Mảnh Đời Ngây Thơ (truyện ngắn)

    Để tưởng nhớ về anh Trần Ngọc Toàn với những ngày xưa thân ái

“Tay trắng tay đen,
Tay Ma-Rốc cốc keng
Ăn chè đậu đen nấu đường cát trắng
Bỏ con rắn vô nồi nước sôi”


Ba cái miệng cùng hát bài “Tay trắng tay đen”, đồng điệu với ba bàn tay nhỏ bé, ngửa lên úp xuống nhịp nhàng, cho đến tiếng “sôi” thì ngừng lại. Anh Toàn reo lên:


- A! anh được đi trước nhé.


- Không được, anh Toàn ngừng tay chậm, không công bằng. - Chị Mai phản đối.


- Mai với Quang ra tay đen, anh ra tay trắng cùng một lúc mà. - Anh Toàn chống chế.


- Không đâu, em thấy anh tính ra tay đen mà. - Tôi về phe với chị Mai dù không rõ lắm anh Toàn có ăn gian hay không.


- Thôi được, mình tay trắng tay đen lại nghe. - Anh Toàn đành đề nghị.


- Ừ, làm lại. - Chị Mai và tôi đương nhiên cùng chấp thuận.


Ba cái miệng lại đồng ca bài hát trẻ con vui nhộn, để quyết định xem ai được đi nhất trong ba đứa. Lần này thì không ai bắt bẻ ai được. Người thắng vẫn là anh Toàn. Anh ra tay đen còn chị Mai và tôi ra tay trắng. Anh nói:


- Đó, thấy chưa, trước sau gì thì cũng vậy thôi. Mai và Quang oẳn tù tì đi, xem ai đi nhì.


Hai chị em tôi đành phải chịu, và sau khi “Oẳn tù tì, ra cái gì, ra cái này”, chị Mai được đi nhì, còn tôi tất nhiên đi chót. Anh Toàn nói:


- Cho Quang được đi hai lần như mọi khi nghe.


- Không được. - Chị Mai lắc đầu phản đối. - Một lần rưỡi thôi. Quang nó nhảy lò cò đâu có vụng như giải gianh, banh đũa.


- Em nhảy dở ẹc à. Cho hai lần đi. - Tôi nài nỉ.
- Thôi cho Quang nó đi hai lần đi. Lần trước nó đi hai lần cũng chỉ ngang với Mai thôi.


- Được rồi, cho đi hai lần. Nhưng mà giao hẹn là cấm ăn gian đó nghe. Chạm phấn một tí là phải ra đấy. - Chị Mai chấp nhận nhưng cũng răn đe điều kiện với tôi.


 Anh Toàn đứng ở một đầu bàn lò cò, được vẽ bằng phấn trên sân xi măng trước nhà tôi,  tay phải cầm hòn chàm, là miếng gạch ngói dẹp bằng ba ngón tay, thảy nhẹ vào ô số 1 ngay dưới chân. Anh co chân trái lên, nhún chân phải, nhảy ngang qua và chạm bàn chân vào ô số 2. Anh nhảy tiếp, hạ hai chân vào ô số 3 và 4 được vẽ nằm ngang. Qua ô số 5, anh lại chỉ cò bằng chân phải và cuối cùng, nhảy vào ô số 6 và 7 cũng vẽ ngang, giống ô số 3 và 4. Khi đang đứng dạng hai chân trong ô số 6 và 7, anh nhảy lên xoay người trở lại, đổi vị trí hai chân, rồi tiếp tục nhảy lò cò qua các ô trở ngược về ô số 2. Tại ô này, anh vẫn đứng một chân, cúi người xuống nhặt hòn chàm trong ô số 1, rồi nhỏm người lên nhảy vào ô này, xong nhảy ra ngoài. Anh đã đi lò cò xong cho ô đầu tiên, và sẽ tiếp tục đợt lò cò cho ô số 2 và các ô còn lại.


Anh Toàn là con út của bác Giao gái. Bác là chị của mẹ tôi. Hôm nay Chủ Nhật, bác ghé thăm bố mẹ tôi và cho anh theo để anh chơi đùa với chúng tôi. Bố anh mất sớm từ ngày chưa di cư vào Nam. Bác Giao ở vậy nuôi các anh chị khôn lớn. Anh có hai anh và hai chị: anh Chung, là anh cả, xong đến chị Duyên, chị kế, rồi đến anh Hoàng, và chị Huyền, rồi đến anh. Anh Toàn hơn tôi hai tuổi và bằng tuổi với chị Mai tôi. Nhà bác Giao ở khu Bàn Cờ, không xa nhà bố mẹ tôi bao nhiêu. Chúng tôi rất thân với nhau vì độ tuổi gần ngang nhau, và vì anh rất hòa đồng với hai chị em tôi. Tính anh nho nhã, nói năng nhỏ nhẹ, có khiếu thẩm mỹ, hát hay, và rất khéo chân khéo tay. Ngoài những trò chơi cho con trai, anh có thể chơi rành rẽ cả những môn chơi dành cho con gái hơn là cho con trai như lò cò, nhảy dây, giải gianh, banh đũa…. Trong khi chị Mai, tuy là con gái, cũng không khéo hơn được anh. Còn tôi thì khỏi cần nói, tôi rất vụng về với những loại trò chơi vốn dành cho con gái đó. Chỉ có nhảy lò cò là tôi còn có thể chơi tàm tạm. Thường khi đến nửa cuộc chơi, phần thắng cuộc đã nghiêng rõ về anh, xong đến chị Mai. Riêng tôi luôn lẹt đẹt về chót, dù trong khi chơi, anh Toàn và chị Mai vẫn có ý nhân nhượng, cho tôi được đi hơn một lần, hoặc làm ngơ để tôi có thể ăn gian chút đỉnh.


Lò cò là món giải trí bình dân nhưng lành mạnh của trẻ con. Nó như một môn thể dục nhẹ, tập luyện sự dẻo dang và khéo léo tay chân. Anh Toàn, chị Mai thường hay rủ tôi chơi lò cò mỗi khi anh theo người lớn đến thăm bố mẹ tôi, hoặc ngược lại, khi chị Mai và tôi được đến thăm nhà bác Giao. Vừa rồi, chúng tôi đã trải qua trò chơi bịt mắt đi tìm hào hứng, và bây giờ đang chơi lò cò để thay đổi không khí.   


Trong lúc anh Toàn đang lò cò, chị Mai và tôi vẫn chú ý nhìn từng bước chân của anh để bắt lỗi. Chúng tôi chỉ chờ khi thấy mép chân hay ngón chân anh hơi chạm vào vạch phấn vẽ ô lò cò là sẽ không cho anh đi nữa. Nhưng anh nhảy thật khéo. Cử động thân người nhịp nhàng và thăng bằng. Bàn chân anh ít khi nào lệch qua một bên. Khi anh đi được hết bảy ô lò cò, thì chỉ còn phải làm một động tác nữa trước khi “cất nhà”. Anh thảy hòn chàm quá ra ngoài phía trên hai ô số 6 và số 7 một khoảng trống. Chị Mai đi đến gần hòn chàm nhìn rồi nói:


- Trên, dưới, bằng, ngang, dọc.


Đó là mệnh lệnh của người đang chờ, chưa tới lượt chơi, được quyền ra lệnh cho người đang chơi phải thi hành. Tùy theo vị trí hòn chàm nằm ở đâu so với vạch phấn của ô trên cùng mà đưa mệnh lệnh. Mệnh lệnh của chị Mai đưa ra là đòi hỏi khó nhất, bắt người chủ hòn chàm phải thực hiện đến năm động tác nhảy quanh hòn chàm, mà không được chạm chân vào vạch phấn hay hòn chàm. Anh Toàn nghe chị Mai nói xong liền co chân nhảy ngay. Từ ô số 1 anh nhảy cò nhanh đến ô số 6 và 7 xong anh búng hai chân nhảy vượt qua hòn chàm. Vừa hạ chân xuống, anh nhảy lui về đằng sau, nhảy ngang và sau hết, anh nhảy bắt chéo hình chữ thập hai lần hai bên hòn chàm. Nhờ khéo tay thảy hòn chàm rơi xuống ở điểm thuận lợi, anh đã thi hành điều đòi hỏi một cách ngon lành. Bây giờ đến lúc anh “cất nhà”. Anh đứng xoay người lại rồi tung hòn chàm qua khỏi đầu. Anh không gặp may, hòn chàm không rơi hẳn vào ô nào mà nằm giữa đường vạch phấn của hai ô. Như vậy anh phải tạm đứng chơi bên ngoài, chờ chị Mai và tôi đi xong rồi mới được “cất nhà” lại. Chị Mai cầm hòn chàm của chị và chuẩn bị thảy vào ô số 1.


Chị Mai tuy là con gái nhưng tính tình và cử chỉ lại như con trai. Người chị lúc nào cũng gầy như que củi, vậy mà mấy đứa bạn trai gái hàng xóm không đứa nào dám trêu chọc chị. Có lần thằng Tí con bà Năm, một đứa tiếng là hay nghịch ngợm phá phách, không biết vô tình hay cố ý, đá trái banh nhựa lăn trúng ngay chân chị, lúc chị đang chơi nhảy dây, làm chị nhảy sai nhịp phải ra ngoài. Chị đã nổi giận, xắn quần xắn áo, cãi nhau với nó một trận, cho đến lúc người lớn phải ra can. Mẹ tôi thường nói: “Con này lớn lên đi đánh giặc được”. Và mẹ cắt tóc cho chị theo kiểu “đờ-mi gạc-sông”, làm chị trông càng giống con trai hơn.


Nhìn chị Mai nhảy, tôi biết tôi không phải chờ lâu mới đến lượt so với những lần tôi phải đi sau anh Toàn. Không phải vì chị nhảy dở, mà vì một phần chị không chịu để ý lắm đến những điều lệ nhỏ nhặt của môn chơi, và cũng vì phần khác, không nỡ để tôi phải đợi lâu hơn, khi chị đã đạt đến một điểm mức kha khá trong lần nhảy của chị. Tuy vậy, tôi vẫn chú ý theo dõi chị để bắt lỗi. Chị Mai đã lò cò xong năm ô và đang đứng thảy hòn chàm vào ô thứ sáu. Khi tay chị vừa vung ra thì anh Toàn kêu lên:


- Mai bị rồi, chân chạm phấn kìa.


Chị Mai và tôi cùng nhìn xuống, thì ra lúc đứng ở đầu bàn lò cò, chị không để ý, hai ngón chân trỏ và ngón giữa bên phải của chị đã lấn vào vạch phấn vẽ ô số 1. Chính tôi dù đang để ý những cử động của chị, cũng không kịp nhận ra lỗi đó. Biết là đã phạm luật chơi nhưng chị vẫn cãi trong lúc kéo rụt bàn chân về phía sau:


- Đâu có!


- Rõ ràng Mai chạm phấn rồi. Có Quang làm chứng nhé. - Anh Toàn không chịu tha.


Vì cũng đang nóng lòng đợi đến phiên mình nên tôi được dịp về phe với anh Toàn:


- Đúng rồi! chị Mai chỉ mới rụt chân lại thôi. Lúc nãy, ngón chân chị chạm phấn rồi.


Biết không cãi lại hai cái miệng, chị chấp nhận nhường cho tôi đi. Chị đặt hòn chàm của chị vào ô số 6 rồi ra ngoài đứng.


Tôi thảy hòn chàm vào ô số 1 và bắt đầu nhún chân phải, lóng nga lóng ngóng nhảy. Đã bảo tôi là thằng con trai nhảy lò cò thuộc loại dở mà. Chị Mai lúc nãy bảo là tôi nhảy không vụng như chơi giải gianh, banh đũa là vì chị không muốn cho tôi được đi hai lần như anh Toàn đề nghị, sợ tôi có thể lấn lướt hơn chị thôi. Bảo tôi bắn bi, đánh đáo, tạt lon, đá bóng thì tôi chắc chắn chơi hay hơn chị và một số bạn trong xóm, chứ nhảy lò cò thì tôi thua xa anh Toàn với chị. Đứng một chân, tôi còn nghiêng ngả như người say rượu, nói gì đến chuyện phải vừa cò một chân, cúi xuống, nhặt hòn chàm nữa. Vì thế, trong lúc tôi đang nhảy, anh Toàn không để ý gì mấy. Chỉ có chị Mai theo dõi nhìn theo những động tác loi choi của tôi, thỉnh thoảng nói vài câu bâng quơ với anh. Tôi hiểu cả hai anh chị đều biết là thế nào chỉ một hai phút thôi là tôi cũng phạm lỗi. Mà có khi lỗi rất nặng, rõ rành rành ra đó, không cãi vào đâu được. Quả nhiên y như rằng. Khi cúi xuống, cố với tay nhặt hòn chàm, nằm sát vạch vôi phía xa của ô số 3, trong lúc cò một chân ở ô số 4, ngón chân tôi đã đạp lấn vào vạch phấn vẽ đến nửa đốt, và không những thế, vì mất thăng bằng, tôi còn ngã lăn chiêng ra, quần áo dính đầy bụi phấn và bụi đất. Anh Toàn chỉ nhún vai nhoẻn miệng, còn chị Mai không nén được tiếng cười khanh khách. Anh lấy phấn vẽ lại những chỗ bị mờ rồi cầm hòn chàm của tôi đặt vào giữa ô số 4. Anh đã giúp ăn gian hộ tôi một ô cò, trong khi tôi lo phủi bụi trên người đằng trước, chị Mai giúp phủi cho tôi đằng sau. Tôi được đi tiếp thêm một lần nữa như đã thoả thuận. Đang sắp sửa cúi xuống nhặt hòn chàm ở ô số 4 trên đường nhảy cò về, thì bỗng chị Mai kêu to:


- Ơ, không được! Quang chưa đi hết ô số 3 mà. Phải đi lại ô số 3 đã chứ.


Tôi không nghe lời chị, cứ tiếp tục nhặt hòn chàm rồi cò ra ngoài.


- Không được, em phải đi lại ô số 3. - Chị Mai chưa chịu tha, chị hơi to tiếng.


Tiếc công đã cò xong ô số 4, tôi cãi chày cãi cối, tin rằng sẽ có anh Toàn về phe tôi:


- Em bị ngã ở ngay ô số 3 trên đường về thì coi như đã cò xong ô số 3 rồi. Với lại em được đi thêm một lần thì phải được bỏ qua lỗi ở lần trước, giống như thảy chàm không trúng ô, thì trước khi ra, được đặt hòn chàm vào ô đó vậy. Tại chị không bắt lỗi ngay thì chị phải chịu.


Chị Mai chưa kịp nói gì thì anh Toàn đã lên tiếng ngay:


- Thôi, cứ cho Quang nó đi tiếp đi. Mai nhảy hay hơn Quang mà.


- Ừ.., thì đi tiếp đi. Cấm ăn gian nữa đó nghe. - Chị Mai ngúng nguẩy đưa ngón tay trỏ lên dứ dứ về phía tôi kèm với lời cảnh cáo.


Tôi hí hửng đứng thảy hòn chàm vào ô số 5. Xui cho tôi, hòn chàm đi hơi quá. Nó không rơi vào trong ô mà trượt ra ngoài vạch phấn trên. Chị Mai khoái chí ra mặt, reo lên ngay:


- Thấy chưa! Ăn gian nó giàn ra đấy, biết ngay mà.


Tôi tiu nghỉu, nhặt hòn chàm đặt vào ô số 5 rồi ra ngoài đứng. Cuộc chơi lại tiếp tục đến phiên anh Toàn. Anh cất được nhà ở ô số 2 và dần về sau, ô số 4, trong lúc chị Mai cất được nhà ở ô số 5 và sắp cất thêm nhà thứ nhì, còn tôi thì vẫn “vô gia cư”, vì cất mãi mà hòn chàm cứ rơi ra ngoài hoặc rơi đúng vào nhà của người khác. Khi tôi đã có vẻ chán trò chơi vì càng về sau, khi đã có nhà được cất lên của người khác, nhảy cò càng khó hơn nhiều, thì cũng vừa lúc có tiếng gọi của mẹ tôi:


- Toàn, Mai, Quang, vào rửa chân tay mặt mũi, ăn chè này.


Tôi vội quăng ngay hòn chàm, chạy vào nhà. Chị Mai gượm lại chưa vào ngay, trong lúc anh Toàn còn đang cò những ô còn lại.


Vào trong nhà, tôi thấy bác Giao và mẹ cùng cô Hồng đang ngồi trên “đi-văng” nói chuyện, tay mỗi người cầm một bát chè đậu đen và cái thìa nhôm. Mẹ tôi nói:


- Con đi rửa tay chân mặt mũi rồi lấy một bát trên bàn mà ăn. Nguội rồi đấy. Bảo anh Toàn với chị Mai nữa.


Tôi ngóng ra sân gọi to một lần cho anh Toàn và chị Mai hay, rồi đi ngay lại cái bàn gỗ tròn gần đó, là nơi cả nhà vẫn ăn cơm trưa và tối, lấy một bát chè với cái thìa. Tôi vừa dợm bước đi thì mẹ tôi đã gọi giật lại:


- Này! mẹ đã bảo phải rửa tay trước khi ăn mà sao không nghe. Muốn bị ốm rồi đi ông Đức tiêm thuốc hả?


 Chị Mai và anh Toàn vừa vào tới, thấy tôi chạy ra sàn nước cũng ra theo. Tôi rửa ráy qua loa cho có lệ rồi chạy ngay vào cầm một bát chè, được múc đầy hơn những bát khác, với cái thìa. Tôi  nghe tiếng bác Giao:


- Cháu  Quang nó chóng nhớn nhỉ. Mới ngày nào mà bây giờ đã cao gần bằng thằng Toàn rồi.


-Thằng này nó dễ ăn chị ạ, cứ cơm trộn chảo một bát to đầy là xong. Chỉ cái ham chơi với ở bẩn lắm, thỉnh thoảng lại giở sốt ra phải lôi đi khám bệnh. -Tiếng mẹ tôi nói về tôi.


- Ấy! Nó thế mà được việc lắm. Không có nó thì không biết nhờ ai. - Cô Hồng vừa đặt bát chè đã ăn xong xuống mặt “đi-văng” vừa góp ý.


Cô Hồng là em kế của mẹ tôi. Cô không lập gia đình, người gầy xương, nay đau mai ốm.  Cô ăn kiêng, tu tại gia, và ở chung nhà với bố mẹ tôi. Tuy là em của mẹ nhưng chúng tôi không gọi là dì mà gọi là cô. Bà Ngoại tôi sinh ra năm người con gái, không có con trai. Chỉ có bác Chánh Hội ở lại ngoài Bắc. Bốn người di cư vào Nam năm 54 là bác Thi, bác Giao, mẹ tôi và cô Hồng. Bác Thi nhà ở tận Phú Nhuận, tôi ít được đến thăm. Các anh chị con của bác đều đã lớn, thỉnh thoảng có đến chơi thì hay nói chuyện với bố mẹ tôi, cô Hồng hoặc chị Vân, anh Minh, là chị cả và anh hai thôi, ít khi nào nói đến chị Mai và tôi.


Nghe mẹ tôi và cô Hồng nói, tôi thấy ngượng, vội giục anh Toàn và chị Mai đem bát chè ra ngoài chái nhà, chỗ giàn hoa thiên lý ngồi ăn. Tiếng ba người lớn nói chuyện còn vang vọng nhưng tôi không nghe rõ, loáng thoáng hình như cũng là chuyện về ba đứa chúng tôi.


Nhà tôi có giàn hoa thiên lý ở chái nhà vừa để có bóng mát, vừa để lấy hoa và lá nấu canh ăn thay rau. Đến mùa ra hoa nhiều, mùi hương tỏa ra thơm khắp nhà. Dưới giàn thiên lý, có để một băng ghế gỗ. Anh Toàn ngồi một đầu, chị Mai ngồi đầu kia, còn tôi ngồi giữa. Cả ba cái miệng cùng xùy xụp, vừa múc vừa húp, những thìa nước và hạt đậu đen óng, thơm tho và ngọt lịm.


- Đã thật. Chơi lò cò xong, mệt mà được ăn chè đậu đen đường cát thế này thì nhất rồi. - Anh Toàn nói, sau khi vừa nuốt xong một ngụm to cuối cùng.


- Anh Toàn, ăn xong mình chơi làm nhà rồi bán đồ hàng đi. - Tôi nhìn anh gợi ý khi cũng vừa húp xong bát chè trên tay.


- Chơi bán đồ hàng thì được, nhưng làm nhà không được đâu. Lần trước chơi làm gẫy hai cái chiếu rồi, bị mẹ với cô Hồng mắng không sợ sao? - Anh Toàn lắc đầu nhắc tôi.


- Chơi bán đồ hàng mà không có nhà không thích. Hay là mình chơi nhảy dây. - Chị Mai quay sang đề nghị.


- Thôi, em không chơi nhảy dây đâu. Em nhảy dở lắm. Phải quay dây hoài. - Tôi phản đối vì đã có kinh nghiệm đứng quay dây mỏi cả tay cho người khác nhảy mà mình thì mới vào lọng cọng, cà tưng, cà tưng vài lần đã đạp lên cả dây, dù được cho đứng sẵn ở vị trí nhảy, chứ không phải chạy vào lúc dây đang quay.


- Hay là chơi banh đũa. - Chị Mai lại đề nghị.


-Banh đũa cũng không được. Chị với anh Toàn chơi giỏi hơn em nhiều. - Tôi vẫn không chấp nhận, mặt phụng phịu.


- Cái gì cũng không chịu. Vậy thích chơi cái gì. - Chị Mai hơi to tiếng.


- Em thích chơi bắn bi. Anh Toàn chơi bắn bi nhe. - Tôi trả lời chị dù biết thế nào chị cũng phản đối.


- Bắn bi thì anh Toàn với Quang chơi đi, chị không chơi. Chị không biết bắn bi. - Chị Mai ngúng ngoẳng nói.


- Tại chị không chịu tập. Em chỉ chị hoài mà mới bắn được vài lần chị đã nản rồi.


- Chỉ gì sao bắn mãi không trúng. Bắn gì phải dùng hai tay khó quá à.


- Tại chị chưa quen. Phải tập cho nhiều vào. Bắn hai tay theo kiểu người Nam nó mới mạnh. Chị biết chị Hường nhà thằng Hưng, chị ấy bắn bi giỏi lắm. Tụi em chơi bắn bi với chị ấy, bị chị ấy “hầm” hoài chứ đâu.


- Ai bì được với nó. Thôi, đã nói rồi, không bắn bi là không bắn bi.


- Thôi, hay là mình tạm chơi “Xỉa cá mè đè cá chép” đi đã. - Anh Toàn vội xua tay giảng hoà.


- Ừ, chơi “Xỉa cá mè đè cá chép”. - Cả chị Mai và tôi cùng đồng ý.


Anh Toàn bảo chị Mai và tôi đặt bát, thìa đã ăn xong sang một bên rồi nói:


- Ngồi lại đàng hoàng nghe. Xếp chân cho đều.


Anh bắt đầu vừa đọc to chữ đầu tiên trong bài vè “Xỉa cá mè đè cá chép”, vừa dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải chấm vào đầu gối ngoài cùng của mình, rồi cứ  đọc mỗi chữ trong bài, ngón tay anh lại nhảy sang chấm vào đầu gối bên cạnh, khi đến cái đầu gối cuối cùng là đầu gối bên phải của chị Mai, thì chấm giật lùi trở lại:


“Xỉa cá mè, đè cá chép,
Chân anh nào đẹp thì đi buôn men
Chân anh nào đen, thì ở nhà làm chó, làm mèo.”


Trong trò chơi này, khi chân người nào bị chấm và đọc trùng với chữ “chó” hay “mèo” là phải làm dấu bằng cách duỗi thẳng ra, để người đọc vè không cần phải chấm ngón tay vào nữa. Sau khi đọc hết một bài, thì đã biết chân ai phải “làm chó” và “làm mèo”. Người có nhiệm vụ đọc sẽ tiếp tục đọc lại bài vè và chấm đầu gối những cái chân còn lại cho đến khi chỉ còn một cái chân cuối cùng không phải làm chó hoặc mèo. Người có cái chân đó là người thắng cuộc, tức là được “làm người”. Nếu đã chơi quen, nhất là khi chỉ còn vài cái đầu gối, ai tinh ý sẽ biết trước chân người nào bị chấm “làm chó”, “làm mèo” và ai được “làm người”, vì bài vè và cách chạm tay không thay đổi. Trò chơi này sẽ được lâu và vui hơn nếu có nhiều người chơi. Nhưng tạm thời, để giải quyết sự bất đồng ý kiến của chị em tôi trong việc chọn một trò chơi chung, anh Toàn đã dùng nó để kéo dài thời gian suy nghĩ.


Chị Mai và tôi hồi hộp, thích thú theo dõi ngón tay anh Toàn lên xuống nhịp nhàng di chuyển qua từng cái đầu gối. Sau khi đọc và chấm tay vào sáu đầu gối hết ba bài vè, không biết anh Toàn có chủ ý để cho tôi thắng hay không, mà cuối cùng, tôi là người có cái đầu gối “sạch sẽ” nhất, tức là được “làm người”. Tôi reo lên:


- A, em thắng rồi nha. Hoan hô! Anh Toàn phải kêu vừa “gâu gâu” vừa “meo meo”, còn chị Mai phải kêu “meo meo”


Người thắng có quyền bắt người bị “làm chó”, “làm mèo” phải giả vờ kêu lên như tiếng của chó mèo, hay làm vài cử động tượng trưng chỉ để cho vui. Thường thì người thua không thực hiện những mệnh lệnh đó, và người thắng cũng chẳng bắt bẻ gì lâu. Trò chơi chỉ cốt mang lại vài phút giây vui vẻ, cho qua thì giờ.


Tôi còn đang muốn bắt anh Toàn và chị Mai phải thực hiện một điều gì khác, nếu không chịu làm như thông lệ thì anh nói:


- Hay là bây giờ mình chơi nhảy cao đi. Quang nhảy cao cũng giỏi phải không?


- Ừ, mình chơi nhảy cao đi. - Chị Mai vui vẻ đồng ý.


- Ừ, chơi nhảy cao cũng được. - Tôi chấp thuận vì môn này tôi không dở lắm. Vả lại chẳng biết tìm trò chơi nào thích hợp cho cả ba.


- Nhà mình có dây cao su không nhỉ. - Anh Toàn hỏi.


- Chắc không có. Mấy hôm trước em tính mua về thắt nhưng chưa kịp. - Chị Mai trả lời.


- Mình dùng chân, tay chồng lên cũng được. - Tôi mau miệng dù biết rằng tôi không nói anh Toàn và chị Mai cũng đã biết.


- Ừ, đúng rồi. Thôi để cất bát đi rồi ra sân. - Anh Toàn giục.


Tôi chạy ngay ra sân trước, chờ sẵn ở chỗ mọi khi vẫn hay dùng để chơi nhảy cao, quên cả đi dép. Theo bước chân chạy, hình như có tiếng bác Giao nói gì với anh Toàn tôi nghe không rõ. Chị Mai và anh Toàn ra đến nơi, nét mặt cả hai không được vui. Anh xuống giọng:


- Mình chơi một lúc nữa thôi. Anh sắp phải đi về.


- Ủa, sao tuần này bác với anh ở chơi nhanh quá vậy? Tuần trước bác ở đến chiều mà. -Tôi ngạc nhiên hỏi, mặt đã xìu xuống.


- Hay anh Toàn xin bác cho ở lại về sau đi. Chiều về cũng được. - Chị Mai nài nỉ.


- Anh xin rồi mà không được. - Anh buồn buồn đáp.


- Để em xin mẹ nói với bác cho anh ở lại nghe. - Tôi đưa ý kiến.


Tôi dám đưa ra đề nghị trên là vì tôi biết mẹ tôi hay chiều tôi, vì tôi là con út lúc bấy giờ, mặc dầu khi cần sai bảo việc gì, mẹ cũng sai bảo ra trò. Đã có lần không biết vì gấp chuyện gì, bác Giao bắt anh Toàn phải về trong lúc chúng tôi đang chơi dở dang một trò chơi hấp dẫn. Tôi đã một điều năn nỉ bác không được, quay sang mẹ tôi, tôi mè nheo, giận dỗi, đòi mẹ tôi phải nói với bác Giao cho anh Toàn ở lại. Hôm đó, chắc vì tội nghiệp tôi, bác đã chịu để anh ở nhà bố mẹ tôi còn bác đón xích lô đạp về trước. Đến chiều thì có anh Chung tới chở anh về bằng xe đạp.


- Ừ, hay Quang hỏi mẹ xem có xin cho anh ở lại được không. - Anh Toàn đáp, nét mặt lộ vẻ hy vọng.


Tôi chạy ngay vào trong nhà thì thấy bác Giao còn ngồi trên “đi-văng” đang ăn trầu, mẹ tôi đang xếp mấy loại bánh trái vào trong giỏ lưới. Cô Hồng đi đâu không biết. Tôi níu lấy tay áo mẹ, giở giọng đau khổ:


- Mẹ, mẹ nói với bác cho anh Toàn ở lại chơi với tụi con đi, chiều hẵng về.


Mẹ tôi còn đang do dự, tôi lại thiểu não nói tiếp:


- Mẹ, tụi con mới chơi có một chút à. Sao bác và anh về sớm vậy?


Ý chừng cũng tội nghiệp cho tôi, mẹ tôi quay sang bác Giao nói:


- Hay chị để Toàn nó ở lại chơi với thằng Quang, con Mai, đến chiều em đón xích lô cho cháu về.


Bác Giao ngưng nhai trầu, ghé nhổ một chút nước trầu đỏ tươi, qua hàm răng đen nhánh, vào cái ống nhổ ở bên cạnh rồi nói:


- Lần trước nó đã ở lại đến tối rồi. Chỉ sợ nó lại quen thói rồi không bảo được. Với lại chị muốn cho nó về sớm còn học bài. Sang năm là thi đệ Thất rồi.


Sợ mẹ tôi đổi ý nghe theo lời bác, tôi quay sang bác, nói:


- Thưa bác, bác cho anh Toàn ở lại ăn cơm trưa xong hẵng về. Chiều nay học bài cũng được.


Mẹ tôi cũng thêm vào giúp tôi:


- Phải đấy, thôi chị với cháu cứ ở chơi, xơi cơm xong rồi về. Có việc gì đâu mà phải vội. Để em bảo cô Hồng lấy quyển “an-bum” cho chị xem, ảnh đi thăm Lăng Ông với Sở Thú vừa rồi. À, có cái bưu-thiếp nữa. Tứ nó gửi, cũng như lần trước thôi, nó nói chị Chánh không được khỏe.


- Ừ, thôi cũng được, nhưng đừng bày vẽ gì nhá. À, Quang này, cháu với Mai và Toàn chơi vừa vừa thôi rồi còn vào phụ mẹ nhá.


Hình như mẹ tôi còn dặn với theo tôi chuyện gì đó, nhưng chỉ cần nghe bác Giao nói vừa xong, là tôi đã chạy ngay ra sân báo tin mừng cho anh Toàn và chị Mai. Nhưng tôi không phải đi xa, hai anh chị đã ngấp nghé ngoài cửa nghe biết hết sự việc. Chúng tôi vui vẻ tiếp tục trò chơi nhảy cao. Ba đứa lại tay trắng tay đen, xem ai được làm người nhảy trước tiên. Để không mất thì giờ, chúng tôi không hát nguyên bài mà chỉ đọc bốn câu “tay trắng, tay đen”. Lần này, chị Mai được nhảy trước. Tôi bảo anh Toàn và tôi dùng kiểu quyết định nhanh chóng xem ai nhảy nhì, bằng câu nói ba tiếng: “Sái xìn sầm”, theo lối mấy đứa trẻ người Tàu trong hẻm sau nhà hay dùng, để thay cho kiểu “oẳn tù tì…” quen thuộc. Nhưng anh nói:


- Quang nhảy nhì đi, để anh nhảy chót cho.


- Ơ, anh Toàn không “sái xìn sầm à”? - Tôi ngạc nhiên hỏi, nhưng chợt hiểu, có lẽ anh muốn nhường cho tôi nhảy trước nên không cần trải qua thủ tục phân định nhì, ba làm gì.


- Ừ. Thôi mình xếp rào đi, cho chị Mai nhảy.


Anh Toàn và tôi ngồi xuống hai bên đối diện, hai tay đưa ra đằng sau chống xuống đất, mỗi người đưa một chân ra. Bàn chân anh để tựa gót dưới đất, hướng mấy ngón chân lên trời. Bàn chân tôi đặt gót lên ngón chân anh và cũng hướng lên trời. Trong lúc đó, chị Mai đã đứng ngay gần đó chuẩn bị. Anh nói:


- Xong rồi, Mai nhảy đi.


Chị Mai không cần lấy đà. Chị bước đến rồi nhún chân nhảy qua nhẹ nhàng. Chị quay về chỗ cũ, lui lại vài bước đứng chờ. Anh Toàn đưa chân còn lại tựa gót lên ngón chân đang dựng đứng của tôi. Rào cản bây giờ bằng chiều cao của ba bàn chân. Tôi nói:


- Chị Mai nhảy đi.


Chị vẫn không cần lấy đà. Chị chỉ chạy vừa nhanh và khi đến nơi, chị nhún người nhảy qua không có gì khó khăn. Bây giờ, tôi đưa gót chân còn lại của mình gác lên mấy ngón chân đang nhúc nhích của anh Toàn, người ưỡn ra đàng sau, hai bàn tay chống xuống đất. Rào cản được làm bằng bốn bàn chân đựng đứng lên nhau đã có vẻ đủ cao để tạo sự chú ý cho người sắp nhảy. Chị Mai không cần đợi giục. Chị nói to vọng tới:


- Cẩn thận, đừng làm đổ nghe. Tránh người ra nghe.


Chị hơi lấy đà rồi chạy nhanh tới, phóng người qua. Một luồng không khí phả vào anh Toàn và tôi, hai chân chị không chạm vào chân anh em tôi. Chị lại nhảy trót lọt. Quay lại gần, chị đứng nhìn anh Toàn đang với đưa bàn tay trái, để ngón cái lên đầu ngón chân giữa của tôi, gang bàn tay ra, hướng mấy ngón tay lên trời. Rào cản đã cao thêm một nấc. Chị Mai đến sát, đưa tay ướm thử mức cao của rào so với thân người chị. Từ mức này trở đi, chị phải cẩn thận và cần lấy đà vì chiều cao đã đáng kể. Thường thì chị sẽ nhảy vượt qua được, không khó. Nhưng cũng có lúc vì sơ ý, chân chị vướng nhẹ vào mấy ngón tay anh Toàn và như thế là phạm luật, phải ngồi làm rào cản, đổi chỗ cho người thứ nhì nhảy. Chị nói:


- Giữ cho vững nghe. Anh Toàn đừng ăn gian nhấc tay lên à nghe.


Anh Toàn cười đáp trả:


- Ai thèm ăn gian. Nhớ đừng có đạp lên tay người ta đó.


Chị đếm từng bước chân sải dài trên mặt đất kể từ chỗ dự định sẽ nhảy, ngược trở về điểm xuất phát, xong quay lại chuẩn bị.Tôi thấy chị xăn lại cạp quần, đứng chân trước chân sau, nghiêng người về đằng trước, mắt đăm đăm nhìn cái rào cản làm bằng chân và tay của anh Toàn và tôi, rồi co tay nhún người, chạy nhanh đến. Những tiếng kêu “thịch, thịch, thịch…” phát ra theo bước chân chạy. Khi chị đến gần, tôi nhắm mắt lại, tập trung tinh thần giữ cho hai chân không nghiêng đổ. Chắc anh Toàn cũng hồi hộp như tôi. Trước đó, tôi thấy anh đã cố gắng nghiêng đầu ra đằng sau, ý chừng để phòng xa lỡ chân chị Mai có vô tình chạm, đá phải đầu hay mặt không. Anh còn có nhiệm vụ phải để ý xem chân chị Mai có chạm vào cánh tay hoặc mấy ngón tay anh không. Một luồng gió tạt qua cái ào. Không cảm thấy bàn tay anh Toàn đang dựng trên đầu ngón chân tôi chuyển động, và cũng không nghe anh hô hoán lên gì, tôi mở mắt ra, biết là chị Mai đã vượt rào thành công. Nét mặt chị vui vẻ, xốc lại áo quần rồi đến gần rào xem tôi và anh Toàn xếp lại rào vì sau một lúc, cả hai đã mỏi, buông thả hết tay chân sau khi chị vừa nhảy qua. Chị giục:


- Rồi, xếp lại nhanh lên đi.


Cái rào bằng chân tay người lại được dựng lên. Lần này có thêm bàn tay trái của tôi trên bàn tay trái anh Toàn nữa. Vì phải dùng đến hai bàn chân và một bàn tay để làm rào, chỉ còn tay phải để chống người ra đằng sau nên thế thăng bằng của tôi rất chênh vênh. Chị Mai nhìn luớt qua, dặn tôi phải cố giữ vững, rồi chạy lại điểm xuất phát như lúc nãy, xắn ống quần lên nhiều lớp cho bớt vướng, và bắt đầu chạy trở lại ngay. Với mức rào cản cao thế này, chị Mai có cơ hội một ăn một thua. Khi chị chạy đến đúng chỗ và đang nhảy lên thì bỗng dưng con mèo mướp nhà hàng xóm bị con Tắc-Ki, là con chó trắng nhà tôi nuôi, đuổi chạy ngang qua phía ngoài, chỗ anh Toàn và tôi ngồi, tức là gần chỗ sau khi nhảy chị sẽ hạ chân xuống. Chắc hốt hoảng vì sợ sẽ đáp trúng hai con vật này, chân chị hạ thấp hơn bình thường và kéo cả bàn tay tôi trợt xuống theo. Vừa đứng thẳng lên, chị đã bực mình nói:


- Mấy cái con nỡm này làm mình hết hồn.


- Chị Mai chạm tay rồi nhe. Đến lượt em. - Tôi reo lên trong lúc đứng ngay dậy.


Chị Mai không nói gì. Chị ngồi xuống, thế chỗ tôi để làm rào cản.


Tôi nhảy cao không đến nỗi dở, có lẽ tại tôi không béo và chân tôi lại dài hơn so với tuổi. Trong xóm hoặc ở trường, tôi vẫn thường chơi trò chơi này với chúng bạn. Có đứa nhảy giỏi đến độ hai tên ngồi xếp rào cản đã dùng hết cả bốn chân, bốn tay, tức là rào cao đến ngực, mà nó vẫn nhảy qua được. Khi đó muốn cho cao hơn nữa, phải nhờ một đứa đứng ngoài đưa thêm một bàn tay vào. Ngược lại, có thằng ục ịch quá, mới ba hoặc bốn bàn chân rào là đã đá hất cả chân người ta, có khi còn ngã lăn ra nữa. Với tôi, tôi có thể nhảy bằng hoặc chỉ kém chị Mai chút đỉnh thôi. Riêng anh Toàn, tôi biết anh nhảy cao rất khá. Anh nhảy có điều giỏi hơn hai chị em tôi nữa. Nhưng thường anh không cố gắng hơn, dù có thể, khi đã nhảy qua mức rào bốn chân, hai tay.


Khi tôi khởi sự nhảy ở giai đoạn rào bốn chân, hai tay, anh Toàn nhắc tôi:


- Quang lấy đà xa hơn một chút nhé. Nhảy mạnh vào. Nhảy được lần này là hơn chị Mai đó.


Tôi ít khi nào nhảy qua được hạng rào này. Trong hầu hết các lần, chân tôi sẽ chạm vào bàn tay hoặc cánh tay người ngồi làm rào. Tôi thấy bàn tay trái của anh Toàn đưa ra để trên cùng của rào. Tôi nói to trước khi chạy:


- Anh Toàn, chị Mai giữ yên nghe. Đừng nhúc nhích nghe.


Tôi hít một hơi đầy phổi, nín thở, chạy thật nhanh, mắt nhìn chăm chú vào mấy ngón tay trên cùng rào của anh Toàn đang giương thẳng đứng lên trời. Khi vừa đến điểm nhảy, tôi dùng hết sức, bật thật mạnh bàn chân phải đang đặt dưới đất cho người bung lên. Vào đúng giây phút đó, mắt tôi thoáng thấy những ngón tay của anh Toàn hình như có hơi cụp xuống, không còn giương thẳng như lúc tôi còn đang chạy. Chân trái tôi đang từ đằng sau co lên thật cao, cùng với thân người đang nhấc bổng, rồi đưa ngay ra trước cùng với chân phải đỡ thân mình hạ xuống dưới đất. Khi cả người tôi còn ở trên không, tôi đã có cảm giác ngón chân cái chạm lướt qua mấy ngón tay anh Toàn. Không biết chị Mai có nhìn thấy không. Không thấy chị nói gì ngay lúc đó. Có lẽ chị nhắm mắt khi tôi phóng mình qua. Riêng anh Toàn thì reo lên liền:


- A, hoan hô. Quang nhảy qua được rồi. Giỏi hơn Mai rồi nhe.


Tôi hơi bẽn lẽn im lặng. Tôi biết anh Toàn đã lén chị Mai, ngầm giúp tôi vượt rào cản ở mức cao hơn chị lúc nãy. Đáng lẽ tôi phải nói ra sự thật, nhưng bởi tôi còn nhỏ, còn ham tranh giành sự hơn thua, dù không chính đáng, nên tôi đã không lên tiếng. Nhưng chị Mai thì không yên. Chị biểu lộ sự nghi ngờ ngay:


- Anh Toàn có giả vờ giúp nó không đấy. Em quên mất. Đáng lẽ em phải để tay trên cùng mới phải.


- Anh giả vờ làm gì? Quang nó nhảy qua không chạm tay thật mà.


- Em không tin. Hình như tay anh hơi nghiêng qua thì phải. Quang nó phải nhảy lại. Lần này làm rào em để tay trên cùng.


Sợ phải nhảy lại, tôi vội thoái thác:


- Thôi, em không nhảy lại đâu. Để em ngồi làm rào cho. Đến lượt anh Toàn nhảy.


- Quang còn được nhảy tiếp mà. Đâu đã xong. Anh Toàn khuyến khích tôi.


- Thôi. Em nhảy nữa là chạm tay thôi. Thôi anh Toàn ra nhảy đi. - Tôi một mực không chịu nhảy nữa, vì biết là dù có nhảy lại hoặc nhảy tiếp vào mức rào cao hơn, thì chắc chắn tôi sẽ không qua nổi, có khi còn làm trò cười cho anh và chị Mai nữa.


Cả ba anh chị em chúng tôi còn đang dằng co, chưa phân định, thì có tiếng bác Giao đứng ở đầu chái nhà nhìn ra:


- Mấy đứa chơi vui đáo để nhỉ. Thôi nghỉ đi một tí. Toàn, con vào mợ bảo cái này.


Anh Toàn vội tách ra, chạy lại ngay chỗ bác đứng. Chị Mai và tôi đang ngồi chuẩn bị làm rào cũng đứng dậy, mặt xịu xuống. Theo kinh nghiệm, khi chúng tôi đã chơi với nhau được khá lâu, người lớn thường hay tìm những lý do để bắt chúng tôi không được chơi nữa. Thường thì không hạch hỏi chuyện ở bẩn, gây ồn ào, xáo trộn đồ đạc, cũng là việc bắt phải đi học bài, làm bài hay phụ làm cơm, quét dọn, lau chùi nhà cửa, chạy đi mua đồng tiêu, đồng tỏi… Đối với tôi, chả bao giờ tôi được người lớn để yên mà chơi đùa thỏa thích theo ý của mình. Quả y như thế. Anh Toàn và bác Giao còn đang đứng nói chuyện với nhau thì đã nghe mẹ tôi gọi vọng ra:


- Mai, Quang vào mẹ nhờ cái này.


Tôi đoán là thế nào mẹ tôi cũng bảo chị Mai phụ mẹ làm cơm, còn tôi thì sẽ phải cầm tiền ra hàng bà Hiến mua cái gì đây. Khi hai chị em tôi vào trong nhà, mẹ tôi đang đứng ở cửa. Mẹ nói một hơi:


- Mai, con xuống bếp nhặt rau muống, rồi bỏ vào rổ rửa cho mẹ, xong bóc sẵn mấy củ tỏi. Còn Quang, chạy ra chợ mua cho mẹ một đồng hành khô, hai đồng ngũ vị hương, ba đồng bột ngọt. Mua ở hàng bà Hiến mọi khi ấy. Nói với bà ta là bột ngũ vị hương để ướp thịt nghe không. Nhớ nói là con của bà Kiên nghe chưa.  Nhớ đừng mua ở hàng khác, người ta bán mắc mà không phải thứ ngon. Đâu, lập lại xem đã nhớ chưa.


Mẹ tôi đưa cho tôi tờ năm đồng và tờ hai đồng, bắt phải bỏ cẩn thận vào túi, lập lại những gì mẹ cần mua, cần nói, rồi dặn thêm:


- Còn một đồng cho con ăn quà. Nhớ về ngay để mẹ làm cơm.


- Mẹ, con rủ anh Toàn đi theo nghe mẹ. - Tôi đề nghị cho có lệ, biết rằng thế nào mẹ cũng đồng ý.


- Ừ, con ra hỏi bác Giao với anh Toàn rồi đi nhanh lên.


Tôi vội chạy ngay đến chỗ anh và bác, lúc đó đang đứng nhìn giàn hoa thiên lý.


- Bác, bác cho anh Toàn đi ra chợ với cháu nghe bác.


- Ừ, Toàn đi với Quang cho vui. - Bác Giao vui vẻ chấp thuận ngay. Bác biết hễ lần nào bác với anh Toàn xuống nhà bố mẹ tôi chơi là tôi cứ xoắn lấy anh, quên hết mọi việc. Người bác gầy gầy, cao cao. Bác hay quấn khăn nhung đen trên đầu. Tính bác hiền hòa, vui vẻ, dễ dãi, chịu khổ, chịu khó và rất thương con, mến cháu. Bố mẹ tôi, cô Hồng cùng tất cả anh chị em chúng tôi đều quý trọng bác. Tôi thấy bác lấy trong túi áo ra cái gì, hình như là tiền, đưa cho anh Toàn, nói nhỏ mấy câu, rồi giục chúng tôi ra đi. Khi ra gần đến cửa sau, bỗng có tiếng cô Hồng từ lối vào trong phòng gọi to:


- Này Toàn, Quang, cho cô gửi mua hộ cô nải chuối tây. Các cháu cầm cái giỏ ny-lông này mà đựng.


Cô Hồng đi nhanh đến, đưa cho anh Toàn cái giỏ lưới với tiền và dặn thêm: “Cháu mua ở ngay bên cạnh hàng bà Hiến, Quang nó biết đấy. Người ta để chuối ở trong nhà nhiều lắm. Nói là mua cho bà Hồng, em bà Kiên, bảo người ta chọn cho nải nào gần chín, quả không to lắm, đừng có giập, khoảng bảy tám đồng thôi nhé. Nhớ cầm cẩn thận.


Anh Toàn và tôi ra ngoài đường rồi, mà mẹ tôi còn nói với theo:


- Nhớ đừng đi chơi đâu, mua xong về ngay nhé.


Tôi kéo anh Toàn đi nhanh ra con hẻm sau nhà rồi hướng về phía chợ. Miệng tôi cứ phải lẩm nhẩm những điều mẹ dặn, sợ quên những thứ cần mua hay mua không đúng số tiền. Để chắc ăn, tôi đọc lại cho anh Toàn nghe để anh nhớ thêm giùm tôi.


 Mẹ tôi đi chợ hàng ngày, có khi một ngày đi hai lần mà tôi không hiểu tại sao mẹ vẫn thường sai tôi hay chị Mai ra chợ hoặc tiệm tạp hóa gần nhà mua đủ thứ lặt vặt. Lúc thì nửa cân đường, một lạng mỡ, mấy quả trứng, lúc thì bó rau húng, rau răm, hay đồng hành, đồng tỏi, ngũ vị hương…Có lẽ khi ở chợ, mẹ đã quên mất những món phụ mà chỉ bận tâm với thức ăn chính thôi. Hoặc mẹ chẳng cần mua một lúc nhiều những món phụ làm gì. Mẹ nghĩ ở nhà có trẻ con để sai bảo, hễ cần mua thêm thứ gì thì chợ không xa, tiệm tạp hóa cũng ngay gần nhà, cứ việc đưa tiền cho chúng nó chạy đi mua, một công hai việc, vừa bắt chúng nó làm cho quen, vừa hạn chế chúng nó la cà nhà hàng xóm, hay rong chơi ngoài đường.


Từ nhà đến chợ cũng gần, đi bộ nhanh chừng năm sáu phút. Anh Toàn và tôi vừa đi vừa nói chuyện một thoáng đã đến. Tôi vào hàng bà Hiến, cũng là nhà ở của bà bên cạnh chợ, mua những thứ mẹ dặn. Bà Hiến người tầm thước, gương mặt phúc hậu. Bà cũng vấn khăn nhung đen như bác Giao nhưng trông bà trẻ hơn bác. Đối với tôi thì bà đã nhẵn mặt. Tôi đâu cần phải lập lại những lời mẹ dặn quá cẩn thận để bà biết tôi là ai nữa. Giữa bà với mẹ tôi có tình thân quen biết ra sao tôi chẳng rõ, mà hễ cần mua những thứ gia vị cho việc làm cơm, là mẹ sai tôi đến bà ấy trước. Bà đưa cái gì tôi cầm cái đó, có biết phân biệt ngon với dở, rẻ với mắc, đúng với sai ra sao. Tôi cứ việc mua rồi cầm về là xong nhiệm vụ. Cả bà bán chuối bên cạnh, tuy ít phải mua hàng của bà nhưng hễ nhìn thấy tôi là bà biết con cái nhà ai rồi. Trong khi tôi chờ bà Hiến gói những thứ muốn mua thì anh Toàn vào nhà bên cạnh mua chuối cho cô Hồng. Mua xong, tôi cùng anh Toàn ra về. Lúc quay ra, tôi nghe hình như bà Hiến và bà hàng xóm bán chuối đang nói chuyện gì về hai anh em chúng tôi đằng sau lưng. Và cũng hình như có một ánh mắt long lanh của con bé con bà Hiến, học cùng trường với tôi, đang nhìn theo anh Toàn.


Khi đi ngang qua tiệm bán đồ chơi và đồ ăn khô của trẻ con của một người Tàu ở đầu chợ, tôi rủ anh ghé vào. Tôi nói:


- Mình vào đây xem mấy cái bảng đồ chơi rút thăm này anh Toàn.


- Ừ, nhưng nhanh thôi nhé.


- Cái này rút số năm cắc một lần, trúng độc đắc được cái súng trường bắn nút cao su kìa.


- Nhưng dễ gì trúng. May ra trúng mấy cái đồ nhựa ở dưới thôi.


- Có lần em trúng được cái súng bắn nước.


- Nhưng Quang phải rút nhiều lần rồi mới trúng phải không?


- Ừ, em rút… ba đồng.


Tôi đã nói dối anh Toàn, vì thật ra tôi đã tốn đến năm đồng để dành, mới rút trúng được cái súng bắn nước rẻ tiền, và một đống đồ chơi bằng nhựa nhỏ xíu không đáng kể. Thấy anh Toàn không nói gì nữa, tôi đưa một đồng cho người chủ tiệm, nói:


- Tôi rút số cái bảng này.


- Nị dút máy lầng?


- Một lần thôi.


Người chủ thối lại tôi năm cắc, rồi lấy tấm bìa có treo đầy những thứ đồ chơi từ đắt đến rẻ tiền xuống, cho tôi rút lấy một miếng giấy nhỏ trong xấp giấy gắn bên dưới. Tôi đưa miếng giấy lên nhìn: số 25. Chiếu theo con số 25 trên bảng, món đồ chơi tôi được lấy  là một con gà bằng nhựa mỏng, chỉ to độ ngón tay cái của tôi. Tôi thất vọng định dùng nốt năm mươi xu còn lại rút thêm một lần nữa nhưng anh Toàn đã ngăn tôi lại. Anh nói nhỏ:


- Quang rút nữa cũng chỉ trúng mấy cái không đáng thôi. Họ làm ra cái trò này để moi tiền trẻ con tụi mình đó. Thôi mình đi về đi, không có ở nhà mẹ với cô Hồng mong.


Tôi còn do dự nhưng nghe anh nói thế, nên lấy năm cắc ra mua được hai quả trám dầm, là thứ tôi thường hay mua. Hình như anh Toàn định ngăn cản tôi lần nữa nhưng lại thôi. Tôi mời anh một quả rồi vừa đi, vừa ăn, vừa nói chuyện về những món đồ chơi mà cả hai đều thích. Ra khỏi đầu chợ là ngã ba, tại đó có một xe bán kem, anh ngừng lại bảo tôi:


- Chờ anh một chút.


Anh Toàn mua hai cái kem bánh quế. Anh đưa cho tôi một cái:


- Quang ăn kem này, bỏ cái quả trám đi. Thứ đó họ tẩm đường hóa học, ăn độc đấy.


Ở vào tuổi tôi hồi ấy, tôi có biết đường hóa học là cái gì. Chỉ thấy các bạn mình ăn những loại quả hoặc vỏ cam vỏ quýt phơi khô, ngâm hay tẩm những thứ thuốc hay hương vị, chất liệu gì đó rất bắt mũi, bắt miệng của mấy tiệm chạp phô bán, thì cũng bắt chước ăn theo. Mà những món đó kích thích vị giác và khứu giác của trẻ con ghê lắm. Ăn một lần rồi là thấy thèm, cứ muốn ăn lại lần nữa. Đứa nào đã từng nếm qua mùi vị của những trái ô mai cam thảo, ô mai trần bì, me ngào, trám dầm… mà không thấy hấp dẫn chảy nước bọt thì một là miệng lưỡi của nó có vấn đề, hai là nó phải có bản lĩnh ghê gớm lắm mới chống lại được sự mời gọi quyến rũ đó. Sợ tôi còn luyến tiếc nửa quả trám đang ăn giở, anh Toàn giựt nó ra khỏi tay tôi rồi nói:


- Đừng tiếc, anh ăn một miếng xong cũng vất đi rồi, đúng là đường hóa học. Anh Hoàng bảo người ta phân tích thấy ở trong mấy cái đồ ăn khô của trẻ con do người Tàu làm, toàn đường hóa học, lại bẩn và có nhiều chất độc lắm. Mình không nên ăn nữa.


Tôi ngẩn ngơ nghe anh nói. Không lẽ những món đồ ăn nhỏ bé, ngon đến chảy nước miếng như thế lại chứa cả độc chất sao? Mà sao người ta lại nỡ làm như vậy cho trẻ con ăn?


Về đến nhà đã nghe mẹ tôi trách:


- Sao đi lâu thế, có mua đủ những thứ mẹ dặn không đấy. Lại dúi vào chỗ nào chứ gì?


- Cô cám ơn hai cháu nhé, nhất là Toàn. Hai cháu lấy hai quả chuối chín rồi này mà ăn. Cháu mua nải chuối này ngon lắm - Cô Hồng vừa đưa cho hai anh em tôi mỗi người một quả chuối tây đã chín, từ cái nải chuối gần hết của cô, vừa  khen anh Toàn, khi anh lấy nải chuối từ cái giỏ lưới ra và tiền còn thừa đưa cho cô.


- Cháu chỉ nói với bà bán hàng là mua cho cô thôi, chứ không phải cháu chọn đâu cô ạ. -Anh thành thật đáp lời cô.


- Ừ, bà hàng chuối ấy biết nhà mình. Bà ấy cùng làng Lam Cầu với nhà mình đấy. Bà ấy cũng tốt lắm. Của đáng tội, ngày xưa… Thôi, các cháu ra chơi đi.


Không biết cô Hồng còn định nói gì nữa, nhưng tự nhiên cô cắt ngang. Cô nhìn nải chuối với vẻ hài lòng rồi chậm rãi đi vào phòng. Dáng cô mảnh khảnh, tương phản hẳn với những quả chuối tây vừa tròn vừa to mây mẩy đang nằm trĩu nặng trên cánh tay gầy guộc.


Trong lúc chị Mai phụ mẹ làm cơm, tôi và anh Toàn được tự do bày trò chơi bắn bi rồi giải gianh. Bắn bi thì anh Toàn không giỏi bằng tôi. Anh chỉ biết bắn theo kiểu miền Bắc, dùng có một tay, để hòn bi vào giữa ba ngón cái, trỏ và giữa. Kiểu này sức bắn ra không mạnh và chính xác như kiểu miền Nam, là kiểu bắn bi thông dụng thời đó mà tôi đã cố chỉ cho chị Mai tập bắn nhưng chị không chịu kiên nhẫn tập. Tôi quen lê la khắp xóm trên, xóm dưới, chơi bắn bi tối ngày, nên với lối bắn hai tay quá quen thuộc, tôi dễ dàng bắt anh phải bị “hầm” mấy lần. Tuy vậy, khi chơi giải gianh, tôi là người “ngồi giương mắt ếch” nhìn anh biểu diễn. Với bàn tay nhanh nhẹn, linh hoạt và mềm dẻo, anh rải, tung, chộp, bắt những viên sỏi, khi thì trong lòng hoặc trên sống lưng bàn tay, khi thì ở dưới đất theo đúng những thể lệ của trò chơi. Trong các anh chị em của cả hai gia đình, anh là người chơi giải gianh hay nhất.     


Anh em chúng tôi được thả cho chơi đến tận giờ ăn trưa. Bữa cơm hôm ấy không có món ăn đặc biệt khác những bữa cơm bình thường. Cũng chỉ thịt sườn “cốt-lết” chiên, rau muống xào tỏi và canh rau đay tôm khô với mướp hương, nhưng chúng tôi ăn thật ngon miệng. Sau bữa cơm, bác Giao và anh Toàn từ giã ra về. Mẹ tôi tiễn chân bác ra tận ngoài lề đường nhựa đón xe xích-lô đạp. Chị Mai và tôi đứng cạnh anh quyến luyến không muốn rời. Tôi nhắc anh tuần sau nhớ xin bác cho xuống chơi. Khi vẫy được xe, trả giá xong, anh lên xe ngồi ghé bên cạnh bác. Mẹ tôi đặt giỏ cam vào chỗ để chân và túi bánh lên lòng anh bảo anh giữ lấy. Xe chuyển bánh, bác và anh còn quay lại vẫy vẫy cánh tay. Mẹ và hai chị em tôi đứng trông theo cho đến khi bóng chiếc xích-lô mờ khuất trong dòng xe cộ ngược xuôi.


Quang Dương
10/2011