn đòi cho bằng được. Hôm đó có anh Cường anh ấy mới bế. Bây giờ anh Cường đang đi với bạn anh ấy rồi. Có bước đi ngay không lại bị lạc bây giờ.  – Lan đem chuyện cũ ra để nhiếc cái tật nhõng nhẽo hay đòi bế của em.

- Chị không bế thì em ngồi tại đây thôi. Em không đi được nữa thật mà. 

Lan không muốn chiều em ngay. Nó biết em nó chưa chắc đã thật sự mỏi chân đến độ không đi được nữa. Nhưng cứ đứng ở đây mà đôi co lý giải với Mai thì sẽ lỡ đoàn rước đèn mất. Đám bạn nó và cả đoàn đã bỏ rơi hai chị em nó một đoạn rồi. Lan đang định bế em lên thì Cường chợt chạy đến. Trước đó Cường vì mải nói chuyện với Tuấn, cũng cùng đi trong đoàn rước đèn, nên không để ý đến hai em. Khi phát hiện ra Lan và Mai bị tụt hậu thì nó vội chạy lại xem. Nghe xong sự tình, Cường nhanh nhẹn quyết định:

- Lan cầm đèn hộ cho anh để anh cõng Mai cho. Nhanh lên không các bạn đi xa rồi kìa.

Nói rồi Cường ngồi ngay xuống kéo Mai về phía mình giục:

- Mai leo lên lưng anh cõng đi cho nhanh. Nhớ bám cổ anh cho chắc nghe.

Mai tươi ngay nét mặt, mau mắn chồm lên lưng anh. Cường vòng hai tay quặp lấy chân em, đứng lên rồi cầm chiếc đèn máy bay của mình từ tay Lan. Nó lại thúc giục:

- Rồi, chúng mình phải đi nhanh để đuổi kịp các bạn kìa.

Cường và Lan rảo bước một lúc thì đuổi kịp đoàn rước đèn. Thật ra bọn trẻ không đi xa nhà gì mấy mà chỉ lòng vòng quanh xóm nhưng vì đã vòng qua vòng lại mấy lần nên Mai mới thấy mỏi chân. Được anh cõng trên lưng, Mai có dịp nhìn bao quát hơn những chiếc lồng đèn, những khuôn mặt và cảnh vật chung quanh, những chi tiết thú vị hay ho mà khi đứng thấp lè tè ở dưới đất nó không nhìn được. Nó thấy so ra, được anh Cưòng cõng còn thích hơn chị Lan bế nữa vì người anh Cường chắc chắn hơn, không thấp và yếu ớt như chị Lan. Chị Lan mà bế thì phải vất vả, người hai chị em cứ ật qua ật lại. Đoàn rước đèn đi thêm một vòng hẻm nữa rồi giải tán. Các đứa trẻ tản ra tự chơi đèn trong nhà hay tụm lại từng nhóm nhỏ chơi với nhau. Trên đường về, vẫn được anh cõng trên lưng, Mai bâng quơ nhìn cảnh vật dưới đất chán rồi nó ngước lên nhìn trăng. Vầng trăng tròn đầy và sáng nhất trong năm vẫn đang vằng vặc trên cao. Chợt Mai reo lên:

- Anh Cường ơi, có phải chị Hằng với chú Cuội đang ở trên cung trăng nhìn xuống mình phải không anh?

Cường, hơi thở đã có phần hổn hển, vừa đi vừa xốc người cho Mai bớt xệ trên lưng, vừa trả lời:

- Ừ, hôm nay tết Trung Thu, chị Hằng với chú Cuội cũng đang rước đèn cùng anh em mình đấy.

- Có phải chị Hằng đang đứng trên cung trăng kìa, cạnh cây đa ấy, còn chú Cuội với thỏ ngọc ở dưới chân không? Cái chỗ mầu đậm đậm ấy?

- Đúng rồi. Chị Hằng, chú Cuội với thỏ ngọc đang đón tết trên ấy đấy.  – Cường trả lời em cho xong chuyện.

- Chị Hằng đẹp và hiền lắm phải không anh?

- Ừ, chị Hằng đẹp và hiền lắm.

- Có bao giờ chị Hằng xuống đây chơi với mình không anh?

- Ờ.., chưa.

- Mẹ bảo em bé nào thật ngoan thì chị Hằng mới xuống chơi với có phải không anh?

- Ừ, mẹ nói đúng đấy.

- Vậy em sẽ ngoan để chị Hằng xuống chơi với em. Mà em ngoan lắm rồi mà.

- Ồ, chưa đâu. Em phải biết tự đi bộ một mình thì mới thật là ngoan. Mẹ cũng bảo thế đấy. Nào bây giờ xuống đi bộ về nhà đi thì chị Hằng mới chấm điểm cho ngoan, chị ấy mới đến thăm em.

Cường nói xong ngồi ngay xuống, ưỡn thẳng lưng để Mai phải đứng xuống đất. Mai hơi xìu nét mặt nhưng cũng biết đã được anh mình cõng nãy giờ khá lâu. Chân nó đã hết mỏi. Từ đây về nhà cũng chẳng còn bao xa. Nó phải cố gắng đi bộ để chứng minh với chị Hằng rằng nó là em bé ngoan chứ. Ba anh em vui vẻ dắt tay nhau dung dăng dung dẻ về hướng ngôi nhà thân yêu, nơi những bàn cỗ đồ chơi con giống còn đang chờ đợi để tiếp tục cuộc vui. Trên đường đi, những tiếng cười nói nhộn nhịp, những ánh nến đèn lồng xanh vàng tím đỏ vẫn lập lòe lúc mờ lúc tỏ loanh quanh đây đó.

                                              x
                                         x       x


Rằm tháng Tám năm 2012 tại một nơi xa cách quê hương nửa vòng trái đất, ông Cường đang ngồi loay hoay nặn những con thú làm bằng bột dẻo Play-Doh nhiều màu trên cái bàn nhỏ dưới bếp, thì hai đứa cháu ngoại, lên bốn và lên ba, từ phòng trong chạy ùa đến. Chúng áp vào hai bên người ông. Katelyn, con chị, tên trong nhà là Bé, nũng nịu giọng tiếng Việt thật chuẩn:

- Ông ngoại, ông ngoại làm cái gì vậy?

Ông Cường hơi cúi đầu, trễ gọng kính lão xuống nhìn cháu rồi đáp:

- À, ông nặn mấy con giống.

- Con giống là con gì vậy ông?  – Con Bé lại hỏi. Tay nó đã táy máy cầm ngay một con chim bồ câu mà ông vừa nặn xong đưa lên xem. Bắt chước chị, Callie, con em, ít nói hơn, ở nhà gọi là Tí Tì, cũng với tay cầm một con khác trên bàn. Ông Cường vội nói:

- Ờ, là mấy con vật nặn bằng bột như chim, gà, mèo, thỏ. Ơ này! Các con cẩn thận, cầm nhè nhẹ thôi, đừng có bóp mạnh, nó chưa khô đâu, coi chừng bẹp đấy.

- Mà ông nặn làm gì vậy ông? Ông nặn cho con chơi hả ông? Con này là con chim hả ông? Mà sao nhìn tức cười quá.  – Tiếng con Bé lại vang lên. Nó còn nhỏ mà rất thông minh, nói chuyện như người lớn, hay lý sự thắc mắc hỏi tới đủ điều. Nhiều lúc nó còn chỉnh sửa cả ông nữa, nhất là về những câu chữ tiếng Anh mà nó chê là ông phát âm không đúng.

- Ờ, ông nặn để ba ông cháu mình chơi bày cỗ tết Trung Thu. Tối nay là tết Trung Thu rồi các con biết không? Ơ này! Hai đứa để con giống xuống bàn đi, coi chừng làm bẹp hết người nó.

Lời kêu gọi và bàn tay can thiệp của ông Cường đã quá trễ. Con chim bồ câu và con thỏ mà ông mất công cả giờ dồng hồ vo nặn điểm xuyết đến từng cái mỏ, con mắt, cố làm cho giống những con thú đồ chơi Trung Thu từ thời xa xưa của ông, thì bây giờ đang nằm méo mó thảm hại vì bàn tay ngịch ngợm vô tư của hai đứa cháu gái. Hai đứa trẻ vốn quen được ông cưng chiều nên chẳng thấy việc làm hỏng “tác phẩm nghệ thuật” của ông là điều quan trọng, đáng phải ân hận. Nghe thấy ông nhắc đến tết Trung Thu chúng reo lên:   

- A! Chung Thu. Ôong ngại cho coong chơi dèn nhe ông ngại.  – Tí tì giờ này mới mở miệng. Giọng nó còn ngọng nghịu.

- Ông ngoại! Ông ngoại chở con với Tí Tì đến chỗ chơi rước đèn như năm ngoái nghe ông ngoại.  – Giọng con Bé nhắc nhở ông cái công việc mà dù từ thuở chúng chưa biết đòi hỏi, ông cũng đã tình nguyện thi hành.

- Ừ được rồi, đợi bố mẹ các con đi làm về đã rồi ông và bà chở đến tụ điểm vui tết Trung Thu, nhưng nhớ không được đòi bế đấy nghe chưa. Năm ngoái còn nhỏ thì ông còn bế, năm nay con lớn rồi, phải đi bộ nghe chưa.

- Ơ, tại con mỏi chân mà.

- Mỏi chân thì ngồi nghỉ rồi đi tiếp chứ không được đòi bế nghe chưa. Con không sợ các em bé khác cười cho à?

Con Bé không trả lời. Nó biết cách đánh trống lảng thật hay. Nó bá cổ ông Cường đu lên lưng, cười khanh khách rồi nói:

- Ông ngoại vào chơi Trung Thu với tụi con đi. Ông ngoại làm bò cõng con đi.

Tí Tì bắt chước chị vội níu vào một bên người ông nó như sợ bị bỏ quên, rồi cũng kèo nài:

- Ôong ngại bế coong nhữa, ôong ngại.

Ông Cường không còn có thể tiếp tục công việc nặn hình con giống nữa. Hai đứa cháu gái quá năng động đã không để ông yên. Cũng không thể trách chúng. Nếu muốn trách thì ông phải tự trách chính mình. Ông đã vui vẻ tự nguyện nhận công việc babysit chúng nó mà. Vì thế vừa cố gắng khom mình đứng lên, đeo theo hai đứa trẻ trên người, rồi ì ạch bước vào trong căn phòng có trải tấm nệm lớn cho trẻ con chơi, ông vừa mỉm cười than một mình: “Thật giống y như mẹ chúng mày với bà Mai chúng mày ngày xưa. Hơi một tí là bắt bế với cõng. Nhưng mà... cũng tại mình thôi chứ tại ai.”

Ông Cường không kịp than hết lời. Hai đứa trẻ đã hò reo kéo người ông xuống, bắt phải nằm bò trên nệm cho chúng leo lên lưng. Chúng giục ông nhỏm lên, bò đi, vừa nghiêng ngả vỗ tay, vừa nhắc ông cùng hát với chúng theo lời hát nhộn nhịp quen thuộc phát ra từ chiếc TV để ở góc phòng: “Tết Trung Thu, em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”

Quang Dương
9/2012

      

No comments:

Post a Comment