Tản Mạn Về Chữ Bạch

Tiếng Việt mình có chữ “Bạch” nghe cũng hay hay. Đây là chữ có gốc từ tiếng Hán, thường ở vị trí tĩnh từ với nghĩa phổ thông là trắng, là rõ ràng, cũng có khi là sạch sẽ, sáng sủa, trống trơn, được dùng trong khá nhiều trường hợp (xin xem phần sau). Với nghĩa bóng, “bạch” hàm ý liêm khiết như khi đi với chữ “thanh” thành “thanh bạch”, hoặc để phân định rõ ràng chính, tà như trong câu nói cửa miệng, “Hắc bạch phân minh”.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:

          Thân lươn bao quản lấm đầu
          Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa

Lòng trinh bạch chỉ trinh tiết của người phụ nữ. Thật đáng thương cho thân phận một tiểu thư khuê các cành vàng lá ngọc bỗng chốc bị vùi dập dưới bàn tay thô bạo của mụ Tú Bà đanh ác. Kiều bị đánh đau đến nỗi phải van lạy và hứa với Tú Bà rằng từ giờ trở đi không còn dám nghĩ đến chuyện tiết trinh trong trắng của mình nữa.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu trong bài thơ "Cảm Thu Tiễn Thu"cũng dùng chữ “bạch” để chỉ sự trong sáng lồ lộ của vầng trăng Thu:
     
          Từ vào thu đến nay
          Gió thu hiu hắt
          Sương thu lạnh
          Trăng thu bạch
          Khói thu xây thành

          Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
          Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly


Khi “Bạch” đứng một mình thì có thể là tên riêng của một người như anh Bạch, chị Bạch, ông Nguyễn Văn Bạch,  Lê Thị Bạch, hay Lý Bạch, thi sĩ nổi tiếng bên Tàu v..v… hoặc chung với một chữ khác cho văn vẻ hơn có thể là địa danh, như xã Bạch Ngọc (Hà Giang), làng Bạch Tr, làng Bạch Nao, phường Bạch Mai , hồ Trúc Bạch (Hà Nội), rừng Bạch Mã (Huế) hay Thái Bạch, tên một ngôi sao trong tử vi Đông phương chỉ vận hạn xấu mất tiền của, sức khoẻ suy yếu (Thái Bạch sạch bách cửa nhà), hoặc Bạch Đằng Giang (Hải Phòng) là một con sông nổi danh trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, chứng kiến 3 trận thủy chiến lẫy lừng đánh bại giặc bành trướng phương Bắc.

 “Bạch” cũng được dùng trong lời thưa gửi một cách trân trọng của một Phật tử với một nhà sư như: “Bạch Thầy”, “Bạch Hòa thượng”, hoặc một cách tôn kính của đệ tử thưa với Đức Phật khi Ngài còn tại thế: “Kính bạch Đức Thế Tôn”. “Bạch” có khi đi với chữ khác thành động từ kép như "bạch hóa" là làm rõ một điều gì ra cho mọi người cùng biết, hay “bộc bạch”, “biện bạch” là dùng lời lẽ để tỏ lộ, phân trần chuyện gì đó.
 
Ngoài việc chỉ tên người, "Bạch" còn là một họ. Người Việt mình họ Bạch không phổ biến như những họ Lê, Lý, Nguyễn, Trần. Vào thời nhà Đinh khởi nghiệp, có các ông Bạch Tượng, Bạch Địa là tướng theo giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân. Đời Vua Trần Thánh Tông có ông Bạch Liêu đỗ trạng nguyên. Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có ông Bạch Thái Bưởi là một nhà tư sản kinh doanh nổi tiếng đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước nhà.
 Bên Tàu thì có Bạch Khởi, tướng nước Tần lừng danh thời Chiến Quốc, có công lớn trong việc đánh bại các nước chư hầu khác, 
đồng thời cũng nổi tiếng là hiếu sát, giúp vua Tần thống nhất Trung Quốc. Bạch Cư Dị, thi hào nổi tiếng đời Đường, tác giả bài thơ "Tì Bà Hành" với hai câu mở đầu nghe đã não lòng:


          Tầm Dương giang đầu dạ tống khách

          Phong diệp địch hoa thu sắt sắt

 Phan Huy Thực dịch:

          Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
          Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu

Nhân vật nữ người Việt được nhiều người trong giới mộ điệu cải lương biết đến là Bạch Thu Hà. Nhân vật này đã đi vào lịch sử với tuồng cải lương Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà của soạn giả Viễn Châu. Đây là chuyện tình có thật, Võ Đông Sơ là con trai của danh tướng Võ Tánh xuất thân ở đất Gò Công còn Bạch Thu Hà là con gái quan tổng trấn Tây Thành. Hai người yêu nhau, mối tình đẹp và nhiều tình tiết như trong truyện Lục Vân Tiên nhưng kết cuộc bi thảm. Những câu vọng cổ trong tuồng như:

Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, đường dài mịt mùng em không đến nơi… Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành vĩnh viễn chia tay Bạch Thu Hà…

 đã đi sâu vào lòng người mộ điệu.

Còn “bạch” mà dùng làm tên lót hay tên hiệu, bút danh thì khá nhiều vì bạch là trắng, dễ gợi cho người ta nghĩ đến sự sạch sẽ, tinh khiết, thanh cao. Thí dụ như Bạch Lan hoa lan trắng. Bạch Liên hoa sen trắng hay thấy ở chùa. Bên Tàu có Bạch Liên giáo đứng đầu là Bạch Liên giáo chủ. Một giáo phái hoạt động mạnh vào thời nhà Minh và nhà Thanh quy tụ dân nghèo, đã từng thực hiện cuộc khởi nghĩa có vũ trang gọi là Cuộc khởi nghĩa Bạch Liên giáo từ năm 1796 đến 1804 chống lại triều đình nhà Thanh. Bạch Phượng chim phượng trắng. Bạch Tuyết tuyết đã trắng rồi còn thêm bạch nữa càng trắng hơn. Bạch Long rồng trắng....
Ngẫm ra, các loại hoa có màu trắng cũng có thể gắn cho chữ “bạch” đằng trước như bạch mai, bạch cúc, bạch hồng, bạch huệ, bạch hải đường toàn tên đẹp, vừa đẹp vừa trong trắng, tha hồ cho các bà các cô lựa chọn làm tên của mình. Bạch hồng ngoài nghĩa hoa hồng trắng còn có nghĩa là cầu vồng trắng sẽ đề cập tới ở phần sau. Nhắc đến bạch hải đường lại nhớ đến tuồng cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường do Hùng Cường và Ngọc Giàu thủ vai hai diễn viên chính. Tuồng này hình như lấy ý từ một truyện phim của Tàu trong đó có tên cướp chuyên để lại một bông hoa hải đường trắng trên thi thể nạn nhân hay tại hiện trường để cho người ta biết hắn là thủ phạm. Ngoài ra không biết có bạch ti-gôn, bạch dâm bụt, bạch  mười giờ, bạch vạn thọ, bạch thược dược, bạch mồng gà không?


Về cây quả thì có bạch lê cành lê trắng, tên của nghệ sĩ Bạch Lê đây. Bạch dương cây dương liễu trắng, nhớ câu thơ trong Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du:

          Hàng bạch dương bóng chiều man mác
          Dặm đường lê lác đác sương sa
          Lòng nào lòng chẳng thiết tha
          Cõi dương còn thế nữa là cõi âm
         
Nhưng bạch dương cũng là tên gọi của chòm sao Bạch dương (Aries) - con cừu trắng - một trong 12 chòm sao (cung) trong hoàng đạo theo khoa chiêm tinh Tây phương. Bạch đàn, cây khuynh diệp Eucalyptus cung cấp nguyên liệu cho dầu khuynh diệp. Bạch quả, cây Gingkgo biloba có lá hình cái quạt, hạt để ăn chè dẻo dẻo, lá dùng làm thuốc. Bạch mao là lông trắng nhưng Bạch mao căn lại là rễ cỏ tranh, một món thuốc Nam giải sốt lợi tiểu bà con ta ai cũng xài qua. Bạch hoa xà thiệt thảo, cây thuốc tr ung nhọt, thường dùng chung với Bán chi liên. Còn nhiều loại cây cỏ thuốc Nam với chữ bạch ở đầu như bạch chỉ, bạch thược, bạch truật, bạch linh, bạch biển đậu, bạch giới tử, bạch đồng nữ… nghe mà nhức cái đầu nhưng thật ra chỉ là những cây cỏ thông thường.

Sang các sinh vật thì cứ động vật nào màu trắng cũng dùng chữ “bạch” được hết. Như bạch tuộc, con này nhỏ thì mình xơi chứ gặp con lớn thì coi chừng, lạng quạng mình đang bơi nó xơi mình. Dân nhậu răng khỏe khoái xơi bạch tuộc xào, nấu, nướng, ngay cả gỏi tái dấm, chứ dân cơm nhà quà bà xã tiền ông xã thì ít dám đụng đũa vì nó dai nhanh nhách, không ngon như mực. (Ở đây phải mở dấu ngoặc thắc mắc là tại sao con mực trông trắng thế lại không gọi là con bạch? Lại chỉ vì trong người nó có chứa chút mực để tự vệ khi cần mà người ta lấy luôn chữ mực để gọi nó!). Bạch sư  sư tử trắng, bạch hùng gấu trắng chắc chỉ có ở bắc cực, bạch long rồng trắng, con này từ huyền thoại mà ra, sánh đôi với bạch phượng thành “rồng bay phượng múa”. Học trò nào viết chữ đẹp chắc nhớ bốn từ này vì được khen tặng cho hoài, thường là con gái thôi. Các cô cũng thích cặp rồng phượng vì rồng phượng biểu hiện cho hạnh phúc lứa đôi. Nói đến bạch long nhớ Bạch Long Vĩ, một đảo ở miền Bắc VN gần Bái tử long và Hạ Long, thắng cảnh ngoài khơi Hải Phòng. Bạch ưng chim ưng lông trắng, là tên gọi của một phi đội máy bay chiến đấu F-15J của Nhật (White Eagle). Cũng nhớ đến nhân vật Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính, một trong tứ đại pháp vương của Minh Giáo trong truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký tức Cô Gái Đồ Long. Ông này có môn võ công Ưng Trảo Cầm Nã Thủ vô cùng lợi hại. Nhân nói đến tên nhân vật trong truyện kiếm hiệp, có thể kể thêm Tây Độc Âu Dương Phong, chủ nhân Bạch Đà sơn ở Tây vực trong Anh Hùng Xạ Điêu Thần Điêu Đại Hiệp. Thư Bạch Phụng, mẹ của Đoàn Dự trong Lục Mạch thần kiếm. Những truyện kiếm hiệp vừa đề cập đều do Kim Dung trước tác. Trở lại Bạch yến, nhớ truyện thiếu nhi Con Chim Bạch Yến dễ thương của nhà văn nhà giáo Bùi Quang Kim hồi trước 75. Bạch âu con chim hải âu trắng. Lý Bạch có bài thơ "Giang thượng ngâm" trong đó có 4 câu:

          Tiên nhân hữu đãi thừa hoàng hạc
          Hải khách vô tâm tùy bạch âu
          Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt
          Sở vương đài tạ không sơn khâu

Giáo sư Trần Huy Bích dịch:

          Tiên thanh thản, hạc vàng cánh rộng
          Khách ung dung theo bóng bạch âu
          Chói cao văn Khuất truyền lâu
          Điện đài vua Sở chìm sâu lớp gò          


Rồi Bạch thử chuột trắng
, bạch miêu mèo trắng, bạch thố thỏ trắng, bạch kê gà trắng, bạch cẩu chó trắng, bạch hầu khỉ trắng, nhưng cũng để chỉ chứng bệnh bạch hầu ở trẻ em khá nguy hiểm. Bạch cầu hay bạch huyết cầu, con này nhỏ xíu nhưng quan trọng hết sức, ai không may bị bệnh bạch cầu, cancer máu thì khó sống. Bạch tượng là voi trắng, quý hiếm, được huấn luyện và dùng trong các nghi lễ. Có câu chuyện về tiền thân Phật Thích Ca khi còn là vua Đại Quang Minh với con voi trắng đã khiến nhà vua khai ngộ, phát tâm tu đạo sau thành Phật. Bạch câu con ngựa màu trắng khỏe mạnh chạy nhanh. Ý nói về thời gian ngày tháng qua nhanh như trong câu "Bạch câu quá khích" bóng ngựa trắng lướt qua khung cửa. Bạch mã cũng là ngựa trắng hay ngựa bạch được coi là ngựa quý. Có loại cây cảnh mang tên bạch mã hoàng tử, nghe sang quá nhưng trông giống như cây vạn niên thanh thôi, cũng có thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ở Huế và truyện kiếm hiệp Bạch mã khiếu Tây phong của Kim Dung.

Trong một bài hát có tên là “Nhớ” của Châu Kỳ - Tố Như có những câu thật đầy thi vị và cảm xúc:

          Bạch mã bên thành nhớ trạng nguyên,
          Chế Bồng Nga nhớ gót chinh yên
          Mị Nương nhớ sáo Trương Chi lắm
          Trăng nhớ hoàng hôn, anh nhớ em

Còn trong bài thơ “Xóm Ngự Viên”, thi sĩ Nguyễn Bính viết:

          Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
          Là đây hoa cỏ giống vườn tiên
          Gót sen nhẹ bước lầu tôn nữ
          Ngựa bạch buông chùng áo trạng nguyên

 Đọc mê quá, muốn trở về thời xưa làm học trò đi thi đỗ trạng nguyên cưới công chúa. Bạch xà, nhớ truyện và cải lương “Thanh xà Bạch xà”, hai con rắn xanh và trắng tu luyện thành hai cô gái đẹp. Đám trẻ con mê quá xá, vừa coi vừa la hét rần trời vì có đấu phép thuật hô phong hoán vũ sấm chớp ầm ầm. Bạch hạc tiên phong đạo cốt, nhưng ai mà được ví như bạch hạc thì cũng hơi buồn vì biết mình sắp cưỡi hạc về trời rồi. Bạch hổ được thờ như thần, là một trong Tứ tượng Long Ly Quy Phụng của triết học, thiên văn, phong thủy phương Đông gồm Thanh long (rồng xanh) chủ phương Đông, Bạch hổ (cọp trắng) chủ phương Tây, Chu tước (phượng đỏ) chủ phương Nam, Huyền vũ (rùa đen) chủ phương Bắc. Bạch viên vượn trắng, nhớ tuồng cải lương Bạch Viên Tôn Các vào khoảng năm 1972, cũng đấu phép thuật ào ào ầm ầm. Bạch Viên là vượn trắng tu thành tinh, thành cô gái da trắng đẹp hút hồn, kết duyên cùng chàng thư sinh Tôn Các, sinh con đẻ cái đề huề, nhưng bị bạn của Tôn Các, vốn là đạo sư tên là Nhàn Vân, vì biết Bạch Viên là vượn thành tinh nên muốn cứu Tôn Các mà ra tay đánh phá.


Về người thì có Bạch Công Tử là biệt danh của Lê Công Phước (1901-1950), một tay ăn chơi nhà giàu nổi tiếng thời thập niên 1920, 1930, xem tiền như rác, rất mê cải lương của miền Nam, đứng ngang hàng với Hắc Công Tử Trần Trinh Huy. Bạch diện mặt trắng, người không phải ra mưa ra nắng, làm lụng vất vả, cũng là chân yếu tay mềm. Bởi vậy bạch diện thư sinh thường trói gà không chặt, chuyên dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, tối ngày giả bộ cầm quyển sách cho có lệ, lấy lý do đang sôi kinh nấu sử để được miễn tạp dịch, cơm nước có người khác lo. Bạch quỷ ghê quá, con quỷ trắng, chữ này ngày xưa thời vua Minh Mạng để chỉ người Tây phương vì  thời đó dân mình kỳ thị người Tây phương ra mặt. Họ cũng được gọi là bạch chủng, giống dân da trắng. Bạch đầu là đầu trắng, ý nói tóc bạc trắng trên đầu, cũng có nghĩa là già rồi. Nhớ hai câu thơ chót trong bài thơ "Tiêu hồn hải đường" của Triệu Diễm Tuyết:

           Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, 

           Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

Có phải là được cái này thì phải mất cái kia? Tài giỏi hoặc đẹp đẽ hơn người thì hay bạc mệnh?

Bạch hào là lông xoáy giữa hai chân mày. Theo kinh điển Phật giáo thì đó là một trong 32 tướng tốt của Đức Phật. Bài k
 “Tán Phật A-Di-Đà” có câu:

          Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di
          Cám mục trừng thanh tứ đại hải

Bạch xỉ răng trắng, nhiều người mất tiền tẩy răng để được răng trắng cười toe khoe thiên hạ. Bạch xỉ xuất hiện trong dân gian dưới câu sấm được cho là của cụ Trạng Trình: “Bạch Xỉ sinh thiên hạ bình” ý nói khi có người răng trắng (hay là một người tên là Bạch Xi?) ra đời thì thiên hạ thái bình. Đó là hồi xưa khi người ta ai cũng nhuộm răng đen chứ bây giờ phải nói ngược lại. Bạch Xỉ cũng là tên hiệu của anh hùng kháng Pháp Đoàn Chí Tuân, tức Đoàn Đức Mậu (1855-1897) người tỉnh Quảng Bình, chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp tới cùng, sa cơ bị bắt không hàng giặc và chết trong tù. 

Bạch tạng, bạch biến,
 chứng bệnh làm trắng da thành từng khoang, có khi loang ra toàn cơ thể thường do di truyền. Người già cũng hay bị bệnh này ở cổ và tay. Bạch bì bì bạch lại là da trắng mà trắng đẹp, là điều mong muốn của các bà các cô. Nhớ giai thoại da trắng vỗ bì bạch, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm hạ gục Trạng Quỳnh bằng cách ra vế đối: “Da trắng vỗ bì bạch”. Trạng nhà ta bí không đối được nên đành quê quá, chịu thua, không dám đòi xem nữ sĩ tắm nữa. May mà nữ sĩ da trắng nên bà nghĩ ra câu đối đó chứ nếu da đen thì vỗ làm sao? Chẳng lẽ “da đen vỗ đèn đẹt”? Rồi tới bạch tu, ông nào râu trắng thì tốt, trông tiên phong đạo cốt, mùa Giáng Sinh có thể đóng vai ông già Noel khỏi cần đeo râu, còn bạch mi lông mày lông mi trắng thì không ham, bị người ta đưa lên bàn thờ cúng làm thần bạch mi cho cái nghề xưa như trái đất của phụ nữ thì thiểu đức lắm mà cũng tội cho những ai phải làm nghề đó. 

Bạch nhãn
 là mắt trắng chỉ sự không vừa ý, coi thường, lấy từ sự tích “thanh nhãn bạch nhãn” hay “mắt xanh mắt trắng”. Nguyên ông Nguyễn Tịch đời nhà Tấn, một trong “Trúc lâm thất hiền” , có cặp mắt đặc biệt, khi tiếp ai là người quân tử, vừa ý mình thì nhìn bằng tròng mắt xanh đậm còn khách mà là kẻ tầm thường, không vừa lòng thì nhìn với tròng mắt trắng. Bởi vậy nói “lọt mắt xanh” là được ai đó chấp nhận. Mắt màu trắng cũng không phải là điều đáng được ưa thích vì người ta hay nói “mắt đen lay láy” là để khen mắt đẹp mà “mắt trắng dã” là để chê. Hy Văn tiên sinh Nguyễn Công Trứ cũng có một bài hát nói tựa là “Đời đáng chán”, trong đó có một câu nhắc đến chuyện mắt xanh mắt trắng:

          Đời đáng chán hay không đáng chán
          Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm
          Giá khuynh thành nhất tiếu thiên kim
          Mắt xanh trắng đổi nhầm bao khách tục   

Rồi có bạch đinh không phải cây đinh trắng mà chỉ người dân thường ngày xưa, không địa vị chức tước gì, như phó thường dân bây giờ, chịu thiệt thòi sưu cao thuế nặng, o ép đủ mọi mặt. Bạch đinh cũng chỉ người người không biết chữ. Bài “Lậu thất minh” của Lưu Vũ Tích đời Đường có câu đàm tiếu hữu hồng nho, vãng lai vô bạch đinh nghĩa nôm na là: Cười nói có người học cao biết rộng, qua lại không có người dốt chữ.

Tới Bạch thủ là tay trắng hay trắng tay, cả hai cái này không ham, tay trắng là không có tiền mà trắng tay là tiền vừa văng khỏi tay sau khi được thằng bần trịnh trọng gọi bằng bác. Nhớ câu tục ngữ "Cờ bạc là bác thằng bần". Nhưng Bạch thủ, Bạch thủ chi  Bạch định cũng là tên gọi các kiểu "ù" ăn khá tiền trong môn giải trí Tổ tôm và Chắn. Đại khái Bạch thủ đòi hỏi bài ù phải có 6 chắn 4 cạ. Bạch thủ chi khi chờ và ù đúng quân bài "Chi chi". Bạch định là khi bài ù toàn quân màu đen. Cách tính bài thật sự còn nhiêu khê, chi tiết hơn. Ngoài ra hình như bên VN có kiểu chơi xổ số kêu là “bạch thủ” không biết cách chơi làm sao? Nghe bảo chỉ chơi một ván thôi, được ăn cả ngã về không.

Bạch cốt xương trắng nghe ghê quá, nhớ đến Cửu Âm Bạch Cốt Trảo một chưởng pháp thuộc bộ Cửu Âm Chân Kinh trong truyện kiếm hiệp Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung chuyên dùng ngón tay để vồ, chụp, cào, xỉa.
 Ai mê coi phim kiếm hiệp chắc không bỏ qua phim Anh Hùng Xạ Điêu này. Bạch cốt tinh con yêu tinh xương trắng, thấy ớn quá, nhưng khi yêu tinh dùng phép biến thành cô gái đẹp tuyệt trần để mê hoặc Đường Tăng thì đến nhà sư Tam Tạng cũng mê mẩn cả người. May nhờ có Tôn Ngộ Không phép thuật đầy mình, nhìn  rõ chân tướng của yêu tinh, ra tay giải cứu Thầy đến 3 lần. Phim “Tây Du Ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” có Củng Lợi đóng vai Bạch Cốt Tinh đã trình chiếu vào dịp tết 2016. Rồi có cả phim “Bạch phát ma nữ”, hiệp nữ Phạm Băng Băng đa tình tóc bạc trắng chỉ sau một đêm vì… thất tình! (Sao nghe giống truyện Ngũ Tử Tư quá). Hình như phim này không được thành công lắm. 


Sang 
đến đồ vật thì cũng không thiếu các món có chữ bạch đằng trước như bạch tuyết là tuyết trắng như đã đề cập ở trên. Bên Tàu có 10 bản nhạc được mệnh danh là "Trung quốc Thập đại danh khúc" (10 bản nhạc lừng danh), trong đó có bản Dương Xuân Bạch Tuyết diễn tả khung cảnh cuối mùa đông đầu mùa xuân của thiên nhiên trời đất cây cỏ vạn vật.  Cũng nhớ ngay truyện trẻ em “Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn” không đứa con nít nào mà không biết. Khi Bạch Tuyết được hoàng tử cứu sống rước lên ngựa phóng đi mất, mấy chú lùn thẫn thờ nhìn theo khóc như mưa, thở dài thườn thượt. Không biết có chú nào sau đó bỏ nghề đào mỏ kim cương mà trở thành thi sĩ không? Bạch kim, bạch ngọc, bạch phấn, bạch nhũ các bà các cô chắc rành mấy thứ này lắm. Bạch thổ đất sét trắng, dùng làm đồ gốm. Bạch lạp nến trắng dùng trong nhà thờ hay đám tang. Bạch nhật ngày trắng tức ban ngày, trời đã sáng rõ. Có câu "trời sáng bạch rồi mà còn ngủ" để chê trách người dậy trễ, hoặc  “giữa thanh thiên bạch nhật” ý nói giữa ban ngày ban mặt, trời sáng rõ, mọi người đều nhìn thấy.


Bạch hồng ngoài nghĩa hoa hồng trắng còn có nghĩa là cầu vồng (hay còn gọi là mống) màu trắng. Một hiện tượng thiên nhiên hiếm khi xảy ra. Thường cầu vồng có 7 màu, nếu chỉ có một màu trắng là khi các hạt nước tập trung trong không khí trở nên quá nhỏ, nhỏ như sương, không đủ tác dụng khúc xạ mà chỉ làm nhiễu xạ ánh sáng mặt trời khiến các màu phát ra rất nhạt, nhìn như màu trắng. Tục ngữ có câu "Mống vàng thời nắng, mống trắng thời mưa". Không rõ có phải muốn nói đến bạch hồng với chữ mống trắng không? Trong tập thơ chữ Hán Bắc Hành Tạp Lục, thi hào Nguyễn Du cũng nhắc đến bạch hồng trong bài thơ tựa là "Kinh Kha cố lý" (Quê cũ của Kinh Kha):


          Bạch hồng quán nhật thiên man man

          Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn
          Ca thanh khảng khái kim thanh liệt
          Kinh Kha tòng thử nhập Tần quan

Bạch lộ sương trắng là một trong 24 tiết khí theo lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, bắt đầu từ ngày 7 hay 8 đến ngày 23 hay 24 tháng 9. Tiết Bạch lộ nằm giữa tiết Xử thử và tiết Thu phân . Bạch Hải hay Biển Trắng, là cái vịnh nhỏ ở bờ biển Barents miền Tây bắc nước Nga. Bạch Mộc Lương Tử là tên dãy núi Ki Quan San (Ko Kouan Chan) nằm ở phía bắc Việt Nam, ở ranh giới của hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu và cũng là tên đỉnh núi cao nhất dãy núi này, 3.044 m (trích Wikipedia).

Bạch thuỷ nước trắng. Nghĩa bóng chỉ sự th
ờ ơ, vô cảm. Trong bài hát nói “Cánh bèo”, thi sĩ Tản Đà viết:

          Vị tất nhân tình giai bạch thuỷ
          Nhẫn tuơng tâm sự phó hàn uyên

Tạm dịch:

          Lòng người chưa chắc đều vô cảm
          Sao phải dìm nén tâm sự nơi dòng nước lạnh sâu

Bạch y 
áo trắng, thấy giống mấy tiên ông trên núi, cũng nhớ hai câu trong bài thơ “Khả thán” của Đỗ Phủ:

          Thiên thượng phù vân như bạch y
          Tu du hốt biến vi thương cẩu

Có nghĩa là mây trên trời trông đang giống cái áo trắng bỗng nhiên biến thành con chó xanh thật nhanh chóng. Nghĩa bóng việc đời thay đổi cái ào, không có gì là bền vững dài lâu. 

Bạch Ốc là Nhà Trắng, chứ không phải con ốc trắng, còn gọi là Bạch Cung. Ở Mỹ mà được dọn vào Nhà Trắng ở thì rung đùi rồi, như Obama da đen mà làm chủ Nhà Trắng mới chì. Nhưng bạch ốc cũng có nghĩa bóng là nhà nghèo, thanh bần như trong câu nói Bạch ốc xuất công khanh, ý khen ai đó xuất thân nghèo hèn mà làm nên danh phận. Bạch Dinh (Villa Blanche) là dinh thự màu trắng ở bãi trước Vũng Tàu trên sườn núi, do Pháp xây hồi cuối thế kỷ 19 theo kiến trúc Âu châu, cho Toàn quyền Paul Doumer nghỉ mát. 


Bạch vân mây trắng, cái này các thi, văn sĩ mỏi cổ nhìn hơi nhiều vì mây trắng mà bồng bềnh trên trời xanh thì trông thật hữu tình. Bạch Vân cũng là tên một ngọn đồi, một địa điểm du lịch thuộc núi Sam ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Bạch Cư Dị có bài thơ "Bạch Vân tuyền" trong đó Bạch Vân lại là tên một con suối:


          Thiên Bình sơn thượng Bạch Vân tuyền

          Vân tự vô tâm thủy tự nhàn
          Hà tất bôn xung sơn hạ khứ
          Cánh thiêm ba lãng hướng nhân gian

Tác giả có lẽ làm bài thơ vào thời bị biếm chức và đã luống tuổi. Ông tự trách mình sao không vô tâm như mây trời, nhàn tản như nước suối trên núi cao mà đi bắt chước dòng nước, đổ xuống chân núi, xông pha vào trường đời, để rồi phải gánh chịu những phiền não nhọc nhằn. 


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong bài thơ "Bài Ca Sông Dịch" đã nhắc đến bạch vân ở thể điệp ngữ:


          Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn

          Bạch vân! Bạch vân! Kìa ngang rừng phất phới
          Ôi màu tang khăn áo lũ người Yên

Lời thơ khơi gợi hình ảnh những vầng mây trắng trên trời hòa nhập với màu trắng tang phục của trùng trùng quân binh tướng soái nước Yên. Tất cả để nói lên cảnh tượng bi hùng của cuộc đưa tiễn Kinh Kha lên đường hành thích Tần Thuỷ Hoàng, một đi không trở lại:


Mây trắng cũng xuất hiện trong bài thơ "Hành Phương Nam" của Nguyễn Bính:


          Nợ tình trả chưa tròn một món

          Sòng đời thua đến trắng hai tay
          Quê nhà xa lắc xa lơ đó
          Trông lại tha hồ mây trắng bay 

Nói đến bạch vân cũng nhớ ngay Bạch Vân Cư Sĩ là tên hiệu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tức Tuyết Giang Phu Tử  (1491-1585), tác giả Sấm Trạng TrìnhBạch Vân Am Thi Tập (Hán), Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập (Nôm). Học sinh trung học mấy năm đầu thời trước 75 ai mà không thuộc bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú “Nhàn” của tiên sinh:

          Một mai một cuốc một cần câu
          Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
          Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
          Người khôn người đến chốn lao xao…

Nghĩ lại, học sinh mới lớp đệ Thất, đệ Lục ngồi trong lớp tay chân không yên, nghịch phá lung tung, ăn chưa no lo chưa tới mà bảo thơ thẩn đi tìm nơi vắng vẻ để vui thú thanh nhàn thì.. trốn học thích hơn.

Bạch bản  cái nền màu trắng, cũng là tên một quân bài. Ai mê Mạt chược thì biết quân bài này. Đó là một trong ba quân tài phao Trung, Phát, Bạch. Khi bốc trúng quân bài này, không cần nhìn, miết tay vào nó là biết ngay vì mặt quân bài này nhẵn như mặt thớt. Bạch phiến thuốc phiện gây nghiện nặng, cái này đáng sợ đây, dính vào là có ngày tán gia bại sản, thân tàn ma dại, xin tránh thật xa. Nhưng bạch phiến cũng có nghĩa là cái quạt màu trắng mềm mại dễ thương. Bạch thư là quyển sách hoặc một bản công bố nói rõ mọi điều cho tất cả mọi người đều biết, hay đi với chữ bạch hóa ở trên.

Bạch bố là vải trắng.

Bạch thoại là lời nói dễ hiểu, nói trắng ra, không cầu kỳ khó hiểu. Cũng có nghĩa là lối viết văn rõ ràng minh bạch đương thời. Trái với "văn ngôn" là lối viết cổ xưa, cô đọng, kín nghĩa, khó hiểu.

Bạch xỉ thanh mi là răng trắng mày xanh (chỉ tuổi thanh xuân).

Bạch y khanh tướng có nghĩa người tuy không có công danh chức tước nhưng địa vị so với những người quyền cao chức trọng không khác.

Bạch thủ thành gia là tay trắng làm nên sự nghiệp.

Bạch ngọc vi hà là viên ngọc trắng có một vết nhỏ, ý nói người tài giỏi, chỉ có một lỗi lầm nhỏ.


Những từ ngữ tiếng Việt hoặv Hán Việt mà có chữ “bạch” thì đại khái như trên, chắc còn nhiều nữa. Chẳng hạn như câu đố dân gian Đầu khóm trúc lưng khúc rồng sinh bạch tử hồng là cái chi chi? (con tôm), hoặc chuyện minh bạch, chè khúc bạch, ăn nói tách bạch, con vịt đi lạch bạch, lội bì bà bì bạch… Nhưng bài đã dài nên bút giả xin tạm ngừng ở đây.

Bài viết này xin được xem như một bài nhàn văn, nhằm mục đích giải trí vui vui thôi, không phải là bài tra cứu. Người viết rất mong đón nhận tôn ý của quý vị thức giả cao thâm, chỉ bảo cho những gì còn sai sót. Xin đa tạ.

Quang Dương


No comments:

Post a Comment